Nhân 50 năm ngày Khrushchev đọc bản "Báo cáo mật": ẢNH HƯỞNG CỦA "BÁO CÁO MẬT" TỚI CÁCH MẠNG HUNGARY 1956

Thứ sáu - 03/03/2006 23:32

(NCTG) Có thể nói "Báo cáo mật" của Khrushchev đã tạo nên một cú hích, một động lực mang tính quyết định, đẩy mạnh những quá trình dân chủ hóa - đã diễn ra từ sau cái chết của Stalin năm 1953 và đặc biệt mạnh mẽ từ mùa hè năm 1955 - trong nội bộ Đảng Cộng sản Hungary, cũng như trong xã hội Hung, để dẫn tới cuộc cách mạng Hung vào tháng 10-1956.

Rákosi Mátyás (1892-1971), nhà độc tài Hungary

Cần nhắc lại là Đảng Cộng sản Hungary cũng có một nhà độc tài mang hình bóng và dáng dấp Stalin, là Rákosi Mátyás, vẫn được coi là thủ hạ thân tín và ưng ý nhất của Stalin ở Đông Âu. Thậm chí, trong một số mặt, Rákosi còn đi quá cả Stalin (trong các vụ thanh trừng, đàn áp trong nội bộ đảng), khiến ngay các đồng chí của ông ta cũng không thể chịu nổi. Sau khi Stalin qua đời, dưới sức ép của công luận Hung, và một phần do Ban lãnh đạo Liên Xô cũng nhắc nhở Rákosi chớ quá đà, nên tại Hung, ông Nagy Imre được lên làm thủ tướng và trong vòng 2 năm, với mong ước thực hiện "chủ nghĩa cộng sản mang bộ mặt nhân tính" ở Hung, nhà cách mạng mang tư tưởng cải tổ này đã làm được rất nhiều việc với chủ trương đổi mới toàn diện về chính trị và kinh tế, khiến Rákosi và thế lực bảo thủ trong đảng không thể ngồi yên. Tháng 4-1955, Nagy Imre bị giáng chức và tước đảng tịch; kể từ ấy, cuộc đấu tranh giữa phe đổi mới và phe bảo thủ trong nội bộ Đảng Cộng sản Hung lên cao hơn bao giờ hết.

Bản "Báo cáo mật" của Khrushchev cuối tháng 2-1956 đã có tác động như một ngòi nổ, khẳng định "cái lý" của phe đổi mới. Khác với Đảng Cộng sản một số nước, phủ nhận sự tồn tại của Bản báo cáo, hoặc nói tránh đi một cách khéo léo như Đảng Cộng sản Pháp, gọi nó bằng cụm tờ mờ ảo "Bản báo cáo mà người ta bảo là của Khrushchev", Đảng Cộng sản Hungary, vào đầu tháng 3-1956, đã có phiên họp kiểm điểm theo tinh thần của Bản báo cáo và nhà độc tài Rákosi, ngay lúc đó, phải hạ chức một đồng sự rất thân tín, khét tiếng về những hoạt động thanh trừng trong đảng, là Farkas Mihály. Rồi Rákosi xoa dịu dư luận rằng ở Hung, từ sau khi Stalin mất, tệ sùng bái cá nhân đã được cải thiện, Hung sẽ không cần có sự "tự phê" như ở Liên Xô. Nhưng mọi sự không dùng ở đó: người dân Hung được đọc "Báo cáo mật" chỉ vài tuần sau khi nó vang lên ở Moscow, đã cùng với nhóm cải tổ trong đảng có những đòi hỏi cấp tiến khác. Rất nhiều tổ, nhóm được thành lập, với những đòi hỏi dân chủ hóa trong xã hội. Nhiều nạn nhân của tệ sùng bái cá nhân, trong đó, điển hình là Rajk László, bộ trưởng Nội vụ Hung, và các đồng sự, bị tử hình trong một phiên tòa ngụy tạo thời 1948, được chính thức phục hồi và những sự kiện này đã diễn ra như những cuộc cách mạng nhỏ trong mùa hè năm 1956. Câu lạc bộ Petőfi, một tổ chức của thanh niên, sinh viên, trí thức Hung, thành lập từ năm 1955, trở thành một diễn đàn chính cho những tư tưởng cấp tiến, đòi hỏi dân chủ và tự do cho nước Hung. Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo Hung cũng lần lượt lên tiếng rất mạnh mẽ, khiến cuộc cách mạng Hung trở nên chín muồi vào mùa thu năm 1956.

Sau khi Nagy Imre được trở lại làm thủ tướng vào trung tuần tháng 10-1956, ý nguyện của dân Hung và nhiều người cộng sản mang tư tưởng cải tổ của Hung không còn dừng lại ở mức chỉnh đốn đảng, dân chủ trong nội bộ đảng. Khắp nơi trên đất Hung, vang lên những đòi hỏi đòi xóa bỏ hoàn toàn tệ sùng bái cá nhân và độc đoán, đòi quân đội Liên Xô phải rút khỏi Hung, đòi Hungary phải rút khỏi khối Hiệp ước Warszawa và trở thành một quốc gia trung lập theo đường hướng đa nguyên, đa đảng với một chính phủ liên hiệp. Cuộc cách mạng Hung, nổ ra ngày 23-10 và bị đàn áp ngày 4-11-1956 khi Liên Xô đưa quân vào Hung, đã diễn ra với những nội dung và đòi hỏi như thế.

Ấn bản tiếng Hung của "Báo cáo mật"

Cuộc cách mạng 1956 thất bại bởi sự can thiệp của Điện Kremlin, thủ tướng Nagy Imre bị tử hình trong một phiên tòa ngụy tao do Liên Xô chỉ đạo hè năm 1958. Tuy nhiên, những ý tưởng của 1956 đã được nhân dân Hungary kiên trì và âm thầm nuôi dưỡng cho đến năm 1989, khi Đảng Cộng sản Hung, trước sức ép của thời cuộc, phải chấp nhận sự thất bại của mình và rút lui trên đài chính trị. Trước đó một năm, Nhà xuất bản Kossuth chuyên ấn hành những tài liệu chính trị chính thống của Đảng Cộng sản Hungary, đã cho xuất bản "Báo cáo mật" của Khrushchev và có lẽ trên phương diện này, Hungary là quốc gia cộng sản duy nhất chính thức cho ấn hành bản "Báo cáo mật" trong thời gian Đảng Cộng sản vẫn nắm quyền (*). Một sự chậm trễ 32 năm, nhưng vẫn mang ý nghĩa lịch sử của nó!

(*) "Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó", Nhà xuất bản Kossuth, Budapest 1988.

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn