Die Berliner Mauer (Bức tường Berlin) - Ảnh tư liệu chụp ngày 20-11-1961
Biểu tượng đau đớn của Chiến tranh Lạnh
Bức tường Berlin, từng chia cắt Đông và Tây Berlin trong vòng 28 năm, là một trong những biểu tượng tiêu biểu và đau đớn nhất của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, của sự phân ly của dân tộc Đức, cũng như, của Châu Âu thống nhất.
Được dựng lên chỉ trong 1 đêm (đêm 12, rạng sáng ngày 13-8), bức tường bằng bê-tông kèm rào sắt này cao 2-3m, kéo dài hơn 150 km, có gắn hệ thống báo động, nhiều đoạn có chó đặc nhiệm, hàng cản xe cơ giới và chiến xa, với loạt tháp canh và hệ chiếu sáng về đêm để phục vụ lực lượng biên phòng.
Trong lịch sử gần 30 năm tồn tại, hàng trăm công dân CHDC Đức đã thiệt mạng, nhiều người bị thương, bị kết án tù giam vì tội vượt tường sang phía Tây. Sau khi nước Đức thống nhất, nhiều quan chức cao cấp của Đông Đức đã bị ra tòa vì tội ra chỉ thị bắn những người vượt biên: trong số đó, nổi tiếng nhất là ông Erich Honecker, lãnh tụ Đảng và Nhà nước CHDC Đức, và người kế nhiệm là ông Egon Krenz, cùng nhiều thành viên của Hội đồng Quốc phòng và một số tướng lĩnh lãnh đạo cơ quan biên phòng.
Sụp đổ trong vòng một đêm
Được xây dựng vô cùng kiên cố, canh gác rất nghiêm ngặt, ấy vậy mà bức tường Berlin đã sụp đổ trong vòng một đêm: thứ Năm, 9-11-1989.
Hôm ấy, Ban lãnh đạo CHDC Đức họp bàn để thông qua quy định mới về việc cho phép công dân Đông Đức "xuất ngoại". Ông Günter Schabowski, ủy viên Bộ Chính trị, được giao nhiệm vụ thông báo quyết định đã đưa ra tại phiên họp trong cuộc họp báo vào buổi tối.
Theo quy định mới, công dân Đông Đức có thể xin du lịch cá nhân ra nước ngoài mà không cần bất cứ điều kiện gì (lý do xuất ngoại, quan hệ họ hàng). Giấy thông hành sẽ được cấp trong thời hạn ngắn và không chậm trễ. Ngoài ra, có thể đi lại không hạn chế tại tất cả các cửa khẩu giữa 2 nước Đức, cũng như ở mọi ngả dường dẫn tới (Tây) Berlin.
Günter Schabowski, thành viên duy nhất của ban lãnh đạo thượng đỉnh Đông Đức thừa nhận trách nhiệm của mình trong cái chết của những người vượt biên giới Đông - Tây Berlin
Cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp và thu hút sự chú ý của toàn nước Đức. Sau khi đọc thông báo, nghĩ rằng xong việc, ông Günter Schabowski đã bỏ kính thì Ricardo Ehrmann, một phóng viên Ý, đột ngột đặt câu hỏi: quy định mới về việc đi lại sẽ có hiệu lực từ khi nào?
Bối rối lần giở tập giấy tờ trên tay, Schabowski lưỡng lự vài giây, rồi đưa ra câu trả lời định mệnh trước các máy quay vẫn chưa tắt: "Ờ... theo như tôi được biết thì nó có hiệu lực ngay lập tức... Vâng, ngay lập tức!".
Hàng vạn công dân Đông Đức xem truyền hình hiểu câu nói đó có nghĩa là bức tường đã được mở. Lập tức, họ đổ về các cửa khẩu ở Berlin và đòi mở cổng. Không nhận được chỉ thị gì từ cấp trên, lực lượng biên phòng và kiểm tra xuất nhập cảnh của Đông Đức bó tay bất lực trước đoàn người ùn ùn đổ về ngày một đông. Đến 23 giờ, Bornholmer Straße, cửa khẩu đầu tiên ở Berlin được mở, đám đông tràn sang phía Tây mà không hề bị kiểm tra hộ chiếu.
Giây phút đoàn tụ của dân tộc Đức diễn ra quá bất ngờ. Báo chí đương thời đưa một tin cảm động: Quốc hội Liên bang (CHLB Đức) đang họp bàn về ngân sách quốc gia, khi nghe tin bức tường được mở, đã tạm ngừng họp và các dân biểu, không ai bảo ai, đồng thanh hát bản Quốc ca Đức, có đoạn: "Đoàn kết và Công lý và Tự do cho Tổ quốc Đức!"
Hồi tưởng để chiêm nghiệm lịch sử
Sau mốc 9-11-1989, bức tường Berlin đã bị tháo dỡ gần hết, tự phát và cả có tổ chức, với phương châm không để lại dấu vết của quá khứ tại thủ đô nước Đức. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng quan điểm ấy là sai lầm, lẽ ra phải để lại nhiều hơn nữa cho hậu thế, nhất là cho lớp trẻ mà theo các thống kê gần đây, rất nhiều người không còn nhớ đến sự kiện trọng đại của nước Đức hai thập niên trước.
Đặt mục đích chiêm nghiệm lịch sử để rọi sáng cho tương lai, nước Đức khởi đầu chuỗi hoạt động nhân 20 năm bức tường sụp đổ với những triển lãm, thảo luận và tham quan thành phố. Thủ đô Berlin chờ đón tất cả các chính khách từng có những đóng góp đáng kể trong việc dỡ bỏ bức tường Berlin và thống nhất nước Đức.
Hồi nhớ quá khứ để hướng tới tương lai
Tại quảng trường trung tâm Potsdamer Platz, một "hộp thông tin" màu đỏ giới thiệu những chặng đường và đổi thay của thành phố. Trong năm, "hộp" sẽ được luân chuyển tới 15 địa điểm lịch sử quan trọng của Berlin - vị trí chính xác của nó sẽ được đánh dấu bởi một khinh khí cầu khổng lồ hình mũi tên, được thả ở độ cao 100m. Ban lãnh đạo thành phố cho rằng các hoạt động ngoạn mục như vậy rất cần thiết để thu hút những ai muốn đến Berlin để tìm dấu ấn lịch sử của quá khứ.
Bởi lẽ, hiện tại, du khách đến Berlin chỉ còn có thể hình dung bức tường khét tiếng một thời tại một vài mảnh tường sót lại, cũng như ở viện bảo tàng cạnh Checkpoint Charlie, một trong 3 điểm kiểm tra quân sự được dựng lên năm 1961, đồng thời là điểm duy nhất nằm ở trung tâm thành phố. (Nhiều người còn nhớ, tại đây, vào một ngày tháng 10-1961, quân đội và các chiến xa Liên Xô và Hoa Kỳ đã gầm gữ nhau suốt 16 giờ liền. Dư luận đương thời cho rằng chỉ cần một người lính thần kinh yếu, lỡ bóp cò, thì hẳn Đệ tam Thế chiến đã bùng nổ!)
Để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 20 năm, những địa điểm quan trọng nhất - như cổng Brandenburg, cửa ô chính của Berlin, từng là biểu tượng của sự phân cách Đông – Tây; hay East Side Gallery, mảnh tường dài nhất (chừng 1,5 km) còn giữ lại được và từ năm 1990 đã trở thành một galery ngoài trời với các họa phẩm tranh tường thuộc đủ mọi phong cách của 118 nghệ sĩ Đức và 24 quốc gia khác – cũng được tu bổ và khoác lên mình một sắc thái mới.
Giới học sinh Berlin cũng sẽ dùng hơn 1.000 quân cờ domino khổng lồ để dựng một bức tường "hệt như thật", dài 2,5km, ngay trước cổng Brandenburg. Bức tường này sẽ được hạ dỡ vào đúng ngày 9-11-2009, như đỉnh cao và cũng là kết thúc của loạt kỷ niệm.
20 năm là khoảng thời gian chưa dài, chưa đủ để hàn gắn những vết thương, dỡ bỏ hoàn toàn mọi rào cản, tường chắn trong lòng người. Nhưng với loạt hồi tưởng trong năm 2009, nước Đức tin tưởng rằng một số bài học lịch sử của quá khứ sẽ được chiêm nghiệm, làm tiền đề cho tương lai của dân tộc vĩ đại này!
(*) Năm năm trước, một điều tra của Viện thăm dò dư luận Emnid (Đức) - với sự ủy nhiệm của tạp chí truyền hình "Bildwoche" - cho thấy tới một phần ba số người được hỏi không hề biết điều gì đã xảy ra vào ngày 9-11-1989. Tỉ lệ này đặc biệt cao ở giới thanh niên ở độ tuổi dưới 29: 42%! Như vậy, đã có một thế hệ đã trưởng thành mà không hay biết đến một sự kiện lịch sử lớn của nước Đức thế kỷ XX!
Hoàng Nguyễn
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn