TẢN MẠN MẤY DÒNG KÝ ỨC

Thứ bảy - 30/03/2013 01:27

(NCTG) “Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé” (Thiếu một người, tất cả hoang vu). Câu thơ xưa bỗng trở về, vương vấn… Nước vẫn xanh, xao xuyến ngoài kia, gió vẫn thoảng mong manh, nhưng đó chỉ là dư âm của những ngày xưa cũ…” - hồi tưởng của nhà giáo Nguyễn Hoàng Tuyên về PGS. Lưu Đức Trung.


PGS. Lưu Đức Trung - Ảnh tư liệu


Lời giới thiệu: PGS., NGƯT Lưu Đức Trung sinh năm 1933 tại Quảng Bình, tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc, giảng dạy văn học Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản trong nhiều thập niên tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông còn là tác giả của nhiều sách nghiên cứu, sách giáo khoa và các sáng tác văn học. Hiện PGS. Lưu Đức Trung sống tại Sài Gòn, là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Haiku TP. HCM.

Nhân dịp mừng thọ 80 tuổi (28-3-2013) của PGS. Lưu Đức Trung, một tập kỷ yếu do các bạn hữu và cựu sinh viên biên soạn và viết bài sẽ được ấn hành. Sau đây là những dòng lưu niệm của nhà giáo Nguyễn Hoàng Tuyên, người bạn rất thân thiết với PGS. Lưu Đức Trung trong Tổ Bộ môn Văn học Nước ngoài, Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội. Xin trân trọng giới thiệu!


*

Với Đức Trung, mình nghĩ cứ lặng im, lặng im tới vô cùng tức là trải lòng mình trên hàng trăm trang giấy đấy! Nhưng bây giờ các bạn lại muốn có lưu bút để đưa vào kỷ yếu… Vậy là mình phải viết Dédicace (1) cho cậu. Hơn 40 năm, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, biết viết gì đây?

Mình về Khoa Văn Đại học Sư phạm (ĐHSSP) Hà Nội năm 1970, sau mười mấy năm lang thang phiêu bạt Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Bắc, Thái Bình… Buổi họp Khoa, anh Lê Trí Viễn, Chủ nhiệm Khoa, giới thiệu mình với anh em, mình đã lẩy một câu Kiều:

Đến bây giờ mới thấy đây,
Mà lòng đã chắc tự ngày nào kia!


Mình mong muốn, ước ao được về Khoa Văn biết mấy, vì nơi đó sẽ hợp với mình, nơi đó có anh Lê Trí Viễn, anh Nguyễn Đức Nam mà mình quí mến, tôn trọng (mình đã liên hệ công tác với các anh ấy khi mình còn làm Trưởng ban Văn - Sử, Khoa cấp 2), có Lương Duy Trung, em chị Bích Thọ là chị dâu mình, rất thân thiết với mình từ thời Đại học, cùng sống với mình ở Khu tập thể Trường Chu Văn An, nơi chị Bích Thọ dạy những năm 1955 - 1957.

Về Khoa Văn, mình rất vui mừng gặp lại nhiều bạn cũ: chị Đặng Thanh Lê, anh Phan Trọng Luận, anh Nguyễn Xuân Nam, cùng học Dự bị Đại học Liên khu 4 với mình từ 1952-1953; Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Hải Hà, Đặng Anh Đào, Thái Thu Lan, Nguyễn Thái Hòa, Lan Hương, cùng khóa ĐHSP 1954-1957 với mình; và trong số những gương mặt mới: Phùng Văn Tửu, Nguyễn Thị Hoàng, Trần Xuân Đề, Đinh Việt Anh, Nguyễn Ngọc Ảnh, Lâm Ngọc Hoàn… (xin chỉ lược kể trong tổ Văn học Nước ngoài), có Lưu Đức Trung là bạn mới gặp đã thân quen bởi “Tương phùng hà tất tằng tương thức” (2), bởi sự cởi mở, chân thành, chí tình và trung thực của cậu, bởi hai chúng mình đều đồng tuế (Quý Dậu) và còn bởi cậu là bạn chí cốt của Lương Duy Trung, mà Lương Duy Trung cũng là bạn chí cốt của mình.

Cho nên trong những lần cả ba cùng hàn huyên, tâm sự, mình đã được nghe câu chuyện yêu đương tuổi học trò từ thời trung học Phan Bội Châu của hai cậu với cô bạn học sinh lớp dưới sắc nước hương trời, mà mãi đến những năm tháng sau này, Đức Trung vẫn ôm giữ hình bóng đó! Cậu còn nhớ chứ, vài mươi năm trước, cậu đã dẫn mình đến chơi nhà nàng, tuy tuổi đã xế bóng, nàng vẫn còn phảng phất một thời xuân sắc!

Ra về, hình như mình có nói với cậu câu này thì phải: “Giai nhân có thể phôi pha, có thể tàn tạ, song lòng ta không bao giờ quên được hương sắc lúc đương tơ!”. Rồi cả khi cậu chuyển vào Sài Gòn, cậu và nàng đã trở thành người tự do, cứ tưởng như cả hai có thể “tục đoạn huyền” vì “Tỳ bà bất tận tương tư điệu!” (3). Nhưng “mộng” không thành vì thực tế với ảo tưởng là một khoảng cách vời vợi, không thể xóa nhòa được. Hồi ấy, khi nghe những lời chia xẻ của cậu mình đã rất buồn và rất thông cảm những ngày cậu phải bay ra Hà Nội trốn chạy một mối tình!

Kỷ niệm với cậu có thể viết thành sách, song cậu biết đấy, mình rất lười viết, bởi mình theo chủ nghĩa ưu du (dilettantisme) (4) mà!

Những ngày chúng mình sang giảng dạy ở Văn Giang, nơi sơ tán của Khoa Văn, đã bao lần cùng nhau đạp xe đi đi, về về trong cái rét tê buốt của mùa đông, cùng chung sống trong nhà dân, cùng chia ngọt xẻ bùi thân thương biết mấy!

Những ngày chúng mình lên giảng cho ĐHSP Thái Nguyên, thuở còn chiến tranh, nhà tre vách nứa, đang giảng trời mưa nước giột, mình đi hết góc này đến góc khác, cuối cùng phải đứng cuối lớp nói vọng lên!

Kỷ niệm 4 lần chúng mình lên giảng cho ĐHSP Xuân Hòa, chuyến nào cậu và mình cũng cùng đạp xe đi, về, cùng ở chung một phòng, tán gẫu liên miên. Nhớ mãi chuyện cứ sáng sáng gần đến giờ lên lớp, anh Thành Thế Thái Bình, Chủ nhiệm Khoa Văn, lại đến gọi chúng mình vào xóm ăn lòng lợn tiết canh, mình và cậu đều e ngại, sợ muộn giờ giảng, nhưng anh Thái Bình cứ bảo “cơm không ăn, gạo còn đó, lo gì?”. Vui thật, hiếm có người như anh ấy, gần gũi, thân mật, chất phác, đáng quí làm sao! Giờ thì anh ấy đã mãi mãi đi xa!

Những chuyến đi Xuân Hòa, lần nào cậu cũng cho mình ghé thăm hai bác thân sinh của cậu lên sơ tán ở nhà chú em út của cậu - chú Thành - ở Phúc Yên. Được gặp các bác, mình vui mà các bác cũng vui. Giờ thì các bác đã ra người thiên cổ.

Làm sao quên được kỷ niệm về 3 chàng Ngự lâm pháo thủ (Phùng Văn Tửu, Lưu Đức Trung, Nguyễn Hoàng Tuyên) kéo nhau Nam du một chuyến vào Sài Gòn đầu năm 1979. Chúng mình đã gặp gỡ hầu hết bạn bè Khoa Văn Hà Nội vào sống trong đó: Trần Thanh Đạm, Lương Duy Trung, Trần Xuân Đề, Hồ Sĩ Hiệp, Trần Hữu Tá… trong niềm vui hồ hởi của những năm đầu mới giải phóng.

Sau mấy ngày du ngoạn Sài Gòn, Phùng Văn Tửu ở lại giảng cho ĐHSP TP.HCM, còn cậu và mình xuống giảng cho ĐHSP Cần Thơ. Suốt một tuần lễ, đêm nằm nghe cá quẫy, ngày mấy bữa toàn những cá và cá, thật vui! Hai chúng mình ghé thăm anh Trần Văn Mười, thấy anh ấy không còn như xưa… và trong khi trò chuyện có một biểu hiện khá phản cảm, làm cả cậu và mình ngỡ ngàng, cậu còn nhớ chứ?

Rồi ba chúng mình bị kẹt lại Sài Gòn trong dịp tết năm đó, không về Hà Nội ăn tết được. Cũng đúng thời gian đó nổ ra chiến tranh biên giới làm chúng mình ruột gan như lửa đốt, suốt ngày bám lấy cái TV và cái đài theo dõi tình hình chiến sự.

Một kỷ niệm đã để lại dấu ấn khá sâu đậm, đó là câu chuyện tình của cậu với K.Kh. - người bạn cùng cơ quan với V.N. nhà mình - do V.N. đã giới thiệu cho cậu. Đã qua lại mòn đường nát cỏ và buổi ra mắt linh đình tại nhà cậu ở Hàng Bài với đông đủ họ hàng hai bên, tưởng đã gần kề hôn nhân rồi chứ, vậy mà vì một sự hiểu lầm éo le, hai bạn không đến được với nhau! Nàng đã quá cố chấp đến nỗi mình đã mấy lần đến tận nhà thuyết phục mà vẫn không lay chuyển được. Giá như có V.N. ở nhà (dịp đó V.N. đang ở Hungary) thì sự thể có thể đã khác. (Về sau có lần K.Kh. đã tỏ ra hối tiếc vì chuyện này!). Thật buồn vì mình biết trong việc này cậu rất nghiêm túc, chân thành và trung thực!

Mình vẫn thường lấy câu nói về tình yêu của Thomas Mann để trêu cậu vì mình thấy bóng dáng của cậu trong đó: “Tình yêu là nắm bắt đó đây hình ảnh yêu thương, trong đó người ta có cảm tưởng được gần kề bên bóng hình yêu dấu!”. Những mối tình với Th., với Thu., với X. của Huế, với Y. của Đà Lạt, với Z. của Hà Nội, và còn đâu đó nữa mà cậu đã thổ lộ với mình, đã đem thư tình ra đọc cho mình nghe… cũng chỉ là “nắm bắt đó đây”, cũng chỉ là “cảm tưởng được gần kề” và quả thật “đi bắt bóng một ngôi sao” nào đó, cậu “đã lầm lạc tới suối yêu đương”!

Kể làm sao xiết những kỷ niệm vui ở “Nghênh phong các” tầng 5 D6 Giảng Võ của cậu! Đó là “Phòng Văn”, là “Quán tha hồ muôn khách đến”. Biết bao bạn hữu xa gần thân thiết, biết bao thế hệ sinh viên yêu mến, thông cảm với thầy, tụ hội tại đây, chia xẻ vui buồn, bàn luận văn chương, thế sự, hay học hỏi nơi thầy. Trong bấy nhiêu năm, mình đã hàng trăm lần thù tạc với bạn hữu, với sinh viên tại căn gác thân thương của cậu, mà về thời gian cuối (trước khi cậu vào Sài Gòn), leo lên đến tầng 5, mình phải dừng thở vài phút mới vào diện kiến cùng cậu! Đây thật là nơi “tự do hai tiếng ngọt ngào”!

Nhớ những học trò yêu quý, thân thiết của cậu, mình cũng không quên H., một nhân vật cá biệt, đã làm phiền lòng cậu, gây cho cậu sự khủng hoảng trong một thời gian không ít, mà trong bạn bè gần gũi, cậu chỉ chia xẻ với mình cùng K.O. Nhớ “Nghênh phong các” mình cũng rất nhớ những bức ảnh: Bức “Nàng tiên cá” (ai biếu mà cậu yêu nó thế?), thì về sau mình đã sang tận Copenhagen, vào một buổi chiều tà, ra tận bờ biển Baltique, leo xuống mép nước, sờ tay lên đùi “Nàng tiên cá” (tượng đồng) để Lương Duy Trung cùng đi với mình, chụp ảnh. Giây phút đó mình bỗng hình dung bức ảnh trên tường nhà cậu, và nhớ ông bạn Đức Trung ở quê nhà làm sao! Mình đã tặng cậu bức ảnh đó, cậu còn giữ chứ?


Bức ảnh “Đá đợi” - Ảnh tư liệu


Còn bức ảnh trên tường đối diện với “Nàng tiên cá”, bức “Đá đợi” như tiêu đề cậu đặt cho nó mà cậu rất thích thú, cậu ngồi trên mỏm đá ngắm biển xa xa, thì mình tếu táo đổi lại tiêu đề là “Đợi đá” - đá thì đau, vậy mà cứ đợi! Không những thế, mình còn mượn bài thơ “Em lấy chồng” của Hàn Mặc Tử làm phụ đề cho bức ảnh này của cậu:

Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ.


Cậu chịu chứ?!

Cũng nơi đây, trên balcon phía sau nhà cậu nhìn ra hồ Giảng Võ, mình cũng đã mấy lần uống trà thưởng hoa quỳnh nở trong đêm cùng cậu, thanh cao, tao nhã biết bao!

Sáu, bảy năm nay, mình rất vui mừng vì thấy cậu đã và đang tìm được niềm vui cuộc sống trong sáng tác thơ Hai-kư, trong việc tập hợp được một đội ngũ anh chị em yêu và đam mê thể thơ Nhật này, để có thể chia xẻ vui buồn, luận bàn văn chương, thế sự, với những bạn tâm đắc, từ đó cậu đã góp phần cống hiến, sáng tạo (và cả hưởng thụ nữa) văn chương, làm cho cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa, thâm trầm và ý vị hơn lên.

Mình đã nhận được đầy đủ các chuyên san hàng quí mà CLB Hai-kư của cậu phát hành, đã đọc đi đọc lại nhiều lần Phiến khúc “Tươi mãi với thời gian” của cậu, nhận ra khá nhiều bài hay, nhưng mình thích nhất bài này:

Đôi mắt
nhìn sau lưng
thấy cả khuôn mặt.

Con mắt tâm linh, con mắt trí tuệ thành con mắt siêu phàm!

Nhưng cũng có thể là nhìn đời chỉ nên mờ mờ nhân ảnh!

Và bài này nữa:

Giữa rừng xanh
muốn ẩn dật
bỗng nghe tiếng oanh.

Ríu ríu tiếng oanh vàng (thỏ thẻ), muốn đừng cũng không đừng được, phải không Đức Trung?

Cậu đã nói hộ tâm trạng mình rồi đấy!

Bức tranh thơ Hai-kư viết trên mành trúc của cậu tặng mình:

Dưới cành mai
hoa rụng trắng đầu
Xuân bất tận!

mình treo ngay trước cửa phòng khách, luôn nhắc mình ý tưởng lạc quan, yêu đời, dù đời muôn vàn cay đắng; nó mang dáng dấp

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. (5)

Sau tết vừa qua (Quý Tỵ) mình đi thăm Phùng Văn Tửu, rồi quay xuống Hải Hà, đi ngang qua Giảng Võ, tạt vào D6, nhìn lên tầng 5, rồi vòng ra hồ Giảng Võ; phố xá vẫn đông người, nhưng sao mình lại thấy nơi này hiu hắt, nên đem lòng về để gặp bạn tri âm thân mến cũ. “Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé” (Thiếu một người, tất cả hoang vu) (6) - câu thơ xưa bỗng trở về, vương vấn… Nước vẫn xanh, xao xuyến ngoài kia, gió vẫn thoảng mong manh, nhưng đó chỉ là dư âm của những ngày xưa cũ…

Ghi chú (của NCTG):

(1) Đề tặng, lưu niệm.

(2) “Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau” (Phan Huy Thực dịch, trích “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dỵ).

(3) “Ðàn tỳ bà chưa hết khúc tương tư” (trích một bài từ của Đào Cốc đời Tống).

(4) Còn gọi là chủ nghĩa tài tử, chỉ những người ưa thích tiêu khiển, giải trí, vui chơi, hay rong chơi, ngao du…

(5) “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết - Đêm qua sân trước một cành mai” (“Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác, bản dịch của Thích Thanh Từ).

(6) Trích “Cô quạnh” (L'isolement), thi phẩm nổi tiếng của đại thi hào Pháp Alphonse de Lamartine (1790-1869).

Nguyễn Hoàng Tuyên, từ Hà Nội - Tháng 3-2013


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn