ĐỌC “THU ĐẾN PARIS” CỦA ADY ENDRE

Thứ bảy - 24/03/2018 06:16

(NCTG) “Chỉ với bốn khổ thơ ngắn ngủi, “Thu đến Paris” xứng đáng là một tuyệt phẩm của bậc thầy thi ca Hungary, người được coi là “có suy nghĩ khác thường” về tình yêu, cuộc sống, cái chết và cả cảm xúc ái quốc”.

Ady Endre (1915) - Ảnh tư liệu

Ady Endre (1915) - Ảnh tư liệu

Hôm qua Thu lẻn đến Paris
Trên phố Thánh Michael tràn về lặng lẽ,
Dưới tán cây lá rì rào khe khẽ
Đang giữa hè Thu đến với tôi đây.

Đương lúc tôi đi về phía sông Seine
Trong tâm hồn bài ca Lá Vàng bốc cháy,
Buồn bã, vui tươi, nực cười, ám khói,
Nhủ tôi rằng cái chết đang gọi đi.

Thu đến nơi và Thu nói câu gì
Để đường phố Thánh Michael run rẩy,
Lá tinh nghịch trên cành cây vẫy vẫy
Gió lao xao bay đến cuối con đường.

Một phút giây mùa Hạ cũng không nhường
Đành từ giã Paris Thu đi mất,
Chỉ có tôi dưới tán cây thổn thức
Biết chắc rằng Thu đã đến nơi đây.
 
Đại lộ Saint-Michel (Paris, 1877) - Ảnh tư liệu
Đại lộ Saint-Michel (Paris, 1877) - Ảnh tư liệu
Párisba tegnap beszökött az Ősz.
Szent Mihály útján suhant nesztelen...

Mùa thu đã lẻn tới Paris ngày hôm qua, và lặng lẽ tràn về “Phố Thánh Michael” như lời dịch của dịch giả Nguyễn Văn Trung.

Phố Thánh Michael” chính là đại lộ Saint-Michel (Boulevard Saint-Michel), con đường chính của Khu Latin, dài gần 1,5km, chạy từ sông Seine tới vườn Lục Xâm (Luxembourg), đi qua nhiều địa danh quan trọng như Bảo tàng Trung cổ (Musée de Cluny), Trường Mỏ (École des Mines), Trung học Saint-Louis (Lycée Saint-Louis) và khu đại học Sorbonne danh tiếng.

Đây cũng là một trong những địa điểm chính mà cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, không biết bao nhiêu thi sĩ Hungary đã qua, tản bộ vãn cảnh để tìm cảm hứng cho những vần thơ của mình. Trong số đó, không thể thiếu Ady Endre, vị chủ soái của nhóm “Phương Tây” (Nyugat), chủ xướng việc bằng mọi giá, phải nâng tầm văn học và thi ca Hungary lên ngang tầm Tây Âu.

Được coi là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của nền văn học Hungary bên cạnh Petőfi Sándor và József Attila, nhưng thơ Ady Endre tân kỳ hơn, hiện đại hơn và nhiều khi cũng khó nắm bắt hơn rất nhiều, vì ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của các trường phái thi ca Phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa biểu tượng. Nền văn học hiện đại Hungary được khởi tính từ ông.

Paris đã trở thành một phần hết sức đáng kể trong cuộc đời và sự nghiệp của Ady Endre: trong thời kỳ 1904-1911, ông đã tới “Kinh thành Ánh sáng” 7 lần, nhưng không hẳn để “sinh hoạt văn nghệ” như các nhóm nghệ sĩ Hung khác, mà để thăm Diósyné Brüll Adél, một thiếu phụ xinh đẹp mà ông gọi bằng cái tên Léda, lúc đó đã có chồng giàu có, và sinh sống tại Paris.

Léda trở thành người tình và Nàng thơ của thi sĩ, là niềm cảm hứng để ông sáng tác tập thơ “Người đàn bà của những giọt lệ” (A könnyek asszonya). Với Léda, Ady Endre đã có một mối tình bùng cháy, bất chấp tất cả, kéo dài gần 10 năm, và kết thúc bởi một thi phẩm của thi sĩ đăng trên tạp chí “Phương Tây” năm 1912. Sau đó, hai người không bao giờ gặp lại nhau.
 
Tấm biển do Hội Pháp - Hung gắn năm 1956 trên tường khách sạn Hôtel Balcons (gần vườn Lục Xâm, Quận 6, Paris), nơi Ady Endre đã ở trong vòng 3 tháng mùa hạ 1906: “Nơi đây, ca nhân vĩ đại người Hung Ady Endre (1877-1919) đã sống và sáng tạo. Một người đam mê nước Pháp cuồng nhiệt”
Tấm biển do Hội Pháp - Hung gắn năm 1956 trên tường khách sạn Hôtel Balcons (gần vườn Lục Xâm, Quận 6, Paris), nơi Ady Endre đã ở trong vòng 3 tháng mùa hạ 1906: “Nơi đây, ca nhân vĩ đại người Hung Ady Endre (1877-1919) đã sống và sáng tạo. Một người đam mê nước Pháp cuồng nhiệt”

“Thu đến Paris” (Párisban járt az Õsz) được tác giả sáng tác khi mối tình còn ở giai đoạn mặn nồng nhất, sau một lần dạo chơi trên con đường nổi tiếng trong tiết trời nóng nực cuối tháng 7 năm 1906, khi những cơn gió mát đột ngột tràn đến khiến lá cây rơi xào xạc, và tưởng chừng thu đã tới trong chốc lát. Nhà thơ chợt cảm thấy như được đối mặt với mùa thu...

... và đồng thời cũng là với dự cảm chết chóc vụt đến. Điều này không phải hiếm hoi trong thi nghiệp đồ sộ của ông: Ady Endre có xu hướng gắn liền sự chuyển mùa, và nói chung là sự biến thiên của các hiện tượng thiên nhiên với tâm trạng cá nhân nhất thời hoặc cảm nhận về sự sinh tồn nhân thế. Thu đến và thầm thì với ông bên con đường Thành Michel run rẩy...

Cảm giác ấy, khả năng Ady Endre đã có được từ ấn tượng khi nhác thấy những chuyến xe ngựa chở thi thể người mới qua đời, thậm chí được đặt trong quan tài để mở, hồi ấy thường xuyên đi ngang qua con đường Saint Michel xào xạc bóng lá. Và phải chăng, cũng có thể đó là sự chiêm nghiệm về tính-phi-vĩnh cửu trong mối tình định mệnh của ông với Nàng thơ Léda?

Mùa thu, gắn liền với tình yêu, và bên cạnh đó là cảm giác mất mát, hay sự lụi tàn và cả cái chết, như trong “Cuối tháng chín” (Szeptember végén) của Petőfi Sándor không phải là mô-típ quá mới trong thi ca. Nhưng với Ady Endre, ý thơ này được diễn tả dưới một dạng khác, trừu tượng hơn và cũng mang tính biểu tượng hơn, như một kiếp người đến rồi đi thật mỏng manh.

Chỉ với bốn khổ thơ ngắn ngủi, “Thu đến Paris” xứng đáng là một tuyệt phẩm của bậc thầy thi ca Hungary, người được coi là “có suy nghĩ khác thường” về tình yêu, cuộc sống, cái chết và cả cảm xúc ái quốc. Ady Endre được xem như một người Hung và một người Âu điển hình, với tình yêu và đam mê được sống hết sức mạnh mẽ, nhưng rồi cái chết cũng đưa ông đi ở tuổi 41...

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Ady Endre
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn