Nhà tình báo Nguyễn Quốc Tài
Nhưng tôi vẫn cố gắng thuyết phục: “
Bác
đừng lo lắng quá. Nên viết sách bác ạ, điều đó là rất cần thiết. Lịch
sử cần được tôn trọng và phải được viết bởi sự thực. Bác là nhân chứng
đã đi cùng lịch sử, lỡ mai kia bác mất đi, những bí mật và tư liệu lịch
sử cũng sẽ bị vùi chôn mãi mãi, như thế là có tội với lịch sử. Sách viết
về bác có thể xuất bản sau khi bác đã mất…”.
Ông không nói gì, nét mặt trầm ngâm, đôi mắt như chìm vào một cõi xa xăm. Một lát sau ông mới quay sang phía tôi: “
Thôi,
tùy cậu. Nếu viết thì cậu sắp xếp thời gian đi. Tôi sẽ cung cấp cho cậu
toàn bộ thông tin về cuộc đời tôi và những tư liệu lịch sử mà tôi biết”.
Từ niềm đam mê hội họa…
Người đời biết đến ông không nhiều, có chăng chỉ biết đến một ông họa sĩ
Vũ Anh về tài cắt hình bóng khi ông tham gia vào chương trình “Những
chuyện lạ Việt Nam trên VTV3” vào năm 2004. Còn chuyện về cuộc đời thực
của ông thì ít người biết đến. Một phần cũng vì ông vốn là người kiệm
lời, càng về già ông càng sống trầm lặng hơn và càng ít khi nói về mình.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát, và điều đặc
biệt dễ nhận ra ở ông là đôi tay cực kỳ khéo léo và đôi mắt quan sát một
cách tinh tế. Thoạt nhìn, không ai nghĩ rằng ông nghệ sĩ già kia chính
là một điệp viên tình báo tầm cỡ, là một người đã đi suốt chiều dài cuộc
chiến tranh Việt Nam trong cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mĩ, là
chứng nhân và cũng là người đang nắm nhiều tư liệu mật về cuộc chiến, về lịch sử.
Vũ Anh là bút họa, còn tên thật của ông là Nguyễn Quốc Tài. Ông sinh năm 1929 trong một gia đình tư sản ở tỉnh Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre), có cha làm công chức Đông Dương. Thời niên thiếu ông học trường Albert Sarraut ở Hà Nội. Nói về nguyên nhân vì sao lại đi học xa nhà như thế, ông giải thích: “
Nhà tôi là một nhà tư sản. Ngày ấy, những gia đình có tiền và địa vị trong xã hội thường cho con học đi Pháp du học hoặc học những trường thuộc loại sang ở trong nước do Pháp lập ra, một phần vì muốn con cái sau này làm công chức, nhưng chủ yếu là để lấy thanh danh gia đình nhiều hơn”.
Làm việc cùng các nhà báo
Lúc này, gia đình ông và gia đình Phạm Ngọc Thảo là hai trong số những đại tư sản giàu có nhất Nam Bộ, và hai gia đình này thường xuyên qua lại với nhau, chính điều này là cơ sở để làm nên “cơ duyên” của cặp bài trùng điệp viên Phạm Ngọc Thảo – Nguyễn Quốc Tài sau này.
Học xong chương trình phổ thông, năm 1945 ông được nhận vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Giải thích về việc tại sao lại lựa chọn hội họa, họa sĩ Vũ Anh nhớ lại rằng, khi lên 8 tuổi, được theo cha sang Pháp, và hình ảnh người thợ cắt hình bóng rong dưới chân tháp Eiffel đã gieo vào ông sự đam mê về môn nghệ thuật kỳ lạ đó. Nhưng dường như không hẳn thế, mà tố chất nghệ sĩ và năng khiếu hội họa là thứ bẩm sinh, nằm sâu trong máu thịt và tâm hồn ông.
Trở thành một điệp viên
Khi ông đang học dở năm thứ nhất trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Đây là sự kiện đã tạo nên một bước ngoặt mới trong cuộc đời ông và đưa ông đến với cuộc đời binh nghiệp, rồi sau đó là cuộc đời của một điệp viên. Sau Cách mạng, ông gia nhập lực lượng kháng chiến của Việt Minh và được điều vào Nam. Tại đây, ông được cử theo học Trường Lục quân Võ bị 1 Quảng Ngãi, hiệu trưởng Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi lúc này không ai khác chính là tướng Nguyễn Sơn, đây cũng là người thày đã trực tiếp giảng dạy và đưa ông vào con đường binh nghiệp.
Sau này, mỗi khi nói về tướng Nguyễn Sơn, ông đều kể lại với giọng bồi hồi xúc động và cả một sự kính phục, biết ơn sâu sắc một người thầy tài ba và yêu thương học trò, binh lính. Cách đây không lâu, cuốn sách “Nguyễn Sơn – lưỡng quốc tướng quân” đã ra đời, trong đó, nguồn tư liệu để viết nên cuộc đời vị tướng này phần lớn là do ông cung cấp: ông coi đó là trách nhiệm và cũng là sự thể hiện lòng biết ơn của một học trò đối với người thầy của mình.
Cũng kể từ đây, binh nghiệp và nghệ thuật luôn song hành cùng ông. Tốt nghiệp trường Lục quân Quảng Ngãi, ông vào sâu trong chiến trường miền Nam. Sau Hiệp định Geneva, ông được giao nhiệm vụ ở lại miền Nam để tạo lập cơ sở kháng chiến mới. Hồi tưởng lại giai đoạn lịch sử này, ông nói: “
Suốt trong hơn hai mươi năm (1954 – 1975) chiến tranh Việt Nam – Mỹ, giai đoạn từ sau hiệp định Geneva cho đến năm 1963 là những năm tháng khó khăn và đen tối nhất của cách mạng miền Nam.
Sau thời kỳ chín năm, lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ rất phức tạp, gồm nhiều nhóm vũ trang như Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Minh, lực lượng vũ trang tự do, lính người Việt trong quân đội Pháp cũ... Lực lượng kháng chiến của Việt Minh sau khi tập kết ra Bắc chỉ còn lại một số ít, không đáng bao nhiêu. Nhìn vào toàn cảnh tình hình lúc đó, không ít người trong lực lượng Việt Minh đã dao động, chính tôi cũng thế, nhiều lúc nghĩ rằng cách mạng miền Nam khó có thể vượt qua…”.
Năm 1955, ông gặp một nhân vật mà sau này chính nhân vật này đã có ảnh hưởng to lớn đối với tình hình cách mạng miền Nam Việt Nam sau này – đó là Ba Duẩn. Lúc này ông Lê Duẩn đang là Trưởng phòng Dân quân Nam Bộ, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Sau cuộc gặp này, chính Lê Duẩn đã đề nghị nhận Nguyễn Quốc Tài làm việc trực tiếp dưới quyền ông.
Cũng năm 1955, ông - Nguyễn Quốc Tài - được dự một khóa huấn luyện điệp viên tình báo ngắn do Trung ương cục miền Nam mở, sau đó trực tiếp nhận một nhiệm vụ đặc biệt do chính bí thư Lê Duẩn giao: vào nội đô Sài Gòn và hoạt động trong lòng địch, phải tiếp cận được với các nhân vật chóp bu đứng đầu trong bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa, mà cụ thể ở đây chính là anh em họ Ngô, đặc biệt là Ngô Đình Nhu – em trai và cũng là cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, cuộc đời điệp viên của chàng lính trẻ Nguyễn Quốc Tài bắt đầu từ đây. Nó đem đến cho cuộc đời ông những thăng trầm theo dòng lịch sử và cả những chiến công – vinh quang thầm lặng.
Vào những năm 1955 – 1959, ba chính sách “đả thực”, “bài phong” và “chống cộng” của anh em nhà Diệm – Nhu tiến hành đã đẩy những người kháng chiến cũ vào sự lựa chọn cuối cùng: hoặc theo Diệm – Nhu (quân đội quốc gia) hoặc chống lại. Hàng loạt vụ thanh trừng và đàn áp diễn ra, anh em họ Ngô muốn thông qua đây sẽ tiêu diệt hết các đối thủ chính trị và những lực lượng vũ trang đối lập ở miền Nam. Cơ sở của Việt Minh hồi kháng chiến chín năm nhiều nơi bị phá vỡ. Nhiều người cộng sản bị đưa lên máy chém hoặc tù đày. Nhà giam Chí Hòa và nhà giam Phú Lợi không đủ chỗ chứa, chính quyền Diệm – Nhu có những lần đã ra lệnh bỏ thuốc độc vào thức ăn của tù nhân để thủ tiêu hàng loạt.
Vào những năm 1958 – 1959, khi Hà Nội đã nắm bắt rõ ý đồ của Mỹ sẽ nhúng sâu hơn vào cuộc chiến tại miền Nam, thì những thông tin tình báo về những bước đi tiếp theo của Mỹ càng tỏ ra quan trọng hơn bao giờ hết. Nguyễn Quốc Tài được cấp trên giao nhiệm vụ luồn sâu vào trong lòng chính quyền Sài Gòn và nhanh chóng dệt những mạng lưới mới để bắt liên lạc và thực hiện nhiều kế hoạch phản gián. Người chỉ huy trực tiếp ông lúc đó không ai khác là nhà tình báo nổi tiếng Phạm Ngọc Thảo – cũng là người bạn mà ông đã biết từ trước đó.
Lúc này, nghệ thuật cắt hình bóng đã được ông vận dụng một cách khéo léo, tài tình để phục vụ cho nhiệm vụ được giao phó. Ông lang thang khắp Sài Gòn, xuống Bình Dương, Long Xuyên, Bến Tre, rồi lên Đà Lạt, Buôn Ma Thuột... với cây bút vẽ và cây kéo trong tay. Nhiều phòng tranh được mở, nhiều cuộc triển lãm tranh gây tiếng vang khắp Sài Gòn thời đó và lấy bút họa là Vũ Anh.
Ghi nhận những hoạt động đó, Vũ Anh đã được bầu làm Ủy viên Hội nhà Văn Việt Nam và hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Tài hoa của ông đã lan đến Dinh Độc lập và cố vấn thân cận của Ngô Đình Diệm đã tiếp cận ông và mời ông vào dinh Gia Long để vẽ chân dung cho Tổng thống. Trong một lần cùng Phạm Ngọc Thảo vào tiếp kiến Ngô Đình Diệm, Vũ Anh đã đề nghị được cắt hình bóng. Ngô Đình Diệm đã vui vẻ nhận lời. Và chưa đầy 15 phút ngồi với Ngô Đình Diệm, ông đã cắt tặng hàng chục hình bóng.
Sự kiện này được chính quyền Sài Gòn tôn vinh. Các công cụ truyền thông thời đó đăng ảnh và tít lớn về Vũ Anh đứng bên Tổng thống Ngô Đình Diệm và cắt tặng hình bóng như một thông điệp về sự hoà hợp giữa chính quyền với giới nghệ sĩ. Lợi dụng con đường này, Vũ Anh thâm nhập sâu vào trong chính quyền Sài Gòn.
Xem tiếp Phần 2 của bài viết.