HỖN HUYỀN

Thứ tư - 24/04/2013 12:35

(NCTG) “Bướm vàng đã quay lại! Chính nó, con bướm ma và vị linh mục, đã góp phần vào giấc mơ hỗn huyền của tôi đêm qua”.


 
Rốt cuộc, tôi đã gặp được ông, một linh mục bằng xương bằng thịt.
 
Cũng xương cũng thịt cũng da cũng tóc, cũng trần thế như tôi? Chỉ khác giới tính và gần ba chục tuổi đời? Ông đang tỉ mỉ lau từng chiếc nan hoa của chiếc xe a còng long lanh thì tôi đến. Hiên nhà ông ngồi lốm đốm nắng quái…
 
Thầy tu hưu rồi mà cũng a còng ư? Cái xe thay bàn thờ Chúa. Tự nhiên thấy khó chịu. Hình như ông linh mục cũng đang khó chịu. Vì tôi đến đột ngột? Ông ngẩng lên nhìn tôi như nhìn khoảng trống rồi lại cúi xuống chiếc xe. Tuyệt không một thoáng niềm nở của lần gặp đầu tiên. Lẽ nào không phải chính ông bảo cánh cửa nhà Chúa luôn rộng mở…
 
“Chào cha”.
 
Ông đứng dậy, khoác chiếc áo dài thầy tu trùm lên bộ quần áo vải thô trắng mặc nhà, ngồi xuống cạnh cái bàn lớn ngăn cách giường ngủ và nơi tiếp khách, ra hiệu mời tôi ngồi ghế đối diện. Ông chỉnh lại tư thế, mặt hướng thẳng. Đạo mạo. Có thế chứ! Tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Nom ông bắt đầu giống thầy tu rồi đấy.
 
Sự dễ chịu ấy qua đi rất nhanh. Lần này là tại tôi. Ý nghĩ tôi cứ bị hút vào chiếc giường thày tu chứa đựng các bí ấn của một thân xác phàm phía sau tấm ri-đô kia. Giá sách nhà ông cũng có ri-đô. Che giấu cái gì chứ? Tôi đăm đăm nhìn thẳng vào mắt ông. Thách thức. Đôi mắt vẫn còn tinh anh lắm. Vầng trán cao. Sống mũi thẳng. Nhân trung dài và sâu. Cằm nhọn. May có hai gò má đầy đặn làm cho khuôn mặt đỡ dài… Khuôn mặt này với làn da nhẵn mịn này phù hợp một cách kỳ lạ với màu nâu sậm của chiếc áo thầy tu này… Đúng như tôi hình dung. Dường như không chịu nổi cái nhìn của tôi, ông đưa ánh mắt ra ngoài cửa sổ. Vừa có gì lay động. Một con bướm vàng to kỳ dị đang chơi rỡn trên những cánh cúc vàng li ti trong nắng vàng gắt gao. Tôi tự hỏi ông đang nghĩ gì. Hình như tôi đã nói ra câu hỏi ấy, vì ông bỗng nói:
 
“Cha đang nghĩ đến ông Phờ-rớt (*), nhà phân tâm học. Ngày còn đi học ở trường dòng, cha được nghe giảng rất nhiều về ông ta”.
 
“Cha nghĩ sao về ông ta?”.
 
Tôi đưa đẩy câu chuyện, như một thói quen, rồi lập tức hối tiếc. Không, tôi không định đến gặp ông để trò chuyện về những ẩn ức tình dục. Tôi chỉ muốn kiểm chứng lại giấc mơ đêm qua. Giấc mơ của một người đàn bà đi trong tăm tối mù lòa. Không biết mình muốn gì. Là ai. Tại sao “hồn đắm chìm ban mai tinh khiết, xác lê la ngập ngụa dòng đời” (**). Tôi, linh hồn mồ côi niềm tin, chờ đợi cuộc gặp này từ kiếp nào. Lần đầu tình cờ được giới thiệu với ông, tôi đã biết sẽ phải gặp lại...
 
“Cha nghĩ sao về ông ta?”. Lời nói đã buột ra khỏi miệng. Vô thức. Đến từ giấc mơ đêm qua. Ông linh mục không nhìn nắng nữa mà nhìn xuống mặt bàn, như đang tìm kiếm cái gì. Tìm lời? Tôi kiên nhẫn chờ đợi. Chờ ông ngẩng lên. Tôi muốn được nhìn sâu vào mắt ông trong khi tai nghe những lời ông nói. Đâu là dấu chỉ của Chúa trời? Mãi rồi ông cũng ngẩng lên, nhìn thẳng vào mắt tôi. Dịu dàng. Và từng lời ông buông ra từ tốn tâm tình:
 
“Mấy hôm trước, cha đã được Chúa nhắc nhở. Ngón tay cái của cha bỗng nhiên bị kẹp vào chiếc ghế gấp này. Cha đã dùng nó mấy chục năm rồi có sao đâu. Chính lúc đó là lúc cha đang nghĩ đến con. Tưởng đau một chút, ai ngờ đau đến tận hôm nay. Nói điều này, có thể làm con ngạc nhiên, nhưng đúng là cha đã không dám nhìn thẳng vào mắt con. Khi ngồi đối diện với con thế này, trước mặt cha là một người đàn bà đau khổ vì tội lỗi nhưng tràn đầy niềm khát khao đẹp đẽ là được biết Chúa. Con làm cha bối rối. Tình cảm của con dành cho Chúa làm cha xúc động. Thậm chí sợ hãi. Nhưng tại sao cha lại sợ?”.
 
Yên lặng. Không khí trở nên đặc quánh. Tôi cố để không thở mạnh.
 
“Vấn đề không phải là cố gắng để không vấp ngã, không sai phạm. Chính tại nhà thờ, người ta sơn son thiếp vàng lên tấm bảng ghi công tên tuổi những người đóng góp xây dựng nhà thờ. Tên của cha cũng được khắc trên dòng đầu. Tại sao cha không phản đối? Chính ở nơi đó, hàng ngày cha vẫn rao giảng lời Chúa: “Khi tay phải làm việc thiện thì tay trái không biết”. Cha đã làm trái lời Chúa ngay trong ngôi nhà của Chúa… Ngón tay cái của cha đến giờ vẫn còn đau…”.
 
“Tất cả chúng ta đều vấp ngã. Quan trọng là sau đó, chúng ta cần biết trỗi dậy đi tiếp, sống tiếp. Và chúng ta sẽ được tha thứ”.
 
Ông linh mục dừng lời, nhìn ra ngoài cửa sổ. Bướm vàng đã bay đi, cúc vàng đã nhạt nắng. Nhưng còn Phờ-rớt? Hình như ông ta cũng đã bay đi theo bướm vàng, để lại một khoảng chới với hẫng hụt trong buổi chiều muộn này. Một nỗi gì như mắc míu như đau đớn cứ ngọt ngào cứ ngột ngạt len lỏi dâng lên. Không đừng được, tôi buột miệng:
 
“Còn nhà phân tâm học thì sao?”.
 
Hình như ông linh mục giật mình, thảng thốt. Rồi ông trấn tĩnh rất nhanh:
 
“Ờ, phải rồi, chúng ta đang nói chuyện về nhà phân tâm học nhỉ? Ông ta cho rằng, đến tám mươi phần trăm hành động của con người là do dục năng chi phối. Thời trẻ, cha được dạy rằng, lời ông ta là lời Quỷ. Cha đã tin như thế. Như tin Chúa…”.
 
Lại im lặng. Sự im lặng kéo dài tưởng như vô tận. Tôi nhìn thẳng vào mắt người đàn ông trong bộ quần áo thầy tu, chờ đợi. Bỗng nhiên, ông trút một hơi thở dài, giọng trầm vừa đủ nghe.
 
“Nhưng càng sống, cha càng thấy ông ta đúng. Và Chúa thì... Hôm nay, cha muốn nói với con một điều: ông ta hoàn toàn đúng”.
 
Giống như bị một cú đánh mạnh vào đầu, tôi choáng váng, xây xẩm.
 
Ô kìa. Bướm vàng đã quay lại! Nó bay thẳng từ cửa sổ vào nhà, lượn qua cửa chính ra ngoài hiên, đậu lên cái yên xe a còng. Đôi cánh bàng bạc của nó dường như to lên, to mãi phủ kín chiếc xe, phủ kín hiên nhà nhập nhoạng tối. Hệt như đã từng xảy ra ở đâu đó, câu chuyện này? Đúng rồi, chính nó, con bướm ma và vị linh mục, đã góp phần vào giấc mơ hỗn huyền của tôi đêm qua.
 
Ghi chú (của NCTG):
 
(*) Sigmund Freud (1856-1939), bác sĩ thần kinh và tâm lý người Áo, nhà tư tưởng, cha đẻ của thuyết phân tâm học.
 
(**) Thơ Bùi Mai Hạnh.

 
Nhớ Nha Trang, cha S, và những ngày đi bụi…

Bùi Mai Hạnh, 1999


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn