THI PHẨM “TÌNH CHIM ƯNG” CỦA ADY ENDRE

Thứ bảy - 26/05/2012 14:15

(NCTG) Ady Endre (1877-1919) tên thật là Ady András Endre, sinh ngày 12-11-1877 tại làng Érmindszent và mất ngày 27-1-1919 tại Budapest, là một trong số những nhà thơ quan trọng nhất trên bầu trời thi ca Hungary - được coi là “một trong những nền thi ca đẹp nhất châu Âu”-, một trong bốn cây đại thụ của thi ca Hungary, bên cạnh Petőfi Sándor (1822-1849), Arany János (1817-1882) và József Attila (1905-1937).


Nhà thơ Ady Endre


Ông là người đi tiên phong trong việc đoạn tuyệt với thi ca truyền thống mang âm hưởng dân ca và tinh thần dân tộc cũ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, mở đường cho một phong cách thơ mới mẻ hơn, hiện đại hơn. Các chủ đề chính trong thơ ông là Chúa, Tổ quốc (Hungary), tình yêu và cuộc đấu tranh sinh tồn.

Trong bối cảnh xã hội Hungary cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi chủ nghĩa tư bản đã tương đối phát triển, nhưng chủ nghĩa phong kiến chưa lụi tàn. Các vấn đề xã hội từ nông thôn đến thành thị ngày một gay gắt. Văn học và đặc biệt là thi ca cần một tiếng nói mới, hiện đại của thế hệ trẻ đối lập với sự trì trệ, bảo thủ, thói bắt chước và thói đạo đức giả đang thịnh hành. Văn học đang khao khát chờ đón một ngọn cờ tư tưởng, người nói lên cái hoàn toàn mới nhưng vẫn kế thừa được những di sản cũ, người có thể là tấm gương và thủ lĩnh cho cả một thế hệ mới.

Điều kiện đã chín muồi, nhưng cần đến sự xuất hiện của Ady để tất yếu trở thành sự thật. Tháng Hai, năm 1906 tập “Thơ mới” (Új versek) ra mắt, đánh dấu sự ra đời của văn học hiện đại Hungary.

Ở đây chỉ xin giới thiệu bài thơ “Tình chim ưng”, một thi phẩm rất đặc sắc của thi pháp Ady.

HÉJA-NÁSZ AZ AVARON

Útra kelünk. Megyünk az Őszbe,
Vijjogva, sírva, kergetőzve,
Két lankadt szárnyú héja-madár.

Új rablói vannak a Nyárnak,
Csattognak az új héja-szárnyak,
Dúlnak a csókos ütközetek.

Szállunk a Nyárból, űzve szállunk,
Valahol az Őszben megállunk,
Fölborzolt tollal, szerelmesen.

Ez az utolsó nászunk nékünk:
Egymás husába beletépünk
S lehullunk az őszi avaron.
(1907)

TÌNH CHIM ƯNG

Chúng tôi lên đường. Bay vào Thu
Đôi chim ưng cánh mỏi
Khóc lóc, thét gào, quần đảo theo nhau.

Mùa Hạ có những tên cướp mới
Những trận hôn tưng bừng
Những cánh chim ưng chưa biết mỏi.

Rượt đuổi, chúng tôi bay khỏi Hạ
Dừng đâu đó trong Thu
Yêu quay quắt, lông xù, cánh xõa

Cuộc tình này là cuộc cuối cùng
Thịt da nhau cấu xé
Trên lá Thu khô, hai đứa sẽ cùng rơi.

Bài thơ viết về mối tình ngang trái của thi sĩ với người đàn bà quý tộc đã có chồng, bà Diósyné Brüll Adél (mà ông gọi là Léda), sống ở Paris và có dịp làm quen với nhà thơ trong một lần bà về thăm quê hương. Léda đã trở thành nàng thơ (Muse) của Ady để ông sáng tác ra nhiều bài thơ tình bất hủ: trong 9 năm yêu nhau, từ 1903-1912, ông đã sang Paris 7 lần, có lần sống với bà cả năm trời, nhưng rồi mối tình ấy cũng không đi đến đâu và cuối cùng hai người đã chia tay.

Biểu tượng của tình yêu trong bài thơ tình lạ lùng này là đôi chim ưng đã mệt mỏi trong tình yêu, đôi tình nhân ấy dứt khoát “lên đường”, rời mùa Hạ, bay vào mùa Thu, sự vận động mang tính quy luật của thời gian, cũng là sự vận động của tình yêu. Nhưng đây là cuộc tình không bình thường; chim ưng, loài chim săn mồi ăn thịt và kiêu hãnh, biểu tượng cho một tình yêu dữ dội “khóc lóc, thét gào, quần đảo theo nhau” để bay tới kết cục.

Khổ thơ thứ hai cho thấy trường hợp của đôi tình nhân ấy không phải là cá biệt, “Mùa hạ”, mùa yêu đương mãnh liệt, sau khi họ ra đi sẽ “có những tên cướp mới”, những đôi tình nhân mới “cánh chưa biết mỏi” ấy sẽ tiếp tục có “những trận hôn tưng bừng”.

Còn họ đã bay khỏi Hạ, rồi dừng lại ở “đâu đó trong Thu”, trong mùa vàng, mùa chín; sau mùa Thu sẽ đến mùa Đông tàn lạnh giá, kết thúc một vòng tuần hoàn thời gian. Đôi tình nhân yêu đến “quay quắt, lông xù, cánh xõa”, cuồng nhiệt và đớn đau đến nỗi “thịt da nhau cấu xé” và cuối cùng cả hai cùng rơi xuống “lớp lá Thu khô”, lá Thu khô - biểu đạt sự chết chóc, điêu tàn.

Các động từ, hành động trong bài thơ cũng được nâng dần cấp độ, mỗi lúc một dồn dập, mạnh mẽ hơn, từ “lên đường”, tới “bay”, rồi “rượt đuổi” và “rơi”; từ “khóc lóc, thét gào” đến “lông xù, cánh xõa” rồi “cấu xé” tạo nên nhịp điệu vận động mỗi lúc một nhanh hơn của bài thơ. Vì đôi tình nhân ấy biết đó là một cuộc tình vô vọng, “cuộc tình này là cuộc cuối cùng”, không mục đích, hay cái đích ở đây là sự “dừng lại”, là cái chết.

Không hề thấy những biểu hiện ngọt ngào, đằm thắm, dịu dàng, mơ mộng thường thấy trong thơ tình lãng mạn trước đó. Chính điều này tạo ra sự độc đáo và sức ám ảnh mãnh liệt của bài thơ!

Giáp Văn Chung dịch và giới thiệu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn