Egon Krenz
* Từ thủ lĩnh cộng sản đến một tù nhân
Là vị thủ lĩnh cộng sản cuối cùng của CHDC Đức, Egon Krenz là người kế nghiệp lãnh tụ Erich Honecker - nổi tiếng với lời tiên tri bất thành đầu năm 1989 “bức tường Berlin có thể sẽ còn tồn tại 50, 100 năm nữa, nếu những lý do khiến nó xuất hiện vẫn còn” -, khi ông này phải từ chức vào mùa thu năm 1989.
Tuy nhiên, Krenz cũng chỉ tại vị được một thời gian rất ngắn: những biến cố dồn dập diễn ra vào thượng tuần tháng 11-1989, dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin, đã nhấn chìm ông và các đồng chí khác trong Đảng Công nhân Xã hội Thống nhất Đức (tức Đảng Cộng sản Đông Đức). Ngày 6-12-1989, ông phải từ chức chủ tịch Hội đồng Nhà nước và tới tháng 1-1990, ông còn bị khai trừ khỏi đảng.
Sau khi nước Đức thống nhất, nhiều thành viên Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Cộng sản Đông Đức đã bị đưa ra tòa như những kẻ phải chịu trách nhiệm trực tiếp vì cái chết của nhiều công dân Đông Đức tại đường biên giới Đông – Tây, thông qua việc ra chỉ thị nổ súng không thương tiếc và do dự vào người di tản. Riêng Egon Krenz còn bị cáo buộc về tội giả mạo các kết quả bầu cử chính quyền tự quản ở CHDC Đức năm 1989, trên cương vị chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia.
Trong một vụ án kéo dài từ năm 1992, vào năm 1997, Krenz đã bị án tù 6 năm 6 tháng, nhưng thực tế ông được phóng thích 18 ngày sau khi bản án được tuyên vì trước đó, trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, ông bị tạm giam.
Nhưng chưa hết, năm 1999, Tòa án Liên bang đã mở phiên tòa xé lại phán quyết năm 1997. Đến năm 2000, tòa lại tuyên án 6 năm rưỡi tù giam đối với Krenz. Sau gần 4 năm ngồi tù trong những điều kiện rất “lý tưởng”, tháng 12-2003, ông đã được tại ngoại, hưởng án tù treo trong thời gian thử thách.
* Buổi ra mắt sách gây tiếng vang
Thời gian thụ án, Egon Krenz đã viết hồi ký “Ghi chép trong tù” - một thứ “ngục trung nhật ký” chứa chan những cảm xúc hoài niệm.
Sách của Egon Krenz được ra mắt vào một ngày thứ Tư trung tuần tháng Hai 2009. Báo chí Đức đưa tin: tối hôm đó, tại phòng biên tập trước kia của tờ “Neues Deutschland” - từng là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Đức, nay đã được khoác lên mình tấm áo mới -, người tới dự có cảm giác như được đi ngược dòng thời gian để trở về bầu không khí Đông Đức thuở nào.
Buổi ra mắt sách mang đậm không khí Đông Đức
Chừng 300 người đã tới dự buổi ra mắt sách có tiếng vang lớn này. Các nhân chứng cho hay: cử tọa gồm toàn những người hưu trí, đa phần từng là đảng viên cộng sản. Nhiều tờ báo còn cho rằng, trong số họ có rất nhiều cựu mật vụ Stasi (Cơ quan An ninh Quốc gia Đông Đức).
Điều này không phải hoàn toàn vô cơ sở nếu chúng ta biết rằng, trong những năm qua, NXB ấn hành cuốn hồi ký của Krenz đã xuất bản nhiều cuốn sách của các cựu nhân viên Stasi và các cựu cán bộ đảng Đông Đức. (Các tác giả này, hầu như không có ngoại lệ, đều tìm cách lý giải cho sự hiện diện và tồn tại của bức tường Berlin, cho chỉ thị nổ súng vào những người di tản và nói chung, cho sự đàn áp tàn bạo đối với những người bất đồng chính kiến trong thể chế cũ).
Cố nhiên, “nhật ký trong tù” của Egon Krenz cũng thuộc hàng những tác phẩm kể trên, trong đó, vị cựu thủ lĩnh cộng sản này đã tiết lộ nhiều sự kiện theo chiều hướng nửa thú nhận, nửa biện bạch cho quá khứ.
* Hoài nhớ thời XHCN Đông Đức
Chẳng hạn, ông khẳng định: Ban lãnh đạo đảng dự định tuyên bố mở biên giới Đông Đức vào ngày 10-11-1989, chỉ thị mở biên giới được ấn định vào ngày đó. Tuy nhiên, một đồng chí của ông, Günther Schabowski, thời đó cũng là ủy biên Bộ Chính trị, đã “thiếu tập trung” đến mức ngay trong chương trình TV được truyền hình trực tiếp, ông đã vội vã tuyên bố mở biên giới “có hiệu lực ngay lập tức”.
Chỉ đến khoảng 21 giờ tối cùng ngày, Krenz mới được biết về những gì đã xảy ra, nhưng khi đó đã quá muộn và ông đành bất lực. Theo lời Krenz trong buổi ra mắt sách, với việc đảm bảo quyền tự do đi lại của các công dân Đông Đức, Ban lãnh đạo Đảng muốn “cải tổ nước Đức”.
Được cử tọa vỗ tay vang dội hưởng ứng, Egon Krenz đòi hỏi những công dân Đông Đức cũ phải được hưởng sự tôn trọng ở mức độ cao hơn. “Những ai đã sống ở CHDC Đức đều không cần phải hổ thẹn”, ông phát biểu và khẳng định: nhiều người Đông Đức cũ hiện nay vẫn bị gạt bỏ ra khỏi đời sống xã hội.
Trong hồi ký, vị cựu chính khách – từng trải qua 3 nhà tù ở Berlin – đã dùng những lời lẽ gay gắt khi phàn nàn về thái độ “lên mặt” của đội ngũ lính canh tù. Theo ông Krenz, nhất là vào thời gian đầu, họ không coi ông ra gì và nhiều lần còn hạ nhục ông. Cứ mỗi lần ông muốn hỏi bất cứ điều gì, đám lính canh lại bảo “đây không phải là Đông Đức!” Như Krenz hồi tường, ấn tượng khủng khiếp nhất mà ông phải trải qua là khi ông phải cởi hết quần áo, và các lính canh dùng găng ca su để khám xem ông có giấu gì trong hậu môn hay không. Krenz châm biếm: “Có lẽ người ta tò mò, xem ở đó có tên lửa bí mật có thể khiến tôi đào tẩu xuyên qua bức tường trại giam? Hay họ hy vọng rằng bao nhiêu tỉ Mark thất lạc của Đảng Cộng sản Đức sẽ được tìm thấy ở đó?”
Ngoài ra, như lời Krenz khẳng định trong buổi ra mắt sách, “cám ơn những lời thăm hỏi, tôi khỏe”. Hiện ông sống tại một ngôi nhà không lớn lắm, nhưng tuyệt đẹp, tại một làng ven biển đầy nắng và gió ở tỉnh Mecklenburg. “Đặc biệt, mỗi khi hè đến, người dân lại đứng ngoài cánh cửa vườn nhà tôi, họ xin tôi chữ ký và chụp ảnh cùng tôi”, Krenz tự hào kể, và cho biết hiện tại ông ít quan tâm đến tương lại: “Chủ yếu tôi để tâm tới quá khứ, tôi muốn giải nghĩa quá khứ”.
Tuy nhiên, ông già 71 tuổi này vẫn có quan điểm trước sau như một đối với lời cáo buộc mà vì nó, ông đã phải ngồi tù nhiều năm: theo ông, lệnh xả súng vào những người vượt biên là hợp hiến và phù hợp với “luật pháp nhân dân”!
Hoàng Nguyễn
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn