VỤ THẢM SÁT KATYN DƯỚI ÁNH SÁNG NHỮNG TƯ LIỆU LỊCH SỬ (PHẦN CUỐI)

Thứ tư - 31/10/2007 12:02

Tưởng nhớ những tù binh bị sát hại ở nước Nga - Xô-viết

10. Các đài tưởng niệm Katyn

Tại Kraków, năm 1994, Ba Lan và Nga đã ký một hiệp định về việc gìn giữ và bảo vệ những đài tưởng niệm và nghĩa trang của các nạn nhân chiến tranh và chủ nghĩa độc tài.

Nghĩa trang đầu tiên tưởng nhớ đến các nạn nhân của [cơ quan mật vụ chính trị Liên Xô] NKVD được mở vào tháng 6-2000 tại Kharkov (Pyatykhatky), Ukraina.

Nghĩa trang Katyn được hoàn tất trọng thể vào ngày 28-6.

Trong số ba nghĩa trang, nghĩa trang cuối cùng được khánh thành tại Mednoye, gần Tver (Nga) và tháng 9-2000.

11. Những mâu thuẫn hiện tại quanh cuộc thảm sát Katyn

Mặc dầu Ban lãnh đạo thượng đỉnh Nga đã xác nhận và thú nhận về tội lỗi của phía Liên Xô (do chính quyền Stalinist gây ra) trong vụ giết người hàng loạt tại Katyn, và những tư liệu tuyệt mật cũng đã được đưa ra trước công luận tại nước Nga, từ năm 1990 trở đi, ở Liên bang Nga, lại có một số cái nhìn nghi hoặc, hay [tiếp tục] đổ vấy cho phía Đức. Những tín đồ của quan điểm này thường dựa vào tờ trình của Burdenko về ba trại tù không tồn tại 1-ON, 2-ON và 3-ON [đã nói ở phần trước]. Trong số đó, được biết đến nhiều nhất là Yury Mukhin (ký giả cực đoan Nga) và Aman Tiuliyev (chính khách cực đoan Nga, người từng đưa ra lời buộc lại với phía Ba Lan, rằng nước này đã tử hình mấy chục ngàn tù binh Liên Xô bị bắt năm 1920 [khi Hồng quân Xô-viết định “xuất khẩu cách mạng” sang xứ này]). Những quan điểm này xuất hiện lần đầu khi tổng bí thư Gorbachev công bố trước dư luận những tư liệu – chứng tỏ tội trạng của Liên Xô - về vụ thảm sát Katyn, trước đó được coi là “tuyệt mật”.

Từ một khía cạnh khác, những thử nghiệm (rất đồng loạt) của Liên Xô (và sau đó là Liên bang Nga) nhằm giấu nhẹm sự thật trong vụ Katyn đã khiến một số sử gia đưa ra thuyết cho rằng thảm sát Katyn là do hai cơ quan mật vụ chính trị Nga và Đức (NKVD và Gestapo) cùng thực hiện, và Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đức đã biết điều này trước đó rất lâu. Đặt cơ sở cho mối “quan hệ hợp tác” đó là Hiệp định tuyệt mật giữa Đức và Liên Xô, ký ngày 28-9-1939, buộc hai quốc gia này phải dập tắt mọi nỗ lực của phía Ba Lan nhằm chiến đấu chống những kẻ xâm lăng nước này. Theo giả thuyết này, để thực hiện hiệp định trên, Gestapo và NKVD đã có vài cuộc gặp mặt tại Zakopane và Kraków, bàn bạc về các biện pháp chống trả [cuộc chiến tự vệ của Ba Lan], về những phương thức giết người và đày ải. GS George Watson (Đại học Tổng hợp Cambridge) cho rằng số phận của các tù binh Ba Lan tại Katyn đã được định đoạt trong một cuộc gặp mặt như thế tại Kraków. Ý kiến này còn được một số nhà nghiên cứu về vụ Katyn chia sẻ, chẳng hạn A. Paul (“Katyń. Stalinowska masakra i tryumf prawdy, Świat Książki, Warszawa 2006”).

12. Những sự kiện gần đây nhất

Ngày 5-3-2005, Viện Kiểm sát Quân sự Tối cao Liên bang Nga tuyên bố chấm dứt điều tra trong vụ thảm sát Katyn. Trong số các hồ sơ điều tra được tập trung trong 183 tập dày, chỉ có 116 tập được công bố đầy đủ, cho dù tháng 9-2004 và tiếp theo đó, tháng 11-2004, cơ quan Kiểm sát khẳng định sẽ đưa ra trước công luận toàn bộ tài liệu điều tra. Lý do là vì những hồ sơ này, cho đến nay, vẫn bị… “mật hóa”!

Một ý kiến khác cho rằng, sở dĩ các hồ sơ bị “mật hóa” vì trong đó, những bằng cứ có cơ sở cho thấy lãnh đạo và quan chức Đảng Cộng sản Ba Lan chính là những đồng phạm, đã tham gia quá trình chuẩn bị các hồ sơ của những tù nhân bị sát hại về sau này. Cần lưu ý rằng giả thuyết này có thể đúng đối với những tù nhân Ba Lan bị giam giữ tại các nhà tù ở miền Tây Belaruss và miền Tây Ukraina (và bị thảm sát cùng thời gian xảy ra vụ Katyn), nhưng không thể liên quan đến các sĩ quan Ba Lan bị giam giữ trong ba trại tù, bởi họ đã bị bắt (và sau đó bị giết hại) mà không hề thông qua một danh sách nào.

Ngày 11-3-2005, Viện Kiểm sát Quân sự Tối cao Nga cũng chính thức tuyên bố rằng “không hề có cơ sở gì để coi vụ giết người ở Katyn là diệt chủng” (trong vụ này, quan điểm không chính thức đã được biết tới từ nửa năm trước đó). Lý do được đưa ra là việc đày ải các sĩ quan Ba Lan, cách giam giữ và đối xử với họ phù hợp với những “chuẩn mực” bắt buộc thời bấy giờ, và cho dù việc giết họ là hành vi phạm pháp, nhưng tính chất của nó không nhằm vào sự phân biệt đối xử với người dân Ba Lan. Quyết định này có nghĩa là tại Liên bang Nga, vụ thảm sát Katyn được coi là phạm pháp, nhưng đã… hết thời hiệu từ lâu!

Trong vấn đề này, ý kiến của Viện Ký ức Quốc gia - Tổng ủy ban Điều tra các tội ác của nước Đức Hitler và Liên Xô đối với dân tộc Ba Lan (Instytut Pamięci Narodowej – Główna Komisja Badania Zbrodni Hitlerowskich i Sowieckich Przeciwko Narodowi Polskiemu) - một cơ quan có thẩm quyền của cơ quan kiểm sát - là không thay đổi và trái ngược hẳn với quan điểm của phía Nga! [Xin xem phần đầu loạt bài viết]. (Cuối tháng 3-2006, Viện Ký ức Quốc gia nói trên đã thông báo rằng một phần của kho thư khố của chi nhánh NKVD tại Smolensk có thể được giữ tại Hoa Kỳ: dường như trong Đệ nhị Thế chiến, những tư liệu này đã được phía Đức lấy được khi Đệ tam Đế chế tấn công Liên Xô và chiếm Smolensk, tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, nó đã được lấy lại từ tay người Đức).

Tuyên bố kể trên của Viện Kiểm sát Quân sự Tối cao Nga chỉ nhấn mạnh rằng vụ giết người hàng loạt này không phải là diệt chủng, Hội Hồi tưởng (Memorial) của Nga đã đòi Viện phải đưa ra lời lý giải chính xác về mặt luật pháp. Để trả lời, Viện Kiểm sát Quân sự Tối cao Nga đã viện dẫn điểm 17, điều 193 bộ Luật Hình sự Liên bang Nga: tội lạm dụng quyền lực của các nhân vật thuộc Ban lãnh đạo Tối cao Hồng quân!

Trần Lê tổng hợp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn