NGƯỜI THÀY VIỆT NAM TRONG QUÂN PHỤC NHÀ BINH

Thứ bảy - 03/09/2011 22:38

Võ Nguyên Giáp đã khiến các địch thủ của ông “phải rút ra một kết luận quan trọng: đứng đầu quân đội Việt Nam là một nhà giáo có hiểu biết sâu sắc về lịch sử mấy ngàn năm của đất nước ông, và biết cách áp dụng những bài học lịch sử ấy” - đó là khẳng định của ký giả Hungary Salgó László trong cuốn sách “Trận chiến Ðiện Biên Phủ” (A Dien Bien Phu-i csata), xuất bản tại Budapest năm 1983.


Ðại tướng Võ Nguyễn Giáp trong chuyến thăm chính thức Hungary ngày 7-4-1977. Người đón ông tại Phi trường Quốc tế Budapest là Thượng tướng Czinege Lajos, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hungary

Salgó László là một nhà báo kỳ cựu đã nhiều lần sang Việt Nam trong thời chiến và sau đó, đã có điều kiện theo dõi cuộc chiến Việt Nam cùng các đồng nghiệp Phương Tây tại Paris và Hà Nội. Năm 1958, ông cũng là một trong những ký giả nước ngoài đầu tiên có dịp đến Ðiện Biên Phủ để tìm hiểu tại thực địa cuộc chiến ác liệt trước đó gần 4 năm.

Cuốn “Trận chiến Ðiện Biên Phủ” của ông là tác phẩm thuộc loạt sách về đề tài lịch sử thế giới do NXB Kossuth (Hungary) ấn hành. Tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh tướng Giáp trong một chương nói về ông mang tựa đề “Người thày Việt Nam trong trang phục nhà binh” mà chúng tôi xin giới thiệu cùng độc giả sau đây, nhân dịp Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam tròn 100 tuổi.
 
*

- Ðạo quân của Võ Nguyên Giáp hiện tại là đạo quân thiện chiến nhất hoàn cầu.

Tướng Raoul Salan [Tổng chỉ huy quân viễn chính Pháp trong Chiến tranh Đông Dương thời kỳ 1952-1953] phát biểu như thế về con người một thời đã chiến thắng ông ta. Khẳng định ấy được Salan đưa ra cho phóng viên tờ “L'Express” vào tháng 5-1975, khi địch thủ lớn nhất của ông đã chứng tỏ tài năng quân sự xuất chúng của mình lần thứ hai: những đoàn quân của tướng Giáp đã được tập hợp để tấn công Sài Gòn, “Ðiện Biên Phủ của Hoa Kỳ”.

Cố nhiên, khi tướng Salan tiếp nhận cương vị của de Lattre de Tassigny vào ngày 1-4-1952 tại Việt Nam, ông ta còn nhận định theo cách khác hẳn về địch thủ lớn nhất của mình, người mà ông gọi là “thủ lĩnh khủng bố Việt Nam”...

Salan biết Võ Nguyên Giáp từ những hồ sơ, văn bản ở Paris thời xưa, và qua tiếp xúc cá nhân.

Văn bản đầu tiên tại Hà Nội do một thiếu tá người Pháp của Cơ quan An ninh Ðông Dương đưa vào hồ sơ của Giáp.

Ðể thông báo cho Ngài, tôi xin cho Ngài biết rằng một học sinh 17 tuổi tên là Võ Nguyên Giáp, học tại trường Trung học của Ngài, đã có vai trò tích cực nổi bật trong việc tổ chức cuộc bãi khóa tháng Ba...” - lá thư của viên sĩ quan công an viết vào tháng 5-1928 bắt đầu bằng những dòng thư vậy, thư được gửi cho ông Hiệu trưởng người Pháp của Quốc học Huế, như một lời cảnh cáo kép. Dành cho cậu học sinh, và cho cả ông thày.

Sinh năm 1911, việc cho Giáp được ăn học đến bậc trung học là điều không mấy dễ dàng đối với các phụ huynh làm nghề nông của anh. Có năng khiếu nổi bật về môn Toán, gia đình anh đã làm tất cả để anh được vào Quốc học Huế, ngôi trường danh giá của thủ đô nước An Nam phong kiến thời bấy giờ.

Ðầu năm 1930, năm mà Ðảng Cộng sản Ðông Dương được thành lập, Giáp - người không chịu được kiếp sống thuộc địa - gia nhập hàng ngũ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Ðồng chí Hội. Tại đây, anh khởi đầu sự nghiệp cách mạng thực sự, dành cho “người lớn”. Tháng 11-1930, sau cuộc biểu tình lớn đầu tiên, khi Giáp bị bắt vào nhà tù Hà Nội thì anh đã là thành viên Ðảng Cộng sản hoạt động bí mật.

Không kiếm được bằng cứ để buộc tội, Giáp được thả và tiếp tục đi học. Năm 1934, anh lấy bằng sư phạm tại khoa Lịch sử - Triết học. Ban giám hiệu trường Trung học Pháp khích lệ anh học tiếp. Giáp chọn đề tài “La balance de comptes de l'Indochine” (Cán cân thương mại ở Ðông Dương) và được nhận lời đánh giá: “Bản tường trình xuất sắc về một vấn đề ít được biết đến” (Excellent exposé sur un sujet peu commun).

Thành công của anh khiến các nhà chức trách, vào mùa thu năm 1935, với hy vọng đào tạo được một công chức bản xứ tin cẩn và tài ba, đã đề xuất Giáp nên lấy thêm bằng Luật.

Như một sự tin tưởng được đặt trước vào chàng học sinh, khoa Luật lập tức cho phép Giáp chỉ phải trả một nửa học phí. Tuy nhiên, đối với cha mẹ Giáp làm nghề nông - mà vụ lúa đầu tiên tháng 5-1935 lại mất mùa - thì khoản tiền ấy vẫn là cao. Ngay khoản phí nhập học vào tháng 9 họ cũng không trả được, nói gì đến khoản học phí đã được giảm một nửa.

Trong lá thư gửi ông Chủ nhiệm Bộ môn của Viện Đại học Đông Dương [Université Indochinoise], thay mặt cha mẹ, Giáp xin lỗi vì nộp chậm phí nhập học. Lá thư này cũng được đưa vào hồ sơ của Giáp...

Bảng ảnh các sinh viên đại học kết thúc niên học 1939 cho thấy sự chậm trễ này không đem lại hậu quả: Giáp vẫn có mặt cùng các bạn cùng khóa và các vị giáo sư. Trong số các thày, có thể thấy cả ông Grégoire Khérian, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Chính trị. Khi ấy, vị thày không thể nghĩ được rằng vào tháng 5-1975, tại căn hộ trên đường Saint Ambroise ở Paris, ngồi trước màn hình vô tuyến, ông giáo già 82 tuổi sẽ có dịp đăm chiêu thở dài nhớ về quá khứ. Bởi lẽ, ông được thấy tướng Giáp - “Napoleon của Việt Nam chiến thắng” - trên màn hình: sau người Pháp, đến lượt người Mỹ phải chịu một “Ðiện Biên Phủ” của mình khi tướng Giáp chuẩn bị cho chiến dịch khiến Sài Gòn thất thủ.

- “Mon meilleur élève”, học trò giỏi nhất của tôi... - vị giáo sư hồi tưởng.
 

Mít tinh Hungary - Việt Nam tại Nhà máy Liên hợp Bóng đèn (ngày 14-4-1977). Bộ trưởng Quốc phòng Hungary nhận lá cờ của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Ðại tướng Võ Nguyên Giáp

Thời ấy, vào năm 1938, vị giáo sư chủ nhiệm bộ môn đã có dịp trao cho Giáp món quà tuyệt vời của chính phủ Pháp, khi anh đỗ ngoại hạng về môn Kinh tế Chính trị: một học bổng ở mức cao nhất để anh có thể tiếp tục theo học tại Paris.

Tuy nhiên, một cách kính cẩn và lịch thiệp, Giáp đã đưa ra lời cám ơn bất ngờ:

- Ðây là một vinh dự lớn đối với tôi, nhưng tôi không thể rời bỏ các bạn bè...

Không ai, kể cả Phòng Nhì của Pháp hiểu được Giáp muốn nói gì với những lời sau cùng này của anh...

Camarades... Ðồng đội? Ðồng hương? Bạn cùng khóa?

Cách hiểu nào cũng có thể đúng. Ban giám hiệu đã tính đến mọi khả năng. Chỉ một khả năng là không: Ðồng chí... Cho dù khi đó, đã 8 năm, Giáp là thành viên của đảng và cũng đã tham gia Mặt trận Dân chủ Ðông Dương.

Tháng 4-1946, khi tướng Salan gặp gỡ Giáp lần đầu tiên tại Ðà Lạt, cố nhiên ông ta đã biết tất cả những điều này. Ông ta cũng biết là vào năm 1944, Giáp đã khoác lên mình bộ quân phục nhà binh.

Sau khi tham gia thành lập Việt Minh vào năm 1941, ngày 22-12-1944, Giáp là người tổ chức và chỉ huy đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, hợp nhất các đoàn quân du kích trước đó thường chiến đấu đơn lẻ với nhau. Lúc ấy, Salan còn chưa đánh giá cao địch thủ của mình.

Về hoạt động quân sự thời kỳ 1944-1945 của Giáp, Salan cũng chỉ biết qua các bản tường trình. Ông ta biết những đơn vị chiến đấu chống quân Nhật của người thày giáo Trường Tư thục Thăng Long đã giải phóng được 6 tỉnh cho đến cuối năm 1944 và vào năm 1945, với chiến thắng ở Hà Nội, bằng việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, họ đã kết thúc thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Ðối với Salan, điều này khi ấy chưa nói lên gì thật đặc biệt.

Tháng 4-1946, tại Ðà Lạt, trên cương vị một nhà ngoại giao và là Bộ trưởng Nội vụ của Chính phủ Hồ Chí Minh, Giáp tiến hành đàm phán với tướng Salan.

Từ tháng 12-1946, hai người đã đối mặt nhau như hai người lính.

Sau thất bại đầu tiên trên đất Việt, Salan phải rút ra một kết luận quan trọng: đứng đầu quân đội Việt Nam là một nhà giáo có hiểu biết sâu sắc về lịch sử mấy ngàn năm của đất nước ông, và biết cách áp dụng những bài học lịch sử ấy.

Là thày giáo môn Sử Việt Nam, Giáp đặc biệt nghiên cứu cặn kẽ lịch sử những cuộc chiến giữ nước trong 2.000 năm của đất nước ông. Từ những bài học lịch sử ấy, Giáp đã cô đúc ra được học thuyết về chiến lược và chiến thuật chiến tranh nhân dân, học thuyết này đã vượt qua được thử thách thực tế đầu tiên khi Việt Nam phải chiến đấu một mình, cô lập, trong khi cuộc cách mạng Trung Quốc chưa đến giai đoạn quyết định...

Chiến lược và chiến thuật của Giáp trong học thuyết chiến tranh nhân dân đã đưa ra lời giải thích cho việc, từ một nhà giáo, bằng cách nào, ông đã trở thành người anh hùng của Ðiện Biên Phủ.

Và điều quan trọng nhất, nó cũng đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi, tại sao Ðiện Biên Phủ không chỉ là địa điểm của một chiến dịch tại Việt Nam, mà còn là nơi diễn ra một trận chiến vĩ đại của lịch sử...

Nguồn ảnh: Friedmann Endre (rút từ kho lưu trữ của Hãng Thông tấn Hungary MTI)

(*) Bài viết đã đăng trên “Tiền Phong”.

Nguyễn Hoàng Linh giới thiệu và chuyển ngữ


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn