Vở kịch “Những cậu con trai phố Pál”: GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

Thứ ba - 08/05/2018 05:39

(NCTG) “Những tràng vỗ tay rầm rập không ngớt của khán giả là một bằng chứng sống về giá trị của một nền văn hóa Châu Âu lâu đời: các tác phẩm nghệ thuật một khi đã đi vào trái tim con người sẽ mãi mãi còn tồn tại với thời gian và ngày càng có giá trị trong cuộc sống”.

Một cảnh trong vở ca vũ kịch - Ảnh: Internet

Một cảnh trong vở ca vũ kịch - Ảnh: Internet

Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, khi có thể ngồi nhà mở máy tính ra xem từ ca nhạc đến phim ảnh, dễ hiểu là những môn nghệ thuật đòi hỏi chi phí cao như sân khấu kịch ngày càng gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả. Ở Hungary cũng vậy, sau khi chế độ bao cấp sụp đổ, các nhà hát kịch điêu đứng suốt một thời gian dài bởi lý do tài chính. Chỉ tính riêng ở Budapest với dân số khoảng 2 triệu người mà có tới gần một trăm nhà hát. Một phần ba được nhà nước tài trợ kinh phí, còn lại phải tự hạch toán kinh tế.

Chuyện thất thu, vỡ nợ, đóng cửa... diễn ra thường xuyên như cơm bữa. Nhưng có lẽ chính giai đoạn thử thách đó đã khiến nền nhạc kịch của Hungary thay đổi rất nhiều: chất lượng ngày càng được nâng cấp với những kỹ thuật dàn dựng sân khấu hiện đại, âm nhạc chuyên nghiệp và tất nhiên và đi kèm sự say mê cao độ của các diễn viên - người bất tài không thể có chân trong bất kỳ một nhà hát nào, thậm chí người tài năng cũng phải chấp nhận mức lương rất khiêm tốn để tồn tại.

Do có con đang học về tác phẩm “Những cậu con trai phố Pál” trong nhà trường, cả gia đình tôi quyết định đi xem vở kịch cùng tên. Ngạc nhiên đầu tiên của tôi là khi tra trên mạng từ cách đây 2-3 tháng, vé bán cho tất cả các buổi diễn đã hết sạch từ lâu! Thật quá như săn vé cho các concert lớn của nước ngoài, tôi phải hỏi han qua mấy “cầu” mới được người quen chiếu cố mua cho 4 chiếc vé vào một buổi tối cuối tuần tại rạp hát cổ kính Vígszínház (Nhà hát Hài kịch).
 
Nhà hát Hài kịch
Nhà hát Hài kịch

Có thể kiến trúc bên ngoài hơi khác, nhưng nội thất của nhà hát làm tôi liên tưởng tới Nhà hát Lớn Hà Nội với những chiếc ghế đệm nhung đỏ và những khoang ngồi trên tầng cao. Nằm ngay tại trung tâm Budapest và được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, với thâm niên hơn 120 năm, đây được coi là một trong những cái nôi của nền sân khấu kịch Hungary. Có sức chứa tới 1.700 người, vậy mà rạp chật kín không còn một ghế thừa mặc dù đã sắp sửa kỷ niệm buổi biểu diễn lần thứ 100 của vở kịch này! 

Vở kịch dựa trên cuốn tiểu thuyết viết về đề tài thanh thiếu niên thành công nhất của Molnár Ferenc, nhà văn Hungary đầu thế kỷ trước (ở Hung hầu hết các tiểu thuyết nổi tiếng trong và ngoài nước đều được dàn dựng thành kịch). Đã từ bao thế hệ, tác phẩm “Những cậu con trai phố Pál” được đưa vào chương trình giảng dạy văn học của học sinh phổ thông lớp 5. Không có một học sinh Hungary nào tới tuổi mới lớn bước vào đời mà không đọc qua cuốn tiểu thuyết này.

Đó là một câu chuyện tình cảm về một lũ học sinh cấp ba vô tư, nghịch ngợm, đang ở độ tuổi nhạy cảm nhất về các giá trị cuộc sống như tình bạn, lòng dũng cảm, sự trung thành và tinh thần đồng đội. Chuyện xảy ra cách đây đã hàng trăm năm mà sao vẫn đúng với xã hội hiện nay, khi khoa học có thể phát triển tới mức nào đi chăng nữa, nhưng những phẩm chất cơ bản đó nếu ai không được học, sẽ chẳng bao giờ “lớn nổi thành người”.

Chính bởi những giá trị bất hủ đó mà “Những cậu con trai phố Pál” đã vượt xa ngoài biên giới Hungary, được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới. Ở Việt Nam, cuốn sách đã được dịch giả kiêm nhà giáo tiếng Hung kỳ cựu Vũ Ngọc Cân cho ra mắt lần đầu tiên năm 1984 như một sự báo ơn của ông đối với đất nước nhỏ bé mà ông từng rất gắn bó thời sinh viên đi học. Sách cũng được Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản năm 2010 trong dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hungary. Chẳng biết bao nhiêu thanh thiếu niên Việt Nam đã được đọc cuốn sách này?
 
Dàn dựng rất công phu - Ảnh: Internet
Dàn dựng rất công phu - Ảnh: Internet

Có thể nói thể loại được ưa chuộng ở Châu Âu vẫn là ca vũ kịch (musical). Các diễn viên không chỉ diễn nói trên sân khấu mà còn có giọng hát tốt với trình độ cao cộng thêm kỹ năng nhẩy múa điêu luyện. Họ diễn nhiệt tình hết mình không ngừng một giây nào trong suốt hai tiếng đồng hồ liền. Sân khấu luôn thay đổi dàn dựng cảnh, ánh sáng, các trang thiết bị thậm chí cả bể nước vòi phun nước (vì nước đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện về cậu bé bị ném xuống nước lạnh nhiều lần mà vẫn trung thành với hội bạn phố Pál). Người xem gồm đủ các tầng lớp từ học sinh cấp một tới cấp ba, bố mẹ tuổi trung niên và cả những người có tuổi. Ai cũng được sức hấp dẫn của vở kịch thu hút lúc cười lúc khóc lúc lo lắng, lúc buồn rầu với các diễn viên trên sân khấu. 

Phải công nhận cảm giác xem “người thật, việc thật” vẫn thích hơn nhiều so với xem “qua mạng”. Cuổi buổi diễn, những tràng vỗ tay rầm rập không ngớt của khán giả là một bằng chứng sống về giá trị của một nền văn hóa Châu Âu lâu đời: các tác phẩm nghệ thuật một khi đã đi vào trái tim con người sẽ mãi mãi còn tồn tại với thời gian và ngày càng có giá trị trong cuộc sống. Hy vọng một ngày nào đó, nghệ thuật kịch nói Việt Nam cũng sẽ chinh phục được trái tim khán giả bằng con đường này.

BS. Đặng Phương Lan, từ Budapest - Ngày 1-5-2018


 
 Từ khóa: kịch, Molnár Ferenc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn