“SMOKIE” VÀ NHỮNG ÂM HƯỞNG TỪ QUÁ KHỨ

Thứ sáu - 23/11/2018 06:01

(NCTG) Một tượng đài của dòng nhạc Rock thập niên 70 thế kỷ trước sẽ trở lại với công chúng Hungary vào hôm 28-11 tới: ban nhạc “Smokie” (Anh) sẽ có buổi trình diễn đặc biệt tổng kết sự nghiệp âm nhạc hơn nửa thế kỷ của mình tại Cung Thể thao Papp László (Budapest).

Ban nhạc “Smokie” vào thời hoàng kim - Ảnh tư liệu

Ban nhạc “Smokie” vào thời hoàng kim - Ảnh tư liệu

Được biết, những bản nhạc lừng danh nhất của “Smokie” - “Living Next Door To Alice”, “Needles And Pins”, “Oh Carol”, “I'll Meet You At Midnight”“Don't Play Your Rock 'n' Roll to Me”, “Lay Back In The Arms Of Someone”, “Wild Wild Angels”, “Mexican Girl”, “For A Few More Dollars”, “Baby It's You”“Something's Been Making Me Blue”... - sẽ được vang lên với sự phụ diễn của một dàn nhạc giao hưởng Hungary.

Kèm theo đó, những hình ảnh và băng tư liệu hiếm có về “Smokie” cũng sẽ được trình chiếu để phục vụ công chúng, nhắc nhớ quá khứ vàng son của ban nhạc ra đời từ năm 1965 này. “Đây sẽ là một buổi diễn thật ngoạn mục, mà chúng tôi chuẩn bị cho công chúng Hungary và Cộng hòa Czech”, ông Kárpáti András, một thành viên của đơn vị tổ chức cho hay. Nhà tổ chức này tiết lộ:

Chúng tôi hết sức để tâm tới những hiệu ứng thị giác, với kỹ thuật âm thanh và ánh sáng tầm thế giới, kèm kệ thống màn hình lớn và đội ngũ kỹ thuật viên thượng hạng. Nhạc nền do Dàn nhạc Giao hưởng Danubia (Óbuda) đảm trách, đây là các nghệ sĩ đã cùng làm việc với chúng tôi trong chương trình “Royal Christmas Gala”, cùng Sarah Brightman, Gregorian, Amelia Brightman và Mario Frangoulis”.

Đi những bước chân chập chững đầu tiên vào giữa thập niên 60 thế kỷ trước, “Smokie” chói sáng lần đầu trên sân khấu thế giới với ca khúc “If You Know How To Love Me”. Terry Uttley, cây guitar bass và hát bè, thành viên sáng lập của ban nhạc, nhớ lại về những năm tháng ấy: “Trong vòng 7 năm chúng tôi chỉ chơi ở các câu lạc bộ, và đã diễn ở rất nhiều chỗ kỳ quái, kể cả quán bar thoát y vũ.

Rồi, đột ngột, vào mùa hạ tuyệt vời năm 1975, chúng tôi thu âm đĩa đơn “If You Know How To Love Me” và ngày một ngày hai, chúng tôi trở nên những ngôi sao thế giới. Thiếu bài hát ấy, không bao giờ chúng tôi được diễn ở nhiều nơi tuyệt diệu như thế trên trái đất này. Tôi rất chờ đợi để có thể chơi bản này với dàn nhạc giao hưởng. Với buổi diễn đặc biệt này, chúng tôi muốn dựng lại kỷ niệm cho những khoảnh khắc bất diệt mà chúng tôi đã trải qua với “Smokie”. Tôi tin rằng mọi “fan” của ban nhạc sẽ đến với chúng tôi
”.

Đến với “Smokie” từ thuở ban đầu khi nó còn mang cái tên khác là “The Yen”, Terry Uttley là người duy nhất tới giờ còn trụ lại với ban nhạc. 1975 cũng là lúc “Smokie” bắt đầu hoàn thiện phong cách trình đặc thù và khiến ban nhạc trở nên nổi tiếng, với giọng ca khản đặc, nhừa nhựa của thủ lĩnh Chris Norman (ảnh hưởng một căn bệnh nặng mà anh mắc từ cuối năm 1971), kèm những đoạn hát bè rất “chất” của các thành viên còn lại, với nền guitar và trống sôi nổi và “dày dặn”.

Được du nhập vào Việt Nam khoảng những năm 1978-1979 cùng một số ca sĩ, nhóm nhạc Phương Tây đương thời như “ABBA”, “Boney M”, “Baccara”, “Bee Gees”..., chủ yếu thông qua một vài chương trình ca nhạc quốc tế phát trên TV và nguồn băng cassette, đĩa hát... của giới du học sinh và thủy thủ “tàu viễn dương”, có lẽ “Smokie” là tên tuổi gần gũi nhất với giới thanh niên Việt thời hậu chiến, vốn dĩ hết sức thiếu thốn thông tin và thèm khát cái mới từ ngoại quốc.

Với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam, hình ảnh 4 chàng trai để tóc dài, ăn vận đồ Jeans lãng tử của “Smokie” - với kỹ thuật hát bè đỉnh cao, guitar đệm hòa quyện trẻ trung, giàu nhạc điệu và điểm nhấn là giọng ca chính Chris Norman lúc gằn giọng - là ký ức đẹp đẽ và khó quên của một thời đầy khó nhọc “áo chăn chưa ấm thân mình”. Tại nhiều trường phổ thông, xuất hiện các “ban nhạc sinh viên” tự tìm tòi ghi lại ca từ và hát lại những bài ca của “Smokie”, đôi khi cả với sự cấm đoán và nhà trường và phụ huynh.
 
Poster của buổi trình diễn tại Budapest
Poster của buổi trình diễn tại Budapest

Như bất cứ ban nhạc nào khác, qua những năm tháng hoàng kim, “Smokie” cũng phải đối mặt với những thăng trầm, nhất là khi thủ lĩnh Chris Norman rời nhóm năm 1985. Từng rất được ưa chuộng với phần hát cặp “để đời” năm 1978 trong ca khúc “Stumblin' In” cùng Suzi Quatro (nữ ca sĩ khi đó đã bùng nổ với hit “If you can't give me love”), “chưởng môn” của “Smokie” luôn mong ước về một sự nghiệp solo riêng, và anh đã đặt được một số thành công với “Midnight Lady” hay “Some Hearts Are Diamonds”.

Tuy nhiên, dù có những đổi thay trong thành phần ban nhạc, “Smokie” vẫn tồn tại và chơi nhạc tới giờ, và những ca khúc “mãi mãi xanh tươi” của ban nhạc vẫn được vang lên một cách thường trực, cho dù là dưới sự trình diễn của ban nhạc, hay trong chương trình riêng của Chris Norman. Và chắc chắn, hôm tới, cử tọa sẽ vẫn cứ chờ đợi để cùng hát theo “Smokie” trong đoạn điệp khúc của bài “Living Next Door to Alice”, cho dù hơn 4 thập niên đã trôi qua kể từ ngày ấy

Và, cho dù trong đời Chris Norman đã trả lời phỏng vấn không biết bao nhiêu lần về “nhân thân” của Alice, trước sự tò mò của nhiều thế hệ về nội dung một trong những ca khúc nổi tiếng của ban nhạc: “Alice thật ra là một nhân vật do tôi nghĩ ra, điều này là một phần công việc của tôi. Nhưng quả thực có một người phụ nữ láng giềng của tôi tên là Alice, có điều, bà không còn trẻ nữa, mà khi đó đã 86 tuổi”.

(*) Các thành viên hiện tại của “Smokie”:

Mike Craft (guitar, hát chính)
Mick McConnell (guitar solo, hát bè)
Terry Uttley (guitar bass, hát bè)
Steve Pinnell (trống)
Martin Bullard (organ)

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Rock, Smokie
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn