1956 LÀ THẤT BẠI ÐỐI VỚI KHRUSHCHEV

Thứ ba - 18/10/2011 21:40

(NCTG) Ðó là khẳng định của con trai của cựu Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Liên Xô, người đã đưa ra quyết định đưa quân can thiệp và đàn áp cuộc cách mạng mùa Hungary 55 năm trước.


Khrushchev, người từng được coi là một lãnh tụ gần gũi, bình dân - Ảnh tư liệu


Trả lời phỏng vấn tờ “Der Tagesspiegel” (Ðức, số ra ngày Chủ nhật), TS. Sergei Khrushchev - hiện là một sử gia sống tại Hoa Kỳ từ năm 1991 - cho biết: đối với Nikita Khrushchev, biến cố 1956 là rất “đáng khó chịu”, là “một gánh nặng lớn”.

Seigei Khrushchev cho rằng thân phụ ông - người đứng đầu Ðảng Cộng sản Liên Xô thời kỳ 1953-1964 - đã phạm sai lầm khi không đích thân công du Budapest, mà lại cử Anastas Mikoyan và Mikhail Suslov sang Hungary đàm phán. Theo lời ông, Mikoyan có khả năng đàm phán nhưng không bao giờ đưa ra quyết định, còn Suslov thì là một nhà tư tưởng theo đúng nghĩa là việc đầu tiên là cứ giở Marx và Lenin để tra cứu.

Năm nay 76 tuổi, Sergei Khrushchev thừa nhận rằng vào thời khắc 1956, Nagy Imre từng là niềm hy vọng đối với người dân Hungary. Ông nhấn mạnh: giới trẻ Hungary đã chiến đấu vì tự do. “Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu họ lên nắm quyền?”, ông đặt câu hỏi và tự trả lời: thân phụ ông không còn sự lựa chọn nào khác, là “phải” đè bẹp cuộc khởi nghĩa tại Hungary.

Tuy nhiên, đây đồng thời cũng là một thất bại với nhà lãnh đạo, vì sau đó Nikita Khrushchev trở thành kẻ áp bức. “Ðây là một trong những chiến thắng lớn nhất của người Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh” - người con của ông nhận xét, 55 năm sau những biến cố mùa thu Budapest.

Bài phỏng vấn dài nói trên được đăng tải nhân dịp người Ðức và thế giới hồi nhớ nửa thế kỷ bức tường Berlin - liên quan tới biến cố này, Sergei Khrushchev cũng đánh giá vai trò của thân phụ ông. Trả lời một câu hỏi, ông thừa nhận một cách gián tiếp rằng sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa tháng 10 tại Hungary, thất bại tiếp tới của cha ông chính là việc “bức tường ô nhục” Berlin đã được dựng lên.

Sergei Khrushchev khẳng định: về căn bản, cha ông không muốn dựng bức tường ngăn cách nước Ðức, tuy nhiên, ông đã vẫn cho phép xây dựng nó. Theo diễn đạt của nhà sử học, tất cả những động thái này đều là một phần chính sách của Ðiện Kremlin đương thời, muốn cân bằng tương quan lực lượng giữa hai khối Quốc - Cộng.

Walter Ulbricht, thủ lĩnh Ðông Ðức thời đó, người đã ra kế hoạch dựng tường, không bao giờ có thể làm điều đó nếu Moscow không cho phép! - Sergei Khrushchev tuyên bố, và gọi bức tường Berlin là “tường của Ulbricht”. Cho dù người của Ulbricht trực tiếp xây tường và các đạo quan Xô-viết đồn trú ở Ðông Ðức cũng như Ðông Berlin không tham gia công việc này, nhưng theo Sergei Khrushchev, Hồng quân được triệu tập trong trạng thái báo động và nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra, họ sẽ đương đầu với người Mỹ.

Con trai nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev cũng thừa nhận, bức tường Berlin là một thất bại của phe XHCN, vì “một bức tường như thế luôn là dấu hiệu của sự yếu ớt”, “không bao giờ thích hợp để giải quyết những vấn đề”, và ám chỉ rằng, sự sụp đổ của bức tường Berlin là dấu hiệu rõ ràng sự cáo chung của thể chế Xô-viết.

Trần Lê, theo mạng Lịch sử (Hungary)


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn