Chiều thứ Tư ngày 3-10-2012, mới hơn 6 giờ mà toàn bộ khuôn viên Viện Goethe Hà Nội đã chật ních người đến dự buổi triển lãm sắp đặt và điêu khắc “Venus in Vietnam” (Thần Vệ Nữ ở Việt Nam), giới thiệu một số tác phẩm chủ đề hình tượng và giới tính người phụ nữ của cố họa sĩ Vũ Dân Tân và họa sĩ trẻ Nguyễn Nghĩa Cương.
Triển lãm khai mạc vào hồi 6 giờ 30 phút. Khán phòng chật kín người, nhiều người - cả khách nước ngoài lẫn Việt Nam - không thể tìm cho mình một chỗ đứng trong phòng đã phải đứng hết bên ngoài cửa để nghe hóng vào.
Họa sĩ Vũ Dân Tân (1946-2009) là con trai của nhà viết kịch nổi tiếng Vũ Đình Long (1896-1960), chủ nhà in, NXB Tân Dân cùng nhiều tờ báo có tiếng vang đương thời, tác giả vở kịch “Chén thuốc độc” (1921), được xem như tác phẩm khai phá của nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam.
Nhận lời mời của chị Natalia Kraevskaia, người vợ Nga của họa sĩ Vũ Dân Tân, PV NCTG đã có mặt tại cuộc triển lãm. Thường được gọi bằng cái tên thân mật Natasha, chị Natalia Kraevskaia là chủ Salon Natasha, một gallary tư nhân, không gian nghệ thuật đầu tiên do nghệ sĩ tự điều hành tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, chị cũng là người đi tiên phong về nghệ thuật đương đại và thử nghiệm từ những năm của thập niên tám mươi thế kỷ trước. PV NCTG đã có một cuộc trao đổi nhanh với chị Natasha bên lề cuộc triển lãm về một số vấn đề liên quan đến các tác phẩm có mặt trong sự kiện này, vốn được đông đảo người yêu nghệ thuật quan tâm.
- Chào chị Natasha, rất vui được chị mời đến dự buổi triển lãm hôm nay! Xin chị vui lòng cho độc giả NCTG biết, xuất phát từ ý tưởng nào, nhân dịp gì mà chị tổ chức sự kiện này?
Cám ơn bạn đã đến dự. Trên thực tế, tôi không phải là người tổ chức buổi triển lãm này. Tôi đã có ý định tổ chức buổi triển lãm của Vũ Dân Tân để kỷ niệm 3 năm ngày mất của anh, và mong muốn trưng bày những tác phẩm làm từ vỏ các-tông của anh, những tác phẩm khá nổi tiếng ở nước ngoài nhưng chưa từng được trưng bày ở Việt Nam.
Khi
Iola Lenzi, nhà phê bình, giám tuyển nghệ thuật Đông Nam Á (Singapore) biết được dự định này của tôi, cô ấy đã nảy ra ý tưởng là tại sao không tổ chức triển lãm những tác phẩm của anh Vũ Dân Tân cùng với những tác phẩm của một họa sĩ trẻ khác để tạo ra một sự đối thoại.
Sau đó, tôi đã suy nghĩ và chọn những tác phẩm phù hợp cho việc trưng bày - chúng tôi đã đi đến quyết định là mời họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương tham gia triển lãm, bởi trong các tác phẩm của mình, anh sử dụng cùng chất liệu, và cùng theo một chủ đề là phụ nữ. Đó chính là quá trình hình thành ý tưởng thực hiện buổi triền lãm hôm nay.
- Như tôi được biết, từ xưa Vũ Dân Tân luôn làm mặt nạ, rồi ống bơ, và các thứ vật liệu bỏ đi khác và bây giờ là vỏ bao thuốc lá, hộp các-tông, vỏ phích nước. Vậy từ bao giờ ông có ý định làm các sản phẩm của mình bằng những vật dụng bỏ đi này?
Vũ Dân Tân bắt đầu làm mặt nạ từ những năm đầu thập kỷ 80, sau đó anh đã thực hiện rất nhiều các sản phẩm nghệ thuật khác. Anh bắt đầu tái sử dụng những vỏ bao thuốc lá vào những năm giữa thập kỷ 90, và vào năm 1996, lần đầu tiên những tác phẩm ấy đã được trưng bày trong một triển lãm quan trọng của Hội Nghệ thuật Châu Á, mang tên “Triển lãm thường kỳ 3 năm Châu Á - Thái Bình Dương”.
Ban đầu anh làm mặt nạ bằng vỏ bao thuốc lá, côn trùng, rùa, quỷ... Sau đó anh chuyển sang hình tượng thần Vệ Nữ. Đôi khi anh dừng lại, đôi khi anh lại quay lại với ý tưởng đó. Tại buổi triển lãm này, có các tác phẩm thần Vệ Nữ trong những vỏ chai thủy tinh hay những bộ đồ bằng các-tông được thực hiện bởi Vũ Dân Tân.
Những tác phẩm còn lại với vỏ phích nước hay những vỏ hộp lớn và nhiều màu sắc là công trình của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương.
- Từ những đồ bỏ đi đó, bằng cách nào mà Vũ Dân Tân có thể tạo lên một “Venus - Phụ nữ và sự gợi tình” ngày hôm nay? Từ bao giờ ông ấp ủ ý tưởng ấy và mất bao lâu để có những tác phẩm như thế này?
Vũ Dân Tân luôn có ý tưởng thổi một hồn sống mới vào những vật cũ kỹ hay những thứ đã qua sử dụng, những thứ bỏ đi, muốn biến những thứ mà mọi người muốn vứt đi trở nên đẹp đẽ hơn.
Anh ấy muốn xây dựng hình tượng vẻ đẹp của người phụ nữ trong các tác phẩm nghệ thuật của mình, tuy nhiên không theo cách thức thông thường. Anh yêu quan điểm mỹ học, vẻ đẹp và sự gợi tình. Đi theo câu nói nổi tiếng “
Cái đẹp cứu rỗi thế giới” của Dostoevsky, một nhà văn Nga mà anh yêu thích, anh thậm chí còn thực hiện một loạt các tác phẩm với cùng tiêu đề đó.
Thật khó có thể nói chính xác thời điểm và khoảng thời gian anh ấp ủ ý tưởng này. Các tác phẩm được thực hiện trong nhiều năm. Có khi anh làm việc với ý tưởng này trong 2-3 tuần, rồi dừng, và lại tiếp tục...
- Các tác phẩm của Vũ Dân Tân có tác dụng và ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội, chính trị, thời trang và vị trí của con người trong thế giới này?
Bạn hỏi câu hỏi khó quá! Nếu như bạn có quyển catalogue của triển lãm, bạn sẽ có câu trả lời thông qua bài viết của Iola Lenzi. Ngay cả khi các công trình của anh ấy ca tụng cái đẹp, chúng cũng có dụng ý nghệ thuật về sự tự do. Tôi xin giới thiệu vài câu trích dẫn trong bài viết của Iola Lenzi, bạn có thể tìm thấy nó trong cuốn catalogue.
“
... Những chiếc hộp được gắn kết thể hiện chính xác bản chất quan niệm của Vũ Dân Tân: những cách nhìn hơi khó hiểu, tung hứng một cách vật chất và ẩn dụ, chúng ám chỉ đến cách mà quan điểm thay đổi tương ứng với trạng thái ở bên trong hay bên ngoài một sự vật.
Từ những chiếc hộp các-tông, Vũ Dân Tân tự tạo cho mình một thế giới. Bằng những chiếc áo giáp, ông gắn kết tuyệt đối với thế giới của mình, phơi bày rủi ro, đưa chúng ta cùng trải nghiệm một cuộc sống với những sự giới hạn dịch chuyển, nơi mà cả mong muốn và tự do đều có thể song hành”.
- Chị muốn gửi gắm điều gì qua triển lãm này với cái tên “Venus in the Vietnam”?
Như đã nói ở trên, tôi không phải là người tổ chức buổi triển lãm ngày hôm nay, mà chỉ phụ giúp việc chọn các tác phẩm phù hợp với buổi triển lãm. Có lẽ lời đề tựa trong bài viết của Iola Lenzi sẽ là câu trả lời xác đáng cho câu hỏi của bạn.
“
Vũ Dân Tân và Nguyễn Nghĩa Cương là hai họa sĩ cách nhau một thế hệ. Tuy vậy, cả hai nghệ sĩ đa phương tiện đến từ Hà Nội này đều có chung một trọng tâm sáng tác, đó là hình tượng người phụ nữ và giới tính nữ, qua đó bộc lộ một hiện thực Việt Nam với sự và sự chuyển dịch nhanh chóng ở thời điểm bản lề giữa hai thế kỷ.
Vũ Dân Tân, một nhân vật đi đầu của nền nghệ thuật cấp tiến Việt Nam với những ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ tiếp nối, có một mối quan hệ phức tạp với phụ nữ. Người phụ nữ trong các tác phẩm sắp đặt và đồ họa của ông mang những nhân diện, những bản sắc khác nhau, qua đó người nghệ sĩ muốn thể hiện một góc nhìn về mọi khía cạnh của đời sống đương đại. Thần Vệ Nữ - tượng trưng cho sắc đẹp của người phụ nữ - hiện ra khi thì với sự trinh nguyên, trong trắng, lúc lại với dáng vẻ của một nữ chiến binh sẵn sàng bước vào trận chiến, đầy uy quyền và sức mạnh.
Trong khi đó, Nguyễn Nghĩa Cương lại sử dụng những hình ảnh lõa thể đầy khơi gợi của người phụ nữ để phê phán văn hóa hưởng thụ và những ảnh hưởng của nó đến xã hội Việt Nam . Bằng thủ pháp châm biếm, hài hước, làm chủ hình thức và phương tiện nghệ thuật một cách sáng tạo, đầy lôi cuốn và hấp dẫn, Vũ Dân Tân và Nguyễn Nghĩa Cương cho chúng ta thấy nghệ thuật thị giác có thể làm sáng tỏ lãnh địa văn hóa xã hội với những thay đổi liên tục ở Việt Nam ngày hôm nay”.
- Là một phụ nữ, chị nghĩ thế nào về người phụ nữ trong bối cảnh văn hóa - chính trị của xã hội đương đại?
Tôi nghĩ rằng vị trí của người phụ nữ càng ngày càng được đề cao hơn trong xã hội hiện đại. Theo quan điểm của Iola Lenzi, phụ nữ Đông Nam Á khá mạnh mẽ và có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, và tất nhiên trong chính trị nữa (không giống như những khu vực khác của Châu Á). Nếu như bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, bạn có thể đến buổi trao đổi diễn ra vào 18 giờ 30 tối mai tại Viện Goethe. Iola sẽ thuyết trình tại đó, và tôi cũng sẽ giúp đỡ cô ấy trong buổi trao đổi này.
- Rất cảm ơn chị đã dành ít phút quí báu cho độc giả NCTG, giờ xin trả chị lại với cuộc triển lãm này!
Chùm ảnh của Bích Ngọc về cuộc triển lãm: