“Hoàng đế” Kim Chính Nhật và “thái tử” Kim Chính Ân (Kim Jong-un), con trai út, người vừa được xác nhận chính thức là người kế nhiệm Kim Chủ tịch - Ảnh: Internet
Nhân dịp này, NCTG xin đăng lại một vài thông tin, tư liệu cũ, được công bố vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Một cán bộ đảng cao cấp thời cộng sản ở Hungary có dịp tiếp cận một số hồ sơ tuyệt mật - vốn được giữ gìn cẩn mật - của kho thư khố Xô-viết, và trong bài viết này, chúng tôi sẽ sử dụng một số giả thiết, khẳng định của ông.
*
Năm nào, sinh nhật của Lãnh tụ Vĩ đại Kim Nhật Thành cũng được tổ chức long trọng tại Bắc Hàn, cư dân nước này vẫn tiếp tục được dịp chứng kiến những cuộc diễu binh, trình diễn kỳ vĩ, cho dù người sáng lập một triều đại cộng sản duy nhất trên thế giới đã
rời dương thế từ mùa hạ 1994.
Từ dạo đó, chức vụ chủ tịch nước vẫn chưa được trao lại chính thức cho ai, vì con trai ông ta, Kim Chính Nhật, dù đã “thừa hưởng” hầu hết các chức vụ lãnh đạo trong đảng và nhà nước, nhưng vẫn bỏ ngỏ ghế chủ tịch nước.
*
Từ hơn nửa thế kỷ nay, thế giới vẫn biết đến Bắc Hàn như đất nước của một thể chế độc tài vô giới hạn, của khủng bố, của sự ngu dân không kiềm chế và của sự đơn điệu đến nực cười trong tư tưởng hệ. Chúng ta có thể tìm cách đưa ra nhiều lời giải thích cho hiện tượng cực đoan này, nhưng khó mà giải đáp được bí ẩn đó.
Chẳng hạn, không thể lý giải được lòng căm thù Mỹ lên đến cao độ và mù quáng, khi lãnh tụ nước này, trong nhiều năm ròng, đã giấu việc loài người đặt chân lên Mặt trăng, chỉ vì kỳ tích ấy được Hoa Kỳ thực hiện. Người “ngoại cuộc” có thể không tin là một sự kiện như thế lại có thể bị giấu giếm trong thời gian dài.
Tuy nhiên, nếu biết rõ nội tình Bắc Hàn, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi người dân xứ sở này, vốn mang nỗi sợ thường trực trong lòng (họ có thể bị bắt giữ, bị đày đi lao động cưỡng bức ở các mỏ đá, hoặc có thể bị giết hại), đã hoàn toàn từ bỏ ý nghĩ bắt đài hay TV ngoại quốc (hoặc Nam Hàn), để cập nhật hóa những gì xảy ra trên thế giới.
*
Bắc Hàn phải thực hiện một cơn ác mộng của một kẻ bệnh hoạn. Đó là Kim Nhật Thành, Lãnh tụ Vĩ đại (theo cách gọi “cửa miệng” của người dân Bắc Hàn), thân phụ vị Lãnh tụ Kính yêu hiện tại (Kim Chính Nhật), mất năm 1994.
Kim Nhật Thành là ai? Ông ta đã leo lên được địa vị tối cao ở Bắc Triều Tiên như thế nào?
Sau khi nắm giữ chính quyền từ sau Đệ nhị thế chiến, Lãnh tụ Vĩ đại cố gắng một cách bệnh hoạn để công luận Bắc Hàn và quốc tế thừa nhận ông ta như một lãnh tụ sáng suốt và không ai dám đặt dấu hỏi về quyền lực mà ông ta nắm trong tay.
Để đạt được điều đó, họ Kim đã tự cho mình những phẩm chất như của một vị thần linh. Ông ta cũng không ngần ngại làm nổ ra cuộc chiến Cao Ly, một đụng độ suýt xô đẩy nhân loại vào một cuộc thế chiến thứ ba.
Nhìn lại đôi nét lịch sử, Vương quốc Cao Ly bị đế quốc Nhật xâm chiếm trong khoảng thời gian 1905-1910, và sát nhập vào Nhật như một đơn vị hành chính. Những kẻ xâm lăng đã thực hiện một chính sách cai trị vô cùng tàn bạo.
Chẳng những đóng cửa các trường học Cao Ly, mà còn cấm người dân dùng tiếng mẹ đẻ. Hàng chục vạn người Triều Tiên bị đưa về Nhật để làm việc như nô lệ trong các nhà máy sản xuất vũ khí.
Trong Thế chiến thứ hai, nguồn tài nguyên thiên nhiên của bán đảo Triều Tiên đã bị Nhật tận dụng triệt để. Sau Thế chiến, cả hai đại cường Liên Xô và Mỹ đều muốn bành trướng và gây ảnh hưởng ở Cao Ly.
Rốt cục, tại Hội nghị Yalta, một thỏa thuận được đưa ra: chia cắt Triều Tiên ở vĩ tuyến 38, phía Bắc thuộc về vùng ảnh hưởng của Liên Xô và phía Nam thuộc về Hoa Kỳ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, một phong trào du kích vũ trang rộng lớn lan tràn khắp bán đảo Cao Ly. Dân Triều Tiên chống phát-xít Nhật trên căn bản chủ nghĩa quốc gia là chủ yếu: mục tiêu của họ là xua đuổi bè lũ xâm lăng và giành lại độc lập cho xứ sở.
Lãnh tụ của phong trào kháng chiến ấy là một thủ lĩnh du kích lừng danh tên là Kim Nhật Thành. Ông đã chiến thắng rất nhiều trận ngoạn mục và khiến quân Nhật phải nhức đầu nhọc óc.
Qua những thắng lợi gây tiếng vang ấy, Kim Nhật Thành được coi là một chiến sĩ bất khả chiến bại: từ làng bản cho đến các thành phố Cao Ly, đâu đâu người ta cũng truyền tụng “không thể bắn trúng Kim!”, “không thể giết nổi Kim!”
Tuy nhiên, rồi người thủ lĩnh ấy cũng bị số phận bắt quy hàng: ông bị tử thương trong một trận chiến với quân đội Nhật. Nhưng dân Cao Ly không muốn phá vỡ huyền thoại do chính họ dựng lên, và mặc dù Kim Nhật Thành đã chấm dứt cuộc chiến trên dương thế, nhưng niềm hi vọng thì vẫn còn, ít nhất là đối với người dân Triều Tiên.
Nhiều người kể rằng họ vẫn thấy ông trong những khu rừng rậm, tại các vùng đồi núi hoặc dưới hang sâu gần biên giới Trung Hoa. Cũng không ít người coi nhiều chiến công của quân du kích là “tác phẩm” của họ Kim. Có thể thấy là người dân không để cho lãnh tụ của mình được yên nghỉ.
Sùng bái cá nhân ở mức vô độ và mê muội - Ảnh: Internet
Stalin cảm thấy thời cơ đã đến: phải để Liên Xô chiếm lợi thế tại vùng Viễn Đông, trước Mỹ. Nhà độc tài đỏ liền “móc túi”, lấy ra một người cộng sản Triều Tiên đang sống lưu vong ở Nga, rồi đưa ông ta trở lại bán đảo Cao Ly theo những con đường ly kỳ, và để ông ta móc nối với các du kích quân với cái tên Kim Nhật Thành.
Câu chuyện cổ dân gian lại có một nội dung mới. Trong những hoàn cảnh của cuộc chiến du kích, ít người biết rõ lãnh tụ họ Kim thực sự; những người biết sự thực thì đều bỏ mạng một cách mờ ám - theo sử sách chính thống của Ðảng Công nhân Triều Tiên thì họ đã “
hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhật Bản”.
Như vậy, cho dù sự man trá của Stalin đã lên đến mức quỷ quyệt, nhưng sự nhúng tay của một đại cường vào vấn đề Triều Tiên vẫn có hiệu quả. Ở miền Nam, lính Mỹ đổ bộ, còn ở phía Bắc, với sự trợ giúp hữu hiệu của quân đội Xô-viết, Kim Nhật Thành - dưới vỏ bọc một thủ lĩnh du kích bất khả chiến bại - đã đắc thắng tiến vào Bình Nhưỡng, “thành phố quê hương” của ông ta (theo tiểu sử chính thức của họ Kim, vị Lãnh tụ Vĩ đại đã chào đời ở đây).
Tuy nhiên, tiểu sử và sự nghiệp của nhân vật Kim Nhật Thành giả mạo - do người Nga tạo dựng - có một điểm yếu khó biện giải. Cuối thập thiên 40 thế kỷ trước, con người mang tên Kim Nhật Thành và ăn vận binh phục của lính Liên Xô trên phố phường Bình Nhưỡng lại trẻ hơn nhiều so với Kim Nhật Thành thực sự.
Kể ra, cũng dễ thay đổi các số liệu trong cuốn tiểu sử, vì cơ quan an ninh chính trị của Stalin đã làm thành công những việc khó khăn hơn thế nhiều, nhưng không thể “biến hóa” một người đàn ông trạc tam tuần thành một người đứng tuổi được. Có điều, bộ máy tuyên truyền của Bắc Hàn đã thay đổi lịch sử.
Ngôi nhà, nơi sinh ra Kim, được sửa sang lại và cạnh đó, một bảo tàng được dựng lên. Các lãnh đạo được đào tạo trong trường đảng nhiệt tình giảng giải cho “quần chúng” hay rằng vị Lãnh tụ Vĩ đại, ngày từ thuở thơ ấu, đã có trình độ lý thuyết rất vững vàng và trong thời kỳ lưu vong ở Trung Quốc, ông đã từng huấn luyện những đồng hương hơn ông nhiều tuổi.
Như thế, có thể giải thích được chuyện tại sao Kim “giả” - sinh năm 1912 - lại trở thành lãnh tụ của một dân tộc. Theo tiểu sử chính thức, cha mẹ Kim Nhật Thành đã mất từ khi họ Kim còn nhỏ và ông ta được ông nội nuôi dưỡng (có nhiên, người ông này cũng đã qua đời!).
Một bảo tàng lịch sử đảng riêng rẽ cũng đã được thành lập với mục đích chứng tỏ những khả năng siêu phàm của vị lãnh tụ trẻ. Có điều, những “vật chứng” của bảo tàng ấy cũng thay đổi đột ngột.
Đầu thập niên 60 thế kỷ trước, trên các tấm ảnh, họ Kim còn ăn vận quần áo quân phục Xô-viết, nhưng về sau, ông ta lại mặc bộ đồ dân sự. Đây là dấu hiệu rõ rệt của sự xa rời Liên Xô, vì vị Lãnh tụ Vĩ đại bực dọc về chuyện Stalin đã không ủng hộ nhiệt thành Bình Nhưỡng trong cuộc chiến Cao Ly năm 1953, khi Bắc Hàn đối đầu với các đạo quân Hoa Kỳ và quốc tế dưới lá cờ Liên hiệp quốc.
Mặt khác, Kim Nhật Thành không muốn theo con đường cải tổ của Khrushchev. Dần dần, từng bước, Lãnh tụ Vĩ đại trở thành nô lệ cho thứ lý thuyết mù quáng mà ông ta đã theo và tiếp tục phát triển. Cuối đời, có lẽ bản thân ông ta cũng tin vào sự sùng bái được bộ máy của ông ta thổi phồng và lan truyền...
*
Con trai Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, cũng là một nhân vật kỳ bí chẳng kém gì cha. Một điểm đặc trưng là chúng ta còn không biết ông ta chào đời ở đâu. Chỉ biết, Kim Chính Nhật ra đời ở đâu đó gần vùng Vyatskoye (miền Đông Siberia) vào năm 1942, khi Thế chiến thứ hai đang diễn ra ác liệt.
Sinh nhật của ông này vào tháng Hai mỗi năm cũng được ghi nhớ bởi những vụ tiệc tùng, nhảy múa rầm rĩ. Một điểm đặc biệt là ai không nhảy múa “thật lòng”, kẻ ấy sẽ bị ép nhảy cho đến “đứt hơi” thì thôi và dân Bắc Hàn đã có rất nhiều kinh nghiệm trong vụ này. Nhân dịp “đại lễ” ấy, trong xứ sở còn chế độ tem phiếu này, những ai “xứng đáng” sẽ được thưởng thêm “khẩu phần”.
Trong nhiều thập niên, Kim Chính Nhật đã ẩn dưới bóng cha, cố nhiên điều này không có nghĩa là ông ta không tham gia vào “chính sự” (ở đây, chúng ta đang nói đến thứ “chính sự bẩn thỉu”). Cha của ông ta, lãnh tụ vĩ đại, kẻ nghi ngờ tất cả, đã cho con trai đảm nhiệm việc lãnh đạo cơ quan tình báo.
Dường như Kim Chính Nhật đã chỉ đạo vụ ám sát (bất thành) năm 1983 nhằm vào thủ tướng Nam Hàn khi ông này đang công du tại Miến Ðiện. Vị nguyên thủ quốc gia Nam Hàn đã thoát chết do các điệp viên Bình Nhưỡng thiếu kinh nghiệm, nhưng ông đại sứ Nam Hàn và nhiều nhân vật cao cấp đã bỏ mạng trong dịp đó.
Hình như Kim “cha”, do quá bực bội vì vụ mưu sát không thành, đã mắng nhiếc đứa con dữ dội khiến Kim “con” bị chấn động thần kinh. Cũng là một tội lỗi tày trời của Kim Chính Nhật khi vào năm 1987, ông ta đã chỉ huy chiến dịch đặt bom nổ chiếc Boeing 747 chở các hành khách Nam Hàn, khiến 115 người thiệt mạng.
Về chuyện này, một trong hai kẻ khủng bố, cô gái trẻ trung và xinh đẹp Kim Hyon Hee đã thuật lại kỹ lưỡng trong cuốn
“Giọt lệ trong hồn”; sau khi bị bắt tại Nam Hàn (tên khủng bố còn lại đã kịp tự tử), Kim Hyon Hee đã hối hận và thành thực kể lại mọi diễn biến của vụ nổ bom.
Cho dù bị nhiều thất bại và gây sự phẫn nộ toàn diện trên trường quốc tế, Kim “cha” đã làm tất cả để thiết lập vương triều cộng sản đầu tiên (và cho đến hiện tại, duy nhất) trên thế giới. Cố nhiên, một câu hỏi được đặt ra là vương triều ấy có sống qua được vị Lãnh tụ Kính yêu hiện tại hay không? (Dường như, ông này có 2 con trai và 2 con gái qua cuộc hôn nhân từ năm 1972).
Trong đời tư, Kim Chính Nhật khá hiếu sắc. Đặc biệt, ông ta ưa các nữ tài tử trẻ tuổi: họ Kim thường xuyên tới thăm các xưởng phim trung ương để - theo ngôn ngữ chính thức ở Bắc Hàn - “
đích thân dạy bảo giới đạo diễn các phim mới”.
Kỳ thực, như giới thạo việc ở Bình Nhưỡng cho biết, Kim “con” chỉ để tâm đến các nữ diễn viên xinh xắn. Trong cuốn hồi ký kể trên của Kim Hyon Hee, nữ khủng bố này kể lại: trong giờ thể dục tại trường trung học, có những người đàn ông lạ mặt thường xuyên lui tới, để ý và ghi chép về tên tuổi các cô gái trẻ đẹp.
Kim “con” còn rất thích phim ảnh: trong cung chủ tịch tại vùng cây xanh ở Bình Nhưỡng, có vô số máy video. Ông ta có thể coi phim suốt ngày và thâu đêm, cố nhiên là những bộ phim mà các “thần dân” của ông ta không hề dám mơ tưởng tới.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Kim “con” chắc hẳn đã phải kiềm chế thú vui này, vì xứ Bắc Hàn bị dư luận quốc tế phê phán bởi biết bao nhiêu điểm: những thử nghiệm tên lửa vô trách nhiệm, chương trình hạt nhân không được thế giới cho phép và sự nghèo đói ngày càng tăng.
Tất cả những điểm này khiến Kim Chính Nhật không thể tiếp tục “nhàn cư” được...