Nghệ sĩ múa Michiyo Phạm Ngà - Ảnh: La Thư
Năm nay 23 tuổi, Michiyo (nghệ danh của Phạm Nga) có dịp theo học Trường Cao đẳng múa Tokyo từ năm 13 tuổi. 17 tuổi, khi chưa tốt nghiệp, Michiyo đã được “đầu quân” Trung tâm ca múa nhạc Asia của Tokyo và cho tới giờ, cô vẫn là diễn viên múa chính kiêm biên đạo múa cho các vở diễn của đoàn. Cho dù được đào tạo chính quy về ba-lê nhưng từ rất sớm, Michiyo đã theo đuổi múa đương đại, bộ môn mà cô có cơ hôi thể hiện nhiều cảm xúc và sáng tạo nghệ thuật của mình.
Sự lựa chọn ấy đã được thời gian chứng tỏ với nhiều thành công qua các giải thưởng quốc tế, khởi đầu là Giải nhất Múa đương đại Châu Á -Thái Bình Dương (2003). Nỗ lực của Michiyo tiếp tục được ghi nhận bởi Giải thưởng Triển vọng Đương đại tại Pháp (2004), Giải Tài năng trẻ hội diễn châu Á ở Singapore (2006), Giải nhì Biên đạo múa xuất sắc cho Cinevox epic freestyle (2007), Giải Biên đạo múa Đương đại Tài năng tại Cloud gate dance theatre of Taiwan (2009) và Giải Biên đạo múa xuất sắc Tokyo freestyle (2009).
Từ 5 năm trở lại đây, Michiyo đã có một số dịp trở về Việt Nam biểu diễn, chủ yếu là tại những show cá nhân theo lời mời, và đang muốn hướng tới những chương trình lớn hơn để thực sự giới thiệu, quảng bá nghệ thuật múa đương đại theo cách hiểu, cách cảm của cô tới khán giả Việt Nam. Dầu vậy, trao đổi với NCTG, Michiyo cũng cho biết, do hiện giờ đang sinh sống và công tác tại Dubai lâu dài nên chắc chỉ về Việt Nam nếu có chương trình đặc biệt, chứ chưa có kế hoạch lưu diễn thường xuyên hoặc lập nghiệp ở Việt Nam.
Không xa lạ với những phát biểu gây sốc trên báo chí, Michiyo cũng thẳng thắn nêu ý kiến về nghệ thuật múa đương đại Việt Nam, trong những năm gần đây đã dần dần được nhắc tới nhiều hơn với một số gương mặt trẻ tài năng. Michiyo cho rằng múa đương đại Việt Nam “mới chỉ đang ở mức sơ đẳng chưa đâu vào đâu”: cho dù một số các diễn viên có dịp tu nghiệp ở nước ngoài đã quay trở về cống hiến nhưng cô vẫn “chưa nhìn thấy ý tưởng nào hay và độc”.
Tuy nhiên, liên quan tới Michiyo, công bằng mà nói, những gì mà số đông đột ngột biết về cô trong những ngày gần đây lại không liên quan đến chuyên ngành múa đương đại mà cô là một trong vài nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất hiện tại. Tìm kiếm với cụm từ “Michiyo Phạm Ngà” trên mạng google, chỉ trong nháy mắt đã cho ra vài trăm ngàn đường dẫn (links) có liên quan đến những nhận xét cá nhân rất “thẳng thừng” và mạnh mẽ của cô với đàn ông Việt Nam, còn được gọi một cách dân dã là “giai Việt”.
“Đa phần là bảo thủ, ít giao lưu, ít hiểu biết những văn minh của thế giới, mà chỉ giống như trai làng, ếch ngồi đáy giếng, ít sự tôn trọng phụ nữ, vô duyên, không khéo léo mọi mặt”, “sex cực kỳ kém và non nớt, ích kỷ, chỉ hưởng sướng phần mình, còn không quan tâm đến cảm giác của người phụ nữ đến đâu, như nào”, v.v... là một vài trong số những nhận xét của Michiyo đã làm dấy lên một làn sóng khen, chê sôi nổi và đa chiều trên các diễn đàn, các blog, các mạng xã hội.
NCTG đã có một cuộc trao đổi rất thẳng thắn với Michiyo Phạm Ngà trong vấn đề này và sau đây là những chia sẻ của cô.
Michiyo Phạm Ngà tại show diễn “Thật như cuộc sống” tại River Place (TP.HCM)
- Ảnh: “Mốt và Cuộc sống”
- Trở lại bài trả lời phỏng vấn bị coi là gây sốc với những ý kiến phản hồi đa chiều, khen có, chê có, chị có theo dõi cuộc thảo luận đó, và nếu có, có ý kiến gì? Chị có bảo lưu những quan điểm bị nhiều người coi là chưa đúng mực với “trai Việt”?
Michiyo: Tôi có theo dõi và tôi thấy rất nực cười, đó là quan điểm riêng của cá nhân tôi, vậy mà cánh đàn ông, những kẻ nào có tật thì đã giật mình, đã nhảy dựng lên, chỉ trích tôi. Giống như phim hài vậy, càng chứng tỏ họ sai, tôi đúng.
- Không ít người cho rằng, đây chỉ là những ý kiến, cảm nhận cá nhân, không (nhất thiết) đặc trưng cho “trai Việt”, nhất là chưa hề được trải qua những khảo sát mang tính khoa học để có thể nói lời xác quyết một cách tổng quát. Chị nghĩ sao về điều đó?
* Một người thông minh và tinh tế, thì chỉ nhìn qua, lướt nhanh cái cuộc sống hiện tại bây giờ, cách đối nhân xử thế giữa con người và con người, giữa gia đình bạn bè, trai gái của xã hội Việt Nam mình là cũng đủ biết 80% nó thế nào, ra làm sao.
Còn những người kém đến mức không nhận định được thì tôi nghĩ không nên tranh cãi làm gì. Vì không phải họ không biết mà họ cố tình không chịu biết.
- Đối lập “trai Việt” và “trai Tây” (hoặc “trai ngoại”), trong khi chị có 13 năm đầu đời ở Việt Nam và 10 năm tiếp tới đa phần ở Nhật, có phải là một sự can đảm khi những khoảng thời gian ấy không chắc đã đủ để chị có thể đánh giá được toàn diện các mặt mạnh và yếu của đôi bên? Nhiều ý kiến cho rằng, “trai” nào cũng có thể có những mặt mạnh và yếu, ưu và nhược, không cứ Tây, ta, chị nghĩ sao?
* Mọi người chê tôi là trẻ con, ngông cuồng, nhìn nhận chưa xác đáng, mọi người có căn cứ và minh chứng chuẩn nào để chứng minh điều đó hay không?
Tại sao có người đến già vẫn nghèo, mà có người trẻ lại trở thành triệu phú? Tại sao có người mới sinh ra đã mệnh danh là thần đồng? Còn có người học đến cả đời vẫn không làm được việc gì cho đời?
Hơn nhau ở chỗ đấy, không phải cứ lấy cái tuổi đời của mình ra, rồi nghĩ lớn hơn tôi là có quyền nói tôi trẻ con, già hơn tôi là có quyền nói tôi ngông cuồng rồi cấm tôi không được phát biểu, cấm tôi không có quyền đưa ra ý kiến riêng của mình. Tôi có quyền tự do ngôn luận của tôi chứ.
Cuộc sống phải công bằng, không phân biệt già trẻ, ai giỏi hơn thì người ấy có quyền lực, địa vị và có tiếng nói trong xã hội.
Hình như các bạn ấy là người Việt nhưng không đọc được tiếng Việt, nên
lúc nào cũng nói tôi là vơ đũa cả nắm. Trong bài phỏng vấn nào tôi cũng
nói rất rõ ràng rành mạch là Tây, ta đều có tốt có xấu, chẳng qua tôi
thấy ở Việt Nam số lượng người tốt ít mà người xấu nhiều nhưng không
chịu hoàn thiện mình.
Các bạn không đọc hay cố tình không đọc? Các bạn không hiểu hay cố tình không hiểu?
“Điên” trong nghệ thuật - Ảnh: Trang Zen
- Chị đã có những đánh giá rất ưu ái
về “trai Nhật”, cho dù một số phụ nữ Việt Nam sinh sống nhiều năm tại xứ
sở hoa anh đào, có hiểu biết và am tường về Nhật cho biết, không hiếm
trường hợp họ gặp phải “trai Nhật” đối xử thiếu tình cảm, nhạt nhẽo,
trịch thượng, bị quản lý ngặt nghèo về tài chính, tiền bạc….
Hiện tại, khái niệm sexless fufu
(couple) hình thành và phổ biến trong xã hội Nhật, không chỉ với phụ nữ
Việt Nam mà cả các cặp Nhật - Nhật cũng thường vợ chồng ngủ riêng phòng,
rất ít gặp nhau, nhiếu cặp khi về hưu phải thấy nhau cả ngày đâm chán
ghét, không chịu được nhau, sinh ly dị, v.v... Như vậy “trai Nhật” cũng
có nhiều vấn nạn riêng của họ, phải không chị?
* Ở đâu cũng có người tốt người xấu, đa phần trai Nhật ai ai cũng chăm
chỉ cần mẫn làm việc tối ngày, đàn ông Nhật ai cũng có trách nhiệm với
bản thân và gia đình của họ.
Dù họ có một vài thành phần xấu đi nữa nhưng chỉ xấu so với xã hội văn minh tân tiến của họ thôi, còn xấu của họ so với Việt Nam mình thì còn tốt chán. Tốt nhất là mình nên nhìn nhận và tiếp thu để khỏi bị chê cười!
- Xét trên phương diện truyền thông, BBC có đăng tải ý kiến một chuyên gia báo chí cho rằng đây là một “thảm họa truyền thông”, khi những chia sẻ mang tính cá nhân được thổi phòng, được khai thác theo hướng lá cải, tổng quát hóa để gây sốc và câu khách. Chị nghĩ sao về quan niệm đó?
* Anh ta nói anh ta không thèm đọc mấy bài báo lá cải, không quan tâm lời nói của tôi như nào, vậy tại sao anh lại dám đưa ra những nhận xét? Anh không đọc thì sao có thể biết rõ nội dung tôi viết gì, nói gì, thì làm sao anh có thể phân tích để mà đưa ra nhận xét xác đáng?
Anh nói tôi hám danh lợi tên tuổi nên làm thế, lại là một câu kết luận vội vàng và vô căn cứ của anh, anh mới thật non nớt làm sao.
Danh lợi tên tuổi làm gì, khi tôi không sống ở Việt Nam? Tên tuổi làm gì khi công danh sự nghiệp tôi đang vững chắc ở nước ngoài? Tên tuổi làm gì khi tiền bạc mọi thứ tôi không thiếu thứ gì?
Tên tuổi làm gì khi nghiệp múa đã ngấm sâu vào máu, tôi chỉ cần được múa, đôi khi chỉ múa cho một người xem và múa say mê giữa đất trời không cần sân khấu lớn?!
Anh ta nói Pháp, Ý không lịch lãm chút nào, vậy theo anh Việt Nam là rất lịch lãm? Anh ta nhận mình là chuyên gia, làm báo, làm truyền thông vậy sao anh không hiểu biết rộng, không nghiên cứu báo chí thế giới xem Pháp, Ý có phải là những nước đứng đầu về nền văn hóa và độ lịch lãm hay không?
Thử hỏi trên thế giới xem đã có ai biết đến và công nhận đàn ông Việt Nam là lịch lãm?
Tôi nghĩ anh ta mới chính là “thảm họa truyền thông” khi đưa ra những lời nhận xét vô nghĩa, vô căn cứ, không chuẩn mực.
Khi “nghiệp múa đã ngấm sâu vào máu” -
Ảnh: “Mốt và Cuộc sống”
- Là một nghệ sĩ múa đã có những thành tựu đáng kể được thừa nhận ở nước ngoài, trở về quê hương biểu diễn ít lâu nay, nhưng chị lại được biết đến một cách rộng rãi ở Việt Nam trước tiên do những phát biểu mang tính “ngoài lề”, chị có tiếc về điều này?
Những nhận xét thẳng thắn của chị, theo chị, có góp phần để “trai Việt” thấy được điểm yếu của họ mà sửa chữa? Phải chăng, những khẳng định mà không ai phủ nhận là có những phần trăm sự thật ấy, sẽ hiệu quả hơn nếu chị chọn cách diễn đạt điềm đạm hơn, thể tất hơn - hay nói thẳng cũng là một phần của tính cách chị: “điên trong nghệ thuật”, như chị từng chia sẻ?
* Tôi không làm gì sai để phải hối tiếc cả, chỉ có những con người chưa kịp hiểu biết đã chửi rủa tôi thì sau này họ mới phải hối tiếc, đời có nhân quả!
Cuộc sống của tôi không phụ thuộc bất kỳ ai, không xin ai nên tôi không phải nể nang hay luồn cúi ai cả. Tiếc cái là ông trời mang cho tôi cái tính quá thẳng thắn nên tôi biết không khéo léo trong mọi chuyện, ứng xử của tôi quá cộc cằn không thùy mị nết na được như người khác.
Yêu thì yêu hết lòng hết dạ, ghét thì ghét đến xương tủy, đã quý ai thì xin gì tôi cũng cho hết, mà đã ghét ai thì 1 xu tôi cũng đòi. Tôi là vậy đấy, có gì là tuôn ra hết, chả giấu được gì, nói xong rồi thôi, mai quên ngay, không thích nhớ.
Trước những phát ngôn quá thẳng thắn và phũ phàng của tôi thì sự phản ứng mãnh liệt của trai Việt như vậy cũng hoàn toàn chính đáng. Nhưng tôi thiết nghĩ, tốt hơn biết bao nếu những phản ứng gay gắt của họ không phải dành cho tôi, mà hãy dành cho những cảnh trẻ em lạnh buốt giữa mùa Đông không manh áo, trước cảnh con cái đánh đập, đuổi cha mẹ khi tuổi già lang thang không chốn nương thân…
Hoặc giả, hãy biết căm giận trước những cảnh dân đã nghèo lại còn bị cưỡng chế đất đai do tổ tiên cha ông để lại, trước cảnh cướp giật ngoài đường, trước những tang thương chết chóc nằm trên đường, trước cảnh Hoàng Sa, Trường Sa bị lấn át, trước cảnh Trung Quốc đang ngày đêm bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn ngư dân của nước nhà, v.v…
Người có những phát ngôn quá thẳng thắn và phũ phàng đối với “trai Việt” -
Ảnh: Trang Zen
Không chỉ có sex, văn minh, lịch sự mới được coi là giá trị của người đàn ông, mà còn quan trọng ở lời nói, hành động, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ đối với xã hội! Họ nên dành thời gian hoàn thiện và làm giàu bản thân, làm giàu gia đình, giúp ích cho đất nước thay vì ngồi đấy lèm bèm “ném đá” tôi, đấy mới là đàn ông chân chính.
- Xin cám ơn nghệ sĩ Michiyo Phạm Ngà!