HỒI ỨC CHIẾN TRANH VÀ “NHẬT KÝ TÌM THẤY TRÊN HỐ BOM”

Thứ ba - 01/01/2013 23:19

Mười hai ngày đêm, tháng 12-1972, cả dãy phố Khâm Thiên không còn lấy một nóc nhà nguyên vẹn.


Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày cuối năm 1972 - Ảnh tư liệu


Tuổi thơ tôi có “Nhật ký tìm thấy trên hố bom”
Có cậu bạn nhà bên - đến trường trên đôi nạng gỗ
Sau tiếng bom lại hướng về thành phố
Mơ một ngày bình yên. (*)

Tháng 1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lần thứ hai ra miền Bắc. Trước cửa nhà tôi có một hố bom to. Nước đen sì nổi lều phều giấy và rơm rác. Mẹ tôi bảo bốn chị em cái Liễu cùng tuổi tôi đã chết khi bom rơi trúng dãy hầm trú ẩn. Bố mẹ nó cũng đi biệt tích luôn từ ngày đó, không một ai gặp lại. Thằng Toàn hàng xóm tôi bị gãy một chân. Mẹ nó chết khi nằm đè lên che cho anh em nó. Bố nó sau này gà trống nuôi con - 6 thằng con trai, thằng út lúc ấy vẫn còn ẵm ngửa. Mười hai ngày đêm, tháng 12-1972, cả dãy phố Khâm Thiên không còn lấy một nóc nhà nguyên vẹn.

Những năm tháng sinh viên học ở Hà Nội, kể cả sau này khi đã làm cho Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, mối lần đi qua Khâm Thiên, tôi đều tìm đến tượng đài người mẹ bế đứa con trên tay đã chết. Chỉ sợ lỡ đất chật, người đông, người ta sẽ mang mẹ con chị ấy đi nơi khác. Nhiều khi đi nhanh còn không kịp nhìn ra, vì các dãy khách sạn, nhà hàng mới mọc lên che khuất. Tháng 7-2009, khi đưa con gái về chơi, khu tưởng niệm hình như đã được rời ra mặt phố (hoặc đường đã mở rộng đến tận sát vào trong). Hai mẹ con tôi phải chờ rất lâu, mà không thể đợi được người gác cổng quay về mở khóa. Không biết người ta còn gọi là “Bia căm thù” nữa không?

Năm 2008, tôi cùng bạn bè đi nghỉ ở bờ biển North Carolina. Buổi tối mấy gia đình cùng ngồi xem lại phim “Em bé Hà Nội” có diễn viên Lan Hương thủ vai chính. Người nào cũng khóc. Hôm qua lang thang trên mạng, gặp một bài nhắc đến “Hà - Lan - Hưng”, ba người con của bác Miêu bị bom vùi chết ở Cầu Chui, bỗng nhớ quắt quay cuốn sách nhỏ đã mua mấy chục năm về trước.

Hà - Lan - Hưng ơi
Thế là tan bao mộng bố mộng con
Hà nhà thơ
Lan nghệ sĩ
Chú phi công Hưng bay vút trời xanh
(“Nhật ký tìm thấy trên hố bom” - Đặng (?) Văn Miêu)

Lúc ấy bác Miêu chắc trẻ hơn tôi bây giờ. Dứt tiếng bom, lao về nhà tìm con, chỉ còn thấy cuốn vở học sinh - tập nhật ký của cô con gái lớn cháy dở dang bên hố bom sâu hoắm. Tôi hình dung ra, nếu không có chiến tranh, buổi tối sau bữa cơm, cô chị cả tên Hà sẽ ngồi cắn chiếc quản bút trước tờ giấy trắng. Cô thích viết nhật ký. Lớn lên cô sẽ trở thành nhà thơ. Cô bé tên Lan sẽ điệu đà vừa hát vừa múa: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”. Còn cậu út Hưng hò hét váng nhà, tung chiếc máy bay bằng giấy lên cao: “Lớn lên, con sẽ làm phi công lái máy bay chiến đấu”.

Sau một trận bom, ba đứa con chỉ còn lại ba chiếc quan tài nằm cạnh nhau tang tóc. Người cha đã tập hợp những trang viết cháy nham nhở của con gái mình đưa vào cuốn sách “Nhật ký tìm thấy trên hố bom”. “Hà - Lan - Hưng ơi! Thế là tan bao mộng bố mộng con...”. Nếu tôi nhớ không nhầm, chính nhà thơ Tố Hữu đã viết lời tựa cho cuốn sách. Mười ba tuổi, lần đầu tiên đọc thơ bác viết cho các con, tôi đã quay mặt vào tường nằm khóc. Mấy đứa bạn xem trộm sách trong giờ lên lớp, mắt mũi cũng đỏ hoe.

Mỗi lần đi chơi thăm Thủ đô qua cầu Chui lại nhớ “Hà - Lan - Hưng”, những người bạn tôi chưa hề biết mặt. Mấy chục năm sau, có người nhắc tới bác Miêu, tôi mới khóc được bằng nỗi đau của những người làm cha mẹ. Không biết bác Miêu có còn sống để biết rằng ba ngôi mộ của Hà - Lan - Hưng không còn ở cầu Chui? Người ta đã di dời đi để mở rộng đường vào thành phố. Không biết có ai, cùng thời với tôi còn giữ được cuốn sách này không?

Tôi có anh bạn đồng nghiệp người Mỹ “xịn”. Nghĩa là mấy đời ông bà, cha mẹ, sinh ra và lớn lên ở Mỹ. “Mỹ” đủ để nói “our Goverment” (chính quyền của chúng tôi) mà không cảm thấy chạnh lòng khi nhớ về cố quốc như những người mới nhập cư. Nghe tôi kể về những năm tháng chiến tranh, những nghĩa trang Trường Sơn, những Khâm Thiên Hà Nội, bạn tôi hỏi: “Mày còn căm thù người Mỹ chúng tao không?”. Căm thù ư? Hình như là không? “Chúng tao đang khép lại quá khứ - hướng tới tương lai”. Anh bạn bảo: “Người Việt Nam chúng mày độ lượng”.

Ừ, sự độ lượng của những người hình như “yếm thế”?

Ghi chú:

(*) Trích bài thơ “Tuổi thơ tôi” của tác giả.

Thanh Chung, từ Hoa Kỳ


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn