“GIÃ TỪ VŨ KHÍ”

Thứ ba - 18/12/2012 09:14

(NCTG) “Biết đâu, kẻ giết người ẩn nấp đâu đó trong tôi, trong anh bất ngờ trỗi dậy?”.


Minh họa: Internet

Vụ xả súng mới đây ở trường học Sandy Hook nhắc tôi nhớ trong nhà mình có súng.

Tôi chưa nhìn thấy khẩu súng này, nhưng biết nó nằm đâu đó, một xó tối bí mật trong nhà mà chỉ chồng tôi biết. Tôi là người bảo anh mang khẩu súng về nhà khi anh định mang nó đến thẳng đồn cảnh sát. “Anh ạ, cứ từ từ, sẽ nộp”. Tôi muốn nhìn thấy nó, muốn sờ vào nó, thậm chí muốn sở hữu nó. Để làm gì, chưa biết. Rồi cũng quên béng đi cái việc xem khẩu súng, hỏi xem anh giấu nó ở đâu.

Vụ xả súng ám ảnh khiến giấc mơ tôi mấy đêm nay tràn ngập bạo lực và nước mắt. Tôi ghét loại phim hành động đấm đá giết chóc kinh hoàng. Tôi ghét nghe tiếng súng nổ, ghét những hoạt cảnh kiểu như trong khu rừng yên ắng, bỗng vang lên tiếng súng, và một con chim gẫy cánh rơi xuống, người đi săn hoặc người yêu của chàng vui mừng chạy đến nhặt xác nạn nhân... Thế mà tôi lại thích được sở hữu một khẩu súng! Có quái đản lắm không?

Vụ xả súng đưa 20 gương mặt thiên thần về với Chúa, nhắc rằng, tôi đang sống trong một thế giới bạo lực, luôn luôn là bạo lực, yêu thích bạo lực, cho dù chúng ta có nhai nhải ca ngợi vẻ đẹp của tính thiện tính nhân văn đang dần tuyệt chủng trong chúng ta! Sáng qua, trong lúc chờ khám răng, không đừng được, tôi nhặt tờ nhật báo “The Australian” lên xem - trang cuối tờ báo in hình ảnh còn hôi hổi tươi rói của 20 thiên thần chết trẻ. Một luồng máu lạnh ở đâu xộc buốt lên óc làm tôi xây xẩm mặt mày. Những nụ hoa này bị giết bởi súng, những khẩu súng hợp pháp của người đàn bà đam mê vũ khí giết người. Bà muốn dùng nó để bảo vệ mình nếu có bạo loạn, bà dạy con trai ruột dùng súng. Ác hại thay, chính bà bị giết chết bởi khẩu súng đó dưới bàn tay con mình. Còn tôi, chưa biết để làm gì, tại sao tôi cũng thích sở hữu súng?

Vụ xả súng buộc tôi phải nhìn lại ý thích nhiều phần hoang dã của mình. Từ khi biết có khẩu súng “sống” cùng mái nhà, hơn một lần, tôi vẽ lên bản hùng ca cho riêng mình. Trong bản hung ca sử thi ấy, tôi đã dùng khẩu súng ấy, giết chết tên độc tài nguy hiểm ấy. Người đời xếp tôi vào loài anh hùng liệt nữ. Tất nhiên, tôi sẽ hô to một câu gì đó, gọi tên một ai đó trước khi tự sát. Hay là tôi sẽ ngồi tù, rồi anh dũng ra pháp trường? Dù còn chưa biết phải hô câu gì, gọi tên ai... nhưng cứ muốn được sở hữu súng cái đã.

Có thể, lý do muốn có súng của tôi chẳng qua vì tôi quá ngưỡng mộ hành động của bố chồng tôi, người chủ thực sự của khẩu súng. Ông định kết liễu đời mình để không trở thành gánh nặng cho bất kỳ ai. Đó là một hành vi văn hóa, giống như từ chức, khi biết mình không còn có ích? Hành động của ông khiến tôi nghĩ đến quyền được sống và quyền được chết của con người. Có thể một lúc nào đó cần thiết, tôi cũng sẽ học tập ông chăng?

Từ bệnh viện, ông nằng nặc đòi về nhà chỉ để lấy khẩu súng ông cất giấu từ thời... làm cảnh sát. Khẩu súng được chế từ thời Thế chiến thứ nhất. Có đủ cả sáu viên đạn. Những viên đạn sẵn sàng ra khỏi nòng. Và nòng súng đã được ông lẩy bẩy nhét vào miệng, chỉ một giây nữa là bóp cò, thì bà xuất hiện. Bà hét lên khiến ông giật mình, run rẩy, luống cuống. Tiếng hét của bà làm anh con trai cả, đang ở đó giúp bà biến cái bậc tam cấp từ gara lên nhà thành đường đi cho xe lăn của ông, chạy bổ vào. Và chỉ có anh mới đủ sức mạnh gỡ khẩu súng ra khỏi miệng ông, tay ông trong lúc bà ôm mặt khóc.

Mà sao ông lại chọn ngày có con trai ở đó để tự sát? Chắc hẳn không phải để cứu ông thoát chết! Có lẽ, ông vẫn còn nghĩ đến bà, thương bà một mình sẽ xoay sở ra sao với cái hiện trường khủng khiếp do ông gây ra! Bà kể, thời còn trẻ, mỗi lần đi xử lý hậu quả các vụ việc tự sát, giết chóc về, thường ông không ăn được cơm. Anh con cả, chồng tôi, xứng đáng là người ông chọn được ở bên bà lúc đó để lo phần hậu sự chăng? Ông “tâm lý” chu đáo thật đấy!

Gọi điện cho tôi ngay sau đó anh vẫn còn run sợ và tức giận. “Bố không nghĩ đến mẹ, bố làm khổ mẹ, bố chết là xong phần bố còn mẹ thì sao?”. Khi anh đã bình tĩnh trở về nhà, tôi hỏi anh, “nếu anh cũng già yếu bất lực như bố, anh có muốn làm giống bố không?”. Anh ngần ngừ suy nghĩ, rồi trả lời “yes” một cách đầy bản năng lương thiện. “Thế đấy, anh có nghĩ gì đến em đâu nhỉ?”, tôi trêu anh. “Thôi đi anh, đừng quá tức giận với bố! Em hiểu được hành động của bố mà. Bố kiêu hãnh đến mức chỉ có mẹ được phép chăm sóc bố ốm thôi thì anh biết rồi đấy!”.

Chuyện xảy ra lâu rồi, giờ bố đã khá hơn một chút. Gần đây, bỗng nhiên anh lại hốt hoảng kể: “Em ạ, bố đòi lại khẩu súng. Anh bảo không được, anh cất nó ở một nơi rất an toàn rồi. Em biết bố làm gì không, bố chìa tiền ra bảo, cho bố mua lại khẩu súng ấy. Bố đúng là điên thật rồi!”. Tôi ngạc nhiên kêu lên: “Có anh điên ấy. Sao anh không nói, anh vứt nó đi rồi, là xong. Sao anh lại nói thật”. Câu trả lời của anh khiến tôi choáng: “Anh sợ bố lắm, anh chưa bao giờ nói dối bố em ạ”. Ôi trời ơi, Tôi bật cười, “mẹ bảo bố lẫn cẫn rồi, bố nói trước quên sau biết gì nữa đâu, mà nói dối trong trường hợp này có sao đâu”. Nhìn tôi nhăn nhở cười (cho anh bớt căng thẳng), anh nghiêm khắc nói: “Không đùa được đâu. Anh không muốn nói dối bố là không nói, thế thôi”.

Anh không dám nói dối bố, nhưng nói dối vợ thì sao? Có thể lắm, về lý do giữ khẩu súng ấy! Chắc hẳn chẳng phải vì tôi xui anh giữ nó đâu. Có thể, anh muốn tránh rắc rối cho bố, một cảnh sát đã giữ súng trái phép bao nhiêu năm trời?

Lúc này đây, chỉ mình tôi ở nhà, căn nhà không bao giờ cần khóa cửa. Chủ yếu do tôi lười. Cũng còn vì, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình được sống trong một môi trường an toàn hơn thế. Chồng tôi đi làm chưa về. Tôi những muốn đi tìm khẩu súng, vứt nó xuống dòng sông sau nhà. Hay vứt nó xuống biển. Hay là đào huyệt chôn nó đi? Lặng lẽ. Nhanh chóng. Trước khi tôi kịp đổi ý.

Biết đâu, chính anh là người cũng muốn giữ nó lại, để dùng khi cần thì sao?

Biết đâu, chính tôi sẽ có lúc điên rồ muốn có nó?

Biết đâu, kẻ giết người ẩn nấp đâu đó trong tôi, trong anh bất ngờ trỗi dậy?

Thôi, “Giã từ vũ khí” đi, cho nó lành!

Bùi Mai Hạnh, từ Úc


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn