CỘNG HÒA CZECH: SỰ BÙ ĐẮP CỦA LỊCH SỬ QUA MỘT VỤ ÁN MANG TÍNH TIỀN LỆ

Thứ sáu - 13/03/2009 22:38

(NCTG) Dầu đã bị tòa án cảnh cáo và thúc giục, nhưng bà Ludmila Brozová-Polednová, cựu công tố viên nhà nước Tiệp Khắc thời cộng sản vẫn không chịu vào tù để thụ án 6 năm tù giam, bản án có hiệu lực pháp lý từ tháng Chín năm ngoái.

Bà Ludmila Brozová-Polednová

Lý do sức khỏe và tuổi tác

Theo luật sư Vladimír Kovár, “vì lý do tuổi tác và sức khỏe, Brozová-Polednová không thể tự đáp ứng đòi hỏi của tòa án”. Bởi lẽ, thân chủ 87 tuổi của vị luật sư này “không thể tự đi lại, sự lên tàu điện hoặc ngồi vào taxi”, như lời ông Kovár khẳng định với báo chí. Tuy nhiên, vị luật sư cũng nói thêm: “Cố nhiên, bà sẽ không kháng cự nếu cảnh sát đến giải đi”.

Đầu tháng 3-2009, tòa án Prague đã chỉ thị: cho đến ngày 20-3, bà Brozová-Polednová phải vào tù thụ án. Đồng thời, tòa cũng tính đến khả năng phải đưa ngay người phụ nữ đứng tuổi này vào một bệnh viện dành cho tù nhân và dựa trên kết quả kiểm tra sức khỏe tại đó để có quyết định về những tháng ngày sắp tới của bà.

Bà Brozová-Polednová là ai, và đã làm gì để cơ quan tư pháp và hành pháp của Cộng hòa Czech phải có thái độ quyết liệt như vậy, ngay cả khi người phụ nữ này đã ở tuổi rất gần đất xa trời?

Án tử hình duy nhất cho một nữ chính khách

Để trả lời câu hỏi đó, phải trở lại những năm đầu của thập niên 50 thế kỷ trước. Theo hình mẫu của các vụ án ngụy tạo Moscow những năm 30, các nước Đông Âu – dưới sự lãnh đạo độc đảng (Cộng sản) du nhập từ Liên Xô - đều có những “sản phẩm” riêng của mình.

Nhiều yếu nhân của Đảng Cộng sản các quốc gia Đông Âu – như Traicho Kostov (Bulgaria), Rudolf Slánský (Tiệp Khắc), Rajk László (Hungary), Lucreţiu Pătrăşcanu (Romania)… - đã trở thành nạn nhân trong chính tay các đồng chí của họ trong những phiên tòa được dàn dựng công phu và ngoại mục, mang tính “trình diễn”, để bị tù đày hoặc thậm chí tử hình với những lời buộc tội bịa đặt.

Chỉ riêng tại Tiệp Khắc thời gian ấy, đã có chừng 250 người trở thành nạn nhân trong các phiên tòa ngụy tạo, trong số đó, bà Milada Horáková là bị cáo nữ duy nhất bị án tử hình.

Bia mộ bà Milada Horáková

Horáková là một nhân vật sáng giá trên chính trường Tiệp Khắc và được biết đến trên trường quốc tế. Trước thời khắc Đảng Cộng sản Tiệp Khắc lên nắm quyền ở xứ sở này vào năm 1948, bà là một chính khách uy tín và tích cực của Đảng Xã hội Quốc gia Tiệp Khắc, một chính đảng có quan điểm chống phát-xít triệt để. Tuy nhiên, sau 1948, những người cộng sản lại coi các thành viên đảng này là kẻ thù.

Trong phiên tòa xét xử Horáková và một số chính khách khác - được coi như một trong những vụ án ngụy tạo lớn nhất đương thời - có 4 án tử hình đã được tuyên, bên cạnh 3 án tù chung thân; 5 bị cáo khác bị tù giam 15-28 năm. Bản án tử hình đối với Horáková đã bị rất nhiều nhân sĩ nổi tiếng trên thế giới phản đối, trong đó có nhà bác học Albert Einstein, thủ tướng Anh Winston Churchill và Đệ nhất Phu nhân Eleanor Roosevelt. Bản án được thi hành vào ngày 27-6-1950.

Những phán quyết dựa trên các bằng cứ ngụy tạo trong vụ án được xóa bỏ trong Mùa xuân Prague 1968, tuy nhiên, cá nhân bà Horáková chỉ được phục hồi sau khi Tiệp Khắc thay đổi thể chế chính trị năm 1989.

Nhân vật trụ cột của vụ án ngụy tạo

Brozová-Polednová là một trong 4 công tố viên nhà nước trong phiên tòa kể trên, và được coi như một trụ cột của vụ án.

Brozová-Polednová trên ghế công tố viên nhà nước khét tiếng một thời

Ngoài Brozová-Polednová, đến nay, chỉ còn duy nhất một người thuộc bộ máy nhà nước Tiệp Khắc thời ấy, có liên quan trực tiếp trong vụ án. Cuối thập niên 90 thế kỷ trước, Cộng hòa Czech đã xem xét trách nhiệm hình sự của Milan Moucka, một cựu quan chức nội vụ, người chỉ đạo công việc một nhóm chuyên gia điều tra cái gọi là “hoạt động chống phá quốc gia” của bà Horáková. Tuy nhiên, các cuộc điều tra cho thấy, ông Moucka có đủ điều kiện để hưởng ân xá theo chỉ thị của Chủ tịch Tiệp Khắc Antonín Novotny (năm 1961), do đó sự truy cứu hình sự đối với Moucha đã được đình chỉ.

Mọi việc tưởng như trôi vào quên lãng, khi vào năm 2007, tức là 57 năm sau vụ án xét xử Horáková, Cộng hòa Czech đã phát hiện ra những bằng cứ cho thấy, cựu công tố viên nhà nước Ludmila Brozová-Polednová đã tham gia quá trình khởi thảo bản cáo trạng ngụy tạo khiến bà Horáková phải chịu án tử hình!

Martin Omelka, phát ngôn viên Viện Công tố Quốc gia Prague cho biết: những hồ sơ cần thiết đủ để khởi tố vụ án xét xử Brožová-Polednová đã được Cục Điều tra và Thu thập những Tội ác của Chủ nghĩa Cộng sản (Cộng hòa Czech) cung cấp.

Công luận Czech được biết rằng, chẳng những đã tích cực tham gia trong vụ án được dàn dựng, mà những hành động của bà Brozová-Polednová còn đi ngược lại những điều khoản của Bộ Luật Hình sự đương thời. Những bằng cứ khẳng định nhận định này của Viện Kiểm sát Cộng hòa Czech đã phủ nhận lời bào chữa của bà Brozová-Polednová, theo đó, trên cương vị công tố viên nhà nước, bà đã hành xử theo đúng các luật định thời ấy.

Phát biểu trước báo giới, một chuyên gia cho biết: “Theo các tư liệu trong kho thư khố, sở dĩ nữ thẩm phán này được đưa vào thành phần của nhóm thẩm phán nhà nước để trong phiên tòa, trước đông đảo cử tọa, nữ bị cáo Horáková bị buộc tội bởi một phụ nữ khác. Chính quyền cộng sản thời ấy cho rằng, như thế thì mọi việc sẽ có vẻ xác tín hơn”.

Phiên tòa nhiều sóng gió

Phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Brožová-Polednová tổ chức vào tháng 8-2007. Cho dù trước sau bị cáo phủ nhận tội lỗi của mình (bị cáo không hiện diện tại phiên xử vì lý do sức khỏe kém), nhưng tòa án cho rằng các bằng cứ quá đủ và quá rõ ràng để tuyên án. Tháng 11-2007, tòa sơ thẩm tuyên án 8 năm tù giam cho bị cáo Brozová-Polednová với tội danh tham dự hành vi giết người, cho dù công tố viên Prague chỉ đề xuất án 5 năm tù giam. Cần biết là khung hình phạt tối đa cho tội danh này, mà Brozová-Polednová có thể phải chịu, là 15 năm tù giam.

Bà Brozová-Polednová và luật sư đệ đơn kháng án và đã có những thời khắc tưởng chừng họ đã thắng thế. Tháng 2-2008, trong một phiên họp kín, Tòa án Tối cao Prague cho rằng những hành vi phạm tội xảy ra trong thập niên 50 thế kỷ trước, đến nay đã hết thời hiệu. Tuy nhiên, một số chuyên gia luật lại có quan điểm khác: các luật định Cộng hòa Czech hiện tại quy định rằng những tội ác của CNCS không bao giờ hết thời hiệu!

Phiên tòa chung thẩm vào tháng 9-2008 được tiến hành ở thành phố Pilsen (miền Tây Cộng hòa Czech) để bị cáo Brozová-Polednová, dù trong tình trạng sức khỏe yếu, vẫn có thể tham dự. Sau khi xem xét tất cả những bằng cứ và phần tranh biện của hai bên nguyên và bị, phiên tòa kết luận: vì những tội trạng góp phần gây nên án tử hình đối với nữ chính khách Horáková, Brozová-Polednová phải chịu 6 năm tù giam!

Sau khi bản án đã có hiệu lực pháp lý, công tố viên trưởng Renata Vesecká đã đệ đơn lên Tổng thống Cộng hòa Czech xin ân xá cho bị cáo vì lý do tuổi tác cao và sức khỏe yếu. Tuy nhiên, Tổng thống Czech Václav Klaus đã bác đơn với lý do được đưa ra trong một thông cáo của Văn phòng Tổng thống: “Trong vụ án, một tòa án độc lập đã đưa ra quyết định. Nếu ân xá cho bị cáo, điều này đồng nghĩa với việc bác bỏ một phán quyết trầm trọng của tòa án, liên quan đến quá khứ bi thảm”.

Phán quyết mang tính tiền lệ

Tại Cộng hòa Czech, vụ án trên được công luận coi là mang tính biểu tượng và tiền lệ, ở chỗ nó chứng tỏ rằng những tội lỗi nghiêm trọng nhất của quá khứ không bao giờ hết thời hiệu! Như nhận định của một nhật báo Czech, “mục đích cao nhất không phải là để những thủ phạm hiện nay đã rất cao tuổi phải vào tù, mà là một sự đền bù của lịch sử”.

Một trong rất nhiều ý kiến hưởng ứng phán quyết của cơ quan tư pháp Czech cho rằng, rất cần để bị cáo phải vào tù, chỉ cần trong một ngày, để hiểu được sự bi thảm của tấn thảm kịch mà bà ta đã gây ra cho các nạn nhân.

Phải trả giá vì tội ác trong quá khứ

Trực diện và sòng phẳng với quá khứ, để những thủ phạm phải chịu trách nhiệm với những gì đã gây ra, không chỉ là vấn đề của Cộng hòa Czech. Tại Hungary, Ba Lan, CHLB Đức…, trong một số vụ án tương tự, các bị cáo đã viện cớ “thời thế, thế thời phải thế”, “chỉ thực hiện bổn phận mà cấp trên giao phó”, “chuyện xảy ra lâu quá rồi, đã hết thời hiệu”… để tránh tội và trong nhiều trường hợp, họ đã thành công trong bối cảnh Đông Âu đã thiết lập được những nền tư pháp tương đối dân chủ, công bằng và không nhằm mục đích “báo thù”.

Tuy nhiên, như trường hợp đối với bà Brozová-Polednová cũng cho thấy, trong những trường hợp này, phán quyết của cơ quan tư pháp vẫn có thể khiến lương tâm các thủ phạm luôn phải ám ảnh về những tội lỗi của họ. Những tội ác không bao giờ hết thời hiệu!

Trần Lê, theo các tư liệu Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn