Minh họa đương thời về tài nạn của con tàu Titanic - Ảnh: “Time Life Pictures”
Một điều chắc chắn, đa số những huyền thoại ấy xuất phát từ lời kể nhiều khi thất thiệt của những nhân chứng, từ những bài báo ăn khách đương thời nhằm vào tính giật gân của sự kiện, cũng như của vài chục bộ phim, tiểu thuyết “ăn theo” Titanic.
Thú vị là trong số những câu chuyện “trà dư tửu hậu” ấy, chính nhiều chuyện có vẻ “sự thật lịch sử” nhất lại rất ít có cơ sở.
Bất khả chìm và nhanh nhất
Đến Thượng đế cũng không thể nhấn chìm con tàu này - đạo diễn James Cameron đã để cho một nhân vật trong bộ phim “Titanic” lừng danh của ông phát ngôn câu nói đó và nếu có khán giả nào ngồi vào rạp xem phim mà chưa biết kết cục bi thảm của con tàu, thì hẳn vào giây phút đó sẽ phải bắt đầu ngờ ngợ rằng hẳn tàu sẽ chìm trong vài giờ.
Huyền thoại bảo rằng Titanic được những người có sự liên quan mật thiết tới nó (thuyền trưởng, người thiết kế và chủ sở hữu tàu) quảng cáo trước đó như một con tàu “bất khả chìm”. Tuy nhiên, trong thực tế, chưa hề có một tuyên bố nào như thế được đăng tải trên báo chí đương thời: hãng vận tải biển “The White Star Line” chỉ đặt trọng tâm quảng bá Titanic như một con tàu hoành tráng và sang trọng chưa từng thấy trong lịch sử hàng hải.
Cụm từ “bất khả chìm” vang lên lần đầu trong tờ “Thời báo New York” (The New York Times) số ra ngày 16-4, tức hơn 1 ngày sau khi bị đắm. Phó chủ tịch hãng, ông Philip A. S. Franklin khẳng định, ông không thể hiểu được tại sao lại có thể xảy ra một tai nạn như thế và ông từng nghĩ rằng, tàu không thể đắm được. Báo chí lập tức “vớ” lấy phát hiểu hớ hênh này và thổi phồng lên rằng, các chủ tàu đã phải trả giá cho sự ngạo mạn của họ khi họ nghĩ tàu “bất khả chìm”!
Xem các bộ phim về Titanic, khán giả còn có khuynh hướng cho rằng con tàu này muốn lập kỷ lục vê vận tốc trong cuộc hành trình vượt Đại Tây Dương để kiếm giải thưởng nổi tiếng “Dải băng xanh” (The Blue Riband) dành cho con tàu khách chạy nhanh nhất thế giới trong vòng hơn một trăm năm. Có điều, Titanic không bao giờ có ý định đó và nó cũng không hề có khả năng đoạt giải, vì lẽ đơn giản là vận tốc trên lý thuyết tối đa của nó là 24 hải lý/h, và trong thực tế là thì không tới được 21 hải lý/h.
Vận tốc kỷ lục đương thời thuộc về con tàu Mauretania với 26,06 hải lý/h, và “trụ” được cho tới năm 1929 (gần 20 năm), mới bị một con tàu Đức mang tên Bremen phá. Như vậy, việc cho rằng Titanic ham phá kỷ lục nên bị tai nạn là do báo chí lá cải thổi phồng, tuy nhiên, quả thực là thuyền trưởng Titanic đã muốn cho tàu chạy hết khả năng có thể để cập bến New York khi báo chí Mỹ còn có thể đưa tin này vào mục “Tin giờ chót”.
Tín hiệu SOS và Titanic
Tín hiệu báo động và cấp cứu - thường được hiểu như “Hãy cứu vớt linh hồn chúng tôi” (Save our Souls), “Hãy cứu tàu chúng tôi” (Save our Ship), hay “Gửi cứu trợ” (Send out Succour), v.v... -, đồng thời là mã Morse duy nhất mà có lẽ không ai trên thế giới không hiểu ý nghĩa của nó, thường được coi là xuất hiện lần đầu tiên khi Titanic chạm núi băng và chìm dần. Sự thực, SOS đã được đề xuất tại Đại hội Quốc tế về Liên lạc Điện tín trên biển (International Radiotelegraphic Convention) năm 1906, và được phê chuẩn quốc tế từ năm 1908.
Như vậy, khi tai nạn Titanic xảy ra thì đã từ lâu, tất cả tàu thuyền trên thế giới khi gặp nạn đã phải biết phát đi tín hiệu SOS. Có điều, người Anh bảo thủ vẫn ưa dùng mã CQD cũ và có phần thông dụng hơn đối với họ. Một điện tín viên sống sót sau tại họa Titanic là Harold Bride kể lại, thoạt tiên, sĩ quan điện tín Jack Phillips (về sau bị chết đuối) còn sử dụng mã CQD và chỉ khi bị nhắc là có thể ông không còn cơ hội dùng tín hiệu SOS lần tiếp tới, ông mới chuyển sang dùng SOS xen lẫn mã CQD truyền thống.
Ban nhạc Titanic
Huyền thoại nổi tiếng và động lòng nhất của thảm họa Titanic liên quan tới ban nhạc 8 người (tất cả đều không sống sót) do ông Wallace Hartley chỉ huy, đã chơi đến cùng - kể cả khi con tài đang dần chìm - để giữ lòng tin và tránh cảnh hoảng hốt cho các du khách. Điều này được xác nhận bởi nhiều lời kể lại của các nhân chứng độc lập đã được cứu sống qua tai nạn khủng khiếp này.
Cuộc tranh luận đa phần tập trung xung quanh bản nhạc cuối cùng mà họ chơi. Đa số nhân chứng cho rằng đó là bản thánh ca thế kỷ 19 “Nearer, My God, to Thee” (Gần Người, Đức Chúa tôi) - và chi tiết này đã được đưa vào bộ phim gặt hái vô số Tượng vàng Oscar năm 1997 của đạo diễn James Cameron. Tuy nhiên, sĩ quan điện tín Harold Bride còn sống sót thì nhớ rằng trước khi tàu chìm, ông đã được nghe bản nhạc van-xơ khá phổ biến thời đó mang tựa đề “Mộng mùa thu” (Autumn Dream).
Một huyền thoại đặc biệt có liên quan tới Hungary là trong nhiều năm, người ta đã đồn đại rằng các nhạc công Titanic là dân nhập cư gốc Hung. Điều này không hề có cơ sở gì: các thành viên ban nhạc Titanic là người Anh, Scotland, Pháp và Bỉ.
Những trùng hợp rợn người
Ngược lại, một câu chuyện tưởng là rất hoang đường, nhưng lại là sự thật: nhiều cuốn sách ra đời trước chuyến hải hành của Titanic đã tiên đoán rất chính xác tai nạn của một con tàu tương tự. Ở đây, phải kể đến truyện ngắn “Hồn ma trắng của thảm họa” (The White Ghost of Disaster) của tiểu thuyết gia Mỹ Thornton Jenkins Hains, đăng trên tờ tạp chí lá cải “The Popular Magazine”, ít lâu trước khi Titanic khởi hành, về một con tàu vượt đại dương bị đâm phải một núi băng ở Đại Tây Dương và chìm nghỉm.
Gerhart Hauptmann, kịch tác gia người Đức đoạt giải Nobel Văn chương năm 1912 thì có cuốn tiểu thuyết ra đời một tháng trước khi Titanic gặp đại họa, nói về một cuộc tình éo le và bi thương - có phần giống bộ phim của James Cameron - trên một con tàu đắm. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất và hết sức mang tính định mệnh là cuốn tiểu thuyết ấn hành năm 1898 của Morgan Robertson, mang tựa đề “Sự vô dụng” (Futility) - trong những kỳ tái bản sau, sách có tựa đề mới là “Sự vô dụng, hay là vụ đắm tàu Titan” (Futility, or the Wreck of the Titan).
Mười bốn năm trước thảm họa Titanic, cuốn sách đã vạch ra tai nạn kinh hoàng của một con tàu mang tên Titan, với rất nhiều chi tiết trùng lặp với Titanic xấu số sau đó gần một thập niên rưỡi. Trong tiểu thuyết, Titan được quảng cáo như một tàu khách viễn dương lớn nhất thế giới và “bất khả chìm”, tuy nhiên nó đã gặp nạn tại Đại Tây Dương trên đường tới New York vào một đêm tháng 4 do đâm vào một núi băng và chìm khiến phân nửa số hành khác thiệt mạng vì không đủ thuyền cứu sinh.
Hoàng Tuấn, theo index.hu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn