Thương thế... ngày xưa...: MIẾNG NGON MIẾNG NGỌT

Thứ năm - 07/02/2013 23:48

(NCTG) “Những ngày những người trước chúng ta đã sống thật là đáng thương, cũng thật là đáng kiêu hãnh” - nhà văn Lê Minh Hà hồi nhớ về một thời.


Khoanh giò, miếng thịt lợn trong chợ Tết thời bao cấp - Ảnh tư liệu


Bà nội của bọn trẻ, vốn là người nhà nước làng nhàng nhưng lại tống được đủ bốn đứa con sinh ra phải thời loạn lạc lớn lên gặp buổi gian nan vào đại học hay cười cười mà rằng “khéo cũng chẳng bằng béo với ngọt”. Không sống qua cái thời bao cấp, khi mà trong chạn có âu mỡ và cái lọ mì chính là cả một niềm vui vô bờ với các bậc làm cha mẹ, mà nếu không có, lại thêm thùng gạo thùng mì rỗng từ từ thì chắc chắn lâm vào hoảng loạn, khó mà hiểu được câu nói của bà. Công nhận, những ngày những người trước chúng ta đã sống thật là đáng thương, cũng thật là đáng kiêu hãnh.

Tết thì càng cần béo với ngọt. Ngọt đây là ngọt đường ngọt mật, là thứ xa xỉ ở thời ấy. Nhà quê trồng mía ép mật làm đường, thế mà trẻ con cũng cứ đợi đấy, chờ tới phiên chợ tết, thích thì theo bà theo mẹ ra phía hàng đường, sẽ được nhón cái đóm mà xỉa vào thùng mật, mút mát say mê. Vài ba hôm nữa thôi sẽ có bánh mật bánh gai gói lá chuối khô, chè kho thơm lừng đò ho thảo quả. Ra giêng, đĩa chè kho lên mốc ngoài, lấy con dao bài gọt nhẹ đi, bên trong vẫn nguyên lành, còn ngon nữa. Tôi thì thích hơn vị chè bà cốt nấu bằng đĩa xôi để trên bàn thờ, mặt ngoài cứng quèo, hạ xuống thổi phù phù để tàn hương bay đi, cho đẫy gừng đập dập giã nhỏ vào, và, nhất thiết phải được nấu bằng đường phên, màu nâu nâu đỏ đỏ.

Này, món nghèo quê nghèo, thế mà chiến tranh đánh phá vừa ngừng, ra tới Hà Nội là phải thèm nhạt mới buồn. Thời bao cấp, nhà quê tự cấp tự túc, tết nhất đĩa xôi cái bánh chạy quanh làng xóm, tiếng vậy mà ê hề gấp mấy nhà người Hà Nội. Ở Hà Nội, lấy quái đâu ra để mà cứ khách tới là thượng ra trước mặt từng khách một góc đĩa chè kho cho ngày xuân thêm ngọt ngào. Bánh mật bánh gai, cũng phải là nhà chân trong chân ngoài nửa quê nửa tỉnh mới có mà ăn chứ.

Bìa tết cho mỗi gia đình, chẳng nhớ tính kiểu gì, nhưng thể nào cũng có gói mứt, tạp từ cái vỏ hộp tạp đi. Ấy thế mà trẻ con cứ nhìn cái hộp mứt in đỏ đỏ xanh xanh loè loẹt nhoè nhoẹt là chân tự dưng thành chân sáo. Vài ba miếng mứt bí ngọt khé họng, tí mứt gừng cay cay, đôi mảnh mứt dừa béo béo, và lổn nhổn mứt lạc như hòn bi ron ron bọc lớp đường trắng. Này, các bạn ta khi đó còn đang tuổi bé, ngày tết có phải chúng mình khoái nhất cái món bọc đường này không?

Khoái, vì nhẽ chỉ được nhón dăm ba hạt thế thôi, phải chờ khách tới chơi, bê ra bê vào mời mọc, gặp phải năm nào tết bị nồm, tất cả chảy nước ra thì mới…

Chờ đến khi thành con gái mười ba mười bốn, đêm đêm ngực đau mưng mưng, ngày ngày đi học xấu hổ bê cái cặp lên ngang vú che che, rồi giấu giếm mặc cái yếm tân thời đầu tiên, chỉ sợ đứa nào nó chỉ chỉ sau lưng chê bai chế nhạo. Khi đó, bạn bè nhiều lên, bọn con giai ở lớp ngày thường cực kỳ khó chịu, thế mà tết thì rồng rắn chở nhau tới nhà bọn chúng mình, lên giọng chúc tết từ người lớn tới người bé hơn mình, như thật.

Đấy là lúc chúng mình bắt đầu biết đổ cát vào rang hạt bí và lo món ngọt cho mấy ngày xuân.

Để có được mấy món đó, cả nhà, theo lệnh mấy cô con gái, phải nhịn miệng để dành đường. Đâu như mỗi người được ba lạng đường mỗi tháng, mua theo bìa, đựng bằng giấy bao xi măng, đúng không?

Con gái Hà Nội thời bao cấp tiếng vậy mà khéo phết. Quanh năm có được kiến tập thực tập gì cái vụ nữ công gia chánh thật sự đâu, thế mà gần tết, cô nào cũng làm được chí ít là mứt khế mứt khoai. Mứt khế dễ ăn dễ làm. Nhưng cũng như là nấu cơm, luộc rau, pha nước mắm ấy, càng đơn giản thì càng phải để tâm cầu kỳ, cơm phải chạm hơi, rau thì tùy loại phải tái phải nhừ, nhưng mà kiểu gì thì cũng đừng có vàng ệch ra khi vớt… Sau này, có lần ngồi với mấy ông thợ mộc, nghe giảng giải làm cái tủ cánh phẳng khó hơn tủ cánh cong, mới ngộ ra cánh đàn ông bận bịu với cái bào cái tràng cái đục hóa ra cũng khó cũng khổ như là mình hàng ngày lo cơm nước.

Chết chết, đang nói chuyện ăn lại tự kéo nhằng mình vào chuyện làm. Thì cái sự làm mứt khế. Khế khô ra chợ là có, ngâm kỹ để miếng khế khô quắt như mộc nhĩ nở đều, mềm đến độ, và quan trọng nhất là ra hết bụi bặm dính vào khi người ta xắt phơi. Sên mứt thì khỏi phải nói là kỳ công thế nào. Chỉ biết, ở nhà đứa bạn nào ngày tết cũng được mời món mứt giản dị, nghèo hiền này, mình vẫn thường tự hỏi bọn con giai ăn vào có biết mứt đứa nào làm ngon hơn của đứa nào không? Ngọt. Chua. Mềm. Dai. Đã đành. Còn phải là đến độ. Mà tay mỗi đứa thì mỗi khác, lẽ nào những nôn nao khi ngồi canh chảo mứt cũng như nhau? Nhưng mà thôi, nói chuyện ăn là ngóng sự xem. Xem mấy thằng con giai bạn cùng lớp với mình, hay ngắm nghía mấy ông anh bạn cùng lớp bà chị mình rón rén đưa lên môi miếng mứt, nói thật là phải ăn đúng lúc đó mình thấy mứt bọn mình làm mới ngon.


Mua bán tấp nập - Ảnh tư liệu

Nhà khá nhiều đường, lắm con gái, còn bày ra làm mứt khoai, mứt gừng, mứt quất, mứt cà chua. Vẫn nhớ năm nào đến nhà chị bạn ở Hàn Thuyên, ra sức ăn mứt chị làm, còn chọc “là chúng mình ăn hộ chị tí”, chỉ vì món mứt cà chua của bà chị bị nhão. Bà chị gương mặt như tây, miệng rộng như cô Ngọc Khánh mãi sau này mới được lên ngôi hoa hậu, hát hay và học giỏi. Phải nhấn mạnh sự học của chị bởi lẽ thường không ai có thể đòi hỏi chị điều ấy, vì chị bị liệt. Nhà khá thật, nhưng lúc đó đã mấy ai trong cảnh ấy có nổi cái xe lăn, chị di chuyển chỉ bằng cái xe ba bánh trẻ con, hết dạy học (tiếng Pháp tiếng Anh) nhà trên, lại xuống nhà dưới săm soi mẻ mứt. Mấy chục năm qua, vẫn cứ nhớ gương mặt trắng xanh xinh đẹp ngẩng lên, trên số phận, những ngày ấy rập rình xuân.

Mứt dân tộc đấy, nhưng cũng thường thôi. Có người ở đâu không ham của lạ? Lạ, thì tết nhất phải có cái thứ bánh làm từ lương thực của dân Tây, là bột mì. Giản đơn nhất là bánh quy.

Vẫn nhớ hồi đó nhà máy bánh kẹo Hải Hà có sản xuất bánh quy hương thảo. Ngày tết, bà hàng xóm nhà mình là công nhân nhà máy được ưu tiên mua bánh gẫy, phởn ra tận bể nước công cộng. Ăn uống thiếu chất thì bánh quy hương thảo cũng có thể coi là bố tướng. Bố của bố tướng phải là bánh quy bơ, xốp hơn, thơm cái mùi trời xa hơn, dù là thuở ấy khối người Hà Nội ăn tem phiếu ngắc cổ không tài nào xơi được bơ viện trợ bán thay mỡ. Bơ hết đông lại chảy vì chỉ có cách để chạn, mấy gia đình có tủ lạnh đâu. Chiều muộn, nhà nhà nấu nướng, mùi bếp dầu hòa quyện với mùi bơ quá hạn đem xào đem rán, khó tả vì khó ngửi.

Nhưng mùi bánh quy bơ bán trong Giao tế, hay ở đôi ba cửa hàng ăn uống như Bodega thì phải nói là trên cả tuyệt vời. Thú thực, cái mùi đó, cũng y như mùi thịt hộp thỉnh thoảng được mấy chú bộ đội đã được lính gọi là thủ trưởng cho, ám tôi đến độ hồi mới qua tây tôi đã nhất quyết tìm ăn lại, và thất vọng tràn trề vì không sao thấy lại cảm giác ngày xưa.

Ngày xưa, bánh quy bơ là ước mơ trẻ con của tôi ngày tết. Đến lúc nhớn nhao, biết đua đòi bè bạn làm mứt nọ mứt kia, bánh quy bơ vẫn là mơ ước. Nhưng để đãi tất cả khách khứa, mà ngày đó đã là khách thì phải tới chơi nhà chứ không có chuyện hẹn nhau ngoài quán như bây giờ, đông thế, lấy đâu ra mà mời nhau. Cái câu đùa “thóc đâu mà đãi gà rừng” học được của mấy anh chàng dặt dẹo trường Kiến trúc giờ nhắc lại vẫn nguyên mùi chua vị chát.

Còn nhớ, Hà Nội một năm tự dưng xuất hiện vô số những biển hàng “Quy gai xốp“, đôi khi chỉ là một cái bảng gỗ con con viết nguệch ngoạc cũng mấy chữ ấy cùng mũi tên chỉ vào một ngõ nhỏ. Đấy là những lò bánh tư nhân, cứu tinh của bọn con gái nhà nghèo vẫn ưa màu mè kiểu thị dân chúng tôi.

Mẻ bánh đầu tiên chúng tôi thuê làm là ở một lò bánh trên Sinh Từ. Nghe nói anh chủ lò tên Long, bặm trợn và kiêu kỳ y như cô bán thịt cửa hàng thực phẩm vì lò nhà anh đắt khách. Hôm trước đang viết dở bài này, đọc được cái status của nhà báo Thu Hà, trên FB có cái nick tôi toàn dịch thành Cấm Cảu Bà Bà dù chưa bao giờ có cơ may gặp mặt, cũng về chuyện đi làm bánh quy ngày tết, đọc xong thở dài các em còn sướng lắm dù chị chỉ chào cái cuộc đời này trước có mấy năm.

Là bởi vì chúng tôi đi làm bánh phải tha bột, tha trứng, tha đường theo đã đành, nói bây giờ khéo không ai tin, còn phải tha theo phiếu thịt tháng giêng, vì nhà không sẵn mỡ. Nội cái vụ làm bánh quy bằng mỡ nghe ra đã rất nỗi niềm gì gì và này nọ rồi phải không? Mới đây, giữa Berlin, tôi có duyên được nghe chuyện một cô dân Hà Nội quy mô thân thể hoành tráng hơn tôi bây giờ rất nhiều. Cô vui vẻ mà rằng từ cái ngày các chị gầy xơ em đã được béo rồi, vì nhà em làm quy gai xốp, ngày nào em cũng húp cả bát mỡ. Nghe, vui sướng tố bây giờ tôi hiểu tại sao bánh quy gai mình thuê làm ngày đó không xốp rồi chị em ngồi cười với nhau, vì những nỗi niềm khác nhau.

Mất đến nửa ngày chầu ở lò mới nhận về thành phẩm, là một rổ bánh, hơi thất vọng một chút, vì không được phổng phao mềm mại như cái cũng hình quy gai xốp nhưng là bánh bơ, và cũng không có cái màu vàng dịu dàng của bánh bơ, quy gai xốp của chúng tôi đậm màu suy nghĩ, nghĩa là hơi bị cháy, bị gãy cũng nhiều. Dù thế, mừng lắm rồi. Chị em đèo nhau về, trôi qua những vàng hồng tím trắng của bao nhiêu gánh hàng hoa trên phố ngày năm cùng tháng tận, lòng bừng bừng một nỗi niềm rất ít khi có được kể từ ngày mẹ mất. Mưa như sương phảng phất. Thành phố trong mưa những năm vừa đi qua chiến tranh ngày cuối năm rộn ràng niềm vui của những người bình thường đang cố làm cho cuộc sống rất bất bình thường của mình trở thành như bình thường.

Tôi không nhớ tới năm nào thì chị em tôi thôi đi làm quy gai xốp cho ba ngày tết. Rồi cả mứt tết tôi cũng thôi làm. Áo cơm dần không thắt buộc ông anh ruột, nhưng lại trói người ta vào muôn vàn những khấp khởi mong đợi khác. Song niềm sung sướng của ngày tháng đó cứ thỉnh thoảng lại đâm đánh nhói trong ký ức, mà tôi có cảm giác như ý thức được bằng thịt da mình.

Và, cũng dần dần thức dậy, một cảm giác mà khi ấy tôi đã lập tức xua đuổi vào một xó xỉnh trong lòng, nhất quyết không cho ngọ nguậy. Đấy là nỗi bàng hoàng, khi rời lò bánh, quay lại nhìn những người vẫn còn đang nhấp nhổm đợi chờ bánh ra lò cho xong một công đoạn tết nhất của gia đình. Ai cũng gầy, đàn ông toàn mặc áo bộ đội, đàn bà con gái gói mình trong mỗi cái áo khoác ngoài may bằng vải pha kha khá nilon, kiểu cách như nhau, màu sắc như nhau, cố khác nhau nhờ cái khăn voan quấn hờ làm phép.

Phơi phới xuân. Thành phố những năm sau chiến tranh những ngày ấy thật sự chỉ có màu hoa là rực rỡ. Đào. Cúc. Quất. Dơn. Hồng. Và chân chim đẫm hơi mưa, tím miên man, dại hết cả lòng cho tới tận không biết bao giờ nữa.

Lê Minh Hà, từ Berlin – Ngày 6-2-2013 (26 tết Quý Tỵ)


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn