Thảm họa diệt chủng Polpot qua cuốn sách “ÐẦU TIÊN HỌ GIẾT CHA TÔI”

Thứ sáu - 09/12/2011 09:19

(NCTG) “Đứng đối diện với những tên lính, cha vươn thẳng vai, đây là lần đầu tiên kể từ khi quân Khmer Đỏ chiếm đóng, tôi thấy cha mới đứng thẳng người. Nhún cằm và ngẩng cao đầu, ông nói với mấy tên lính rằng ông đã sẵn sàng ra đi…” – hồi ký gây xúc động của một phụ nữ về thảm cảnh mà cô và gia đình đã phải trải qua dưới chế độ “cộng sản” kiểu Polpot ở Campuchia.


“Những cánh đồng chết” tại Campuchia

Phiên tòa Quốc tế xử Khmer Đỏ vì những tội ác diệt chủng đối với vài triệu người dân Campuchia thời kỳ 1975-1979 đã diễn ra hơn hai tuần nay, cho thấy thảm cảnh “những cánh đồng chết” (killing fields) - dù đã xảy ra hơn ba thập niên nay - vẫn không hề bị quên lãng và phải trở thành bài học lịch sử cho các thế hệ sau. Trong bối cảnh này, đọc lại những hồi tưởng, tư liệu về những năm tháng kinh hoàng ấy - mà một tác phẩm tiêu biểu là hồi tưởng của Loung Ung - là điều cần thiết và mang tính thời sự.

Sinh năm 1970 tại Phnom Penh, hiện Loung Ung là Người phát ngôn Quốc gia cho “Chiến dịch một thế giới không có bom mìn”, một chương trình của VVAF (Vietnam Veterans of American Foundation - Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam). Chính tổ chức này đã khởi động Chiến dịch Quốc tế chống sử dụng mìn sát thương và được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1997.

Trên cương vị một nhà hoạt động xã hội và tranh đấu cho nhân quyền, Loung Ung đã có những chuyến thuyết trình trên khắp nước Mỹ về các vấn đề Campuchia, về phụ nữ và chiến tranh, trẻ em bị bắt đi lính, bạo lực gia đình và phòng chống bom mìn. Chị cũng xuất hiện thường xuyên trên truyền thông.

*

Là một trong những nhân chứng sống của tệ diệt chủng Polpot thập niên 70 thế kỷ trước, những trang hồi ức của Loung Ung đã gây chấn động và có sức công phá ghê gớm. Ðặc biệt là cuốn hồi ký đầu - “Ðầu tiên họ giết cha tôi” (First They Killed My Father) - do NXB Harper Collins phát hành tại Hoa Kỳ năm 2000 và lập tức trở thành cuốn sách bán chạy hàng đầu tại Mỹ và nhiều nước khác.


Cuốn sách gây chấn động của tác giả Loung Ung

Năm 1975 Loung Ung mới tròn 5 tuổi, đang ở độ tuổi ngây thơ của một bé gái trong vòng tay bao bọc của cha mẹ. Gia đình cô có 7 anh chị em, Ung là con áp út. Cha của Loung là cán bộ cao cấp của chính phủ Sihanouk, trong chế độ cũ, gia đình cô có cuộc sống sung túc, đầy đủ tại thủ đô Phnom Pênh.

Khi quân Khmer Đỏ tiếp quản chính quyền vào năm 1979, gia đình Loung phải rời thủ đô, chạy về vùng nông thôn, di chuyển từ làng này qua làng khác để che giấu nguồn gốc, học vấn, địa vị trong chế độ cũ. Để sống sót, họ đã phải tách đàn con ra các nơi khác nhau: Loung bị gửi đến một trại lao động mà sau này cô bé được đào tạo làm lính, còn các anh chị em khác thì bị gửi đến các trại lao động khác nhau.

Ngày qua ngày, gia đình Ung phải đấu tranh sinh tồn với nạn đói triền miên, với nỗi đe dọa bị phát hiện nhân thân, tung tích. Từ những trí thức sống ở thành phố, cả gia đình phải làm việc quần quật nhưng vẫn không đủ ăn khiến em bé út tên Geak của nhà Loung Ung không thể lớn thêm được nữa. Những người anh phải chịu nhiều trận đòn roi để ăn cắp đồ ăn đem về nuôi gia đình.

Tuy vậy, sự thiếu thốn đói khổ không kinh khủng bằng sự chia lìa giữa những người thân khi không biết ngày mai ra sao, có còn được gặp lại nhau không, khi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Còn gì kinh khủng bằng một đứa con gái nhỏ mới 7-8 tuổi phải sống xa mẹ, sống một mình cô đơn giữa một trại đào tạo lính, hàng ngày phải tập bắn súng khi chưa nâng nổi cây súng, chịu bị bắt nạt bởi chúng bạn, bị phạt đòn roi đau đớn.

Còn gì kinh khủng hơn khi chứng kiến bỗng nhiên một ngày lính đến bắt cha đi và không hẹn ngày trở lại. Còn gì kinh khủng hơn khi cô bé đi bộ cả một ngày đường dài đằng đẵng về thăm mẹ và em nhỏ thì hay tin họ đã biến mất không dấu vết. Dù họ đã quyết đấu tranh sinh tồn, giành giật sự sống, cố che giấu thân phận, nhưng ngày đoàn tụ họ cũng không còn cha mẹ, không còn chị cả và cô em út bé bỏng.

Họ đã không thể cầm cự đến ngày cuối cùng của một chế độ tàn ác và phi nhân mang danh “cộng sản”!

*

(Trích đoạn)

Thời gian cứ thế chậm chạp trôi qua. Chúng tôi đang trải qua cái nóng giữa mùa hè khô hạn. Đã khoảng bốn tháng kể từ khi chị Keav mất. Dù cả nhà không ai nhắc đến chị nhưng tim tôi vẫn khóc thầm khi nhớ rằng chị đã vĩnh viễn không ở bên chúng tôi nữa.

Chính phủ tiếp tục cắt khẩu phần ăn của gia đình. Tôi lúc nào cũng đói và tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là làm sao có cái ăn. Mỗi đêm, dạ dày tôi gầm réo và đau đớn khi càng ra sức cố ru mình vào giấc ngủ. Cả gia đình giờ phụ thuộc vào Khouy và Meng mang đồ ăn trộm được ở trại về. Nhưng Angkar (*) bắt họ làm việc đầu tắt mặt tối, chẳng còn thời gian mà về thăm nhà thường như trước nữa.

Chúng tôi sống trong nỗi sợ hãi thường xuyên là sẽ bị phát hiện từng ủng hộ chính phủ cũ. Mỗi lần nhìn thấy những tên lính đi lại trong làng, tim tôi co thắt lại khi nghĩ chúng đang đến bắt cha đi. Chúng chưa biết cha không phải là nông dân nghèo nhưng bao lâu nữa thì chúng phát hiện ra chúng tôi đang cố nói dối? Đi đâu tôi cũng bị ám ảnh với suy nghĩ rằng mọi người đang nhìn tôi chằm chằm, soi xét tôi bằng những cặp mắt ngờ vực, chỉ đợi tôi gây ra chuyện gì thì sẽ nói ra bí mật của gia đình tôi. Họ có thể nhìn cách tôi nói, cách tôi đi, cách tôi nhìn để đoán ra tôi là ai không?

“Chúng đã biết rồi” - tôi nghe lỏm cha thì thầm với mẹ vào một đêm khuya. Nằm ngửa cạnh Chou và Kim, tôi giả vờ đang ngủ. “Bọn lính đã đến đưa nhiều người hàng xóm đi, không ai nói gì về sự biến mất của họ. Ta phải chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất. Cần phải cho bọn trẻ đi xa, đổi tên cho chúng. Mình phải bắt các con sống ở những trại trẻ mồ côi, chúng phải nói dối không biết bố mẹ là ai. Bằng cách này, may ra các con sẽ an toàn và không bị lộ”.

“Không mình ơi, chúng còn quá bé” - mẹ van lạy cha. Tôi không thể giả vờ ngủ, mắt cứ chớp liên hồi nên vội xoay sang nằm nghiêng. Cha mẹ im phăng phắc chờ cho tôi ngủ tiếp. Nhìn chằm chằm vào lưng Kim, tôi cố gắng bắt mình thở đều đều.

“Anh muốn các con được an toàn, được sống nhưng anh không thể bắt chúng đi được, chúng còn quá bé và không thể tự vệ. Không phải là bây giờ nhưng sớm thôi” - giọng cha nhỏ dần.

Nằm cạnh Chou, Geak đang ngủ đạp lung tung và miệng ú ớ như gặp điều gì chẳng lành. Mẹ bế nó lên và đặt nằm giữa cha và mẹ. Tôi lại trở mình lần nữa, lần này thì quay mặt vào lưng Chou. Tôi ti hí thấy cha và mẹ nằm quay mặt vào nhau, cùng xoa đầu Geak.


Gia đình Ung những ngày còn bình yên - Ảnh tư liệu

Tối hôm sau, khi đang ngồi với Kim ở bậc cửa, tôi thầm nghĩ tại sao bầu trời có thể vẫn đẹp như vậy khi tôi chả vui vẻ chút nào với cuộc sống trên đời. Trời nhá nhem tối và những ánh hoàng hôn có màu đỏ, vàng, tím xa phía chân trời làm cả bầu trời ánh lên một vẻ màu nhiệm. Có thể thần thánh đang sống ở trên đó chăng? Khi nào thì họ xuống đây đem sự bình yên cho mảnh đất của chúng tôi? Khi tôi đưa mắt xuống thì thấy hai người đàn ông mặc quần áo đen đi vào với khẩu súng trường đeo trên lưng như thường lệ.

“Bố có nhà không?” - một người hỏi chúng tôi

“Có ạ” - Kim trả lời, cha nghe tiếng nên đi ra cửa. Người cha so lại khi chúng tôi vây quanh cha.

“Tôi có thể giúp gì được ạ?” - cha nói.

“Chúng tôi cần anh giúp, xe bò kéo của chúng tôi bị kẹt ở đoạn lầy cách đây vài cây số, đang cần người kéo ra.”

“Các ông có thể đợi một chút để tôi nói chuyện với vợ con được không?”. Tên lính gật đầu với cha. Cha mẹ đi vào trong lều. Một lát sau, cha đi ra một mình. Trong lều, tôi nghe mẹ đang sụt sùi. Đứng đối diện với những tên lính, cha vươn thẳng vai, đây là lần đầu tiên kể từ khi quân Khmer Đỏ chiếm đóng, tôi thấy cha mới đứng thẳng người. Nhún cằm và ngẩng cao đầu, ông nói với mấy tên lính rằng ông đã sẵn sàng ra đi. Ngước mắt nhìn lên, tôi thấy lồng ngực của cha phồng lên và thở ra một hơi dài nặng nề, cằm ông bành vuông ra với hàm răng nghiến chặt.

Tôi với tay lên và túm nhẹ lấy ống quần cha. Tôi muốn làm cho ông cảm thấy dễ dàng hơn khi phải rời xa chúng tôi. Cha đặt tay lên đầu tôi và vuốt tóc tôi. Bất ngờ ông nhấc bổng tôi lên, cánh tay ông ôm chặt lấy tôi và hôn lên tóc tôi. Đã lâu lắm rồi ông mới ôm tôi như thế này. Chân tôi đung đưa trên không trung, tôi nhắm chặt mắt lại và vòng tay ôm cổ cha, không muốn rời.

“Con gái xinh đẹp của cha” - ông nói với tôi kèm với nụ cười nhẹ. “Cha phải đi với các chú này một lúc.”

“Lúc nào thì cha quay lại hả cha?” - tôi hỏi ông.

“Sáng mai ông ấy về” - một tên lính trả lời hộ cho cha. “Đừng lo, ngày mai ông ấy sẽ về sớm.”

“Cha cho con đi với? Cũng không xa mà, con sẽ giúp cha” - tôi năn nỉ ông cho tôi đi cùng.

“Không, con không thể đi được. Cha phải đi thôi, các con ở nhà ngoan, bảo ban lẫn nhau” - nói rồi ông bỏ tôi xuống. Cha đi chậm chậm về phía Chou và bế Geak từ tay Chou. Nhìn Geak, cha đung đưa em nhè nhẹ rồi cúi xuống kéo cả Chou vào lòng mình. Kim đi về phía cha, ngẩng cao đầu và ưỡn ngực như một người đàn ông nhỏ bé, rồi đứng nép vào bên cha. Rời tay bế Geak và Chou, cha cúi xuống đặt hai tay lên vai Kim, dù mặt Kim mếu máo, nhưng cha thì bình thản và cứng rắn. “Hãy chăm sóc mẹ, các em và tự chăm sóc mình con nhé” - ông dặn Kim.

Cha bước đi với hai tên lính đi hai bên. Tôi đứng đó vẫy ông. Tôi nhìn theo bóng ông nhỏ dần, nhỏ dần mà vẫn muốn đứng vẫy, chỉ chờ ông quay lại một lần để vẫy tôi nhưng cha đã không làm thế. Tôi đứng đó, nhìn bóng cha biến mất về phía chân trời có ánh vàng, ánh đỏ. Lúc không còn nhìn thấy cha nữa, tôi quay lại và đi vào lều, mẹ đang ngồi một góc và khóc. Tôi đã chứng kiến nhiều lần cha rời nhà hồi còn ở Phnom Penh nhưng chưa bao giờ thấy mẹ khóc và buồn như bây giờ. Tận sâu trong trái tim tôi đã biết được manh nha sự thật nhưng lý trí của tôi thì không thể chấp nhận thực tế của tất cả những gì đang diễn ra.

“Mẹ, đừng khóc nữa, mấy người đó họ nói cha chỉ đi đến sáng mai là về mà” - tôi đặt tay lên tay mẹ. Người mẹ run lên. Tôi bước ra khỏi lều, nơi các anh chị em đang ngồi trên bậc cầu thang, ngồi cạnh Chou đang bế Geak trong tay, cùng nhau chúng tôi đợi cha, mắt nhìn đau đáu vào con đường mòn mà cha đã ra đi, mong ông sẽ trở về vào sáng mai.


Loung Ung, hiện là một nhà hoạt động xã hội và nhân quyền


... Vậy là sau hơn 20 tháng ẩn náu, chúng đã tìm ra cha. Cha luôn biết ông không thể lấn tránh mãi, nhưng tôi không thể tin rằng ông đã thất bại. Chúng tôi sẽ ra sao đây khi không có cha ở bên? Chúng tôi đã coi nhẹ mạng sống của mình. Giờ đây chúng tôi sẽ sống sót ra sao nếu không có cha? Đầu tôi quay vòng vòng và đầy ắp những hình ảnh về cái chết và các vụ thảm sát. Tôi đã nghe kể rất nhiều chuyện về bọn lính đã giết tù nhân ra sao rồi vứt xác vào các hố chôn tập thể, chúng đã tra tấn những người bị giam cầm, chặt đầu hoặc đập đầu họ bằng búa rìu để tiết kiệm súng đạn như thế nào.

Tôi không thể nào thôi nghĩ tới cha và nghĩ đến việc ông sẽ chết như thế nào. Tôi cầu mong chúng không tra tấn ông. Tôi biết có nhiều người bị chôn sống, cầu mong cho cha không bị đau đớn như vậy, nhưng hình ảnh của ông cố gắng ngoi lên để hít thở khi những tên lính đang lấp đất lên người ông làm cho tôi đau đớn. Tôi cần tin rằng chúng sẽ giúp cho cha chết nhanh. Tôi cần tin rằng chúng không bắt cha phải chịu đau đớn. Ôi cha ơi, xin cha đừng sợ hãi! Những hình ảnh cứ lởn vởn trong đầu tôi, hơi thở của tôi dồn dập khi nghĩ đến giờ khắc cuối cùng của cha trên đời này. “Đừng nghĩ nữa, hoặc ngươi sẽ chết” - tôi rít lên với chính mình, nhưng tôi không thể dừng lại được…

(*) Tổ chức lãnh đạo thượng đỉnh của Khmer Ðỏ thời Polpot.

Mai Quỳnh Anh dịch và giới thiệu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn