PHIM “ĐỪNG ĐỐT” VÀ HỢP TÁC ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM - HUNGARY

Thứ ba - 08/01/2013 23:13

(NCTG) “Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, khán giả Âu - Mỹ khó hiểu, cảm hết ngôn ngữ phim Châu Á. Vì thế, ông đã tìm cách dùng âm nhạc như chiếc cầu nối giữa các nền văn hóa” - ký giả Nagy Áron viết trên tờ “Dân tộc Hungary” (Magyar Nemzet) trong dịp bộ phim “Đừng đốt” được chiếu tại Hungary.


Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận giải Audience Award tại LHP Quốc tế Fukuoka năm 2009 cho phim “Đừng đốt” - bên phải là nữ diễn viên Minh Hương, người đóng vai Đặng Thùy Trâm


LTS:
Trong cuốn kỷ yếu song ngữ “60 năm quan hệ Việt Nam - Hungary” được xuất bản nhân kỷ niệm 6 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao giữ hai nước, bài viết về mối quan hệ văn hóa Hungary - Việt Nam của ĐSQ Hungary tại Hà Nội nhấn mạnh: “Một hiện tượng mới, đáng mừng là đã hình thành sự hợp tác trong lĩnh vực sản xuất phim. Năm 2009, bộ phim truyện “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh được ra mắt tại Hà Nội, đạt thành công lớn trong công chúng và đoạt Bông Sen Vàng, giải thưởng lớn nhất của điện ảnh Việt Nam. Nhạc phim do anh em nhạc sĩ Benedekfi (người Hungary) sáng tác và công đoạn hậu kỳ về âm thanh được thực hiện tại Budapest”.

“Đừng đốt”, bộ phim thứ 8 của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã trở nên rất quen thuộc với nhiều khán giả, thông qua “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và câu chuyện ly kỳ, cảm động về số phận cuốn nhật ký trong khói lửa binh đao. Tuy nhiên, tại sao một bộ phim Việt Nam lại được thực hiện với sự cộng tác của các nghệ sĩ Hungary, và sự hợp tác đó đã diễn ra như thế nào, thì không phải ai cũng biết. Trích đoạn sau đây được trích từ cuốn hồi ký điện ảnh “Phim là đời” (NXB Dân Trí, năm 2011) của đạo diễn Đặng Nhật Minh, sẽ trả lời cho những câu hỏi đó.

Tựa đề bài viết do NCTG tạm đặt. Xin chân thành cám ơn đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cung cấp tư liệu cho NCTG!


Đạo diễn Đặng Nhật Minh trong buổi chiếu phim “Đừng đốt” và giao lưu với cộng đồng Việt Nam tại Budapest (tháng 4-2010)- Ảnh: Trần Lê


Đã từ lâu tôi mong có dịp được cộng tác với một nhạc sĩ người nước ngoài, phần âm nhạc do một dàn nhạc nước ngoài thể hiện. Lần này tôi quyết tâm thực hiện mong muốn đó. Tôi biên thư trao đổi với con gái tôi là Đặng Phương Lan đang làm bác sĩ ỏ Budapest (Hungary). Lan hoan nghênh ý định của tôi và hứa sẽ tìm một nhạc sĩ Hung để giới thiệu với tôi.

Thông qua các bệnh nhân quen biết của mình Lan đã nhanh chóng tìm được một nhạc sĩ trẻ có tên là Benedekfi István. Tôi gửi đĩa ghi hình ảnh đã sơ dựng của phim sang cho anh nhạc sĩ xem. Xem xong anh cho biết rất xúc động và sốt sắng nhận lời làm nhạc cho phim.

Tôi trao đổi với anh Tất Bình. Anh hoàn toàn ủng hộ việc mời nhạc sĩ nước ngoài, nhưng anh cũng cho biết kinh phí dự trù cho toàn bộ phần âm nhạc của phim này chỉ có hơn 100 triệu (tương đương 6.000 USD). Tôi muốn mời ai, thu nhạc ở đâu cũng được… miễn là trong phạm vi 6.000 USD.

Tôi biết rằng khoản tiền đó chỉ bằng khoản tiền chi cho phần âm nhạc trong một phim ngân sách trung bình ỏ Việt Nam. Mang tiếng phim do Nhà nước đặt hàng, kinh phí 11 tỷ, nhưng thực ra mọi khoản cần chi người ta khống chế rất ngặt nghèo.

May thay con gái tôi cùng chồng là Đinh Xuân Thọ quyết tâm giúp tôi thực hiện phần âm nhạc của phim này ỏ Hungary. Chúng bỏ tiền riêng mua vé cho tôi sang Hung và sẵn sàng bù thêm tiền cho tôi để thực hiện những cộng việc cần thiết vì chất lượng âm nhạc tốt nhất có thể.

Tôi cùng con gái làm việc với hai nhạc sĩ Hung tỉ mỉ từng đoạn nhạc trong phim, cung cấp cho hai anh những đĩa nhạc Việt Nam để các anh có khái niệm khi sáng tác. Viết được đến đâu các anh trình diễn trên đàn piano tại nhà con gái tôi để tôi và con gái góp ý kiến (cháu được mẹ dậy piano từ nhỏ nên cảm thụ về âm nhạc rất khá).


Nhạc sĩ, nghệ sĩ dương cầm Benedekfi István


Có những đoạn nhạc các anh phải viết đi viết lại đến hàng chục lần. Khi đã viết tương đối hoàn chỉnh các anh còn cho thu thử rồi phát nhạc theo hình ảnh xem có thích hợp không, có hiệu quả không, chỉnh lý lại những chỗ chưa ưng ý, thêm bớt các nhạc cụ, rồi sau đó mới chính thức thu.

Phần thể hiện tổng phổ được thực hiện bởi dàn nhạc của Trường Đại học Âm nhạc nơi Benedekfi István làm giáo sư piano. Anh đàn piano và em anh Benedekfi Zoltán đàn violon (trước khi là nhạc sĩ sáng tác hai anh em đều là những nhạc công biểu diễn chuyên nghiệp).

Con rể tôi là Đinh Xuân Thọ đã mời được một chuyên viên thu thanh giỏi của Hung. Công đoạn hòa âm thực hiện ngay tại Gold Studio của chính anh. Người to béo nên anh ăn rất ít. Anh ngồi vào bàn hòa âm 10 tiếng đồng hồ liền, không cần ăn, chỉ thỉnh thoảng nghỉ uống ngụm nước.

Nhạc sĩ Benedekfi István và em là Benedekfi Zoltán đã làm việc hết mình vì bộ phim mà các anh thực sự yêu mến. Có lẽ tình yêu đó là lý do tại sao phần âm nhạc của phim đã đem đến cho người xem những cảm xúc mạnh mẽ. Nhiều người xem kể cả trong nước lẫn bên ngoài đều ngạc nhiên tai sao hai nhạc sĩ người Hung lại cảm thông và đồng điệu với tâm hồn các nhân vât trong phim đến như vậy.

Cộng với chất lượng cao của phần thu nhạc nhờ trình độ của người thu thanh và những phương tiện kỹ thuật hiện đại, âm nhạc của phim đã góp phần rất lớn vào hiệu quả chung của bộ phim. Có thể nói đây là lần đầu tiên có sự hợp tác giữa Hungary và Việt nam trong lĩnh vực điện ảnh kể từ thời còn phe XHCN.


Cùng Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng (bên phải, ngoài cùng) và con gái, BS. Đặng Phương Lan trong buổi chiếu phim tại rạp Uránia (Budapest), tháng 4-2010 - Ảnh: Farkas Tibor

(…) Để kỷ niệm ngày 30-4-2010, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Quốc Dũng đã quyết định chiếu phim “Đừng đốt” tại một rap chiếu bóng lớn ở trung tâm thủ đô Budapest thay vì mở tiệc chiêu đãi như mọi năm. Khách mời gồm toàn thể ngoại giao đoàn ở Budapest, các quan chức của Bộ Ngoại giao Hung, những người Hung có quan hệ với Việt Nam từ trước đến nay.

Đặc biệt có sự hiện diện của hai anh em nhạc sĩ Hung viết nhạc cho phim này cùng cha mẹ của họ. Con gái Đặng Phương Lan của tôi mặc áo dài đứng dịch cho tôi trên sân khấu. Quả là một kỷ niệm hiếm có đối với hai bố con chúng tôi.

Sau buổi chiếu phim là một tiệc cocktail được tổ chức ngay tại tầng hai của rạp chiếu bóng. Tôi không ngờ ở Hung có rất nhiều người có quan hệ với Việt Nam đến thế. Họ là những chuyên gia từng sang Việt Nam công tác, rất nhiều người từng làm việc trong Ủy hội Quốc tế giám sát đình chiến tại Việt Nam sau khi Hiệp định Paris được ký ngày 27-1-1973.

Nhiều khách ngoại giao ở Budapest nâng cốc chúc mừng và cám ơn ông Đại sứ về bộ phim mà họ vừa được xem. Ông Dũng ghé tai tôi nói khẽ: “Chỉ 2 tiếng đồng hồ của phim của anh đã làm cho uy tín của tôi được nâng lên rất nhiều trong con mắt của giới ngoại giao. Đúng là không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của văn hóa”.

Lâu lắm rồi, hoặc có thể là chưa bao giờ người Hung có dịp xem một bộ phim của Việt Nam. Do đó buổi chiếu đã để lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp. Một tờ báo Hung sau đó đã viết bài khen ngợi, cho rằng trình độ của phim Việt Nam không thua kém gì phim của các nước Châu Âu.

Ghi chú: Sau khi NCTG đăng đoạn hồi tưởng trên, nhạc sĩ, nghệ sĩ dương cầm Benedekfi István đã gửi cho báo bản phổ mà anh coi là “phức hợp” nhất của những đoạn nhạc đã được sử dụng trong phim. Xin giới thiệu tới quý độc giả!

Tác phẩm “Khói lửa” - Benedekfi István - Benedekfi Zoltán
Dàn nhạc Giao hưởng Kodály
Chỉ huy: Somogyi-Tóth Dániel

Đạo diễn Đặng Nhật Minh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn