Tổng thống Boris Yeltsin đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân Katyn
8. Chính thức đưa ra ánh sáng
Trong thực tế, bộ máy tuyên truyền chính thức của Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, từ đầu đến cuối, đã duy trì quan điểm cứng rắn kiểu Stalinist, cho đến năm 1990, cho dù tại Liên bang Xô-viết đã diễn ra quá trình cải tổ. Năm 1987, được sự đồng tình cuủa lãnh tụ Liên Xô thời đó là Gorbachev, một ủy ban liên hợp Ba Lan – Liên Xô đã được thành lập với nhiệm vụ tìm hiểu những “mảnh trắng” trong mối quan hệ lịch sử giữa hai nước và làm sáng tỏ thực tế. Tuy nhiên, dù mang cái tên “kêu” như vậy, mục đích rõ ràng và duy nhất được đặt ra trong dịp này là làm sáng tỏ sự thật trong vụ thảm sát Katyn. Cuối cùng, thông báo của Hãng Thông tấn Liên Xô (TASS) ngày 14-4-1990 đã đưa ra một bước tiến trong vụ này: các lãnh tụ Xô-viết chính thức tuyên bố Liên Xô – và đặc biệt là Beri và các đồng sự - phải chịu trách nhiệm về cái chết của các sĩ quan Ba Lan tại Katyn!
Tuy nhiên, cần biết rằng kể từ khi lên nắm quyền lực, tổng bí thư Mikhail Gorbachev đã phải biết và thực sự, đã biết rất rõ về “sự thật trần trụi” trong vụ Katyn, bởi lẽ, ông phải được biết về Hồ sơ số 1 (“tuyệt mật”) đã nhắc đến ở phần trước và ý thức được điều đó, với sắc lệnh số RP-979 (РП-979) ra ngày 3-11-1990, Gorbachev đã chỉ thị Viện Hàn lâm Khoa học Nga phải tìm mọi “bằng cứ” về những “tội ác” của Ba Lan đối với Liên Xô, nhằm giảm nhẹ những vấn đề “phát sinh” khi sự thật trong vụ thảm sát kinh hoàng được đưa ra trước công luận.
Ngày 14-10-1992, theo chỉ thị của tổng thống Boris Yeltsin, ông Rudolf Pihoja - người đứng đầu các kho thư khố Liên bang Xô-viết - đã trao cho tổng thống Ba Lan Lech Wałęsa các bản sao của Hồ sơ đặc biệt số 1. Những tư liệu này được công bố tại Ba Lan cùng năm, trong tập “Katyn - những tư liệu của sự diệt chủng”; còn ở Nga, chúng được xuất hiện trong “Những vấn đề lịch sử”, một tạp chí lịch sử ra hàng tháng (số đầu năm 1993). Đồng thời, các sử gia Ba Lan có điều kiện nghiên cứu tại một số kho thư khố trên nước Nga.
9. Những cuộc điều tra độc lập, khách quan
* Hoa Kỳ
Ngày 22-12-1955, một ủy ban của Hạ viện Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra theo đề xuất của Hội đồng người Ba Lan tại Mỹ và sau đó, ủy ban này đã đề nghị chính phủ Hoa Kỳ hãy đưa vụ Katyn lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và buộc tội Liên Xô trước Tòa án Quốc tế Hague [nhưng đề nghị này không được chính phủ Mỹ chấp thuận]. Năm 1971, kênh BBC đã chiếu bộ phim “Phải bỏ qua vụ án này” [về Katyn].
* Nga - Xô-viết, Byelorussia, Ukraina
Sau khi phía Liên Xô chính thức thú nhận tội lỗi trong vụ Katyn, ngoài việc nghiên cứu trong các kho thư khố, Viện Kiểm sát Liên Xô (và sau đó, Viện Kiểm sát Nga) có điều kiện mở cuộc điều tra: cùng chính quyền Ba Lan, cơ quan kiểm sát Nga đã hỏi cung vài chục nhân chứng còn sống (nhiều số liệu trong loạt bài viết này được sử dụng từ các biển bản thẩm vấn). Các ngôi mộ tập thể ngoài khu vực Katyn cũng được cất bốc.
Đài tưởng niệm Katyn tại Łódź (Ba Lan)
Những cuộc cất bốc tại Mednoye được tiến hành từ ngày 15-8 đến ngày 31-8-1991. Trên một hình ngũ giác kích thước 37 m x 36 m x 120 m x 120m x 120m, 30 hố được đào và 5 thử nghiệm dò tìm tử thi đã được thực hiện, một ngôi mộ tập thể được phát hiện và 240 tử thi được cất bốc, đa phần ăn vận quân phục màu xanh đậm của cảnh sát. Căn cứ những bộ quân phục, quân trang quân dụng còn lại, cũng như một số giấy tờ ở trạng thái tương đối tốt – trong đó có hai sổ lưu niệm -, có thể xác nhận một cách không thể chối cãi rằng tất cả đều là những cảnh sát Ba Lan từng bị giam tại trại Ostashkov; ngoài ra, tên tuổi họ cũng được ghi nhận trong sổ đi đường của NKVD. Cuộc khám nghiệm hộp sọ cho thấy rằng trong số họ, 169 người còn bị những vết thương sau khi đã bị bắn từ sau lưng. Hơn 20 viên đạn được tìm thấy, 2 viên từ loại súng máy Nagant 7,62 ly của Bỉ, số còn lại là loại 7,65 ly của Đức. Điều này càng củng cố lời khai của Tokarjev, theo đó, vụ thảm sát được thực hiện bởi vũ khí của Đức (chuyển từ Moscow về), để sau đó có thể “đổ vấy” cho phía Đức. Sau khi cuộc cất bốc chấm dứt ngày 31-8-1991, các tử thi được tái mai táng long trọng. Trong các cuộc điều tra sau đó (mùa hè 1994 và 1995), các nhân viên Bộ Nội vụ Nga đã cất bốc các ngôi mộ tập thể khác và thực hiện toàn bộ công việc theo dự định (trước kia đã phải bỏ ngỏ vì việc xây dựng khu công viên tưởng niệm).
Tại Pyatykhatky (ngoại ô Kharkov), công việc cất bốc được thực hiện từ 25-7 đến 9-8-1991. Tại một khi hình tứ giác kích thước 97m x 62m x 143m x 134m, 49 hố được đào cùng 5 thử nghiệm dò tìm; 167 tử thi của các quân nhân Ba Lan được tìm thấy. Cùng những đợt điều tra về sau, 75 ngôi mộ tập thể được đào lên, trong số đó 15 mộ chứa thi thể các tù binh Ba Lan; 420 tử thi được cát bốc, trong đó 363 là quân nhân Ba Lan cùng những quân trang, quân dụng (2.500 đồ vật).
Trần Lê tổng hợp - Còn tiếp
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn