“NHIỆM VỤ CỦA TÔI LÀ PHÁ VỠ HUYỀN THOẠI NGƯỜI ANH HÙNG XÔ-VIẾT” (Phần 1)

Chủ nhật - 04/11/2012 19:29

(NCTG) “Người chết nhiều vô kể. Mùa thu chúng tôi còn có một ngàn năm trăm người, tháng 3 khi tôi bị chuyển khỏi trại, chỉ còn năm trăm tù nhân sống sót. Những người chết đều bị làm mồi cho bầy sói” - Rózsás János, “Solzhenitsyn của nước Hung” chia sẻ về những năm tháng cực khổ tại “quần đảo ngục tù” Gulag ở Liên Xô.


Nhà văn Rózsás János, pho bách khoa toàn thư về Gulag


Lời giới thiệu: Những ai đã đọc tác phẩm “Gulag, quần đảo ngục tù” của văn hào Aleksander Solzhenitsyn, hẳn còn nhớ đến chàng trai Rózsás János người Hung, bị Hồng quân Liên Xô bắt từ đất Hung và dẫn độ về Nga như một thứ nô lệ cho chế độ Stalin.

Trong tác phẩm nổi tiếng đó, nhà văn Nga đã dành những trang sách rất thân tình cho người bạn Hung kém ông tám tuổi mà ông rất quý mến vì tính hiếu học và tình yêu nồng hậu đối với nền văn hóa Nga của anh. Nhưng, chắc bản thân Solzhenitsyn cũng không ngờ rằng Rózsás sau này cũng trở thành một nhà văn, hơn nữa, tác phẩm của ông đã gây tiếng vang lớn ở ngoại quốc, khiến ông thường được nhắc đến bằng cái tên “Solzhenitsyn của nước Hung”.

Rózsás János sinh năm 1926 tại Budapest. Thời niên thiếu, như các bạn bè cùng lứa, ông bị cưỡng bức tham gia tổ chức Levente, một tổ chức của chính phủ thân Hitler, bắt buộc thanh thiếu niên độ tuổi 13-21 phải sống và sinh hoạt theo một chế độ quân sự hà khắc và giáo dục họ theo hệ tư tưởng sô-vanh bá quyền. Năm mười tám tuổi, ông bị bắt khi Hồng quân Liên Xô tràn sang đất Hung, bị tòa án quân sự mặt trận (của Liên Xô) xử mười năm tù giam. Đầu năm 1945, cùng nhiều bạn hữu khác, Rózsás bị đưa sang Liên Xô và trong chín năm tiếp tới, ông đã trải qua thời gian cùng quẫn, cực khổ nhất của cuộc đời trong mười sáu nhà tù và trại tập trung thuộc hệ thống Gulag khét tiếng. Chính vào thời gian đó, Rózsás đã gặp gỡ và làm quen với văn hào Solzhenitsyn, người bạn tù đã giúp đỡ ông làm quen với ngôn ngữ và nền văn học Nga mà ông hằng yêu mến. Hai người còn giữ tình bạn đẹp đẽ đó cho đến cuối đời.

Được trả tự do năm 1953 và được Tòa án Tối cao Liên Xô phục hồi danh dự năm 1962, Rózsás đã tham gia cuộc cách mạng Hung năm 1956, rồi trở thành một nhà văn. “Thời thanh niên cay đắng” (Keserű ifjúság, 1986), cuốn hồi ký dựa trên nhật ký viết trong chín năm tù của ông được ấn hành lần đầu ở München, sau đó được ra mắt tại quê hương ông vào thời kỳ Hungary thay đổi thể chế chính trị, là một tư liệu động lòng và có sức công phá mạnh mẽ về hệ thống tù ngục vô nhân đạo ở Liên Xô. Tác phẩm này đã khiến Rózsás nổi tiếng ở trong và ngoài nước.

Ngày nay, khi khái niệm “Gulag” dường như đã đi vào quá khứ và nhiều người cho rằng đây là một đề tài đã lỗi thời, Rózsás vẫn giữ nguyên quan điểm của ông: phải nêu lên sự thật trần trụi, phải để hậu thế biết đến thứ “sản phẩm” quái đản đó của “CNCS hiện thực”, nơi mà hàng triệu, hàng chục triệu tù nhân vô tội như ông đã là nạn nhân. Thông qua ví dụ bản thân, Rózsás còn muốn công khai phục hồi danh dự cho hàng triệu công dân ngoại quốc, từng là nô lệ khổ sai của thể chế Xô-viết trong suốt bao nhiêu năm trời, sau khi Hồng quân tiến vào “giải phóng” các nước Đông Âu năm 1945. Bằng việc khởi thảo tác phẩm “Bách khoa toàn thư về Gulag” (Gulag-lexikon, 2000), ông còn muốn phá vỡ huyền thoại “anh hùng”, “giải phóng” của quân đội Liên Xô và chế độ Xô-viết.

Nhân sự ra đi của Rózsás János, NCTG xin chuyển ngữ bài nói chuyện sau đây, được thực hiện cách đây mười hai năm với một nhà văn được coi là “pho tự điển bách khoa sống về Gulag”. Hy vọng độc giả Việt Nam cũng có thể tìm thấy những thông tin hữu ích về một thời kỳ tệ hại và một hệ thống tù ngục khổ sai khét tiếng của cái gọi là “CNCS hiện thực” theo mô hình Stalinist, còn để lại những hậu quả cho đến ngày nay.

Các chú thích trong bài là của người dịch. (NCTG)


Quần đảo ngục tù Gulag: địa ngục trần gian của những người tù khổ sai


- Cho đến ngày nay, ông đã thu thập tài liệu về hàng vạn bạn tù, hàng ngày ông vẫn “oanh tạc” các nhà chức trách Moscow bởi hàng tập thư từ, đòi họ phải cung cấp hồ sơ những vụ án thủa xưa. Điều gì thúc đẩy ông làm việc đó?

- Mùa thu năm 1944, sau khi Szálasi (1) lên nắm quyền, những thành viên phong trào Levente bị điều động nhập ngũ. Một số người được đưa đi huấn luyện ở Đức, số còn lại tập luyện trong nước, hoặc bị đưa thẳng ra mặt trận, phụ thuộc tình hình biến chuyển của chiến sự. Tháng Chạp 1944, sau ba tuần tập huấn, tôi bị đưa ra trận ở vùng Marcali.

- Giới thanh niên như ông được trang bị vũ khí ra sao?

Sẽ là quá lời nếu bảo chúng tôi được vũ trang! Ra trận trong bộ quần áo dân sự của mình, chúng tôi được nhận một khẩu súng trường hiệu Mauser từ thời Đệ nhất Thế chiến với mười viên đạn, và một khẩu Panzerfaust, tức là súng chống tăng. Có thể nói rằng loại súng này chúng tôi chỉ được thấy lần đầu khi người ta nhét vào tay chúng tôi.

Chúng tôi được trao nhiệm vụ ngăn chặn những đơn vị thiết giáp Xô-viết đang trên đà tấn công. Sự thực, chúng tôi bị tống vào lò sát sinh. Rồi chúng tôi chẳng làm được quái gì cả. Vượt qua trận tuyến, chúng tôi bị bắt giam mà không hề chống cự. Trong chín năm tiếp tới, cha mẹ tôi không hề biết tôi sống hay chết, và tôi cũng không được biết gì về họ.

- Ông và đồng đội chờ đón quân Liên Xô như những hàng binh?

- Chúng tôi không hèn nhát đâu. Kỳ thực, chúng tôi còn là những đứa trẻ. Sau nửa thế kỷ, nhìn lại, có lẽ phải bật cười vì hoàn cảnh chúng tôi bị bắt làm tù binh. Đơn vị chúng tôi bị chia cắt làm đôi. Các chỉ huy của chúng tôi không hề có chút hiểu biết quân sự gì, đã tách khỏi chúng tôi cùng một điện báo viên người Đức. Đó là những thanh niên hơn tuổi chúng tôi, được thăng cấp vội vàng. Như sau này chúng tôi được biết, những kẻ bất hạnh đó cũng bị chạm trán với Hồng quân, chỉ có vài người sống sót.

Trời tối dần, năm mươi tám đứa chúng tôi còn trơ lại trong một khu rừng. Không còn ai chỉ huy, chúng tôi đã rã rời và đói khát đến mức chẳng suy nghĩ gì được nhiều, ai nấy quyết định lăn ra ngủ đến sáng hẵng hay. Đi đâu thì sẽ bàn sau. Rạng sáng, ba người lính Xô-viết đang đi săn thỏ trong rừng, phát hiện ra chúng tôi. Trong số chúng tôi có mấy anh người miền Nam (2), họ biết tiếng Serbia và tìm cách giải thích cho người Nga hiểu rằng chúng tôi hoàn toàn không có ý định đánh đấm gì, chúng tôi bị người Đức dồn ra mặt trận thôi.

Mấy anh lính Nga chế nhạo chúng tôi hồi lâu, họ niềm nở đưa chúng tôi về trụ sở chỉ huy. Tại đó, sự đón tiếp không lấy gì làm thân mật. Chúng tôi bị tước vũ khí, bị giam giữ, rồi bị đưa ra tòa và bị xét xử ngay trong ngày hôm đó.

- Người Nga không đối xử với các ông như với những tù binh?

- Không. Chúng tôi bị coi là những tên phát-xít. Trong cái phiên tòa kéo dài mấy phút ấy, chúng tôi chẳng hiểu chút gì cả. Người ta bắt chúng tôi ký một biên bản gồm mười sáu trang giấy, cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu trong đó có những gì. Một bà cụ người Ukraine ở vùng núi Kárpát (3) phiên dịch cho chúng tôi, bà ta đã không biết một câu tiếng Hung thì chớ, lại còn mù tịt cả tiếng Nga. Quá trình “phiên dịch” chỉ vỏn vẹn như sau: bằng mười ngón tay, bà ra hiệu cho chúng tôi biết chúng tôi bị mấy năm tù. Nhưng cũng có người bị đưa đi xử bắn ngay lập tức. Tất nhiên, để ra vẻ hình thức, người ta cũng hỏi chúng tôi có cần luật sư không?

- Người ta không cho ông và các đồng sự biết rằng tại sao những người Levente lại bị coi là tội phạm chiến tranh, chứ không phải là tù binh?

- Thật bí ẩn, nhưng rốt cục chúng tôi cũng được biết. Người Nga nghĩ rằng độ tuổi tối thiểu để bị gọi nhập ngũ ở Hung là 21, thành thử ai chưa đến lứa tuổi đó đều là những kẻ tự nguyện ra trận. Do đó, họ đều phải là những tên quốc xã, những kẻ thù sẵn sàng làm mọi tội ác để chống lại Hồng quân. Người ta không biết phong trào Levente là gì. Họ tưởng chúng tôi là một tổ chức ở Hung, tương tự như Hitlerjugend (4).

-  Tiếp tục ra sao?

- Chúng tôi bị nhồi nhét vào những toa tàu vốn dùng để chở trâu bò, cùng với các quân nhân Xô-viết đã bị kết án. Đó là những kẻ đào ngũ, không tuân lệnh cấp trên, trộm cắp, cướp bóc đủ loại. Khi đến nhà tù Odessa, chúng tôi không mấy khi được nghe tiếng Hung. Mọi dân tộc của Liên Xô đều có “đại diện” ở đây, nói đúng hơn, tù nhân được chuyển về đây từ những vùng đã được Hồng quân “giải phóng” đầu năm 1945.

Sau này, trong trại tập trung, chúng tôi còn gặp gỡ rất nhiều tù binh Đức và Nhật. Và một điều rất đáng chú ý: có khá nhiều tù nhân là những cựu Bạch vệ đã từng trốn chạy chính phủ bôn-sê-vích sang các nước phương Tây, nhưng điều bất hạnh là họ chạy chưa đủ xa! Cơ quan phản gián Xô-viết có những dữ liệu chính xác về những người này. Địa chỉ nhà ở của họ tại Vienna, Praha hay Dresden bị phát giác, họ bị bắt và đưa về từ đấy.

- Khi đoàn tàu chở tù binh đến Odessa đầu năm 1945, ông thấy cảnh tượng ở đó như thế nào?

- Thành phố đổ nát điêu tàn, không có nhà ga, người ta chỉ quét dọn những đống gạch đổ khỏi đường ray xe lửa mà thôi. Sau sáu tuần bị sống cách ly, tôi bị đưa đến một trại tập trung ở Nicolayev, cách Odessa chừng một trăm cây số. Tại đó, chúng tôi phải thu dọn những mảnh vụn đổ nát của một nhà máy đóng tàu, bị quân Đức ném bom tan tành. Mùa thu, chúng tôi bị chở đi một trại tập trung khác ở ngã ba sông Dnieper; các tù binh khác thế chân chúng tôi. Một năm sau, chúng tôi đến vùng Bắc Ural, tôi ở đó hai năm rưỡi tại một công xưởng khai thác cây làm giấy. Các bạn tù của tôi đều bị tản mát đi nhiều nơi, tôi không được biết gì về họ.

- Căn cứ vào yếu tố gì mà người ta phân ông và các bạn tù đi nơi này, nơi khác?

- Tù nhân chủ yếu được phân loại dựa trên trạng thái sức khỏe: người thì bị điều xuống mỏ, người đi làm đường, người đi làm xây dựng, kẻ khác vào nông trường sản xuất trong trại tập trung... Nhưng cũng còn phụ thuộc vào chuyện trong thời gian đó, nền kinh tế quốc dân Liên Xô cần nô lệ làm thứ việc gì. Gulag, cơ quan lãnh đạo và quản lý các trại tập trung trên toàn quốc, chính là một Bộ Lao động, có thẩm quyển xếp đặt, bố trí lao động cho chừng mười, mười lăm triệu tù nhân.

- Hoàn cảnh sống của ông?

- Thay đổi. Ở vùng Ural, chúng tôi phải sống giữa những hoàn cảnh vô nhân đạo đến mức ngay những tù nhân có thể lực tốt nhất cũng bị suy sụp trong chốc lát. Sau một thời gian, người ta chỉ còn biết bắt tôi làm việc trong nhà máy gạch, còn khi tôi đã ở ngưỡng cửa của cuộc sống với cái chết, tôi được chuyển đến một trại “hồi sức”, tại đó tôi được suất ăn nhiều hơn chút đỉnh. Người chết nhiều vô kể. Mùa thu chúng tôi còn có một ngàn năm trăm người, tháng 3 khi tôi bị chuyển khỏi trại, chỉ còn năm trăm tù nhân sống sót. Những người chết đều bị làm mồi cho bầy sói.

- Sao cơ?

- Tôi không thể dùng được từ ngữ nào chính xác hơn. Bởi lẽ không thể đào huyệt trên nền đất băng giá, thành thử những người chết chỉ được phủ tuyết ở một khoảng đất gần trại; ai nấy đều bảo “rồi tới mùa xuân sẽ chôn cất”. Nhưng lũ sói không chờ đến mùa xuân.

Trong trại, nguồn gốc dân tộc và lý do ngồi tù là những việc không ai quan tâm. Chẳng hạn, người ta liệt tôi là người Ukraine vì tôi học tiếng Nga theo thổ ngữ Ukraine trong thời kỳ ở vùng lân cận Odessa. Năm 1949, tôi bị đưa về Kazakhstan. Lý do là bởi có nhiều vụ nổi loạn xảy ra trong thời gian đó tại các trại tập trung vùng cực, và những tù nhân chính trị bị coi là nguy hiểm nhất - như tôi - đều bị chuyển xuống miền Nam. Nặng nhất là những tội số 1, số 6, số 8 và số 9. Tôi thuộc loại số 9.

- Tội sát nhân thuộc số mấy?

- Nói chung, tội sát nhân và những tội hình sự thông thường được coi là tội nhẹ, nhưng người ta cũng đánh số tù thường phạm theo kiểu khác. Hồi sinh thời Stalin, tù chính trị không được hưởng ân xá, ngược lại, tù thường phạm được hưởng mọi dịp ân xá. Sau đây là “thứ hạng” có thể của một bản án chính trị:

1. phản bội tổ quốc, 1/b. phản bội tổ quốc bằng cách làm yếu chính thể Xô-viết - những quân nhân Xô-viết bị Đức bắt làm tù binh bị liệt vào tội này, vì họ “làm yếu” Hồng quân.

2. khởi nghĩa vũ trang.

3. ủng hộ kẻ thù

4. ủng hộ các thế lực tư sản quốc tế - thường thường các nhà tu hành bị tội này.

5. tạo điều kiện cho kẻ thù tấn công Liên Xô - ít người bị kết tội này.

6. làm gián điệp, nhất là gián điệp cho đế quốc - tội này bất cứ ai cũng có thể bị, nếu người ta không thể buộc anh ta vào một tội khác. Dân Hung đa số bị tội này.

7. phá hoại kinh tế, tội này ít bị xử.

8. có hành vi khủng bố.

9. biệt kích.

10. tuyên truyền chống chế độ Xô-viết.

11. tuyên truyền kích động tập thể.

12. không tố cáo những kẻ phạm tội chính trị: đây là một trong những tội trầm trọng nhất.

- Nếu ai đó không làm chỉ điểm, anh ta sẽ phạm vào tội trầm trọng nhất?

- Còn tệ hơn thế nữa. Tôi được biết một vài trường hợp, chẳng hạn các cô gái Hung bị kết tội 12 vì họ đã không tố cáo anh trai họ. Khi Hồng quân tràn vào Hung, ông anh trai ngộ sát một người lính Xô-viết trong khi hai người vật lộn, vì tên lính này đã hãm hiếp em gái anh ta. Người anh bị tử hình, các cô em gái bị kết án mười năm lao động trừng giới.

Tiếp tục về các “tội”: 13. phục vụ chính quyền Nga hoàng - tội này không bị đưa ra vào thời chúng tôi. Ngược lại, tội 14: có hành vi phản cách mạng trong kinh tế - hay được đưa ra, nhất là đối với những tù binh không chịu làm việc. Còn nếu người ta kèm thêm tội 19 vào những tội kể trên thì nghĩa là không phải họ muốn nói đến những tội đã được thực hiện, mà là nói đến chủ định, hoặc khả năng có thể chuẩn bị thực hiện những tội đó.

Các quan tòa diễn giải điều này như sau: dựa trên học thức, thành phần xuất thân, dựa vào cương vị công tác của anh, anh “có thể gây án, nếu muốn”. Nghĩa là, cho dù anh không có ý định gây án đi nữa, cá nhân anh cũng là một mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với chủ nghĩa cộng sản. Đây là đỉnh cao của nền luật học Xô-viết. Những bản án chính trị thường bắt đầu từ án tù mười năm, đến tận mức án tử hình.

Xem tiếp Phần 2  của bài viết.

Chú thích:

(1) Szálasi Ferenc (1897-1946): lãnh tụ theo xu hướng dân tộc cực đoan, sáng lập Đảng Quốc xã đầu tiên ở Hungary năm 1935, lên nắm quyền nhờ sự ủng hộ của Hitler ngày 15-10-1944.

(2) Lãnh thổ cực Nam thuộc Vương quốc Hungary thời trước năm 1920, bị nhập vào những quốc gia láng giềng khác sau Hiệp định Trianon.

(3) Dãy núi vùng biên giới Hungary - Ukraine.

(4) Tổ chức thanh niên phát-xít ở Đức.

Nguyễn Hoàng Linh chuyển ngữ và chú giải – Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn