Bài viết nhỏ này sẽ tóm tắt một số ý kiến chính của các chính khách, nhà báo và một số đại diện cho giới học giả Moscow trong cuộc thảo luận bàn tròn nói trên.
*
Chủ tịch CLB, chính khách N. B. Zhukova, trong lời mở đầu đã nhấn mạnh rằng tất cả những người quan tâm tham gia cuộc thảo luận, mặc dù là đại diện của các đảng phái, đoàn thể, nhưng phát biểu theo chính kiến riêng trên danh nghĩa cá nhân, bỏ qua mọi ám chỉ chính trị.
Mào đầu cuộc gặp mặt, CLB đã nêu lên một loạt câu hỏi để những người tham dự đưa ra câu trả lời trong quá trình phát biểu. Trong đó có những câu như “CMT 10 xảy ra có phải là bất khả kháng?” và “Liệu có tồn tại một con đường khác giải quyết các xung đột dân tộc?”
Leon Trotsky, chủ tịch Xô-viết Petrograd, chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng Petrograd (năm 1917), sáng lập Hồng quân Liên Xô (1918), người (cùng Lenin) chỉ đạo CMT 10 trong thực tế
Những bài tham luận đầu tiên hoàn toàn đồng nhất quan điểm với những nhận định về CMT 10 thời Xô-viết, nghĩa là đánh giá cao sự kiện chính trị này. Có khác chăng, các chính khách ủng hộ thể chế XHCN như D. O. Rogozin (dân biểu Duma Quốc gia Nga, chủ tịch Đảng Tổ Quốc - Công Xã Nga, tiến sĩ ngôn ngữ học) và A.N. Saveliev (dân biểu Duma Quốc gia Nga, lãnh đạo Đảng Nước Nga Vĩ Đại) cho rằng, việc cánh bôn-sê-vích lên nắm chính quyền nói lên sự mở đầu của thời kỳ phát triển và hưng thịnh của nhân dân Nga được giải phóng, chứ không phải là sự thắng lợi của vô sản quốc tế.
Nhà nghiên cứu văn hóa P.B. Churbanov tuyên bố CMT 10 là cuộc cách mạng vĩ đại, cuộc cách mạng ấy diễn ra là tất yếu và, trong thời điểm lịch sử đó, không ai ngoài những người bôn-sê-vích có thể giữ vững được chính quyền. Nhìn nhận phương pháp đấu tranh chính trị và bạo lưc cách mạng của những người bôn-sê-vích,ông cho rằng, nếu nhìn dưới quan điểm của mô hình thuyết đa nguyên phương Tây thì phương pháp ấy là sai lầm, nhưng, dưới góc độ cách mạng, lật đổ một thể chế cũ kỹ và lạc hậu, thì phe bôn-sê-vích đã thành công và chọn đúng phương cách hành động cho mình. Học giả Ia. A. Kesler, tác giả của rất nhiều cuốn sách về đề tài chính trị và lịch sử, cũng đồng tình với ý kiến ấy, rằng CMT 10 Nga bùng nổ là tất yếu, hợp với quy luật phát triển của lịch sử, bởi lẽ, từ thời điểm đó hình thức tồn tại kiểu chế độ Nga hoàng đã lỗi thời, không còn hướng phát triển. S. P. Pykhtin, nhà chính luận nổi tiếng, bình luận viên chính trị của tạp chí “Liên bang Nga ngày nay”, đánh giá sự kiện tháng Mười như một bước chuyển tiếp hợp lý đưa tình hình kinh tế - xã hội và cuộc sống tinh thần của đất nước sang một tầm mới - trong quá trình đó, chính quyền sụp đổ nhưng quốc gia được giữ vững, thể chế và các đẳng cấp xã hội bị phá bỏ nhưng dân tộc được bảo toàn.
Tựu trung, trong một loạt những ý kiến ủng hộ và ca ngợi cuộc CMT 10, đều vang lên một kết luận dường như là chân lý: “Trong chiến tranh, người chiến thắng là kẻ trong thời điểm lịch sử cụ thể ấy đang nắm giữ chân lý. Và thời điểm năm 1917 xa xưa, Hồng quân đã thắng.”
A. N. Saveliev đọc hẳn một bản báo cáo với nội dung: “Những lặp lại của Nội chiến”, đã đề cập tới việc nhìn nhận vấn đề dưới hai góc độ - hai quan niệm khác nhau. Đó là: nhìn nhận Cách mạng như những tội ác đã gây ra với dân thường và Cách mạng như một lối thoát cần thiết khỏi khủng hoảng. Theo ông, chính biến tháng Mười năm ấy mang trong mình cả vẻ hùng tráng lẫn bi thảm của thời đại. Trong chính biến ấy tất yếu có những tội ác đã được thực hiện, chẳng hạn, việc sát hại Hoàng gia Nga, hoặc vụ thanh trừng nhà chính luận Nga M.O. Menshikov.
Giáo sư tiến sĩ Sử học, chính trị gia B.Ph. Slavin với bài phát biểu có nhan đề đầy hứa hẹn nhiều điều thú vị “Cách mạng: huyền thoại và hiện thực”, đã khẳng định rằng chính biến tháng Mười là đỉnh cao của việc giải quyết các vấn đề xã hội chính trị mà vào giai đoạn đó, chính quyền đương thời không giải quyết được. Cuộc cách mạng này đã đưa nhân dân đến với sự bình đẳng giữa các công dân trong xã hôi, sự thống nhất và đoàn kết giữa các dân tộc. Với đôi chút cực đoan, ông còn lớn tiếng phản đối việc cải táng thi hài của vị tướng Bạch vệ V. O. Kappel trên đất Nga.
Trong buổi hội thảo, giữa những người nồng nhiệt ủng hộ CMT 10 và những người có cái nhìn khắt khe hơn với cuộc cách mạng này, cuối cùng vẫn có được một kết luận chung rằng, bất luận điều gì đã xảy ra với nước Nga thì CMT 10 vẫn mang đến những kết quả tích cực nhiều hơn là tiêu cực cho nước Nga và dân tộc Nga. Một số chính khách theo phe Xã hội và chủ nghĩa dân tộc đã tranh thủ phát biểu quan điểm về chủ nghĩa tự do phương Tây. Điều này dẫn tới việc buổi gặp mặt đôi chút đi lạc đề khi các chính khách và các học giả quay lại bàn bạc về những nguyên nhân sụp đổ của Liên bang XHCN Xô-viết và những kế hoạch can thiệp vào đời sống chính trị Nga từ phương Tây.
Đại diện của báo “Người đưa tin Nga”, trong bài tham luận, đã dẫn ra một trong những vấn đề vẫn mang tính thời sự trong các cuộc thảo luận về lịch sử: những năm đầu nắm giữ chính quyền của Đảng bôn-sê-vích và sự diệt chủng dân tộc Nga như một hậu quả của CMT 10. Người đọc tham luận đã đưa ra nhiều con số, bằng chứng cụ thể về những cuộc hành hình vô nhân tính mà Cheka (Ủy ban đặc biệt chống các hoạt động phản cách mạng, đầu cơ và phá hoại) đã thực hiện cùng với việc phân tích những hậu quả mà “Khủng bố đỏ” (3) đã để lại trong ý thức của người dân Nga một thời.
Để phản đối người đọc tham luận nói trên, ông B. Ph. Slavin đã nhắc đến khái niệm “Khủng bố trắng” (4) từng tồn tại song song với “Khủng bố đỏ” trong cùng thời kỳ. Cuộc tranh luận về “Khủng bố đỏ và trắng” có thể kéo dài bất tận bởi lẽ mỗi một phe mỗi năm đều bổ sung những bằng chứng hùng hồn mà họ lục lọi được từ các tài liệu lưu trữ để bào chữa cho loạt hành động bạo lực đẫm máu của cả hai bên!
Lãnh tụ bôn-sê-vích Vladimir Ilyich Lenin phát biểu tại Hồng trường (Moscow) ngày 5-5-1920 - Tấm ảnh nổi tiếng này, về sau bị giả mạo rất "tài tình": trong tất cả những album ảnh về Lenin sau khi Stalin đã lên nắm quyền, hai lãnh tụ thượng đỉnh của Đảng bôn-sê-vích là Leon Trotsky và Lev Kamenev (đứng cạnh bục diễn giả) - sau trở thành địch thủ chính trị của Stalin - đã bị... tẩy đi rất "tự nhiên"!
Nhà ngoại giao M.V. Demurin (từng giữ chức vụ cục phó Cục Châu Âu của Bộ Ngoại giao Nga nhiệm kỳ 2000-2005), chủ tịch hội nghị bàn tròn lần này cũng lên tiếng không nhất trí với khái niệm “diệt chủng” mà ký giả của “Người đưa tin Nga” đã đưa ra. Ông cho rằng về tất cả những hành động phi nhân tính từng có trong cuộc nội chiến từ cả hai phía, người chịu trách nhiệm lớn nhất là… toàn thể dân tộc Nga và mọi tội lỗi trong việc dân tộc này trượt dài đến sự nhẫn tâm và thú tính ấy, ông trút lên… Giáo hội Chính thống Nga. Còn một số chính khách khác thì phát biểu rằng, với tư cách con chiên của Giáo hội Chính thống Nga, họ coi ngày kỷ niệm CMT 10 như một ngày quốc tang.
Dầu vậy, những học giả Nga tham gia cuộc thảo luận bàn tròn về CMT 10 lần này đã cố gắng tránh mọi xung đột và căng thẳng để tìm được một sắc độ tương đối hòa đồng trong tiếng nói của những đại diện cánh tả và cánh hữu.
Dẫu muốn hay không, đồng tình hay phản đối, cũng không thể phủ nhận rằng có một sự kiện tháng Mười như thế đã xảy ra trong lịch sử. Và, chắc chắn rằng, việc nhìn nhận biến cố ấy là cuộc cách mạng tích cực hay đơn thuần là một chính biến đẫm máu vẫn luôn luôn được là đề tài muôn thuở trong các cuộc đối thoại về lịch sử, không chỉ trong ngày kỷ niệm 90 năm cuộc cách mạng ấy mà còn rất nhiều năm sau này nữa.
Ghi chú:
(1) CLB "Những người duy thực" được thành lập vào năm 1994 theo sáng kiến của ông Iury Petrov, chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Quốc gia thời gian đó. Ngay từ khi mới ra đời, CLB này đã thu hút rất nhiều yếu nhân - thành viên có những quan điểm chính trị trái ngược nhau, từ lãnh đạo cơ quan tình báo Leonhid Shebarshin đến doanh nhân Kakhi Bendukidze. Từ năm 2006, bà N. B. Zhukova, phó tiến sĩ Sử học, giữ chức chủ tịch CLB và ông M. V. Demurin, phụ trách Quan hệ Quốc tế của Đảng Nước Nga Công Bằng, giữ chức phó chủ tịch. Trong khuôn khổ các hoạt động của CLB, có một cuộc họp lớn thường niên, ngoài ra là các hội nghị bàn tròn, các seminar và những cuộc tham luận nhỏ về các đề tài chính trị, xã hội nóng bỏng. CLB luôn kịp thời đưa ra các ấn phẩm chính trị quan trọng và có uy tín đối với chính trường Nga, được các tổng thống Nga cùng nhiều yếu nhân trong chính phủ Nga qua nhiều thời kỳ rất để tâm.
(2) Biến cố Tháng Mười (cuộc cướp chính quyền của Đảng bôn-sê-vích vào ngày 25-10, tức 7-11-1917 theo lịch mới), thường được gọi một cách chính thức tại Liên bang Nga là "Đại Cách mạng XHCN Tháng Mười".
(2) Sắc lệnh về "khủng bố đỏ" được Chính phủ Lâm thời (bôn-sê-vích) ban bố vào ngày mùng 2-9-1918, nêu rõ: “Bắn bỏ toàn bộ những kẻ phản cách mạng. Lập các trại tập trung ở mỗi quận huyện và làm mọi cách để thi thể những kẻ phản cách mạng không được đưa ra bên ngoài”.
(3) Khủng bố trắng được hiểu như làn sóng các hoạt động chống lại chính quyền bôn-sê-vích, trong đó có việc bắn bỏ những chỉ huy và các chính ủy theo bản án của Tòa án Quân sự, những cuộc tiễu phạt các làng xóm nằm trong tầm kiểm soát của Hồng quân. Còn nhớ một giai thoại: tướng Bạch vệ L. G. Kornilov đã nói với thuộc hạ của mình là Kolchak: “Không bắt sống! Tăng cường bắn. Khủng bố nhiều - chiến thắng lớn”. Kolchak cũng không thua gì chỉ huy của mình trong việc nhận thức điều này: “Mục tiêu của tôi - đầu tiên và quan trọng - là xóa bỏ bọn bôn-sê-vích và những gì liên quan tới chúng ra khỏi bộ mặt của nước Nga, bắn hết và tiêu diệt hết”.
Mạc Thủy, tháng 11-2007 - từ Liên bang Nga
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn