Đọc “Lời bộc bạch của một thị dân”: HÀNH TRÌNH NHỌC NHẰN ĐI TÌM BẢN NGÃ

Chủ nhật - 04/11/2012 11:25

“Tác phẩm “Lời bộc bạch của một thị dân” kế thừa xứng đáng truyền thống của dòng văn học “tự bạch” nổi tiếng châu Âu những thế kỷ trước nó, trước hết vì sự chân thực, sâu sắc và văn phong tài hoa của một tác gia lớn”.


Nguyên bản tiếng Hungary của tác phẩm


Sau những tác phẩm nổi tiếng như “Di sản của Eszter”, “Những ngọn nến cháy tàn”, “Bốn mùa”, “Trời và Đất”, “Casanova ở Bolzano”, bạn đọc Việt Nam lại có dịp thưởng thức “Lời bộc bạch của một thị dân”, tác phẩm được văn giới Hungary coi là một tuyệt tác và cũng là tác phẩm quan trọng nhất của văn hào Márai Sándor.

Mặc dù ngay ở đầu sách Márai Sándor đã chú: “Bản in lần thứ ba “Lời bộc bạch của một thị dân” có sửa chữa này là văn bản cuối cùng. Các nhân vật trong cuốn hồi ký mang tính tiểu thuyết này là hình tượng hư cấu: họ chỉ có chỗ đứng và tính cách trên những trang sách này, trong thực tế họ không sống và chưa bao giờ từng sống”, nhưng thực chất đây là một cuốn tiểu thuyết tự sự, nói về chặng đường trưởng thành của nhà văn từ thời niên thiếu tới khi trưởng thành, về con đường đi tìm bản ngã đầy chông gai nhưng quả quyết để ông trở thành một nhà văn lớn sau này.
 
Phần đầu của sách đưa bạn đọc về thời thơ ấu của cậu bé - người kể chuyện -, những vùng phong cảnh thời niên thiếu được miêu tả kỹ lưỡng từ căn nhà thuê, những người hàng xóm xung quanh, lối sống sinh hoạt của các tầng lớp, các hạng người trong thành phố đến cái nhà băng mà bố cậu làm việc, từ hai gia đình Do Thái có lối sống khác nhau đến những người họ hàng của hai bên gia đình nội ngoại.

Là một cậu bé nhạy cảm, có khả năng quan sát đặc biệt, có tâm trạng lúc nào cũng “váng vất”, bất an, trong một lúc bùng phát cậu đã bỏ nhà ra đi. Sau đó cậu bị gia đình đưa vào trường nội trú ở thủ đô. Márai có nhiều trang viết rất thành công về các trạng thái tâm lý của tuổi nhỏ, tuổi mới lớn, cả những điều sâu kín, có khi được coi là cấm kỵ. Ông đã mô tả rất chân thực và chi tiết khung cảnh nhà trường nội trú hà khắc thời Quân chủ Áo-Hung, cả những mối quan hệ bí ẩn, tế nhị giữa trò với trò, giữa thầy và trò, giữa các tu sĩ và người trần tục.
 
Hãy xem đoạn kể về “sự kiện” cậu đã đánh mất trinh tiết chỉ vì ganh đua, sĩ diện, không chịu thua kém “sự từng trải” của bạn bè: “Một ngày trước lễ Giáng sinh tôi đến phố Virág, tuyết đang rơi và đã gần bốn giờ chiều, trời sắp tối. Tôi lên một phòng nào đó có mùi sáp mỡ, dầu hỏa và mùi xà phòng, được sưởi rất nóng; tôi không còn nhớ gì khác về vụ này, cũng chẳng biết mình ở chỗ người đàn bà ấy vài phút hay mấy giờ?... Hình như tôi đã nhắm mắt bước vào căn phòng ấy, trong trạng thái vô tri giác và run rẩy, như người bị đưa vào phòng mổ. Rồi hồi ức này lập tức trở nên tối và không màu, tôi không thể nhớ rõ những đường nét lờ mờ của nó.

Một lúc sau tôi thấy mình lại đi ngoài con phố trước ngày lễ Giáng sinh: sạch sẽ và có tuyết phủ; cảm thấy mình thiểu não đến ghê người, tôi về nhà, cả gia đình đang ở trong phòng khách, đèn đã bật sáng và cả nhà đang trang trí cây Noel. Tôi cảm thấy mình nhơ nhớp, và một lần nữa ghét cay ghét đắng “sự từng trải” của chúng nó. Tôi thấy như mình bị lừa. Chẳng lẽ đấy là “bí mật” của chúng nó? Thật hèn hạ, rẻ mạt, thật đáng thương! Vào tuổi mười bốn tôi đã đánh mất “trinh tiết” của mình, để sau đó, nhiều năm trời tôi sống trong sự tự kìm hãm, ngạo mạn và bất mãn.”
 
Márai Sándor tả rất sát thực và trần trụi về tính cách, lối sống của nhiều nhân vật có thực, của tầng lớp thị dân tư sản đang hình thành, không hề né tránh cả những sự lố bịch, kệch cỡm, những thói hư tật xấu, thói đạo đức giả của họ. Đôi khi ta phải mỉm cười vì những chi tiết thật thú vị, ví dụ khi ông viết về một người anh làm nghề thợ thịt: “Khi cưới vợ, Dezső đã là thợ thịt, anh chàng lẩn khỏi đám cưới, bỏ cả bữa trưa tiệc cưới, cứ mặc áo đuôi tôm và mũ cứng chỏm hình trụ ngồi vào xe ngựa kéo, lao lên lò mổ, cởi quần áo, hăng hái quật ngã và mổ thịt một con bò đực, rồi mặt đỏ gay vì phấn chấn chàng quay về đám cưới, ngồi xuống cạnh vị hôn thê của mình.”

Viết về một ông bác giàu có và uyên bác, cuối cùng Márai đưa ra nhận xét: “Đúng là trong nhà xã hội nửa mùa này tồn tại một niềm kiêu hãnh lạ lùng nào đó - không chỉ trong bản ngã, mà cả trong các bài viết của ông -, niềm kiêu hãnh của con người có tri thức không biết đặt mình vào bất kỳ một tập thể nào.”

Phần sau của tác phẩm bắt đầu từ lúc ông cùng người vợ mới cưới bắt đầu cuộc “phiêu lưu” dài ngày sang các nước Phương Tây, đó là những năm sau Đệ nhất Thế chiến. Ông qua Đức, theo học đại học, rồi bỏ học, bắt đầu viết báo, đi làm phóng sự, gặp gỡ đủ loại người, những nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Từ nước Đức, Márai đưa người đọc qua Paris, London và Ý. Ở đâu ông cũng thể hiện một óc quan sát sắc sảo và tinh tế, cũng đưa ra những nhận xét nhiều khi thú vị đến bất ngờ, những cảm nhận tuyệt vời về văn chương và tính cách con người.

Có thể nói đó là những năm tháng nhọc nhằn đi tìm cái tôi đích thực của mình, ông như kẻ khát nước hấp thụ vốn văn hóa mênh mông, thăm thẳm của châu Âu, để cuối cùng nhận ra sứ mạng không thể chối bỏ của mình là trở thành nhà văn: “Ý nghĩa tột cùng của nghiệp viết không là gì khác hơn là thái độ ứng xử, có thể nói bằng từ ngữ đao to búa lớn hơn: thái độ đạo đức. Tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ, và tôi phải thực hiện nhiệm vụ này một mình, không có sự trợ giúp từ bên ngoài…”.

Với một bút pháp sang trọng, tài hoa và dí dỏm, ông đã dựng lên cho chúng ta bức tranh sinh động và trung thực về châu Âu trong một giai đoạn nhiều biến động của lịch sử.

Sau mười năm viễn xứ, ở tuổi 28, Márai cảm thấy sự thôi thúc mãnh liệt phải trở về Tổ quốc, bắt đầu sự nghiệp văn học đồ sộ và lừng lẫy của mình. Cuốn sách kết thúc với cái chết rất xúc động của người cha. Chứng kiến cái chết của cha, ông cảm thấy đó cũng là sự kết thúc của một thời đại, của một giai tầng, tầng lớp thị dân mà ông gắn bó đã trở thành quá vãng.

Ông đã bộc bạch những lời gan ruột: “Và đến giây phút cuối cùng, cho đến khi còn được cầm bút viết lên con chữ, tôi muốn làm chứng rằng: đã có một thời và vài thế hệ mà ở đó trí tuệ đã ca khúc khải hoàn trước bản năng, và tin vào khả năng phản kháng của tinh thần… tôi đã thấy và đã nghe châu Âu, đã nghiệm sinh một nền văn hóa… liệu tôi có thể nhận được gì hơn từ cuộc đời.”

Tác phẩm “Lời bộc bạch của một thị dân” kế thừa xứng đáng truyền thống của dòng văn học “tự bạch” nổi tiếng châu Âu những thế kỷ trước nó, trước hết vì sự chân thực, sâu sắc và văn phong tài hoa của một tác gia lớn (**).

Ghi chú:

(*) Giáp Văn Chung dịch, Công ty Nhã Nam & NXB Văn Học ấn hành, Hà Nội 2012.

(**) Bài viết đã lược đăng trên “Tuổi trẻ Cuối tuần”. Bản trên NCTG là bản gốc đầy đủ của tác giả.

Văn Bảo


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn