“Trải qua một thời gian, rất dài, chúng tôi mới chiêm nghiệm ra rằng: để thấu hiểu nỗi đau của con người không phải là một việc dễ dàng gì” (Trần Văn Thủy) - Bìa cuốn tự truyện (sách liên kết giữa NXB Hội Nhà văn và Công ty Phương Nam)
Dẫu đang là thời của tự truyện thì cũng không dễ làm ngơ cuốn sách đặc biệt này. Nhân vật chính trong “Chuyện nghề của Thủy” không phải ai xa lạ, chính là NSND, nhà làm phim Trần Văn Thủy với những “đứa con” từng gây bão một thời như “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”…
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, người chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách, đã rào đón trước: “
Tôi đọc thì thấy hay. Không phải văn chương hay mà hay ở sự thật. Nhưng có thể cô không sống trong thời khó khăn như chúng tôi nên cô sẽ không có cảm nhận đó”.
Không kinh qua thời mưa bom bão đạn như nhà văn và nhà làm phim nổi tiếng song từng câu, từng chữ trong “Chuyện nghề của Thủy” dư sức lay động tôi. Cuốn sách khép lại đắng đót: “
Tôi yêu tiếng nước tôi/ Từ khi mới ra đời/Người ơi…/Mẹ hiền ru những câu xa vời./À à ơi…/Tiếng ru muôn đời/Tiếng nước tôi!/Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…” (*). Câu ca năm xưa có giúp cho lòng ta nguôi ngoai chút nào chăng khi kiếp người chỉ là thân phận con sâu cái kiến”.
Không thể phủ nhận sự hấp dẫn của “Lê Vân: Yêu và sống”, cuốn tự truyện mưa gió một thời. Cái hay của tự truyện chính là sự thật được phô bày. Lê Vân đã “nude” ý nghĩ của mình khiến người đọc vừa thích thú, vừa có chút… hoang mang (khi chị kể chuyện yêu, quan hệ cha con…). Trần Văn Thủy cũng cởi trói ý nghĩ nhưng sự “cởi trói” ấy nhiều lúc khiến người ta xót xa.
Như khi nói về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, người bạn quen thân trên đường hành quân vào Nam, Trần Văn Thủy không ngại ngần, mà rằng: “
Ai đã đọc cuốn nhật ký với những câu chữ mộc mạc chân thành của người con gái hiền lành ấy sẽ thấy chỉ có dạt dào tâm sự, đầy ắp nỗi niềm. Nếu có lửa thì do ai đó, có thể là một người mê đắm cải lương đưa vào mà thôi”.
Thậm chí ông không ngại dùng những câu “xóc óc”: “
Nếu có hương hồn của Đặng Thùy Trâm ở đây thì chắc Trâm cũng tán thành rằng nhiều người anh hùng gấp nhiều lần Trâm. Cái điều ấy không sai đâu mà, chỉ có điều họ không có cuốn nhật ký thứ hai; thứ hai nữa là họ… chưa chết”.
Sự thật được nói ra không khiến người đọc “nóng mặt” bởi người kể không có mục đích bắn mũi tên đả phá: “
Thực ra cảm giác hào hùng có thể có trong khoảnh khắc nào đó thôi, chứ ai đã từng chứng kiến sự tang tóc của chiến tranh thì không mấy người có thể kể về chiến tranh một cách hào hùng được”.
Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy
Đọc “Chuyện nghề của Thủy”, người ta tìm thấy những “nỗi buồn chiến tranh” chưa từng hiện diện trong sách vở: “
Đặt chân đến “chiến trường” là lập tức xông lên…nương! Chiến trường Khu 5 không chỉ phải đối phó với ca nông bầy hay gọi là pháo bầy (…), đối phó với bom bi, bộ binh đi càn, B57, B52… mà còn đối phó với những cái khác không kém phần khốc liệt.
Đó là cái đói, bệnh tật, thiếu thốn. (…) Cái khốn nạn nhất là phải đi làm nương. Có người quanh năm chỉ đi làm nương (…). Mấy anh em điện ảnh bọn mình phải đi kiếm ăn hằng năm trời, phát quang cả mấy đồi, hú lên chẳng nghe tiếng nhau”.
Nhiều “tự thú” của nhân vật ám ảnh, day dứt, như chuyện cắp con cua, đồ chơi của một đứa trẻ, nướng lên ăn chống đói, khiến đứa trẻ ngủ dậy gào khóc vì mất đồ chơi: “
Thỉnh thoảng mình vẫn nhớ lại nỗi nhục nhã năm xưa, cái đêm lọ mọ ăn cắp con cua của thằng Vinh để nướng ăn; những ngày sống như ma đói trên đỉnh Trường Sơn, cái hình hài thân tàn ma dại đầy thú tính của mình lúc đó: xổ cuộn chỉ ra, cứ hai sải tay thì dứt một cái và người dân tộc đen đúa nghèo khó đưa cho mình hai củ sắn bằng cái chuôi dao… Giá mà làm một cuốn phim truyện… Nhưng rồi người ta sẽ bảo là chuyện bịa”.
Tên sách “Chuyện nghề của Thủy” đã nói lên nội dung chính của sách. Không thể không khâm phục một nhà làm phim quyết tử với nghề như Trần Văn Thủy. Đây là câu chuyện khi ông từ chiến trường trở ra Bắc:
“
Mình lên cơn sốt, mặc cả hai bộ quần áo lót, quần áo dài vào người, cẩn thận viết vào mảnh giấy và đặt trong túi phim: “Tất cả đây là phim négatif quay ở chiến trường, chưa tráng. Nếu có rơi vào tay ai thì xin bảo quản hết sức cẩn thận và chuyển giùm đến cơ quan có trách nhiệm của ngành Điện ảnh. Không được mở ra”. Khi lên cơn sốt giữa đường, mình mở tăng ra, nửa trải nằm, nửa đắp, khư khư ôm túi phim trong lòng ngay trên con đường mòn rộng hơn hai mét, để nếu chết, người qua lại còn thấy”.
Sách dày gần 500 trang được Lê Thanh Dũng, bạn thân của nhà làm phim ghi lại. Đây là mục đích của tự truyện: “…
Nếu viết thì nó là cái gì? Hồi ký thì không ổn và cũng không khoái. Thì kể chuyện đời cho vui thôi. Chẳng định nghĩa, nó là cái gì mặc nó, miễn nó là thật”. Có những sự thật đau lòng nhưng như Lê Thanh Dũng viết “
đó là cách nhìn thẳng thắn, thiện tâm và thành thật”.
Chẳng biết cuốn sách có chịu thử thách lao đao (nhưng có kết thúc huy hoàng) như những bộ phim của Trần Văn Thủy hay không? Sách đã được phát hành trên toàn quốc khoảng một tuần và đã có kế hoạch cho sự ra mắt sách hoành tráng từ Bắc chí Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm này, có thông tin rò rỉ, sách đang bị yêu cầu cấm phát hành.
Tôi nhớ, nhà văn Trung Trung Đỉnh trước đó, trong cuộc chuyện phiếm, đã nói vui: “
Trần Văn Thủy đang nín thở chờ ngày ra sách”. Buồn và chia sẻ với NSND Trần Văn Thủy, vừa kịp đón “đứa con” chào đời thì nụ cười đã vội bay.
Ghi chú:
(*) Nhạc phẩm “Tình ca” của Phạm Duy.
(**) Bài viết đã đăng trên “Tiền Phong Chủ Nhật”. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.