BẢN CÁO TRẠNG DÀI 4 GIỜ BUỘC TỘI STALIN

Chủ nhật - 05/04/2009 01:39

(NCTG) Cách đây tròn 20 năm, vào ngày 5-4-1989, chương trình “Vremya” của Đài Truyền hình Liên Xô đã đưa ra một tuyên bố đặc biệt: lần đầu tiên, khán giả Liên bang Xô-viết được thấy bản báo cáo “mật” nổi tiếng của lãnh tụ cộng sản Nikita Khrushchev tại phiên họp kín Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX (tháng 2-1956).

Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô - Ảnh tư liệu (1956)

Trong tinh thần “công khai hóa” (glasnost), tờ “Izvestia” - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô – đã đăng tải toàn văn bài phát biểu này trong số thứ Ba, năm 1989. Mang tựa đề “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó”, sự hiện diện của bản báo cáo “mật” 33 năm sau ngày nó ra đời được coi là một ví dụ mới của sự trực diện với lịch sử CNCS thế kỷ XX, cùng những đề tài “nhạy cảm”, mang tính "cấm kỵ" của nó, như Hiệp ước bất tương xâm Molotov-Ribbentrop (1939), vụ thảm sát Katyn (1940), các sự kiện ở Hungary (1956) và ở Tiệp Khắc (1968), v.v...

*

Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô khai mạc ngày 14-2-1956 tại Moscow. Khi đó, Stalin – “Người cha của các dân tộc” – đã qua đời được 3 năm và một số biện pháp đáng kể đã được tiến hành để hạn chế tệ sùng bái cá nhân gắn liền với tên tuổi ông. Tháng 7-1953, một nhóm các thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô - thuộc “ê-kíp” của Khrushchev – đã ngăn chặn Lavrenty Beria, cánh tay phải của Stalin, người đứng đầu bộ máy Nội vụ - An ninh Quốc gia, khi ông này muốn giành quyền lực tối cao. Tháng 9-1953, Nikita Khrushchev trở thành bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Trong thời gian đó, việc xem xét lại những vụ án ngụy tạo trước đây, phục hồi cho các nạn nhân của tệ bạo hành Stalinist được tiến hành từng bước, sự tập trung ở mức cao độ của hoạt động Nhà nước và Đảng Cộng sản được giảm. Tuy nhiên, hệ thống của trại tập trung (Gulag) vẫn tồn tại trên toàn thể lãnh thổ Liên Xô, trong Ban lãnh đạo thượng đỉnh Xô-viết vẫn còn sự ngự trị của các cộng sự gần gũi nhất của Stalin (Molotov, Voroshilov, Kaganovich), những kẻ đã có vai trò tích cực trong sự vận hành của bộ máy Stalinist.

Tại Đại hội XX, có sự tham dự của 1.436 đại biểu (đại diện cho 7,2 triệu đảng viên và “cảm tình đảng”), cùng 55 phái đoàn của các Đảng Cộng sản ngoại quốc. Trong 12 ngày làm việc, các đại biểu đã thảo luận và thông qua “những nguyên tắc chỉ đạo của Kế hoạch 5 năm lần thứ 6”, cũng như, đã đưa ra những luận đề mang tính “lịch sử”, theo đó CNXH đã vượt khỏi khuôn khổ một quốc gia duy nhất, trở thành một hệ thống thế giới, và vị thế của CNTB quốc tế đã suy yếu một cách đáng kể!

Các đại biểu tham dự Đại hội XX tái khẳng định luận đề của Lenin về việc các quốc gia có thể chế xã hội khác nhau vẫn có thể cùng “chung sống hòa bình”, bác bỏ ý tưởng “xuất khẩu cách mạng” (thông qua bạo lực), và tuyên bố rằng giai đoạn chuyển tiếp lên CNXH ở các quốc gia khác nhau có thể diễn ra dưới những hình thức khác nhau. Đại hội XX đặt mục tiêu “đuổi kịp và vượt” các nước tư bản phát triển nhất trong giai đoạn lịch sử ngắn nhất.

Tuy nhiên, nếu chỉ gồm những nội dung nhiều khi “ba vạ” và “vô thưởng vô phạt” như trên, thì Đại hội XX không có gì khác biệt đáng kể so với những kỳ đại hội khác của Đảng Cộng sản Liên Xô. Chính việc trong phiên họp kín vào ngày cuối của Đại hội (25-2-1965), Khrushchev đưa bản báo cáo “mật” kéo dài 4 tiếng vạch trần tệ sùng bái cá nhân Stalinsit và những hiện tượng, hậu quả đi kèm của nó, để khiến Đại hội XX mang tính lịch sử.

Các đại biểu sững sờ và kinh ngạc khi lần đầu tiên, họ được nghe từ miệng một lãnh tụ cộng sản danh sách những tội ác khủng khiếp của Stalin: những đợt thanh trừng phi pháp, những biện pháp nhục hình về tinh thần và thể xác do chính Stalin thông qua, việc Stalin đã sát hại già nửa số đại biểu của Đại hội XVII, đã tự làm suy yếu mình trước chiến tranh với Đức bằng cách tiêu diệt đại đa số Ban lãnh đạo Hồng quân. Khrushchev còn nhắc đến những phong cách lãnh đạo méo mó của “Ông chủ”, đến chứng đa nghi ở mức cuồng, bệnh hoạn, “nhìn đâu cũng thấy địch”, khiến hàng triệu người thiệt mạng oan uổng, và đến sự thần thánh hóa lãnh tụ đến mức lố bịch xung quanh Stalin.

Sau bài phát biểu, không có phần thảo luận công khai, các đoàn đại biểu ngoại quốc được htông báo riêng. Tuy nhiên, bản báo cáo “mật” vẫn được lọt sang Phương Tây khá nhanh chóng, và được in lần đầu tại Washington. (Một số ý kiến cho rằng Khrushchev và “ê-kíp” của ông có thể cố tình cho rò rỉ những thông tin này vì một bài phát biểu “mật” thực sự, trong một cuộc họp kín, không thể đạt được hiệu quả như mong muốn).

Tại Liên Xô, sau đó, bài phát biểu đã được “phổ biến” tại các cơ sở đảng địa phương, tuy nhiên, nguyên văn báo cáo “mật” không được ấn hành trước thời điểm tháng 4-1989.

Theo sử gia Roy Medvedev, người đã viết một cuốn tiểu sử Nikita Khrushchev, vị lãnh tụ cộng sản này “đã viết tên mình vào lịch sử thế giới, chủ yếu nhờ lòng dũng cảm vô song tại Đại hội lần thứ XX”, và với hành động quả cảm đó, ông đã “khiến chúng ta quên đi tất cả sai lầm trước và sau đó” (cần nhớ là vài tháng sau, Khrushchev đã hạ lệnh cho quân đội Liên Xô và các nước thành viên Hiệp ước Warsaw đưa quân vào Hungary để dập tắt những ước vọng dân chủ của người dân xứ này).

Khrushchev đã rất mạo hiểm khi đọc bản báo cáo “mật”, cũng khư trước đó đã quyết định bắt giữ và xét xử Beria, bởi trong những thời khắc đó, ông chỉ có thể tính đến sự ủng hộ của một vài cộng sự thân tín nhất và không thể biết trước được rằng, vạch mặt Stalin có là một động thái “phản tác dụng” với chính bản thân ông hay không? Vì, theo một số lời kể, trong phiên họp Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (tổ chức trước Đại hội), phe nhóm Molotov tìm cách khiến Khrushchev lùi bước: “Thế đồng chí sẽ nói gì về bản thân đồng chí, Nikita? Tất cả chúng ta đều cùng một giuộc cả…

Cho dù báo cáo “mật” chưa đề cập và lên án tất cả những hành vi khủng bố của bộ máy đàn áp Stalinist (như sự thanh trừng với phe đối lập trong đảng), nhưng bản cáo trạng dài 4 tiếng ấy đã khởi đầu quá trình phân hủy của mô hình CNCS “chính thống” (kiểu Stalinist). Tại Liên Xô, thời kỳ hòa dịu diễn ra và dù chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng cánh cửa những nhà tù đã được mở, hệ thống trại tập trung Gulag bị giải thể, nhiều nạn nhân của các phiên tòa ngụy tạo trước kia được phục hồi và cư dân Xô-viết được sống trong một bầu không khí có phần dễ chịu hơn.

Vị thế của Khrushchev cũng được củng cố: tháng 6-1957, phiên họp toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã khai trừ “nhóm chống đảng” (gồm các lãnh tụ cộng sản bảo thủ và tín điều như Molotov, Malenkov, Kaganovich và Sepilov) khỏi Trung ương đảng và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương, saui đó, vào năm 1958, Khrushchev còn được giữ chức thủ tướng Liên Xô.

Tấm bia mộ đầu tiên (năm 1973) của Khrushchev tại Nghĩa trang danh nhân Novodevichy (Moscow)

Có thể nói, cũng chính sự hòa dịu do Khrushchev mang đến đã khiến ông được sống sót qua biến cố tháng 10-1964, khi các địch thủ chính trị làm một cuộc “đảo chính cung đình” để loại trừ ông. Kể từ đó, cho đến khi qua đời vào năm 1971, cho dù bị quản thúc tại gia, nhưng Khrushchev đã hơn tất cả những đồng chí bị thất sủng trước kia của mình, là đã không bị sát hại mà được sống như một đảng viên hồi hưu…

Trần Lê


 
 Từ khóa: 1956, Báo cáo mật, Khrushchev
Tổng số điểm của bài viết là: 36 trong 8 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn