KHI NÀO THỨC TỈNH?

Thứ sáu - 21/09/2018 17:52

(NCTG) “Trong nỗi sợ hãi và áp lực đe dọa tính mạng, trong nỗi hoang mang và gần như tuyệt vọng về tương lai, giai điệu của hy vọng vẫn ngân lên dưới đôi bàn tay run rẩy của một con người đang chống chọi với đói, khát, lạnh lẽo, và với cái chết...”.

“Con trai của Saul”, bộ phim chấn động về đề tài diệt chủng holocaust - Ảnh: Internet

“Con trai của Saul”, bộ phim chấn động về đề tài diệt chủng holocaust - Ảnh: Internet

Vừa xem xong phim “Con trai của Saul” (Son of Saul), một phim về diệt chủng Do Thái của đạo diễn Hungary Nemes László, giải Oscar dành cho phim nước ngoài hay nhất năm 2016. Phim được đánh giá cao nhờ góc nhìn mới về một chủ đề cũ, cách tiếp cận và cách dẫn chuyện hấp dẫn.

Phim cho thấy một chế độ tàn ác có thể bóp méo con người như nào, tước đoạt lương tri, trấn lột nhân phẩm và sinh ra những quái thai, những con người vô tri ra sao. Sự tàn ác và khủng bố tinh thần đã gieo rắc nỗi kinh hoàng, bóp nghẹt hơi thở của hàng vạn con người, làm biến đổi diện mạo và tâm trí họ. Khi cảm xúc bị tê liệt, họ hành động như một cái máy, không tư duy được gì ngoài vài ba phản ứng mang tính bản năng.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, những hy vọng sống sót le lói dù chỉ thêm được vài tháng, vài ngày, thậm chí vài giờ... cũng xô đẩy người ta hành động như những con rối. Một cựu tù nhân của Auschwitz từng nói: “Chúng tôi lúc đó như con vật, không nghĩ gì đc, chỉ cố gắng sao sống sót qua cơn ác mộng, và cố tìm cách thoát ra bên ngoài bằng mọi cách”.
 
Một cảnh trong phim “Con trai của Saul” - Ảnh: Internet
Một cảnh trong phim “Con trai của Saul” - Ảnh: Internet

Thật khó để so sánh “Con trai của Saul” với hàng chục phim khác cùng đề tài mà mình đã xem như “Cuộc sống tươi đẹp” (La vita è bella), “Nghệ sĩ dương cầm” (The pianist), “Bản danh sách Schindler” (Schindler's List), “Chú bé mang pyjama sọc” (The Boy in the Striped Pyjamas), “Shoah”, “Chuyến tàu cuối cùng tới Auschwitz” (The last train to Auschwitz)..., bởi mỗi phim là một góc nhìn khác về holocaust, một cách kể chuyện khác, một thông điệp khác. Khó nói phim nào hơn phim nào.

Trong “Con trai của Saul”, cảnh đầu cảnh cuối mình không có ấn tượng gì đặc biệt, nhưng mình lại rất ấn tượng với một cảnh ở đoạn giữa, khi tên sĩ quan SS ra lệnh cho trưởng nhóm dọn xác (Sonderkommando) phải đưa cho hắn bản danh sách loại ra 70 người, có nghĩa là 70 người trong đội sẽ phải chết vào ngày mai. Viên đội trưởng buộc phải ngồi xuống bàn và ánh mắt anh gặp ánh mắt Saul, một nhân viên của nhóm, lúc đó đang phải dọn dẹp trong phòng. Trong một tình thế trớ trêu của cuộc sống, những ánh mắt nói hơn vạn lời!

Xem “Con trai của Saul” cũng để thấy, ngay cả trong những thời khắc kinh hoàng nhất, lương tri con người vẫn le lói âm ỉ chờ dịp bùng lên...
 
 
Phân đoạn cuối trong phim “Chú bé mang pyjama sọc”
Phân đoạn cuối trong phim “Chú bé mang pyjama sọc”

Hay ở phim “Chú bé mang pyjama sọc”, cuối đoạn kết là một cảnh gai óc, nơi có tiếng gào thảm thiết của người mẹ trẻ, có ánh mắt tê dại của người cha trong cơn tỉnh ngộ muộn màng... những giọt mưa nặng khói xám u uất rơi xuống mặt đất lầy lội bùn như những vũng máu khô quánh không gì cứu vãn...

Đông Tây gặp nhau trong cách nhìn về cái ác. Nhân quả có con đường đi của riêng nó. Sự thật có cách lên tiếng của nó, dù bị đàn áp.

Hãm hại người khác, cố tình làm tổn hại đến cuộc sống của người khác, cũng chính là một cách (dù gián tiếp) đẩy cuộc sống của con cái và gia đình mình vào nguy hiểm.

Một cảnh nữa rất ấn tượng về đề tài holocaust nằm ở gần cuối phim “Nghệ sĩ dương cầm” của đạo diễn Ba Lan Roman Polanski, khi nhân vật sĩ quan SS, trong giờ phút cuối của chiến tranh, mơ hồ nhận ra thiện-ác, đã có hành động nhân đạo cung cấp thức ăn cho một người Do Thái trốn trên gác xép, trước khi quân Đồng minh tiến vào thành phố.
 
Cảnh gần cuối trong phim “Nghệ sĩ dương cầm”
Cảnh gần cuối trong phim “Nghệ sĩ dương cầm”

Trong nỗi sợ hãi và áp lực đe dọa tính mạng, trong nỗi hoang mang và gần như tuyệt vọng về tương lai, giai điệu của hy vọng vẫn ngân lên dưới đôi bàn tay run rẩy của một con người đang chống chọi với đói, khát, lạnh lẽo, và với cái chết...

Người Do Thái sống sót này là nghệ sĩ piano, sau đó cố tìm lại viên sĩ quan kia để cảm ơn, nhưng đã không có cơ duyên gặp lại. Cảnh viên sĩ quan SS bị bắt, ngồi sau hàng rào thép gai trong trại tập trung, nhớn nhác tìm người cứu mình, nhưng đã muộn. Hình ảnh hàng rào mỏng manh mờ ảo trong ráng chiều chia ra một khoảng cách vời vợi giữa hai bên, giữa hai tư tưởng khác biệt.

Làm hàng rào kẽm gai hóa ra rốt cục để rào chính mình, và khi đứng bên trong đó, tất cả sự oai vệ quyền lực của một kẻ từng quyết định mạng sống hàng ngàn người khác cũng bay biến, chỉ còn lại sự thảm hại của một thân xác vô minh.

Thế mới thấy tư tưởng con người quan trọng biết bao trong cuộc sống. Nếu nhầm lẫn một món hàng, bạn mất ít tiền. Nếu chọn nhầm nghề nghiệp, bạn có thể mất 5-10 năm. Nhưng nhầm lẫn về tư tưởng có thể dẫn người ta đi xa, rất xa, quá xa, thậm chí không tài nào trở lại được nữa.
 
Những nạn nhân của holocaust - Ảnh tư liệu
Những nạn nhân của holocaust - Ảnh tư liệu
 
Kể cũng hài, Hitler muốn tận diệt Do Thái, đưa ra cái gọi là “giải pháp tối hậu về vấn đề Do Thái” và muốn thực hiện triệt để kế hoạch đó. Hàng triệu triệu đô-la đã được đầu tư cho một hệ thống tàn sát khổng lồ khắp nước Đức và nhiều quốc gia bị Đức chiếm đóng trong Thế chiến 2.

Tuy nhiên, Hitler không tài nào nhận được sự hợp tác triệt để như hắn mong muốn. Nhiều nước ở Châu Âu - trong đó có cả các quốc gia còn chịu sự cai quản của Đức đã không thực hiện lệnh trục xuất người Do Thái như Hitler mong đợi: Đan Mạch, Bulgaria, Phần Lan, Na Uy, Ý, Bồ Đào Nha, Bỉ, Pháp, Ba Lan... đã cứu mạng hàng trăm ngàn người Do Thái thoát khỏi cái chết.

Trong cơn say huỷ diệt, vẫn có những dòng chống đối ngấm ngầm chờ cơ hội (phim “Bản danh sách Schindler”). Bởi vậy, kế hoạch tận diệt người Do của Hitler không bao giờ thực hiện được, bởi “người tính không bằng Trời tính”. Hitler tự cho mình thông minh, nhưng lại không hiểu được điều cơ bản là những hành động phi nhân tự nó luôn sinh ra các năng lượng tiêu cực và sẽ quật lại chính chủ nhân của nó vào lúc “gần tới vinh quang”.
 
Tuy nhiên, trong danh sách những tên sát nhân hàng đầu thế giới thì Hitler chưa phải “quán quân”: mức độ khủng khiếp và tàn bạo của ông ta vẫn còn thua Mao Trạch Đông và Stalin. Những con số thống kê khiến chúng ta phải giật mình. Trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1976, chính sách Đại Nhảy Vọt của Mao đã giết 70 triệu nhân mạng, đưa Mao lên Top đầu thế giới trong danh sách giết người.

Tiếp bước là “Nhà độc tài đỏ” Stalin của Liên Xô với tội ác sát hại khoảng 60 triệu nhân mạng. Những hình ảnh lung linh của Hồng quân đã bốc khói ngay lập tức sau khi giải phóng Đức bằng các cuộc thảm sát liên tiếp dẫn tới cái chết của hàng triệu người ở Châu Âu, giúp Stalin đứng hàng thứ hai trong danh sách các ác quỷ ăn thịt người, trên cả Hitler (17 triệu)!
 
“Giai điệu của hy vọng vẫn ngân lên dưới đôi bàn tay run rẩy của một con người đang chống chọi với đói, khát, lạnh lẽo, và với cái chết...” - Cảnh trong phim “Nghệ sĩ dương cầm”
“Giai điệu của hy vọng vẫn ngân lên dưới đôi bàn tay run rẩy của một con người đang chống chọi với đói, khát, lạnh lẽo, và với cái chết...” - Cảnh trong phim “Nghệ sĩ dương cầm”

Khi nào thì con người ta thức tỉnh? Chỉ khi gần thua? Chỉ khi sắp bại?

Hitler có thức tỉnh trước khi chết? Không chắc! Nhưng hàng triệu người trên thế giới đã thức tỉnh khi nhìn vào những tội ác do Hitler gây ra.

Con gái của Amon Goth, nhân vật SS trong phim “Bản danh sách của Schindler”, sau này khi biết rõ về cha, đã xấu hổ đổi tên họ khác. Sự im lặng và cả các kỹ thuật tiên tiến nhất cũng đã không giúp nổi việc giấu giếm các thế hệ sau về những sự thật kinh hoàng...

Chợt nhớ tới bài hát nổi tiếng “Blowing in the wind” của Bob Dylan từ thập niên 70:
 
Cần có bao nhiêu tai để nghe thấy tiếng kêu khóc? 
Cần đi qua bao nhiêu con đường để được gọi là Con Người?

(How many ears must one man have
Before he can hear people cry?
... How many roads must a man walk down
Before you call him a man?)

Nửa thế kỷ trước, những lời này đã vang lên, vang lên...

Vân Lê, từ Brussels


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn