Truyện ngắn của Sławomir Mrożek: “VOI”

Thứ năm - 15/08/2013 23:44

(NCTG) “Đúng lúc đó, con voi rùng mình rồi bay bổng lên không trung. Nó còn rung rinh một chút ngay trên mặt đất, nhưng rồi chẳng mấy chốc gió đã đưa nó lên cao và phơi bày toàn bộ thân xác kềnh càng trên nền trời xanh thẳm”.


Sławomir Mrożek tại Krakow, năm 1999
 
Lời giới thiệu: Sławomir Mrożek, nhà văn, nhà soạn kịch, họa sĩ biếm họa nổi tiếng của Ba Lan, bậc thày của thể loại văn học phi lý Đông Âu - tác giả của nhiều truyện ngắn, kịch được giới phê bình văn học đánh giá là “ngang phân” với tác phẩm của những văn hào Ba Lan từng được giải Nobel Văn chương - vừa qua đời hôm nay, ngày 15-8-2013, tại Nice (Pháp), hưởng thọ 83 tuổi.

Chào đời ngày 29-6-1930 tại Borzęcin, một làng nhỏ miền Nam Ba Lan, nhưng từ rất nhỏ Mrożek đã theo cha, một nhân viên bưu điện, và gia đình chuyển tới cố đô Krakow. Trải qua những năm tháng của Đệ nhị Thế chiến tại nông thôn, Mrożek tốt nghiệp trung học tại Krakow rồi theo học các ngành xây dựng, lịch sử nghệ thuật và Đông Phương học tại đại học.

Từ năm 1950, ông làm việc trên cương vị một nhà báo, và được biết đến như một họa sĩ biếm họa nổi tiếng trên các tạp chí. “Voi”, tập truyện ngắn đầu tiên của Mrożek ấn hành năm 1957 mà đề tài không thật phản ánh hiện thực của Ba Lan đã trở nên một best-seller và đoạt giải thưởng danh giá của một tờ tạp chí văn hóa Ba Lan.

Phác họa xung đột gay gắt giữa cá nhân và tập thể, tập trung khai thác cách cư xử và sự ngu xuẩn của con người, truyện ngắn của Mrożek mang tính trào phúng, chế nhạo cái phí lý đời thường của nước Ba Lan cộng sản; nhà văn thường trói mở các vấn đề thời sự, xã hội bằng tính bi hài, hoặc đưa người đọc vào một thế giới hoang tưởng.

Cạnh truyện ngắn, các vở kịch “Công an” (1958), “Tango” (1964), “Chân dung” (1987)... của Mrożek lột tả rất sâu sắc ý thức của con người qua vỏ bọc tập thể, được giới phê bình rất hoan nghênh. Không chỉ là những vở kịch được các nhà hát lớn của Ba Lan diễn nhiều nhất của thế kỷ 20, đây còn là những tác phẩm nổi tiếng trên sân khấu New York, London va Paris.

Là một nghệ sĩ đa tài và đa dạng, Mrożek tự do “dịch chuyển” giữa các loại hình nghệ thuật và các hình thức thể hiện. Trong đời, ông cũng là người ưa “chu du thiên hạ”: ông rời Ba Lan năm 1963 và cùng vợ sống tại Ý cho tới 1968. Sau khi người vợ ông qua đời vì bệnh ung thư năm 1969 tại Tây Berlin, Mrożek định cư tại Paris rồi đi Mỹ, Anh, Nam Mỹ...

Vì ý kiến phê phán trên tờ “Le Monde” (Pháp) sự tham gia của Ba Lan trong liên quân của phe XHCN (đứng đầu là Liên Xô) nhằm bóp nghẹt Mùa xuân Praha năm 1968 và không chịu về nước theo chỉ thị từ Warszawa, Mrożek đánh mất quốc tịch gốc (và chỉ tới năm 1978 mới nhận được quốc tịch Pháp) - các tác phẩm của ông bị cấm ở trong quê hương trong một thời gian.

Năm 1981, khi lãnh tụ cộng sản, tướng Wojciech Jaruzelski tuyên bố thiết quân luật và bắt giữ Ban lãnh đạo Nghiệp đoàn Đoàn kết tại Ba Lan, một lần nữa Mrożek lại lên tiếng chỉ trích trên tờ “Le Monde” - đồng thời, ông không cho phép diễn các vở kịch, cũng như cấm đăng tải các tác phẩm của ông tại Ba Lan, nhưng vô hiệu.

Năm 1983, cùng nhiều đồng nghiệp, bạn viết danh tiếng khác - trong đó có Czesław Miłosz (Giải Nobel Văn chương 1980) và Leszek Kołakowski - từ nước ngoài, Mrożek tiếp tục phản đối một hành động phi dân chủ khác của chính quyền cộng sản đương thời: giải tán Hội Nhà văn Ba Lan.

Sau 34 năm sống ở nước ngoài và chu du vòng quanh thế giới, Mrożek hồi hương năm 1997 cùng người vợ thứ hai, bà Orario Rosas, một đạo diễn sân khấu người Mexico. Trong những năm sau đó, mục biếm họa của ông - tựa đề “Mrożek by night” - trên tờ nhật báo lớn nhất của Ba Lan “Gazeta Wyborcza” được đông đảo dân Ba Lan ưa thích.

Sławomir Mrożek đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý cho sự nghiệp sáng tác của ông, như Giải Franz Kafka, hoặc Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Cộng hòa Pháp.

“Voi” (Słoń), truyện ngắn sau đây của Mrożek xuất hiện trong tập truyện ngắn đầu tay cùng tên của ông, và rất tiêu biểu cho nghệ thuật châm biếm nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và chua cay của Mrożek. Chúng tôi dịch theo bản tiếng Hungary “Az elefánt” của dịch giả Kerényi Grácia (*).
 
 

Té ra tay giám đốc vườn bách thú là một kẻ hãnh tiến tầm thường. Hắn coi thú vật chỉ là bậc thang trên con đường thăng tiến của hắn mà thôi. Hắn cũng chẳng quan tâm đúng mức để cơ quan của hắn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục giới trẻ. Trong vườn thú do hắn ta quản lý, hươu cao cổ cổ ngắn tủn, chồn chẳng có hang và lũ gấu Bắc Mỹ chỉ thỉnh thoảng lắm mới được tắm rửa, nếu chúng đã quá chán ngán. Những khuyết điểm này càng tệ hại vì các đoàn học sinh thường xuyên đến thăm vườn thú theo từng nhóm.

Đó là một vườn thú tỉnh lẻ, thiếu một vài loài thú cơ bản như voi chẳng hạn. Người ta tìm cách thay thế tạm thời nó bằng cách nuôi dưỡng ba trăm con thỏ - nhưng, cùng với sự phát triển từng bước của nước ta, những thiếu sót được bổ khuyết một cách có kế hoạch ở mọi nơi. Như vậy, rốt cục cũng đến lượt voi. Nhân dịp 22 tháng Sáu (1), vườn thú được thông báo là vụ phân phối voi cuối cùng đã được giải quyết. Những nhân viên nhiệt thành, tận tụy của vườn thú vô cùng mừng rỡ vì tin này. Do đó, họ càng ngạc nhiên khi hay tin tay giám đốc đã gửi một công văn về Warszawa để từ chối suất voi phân phối; thay vào đó, hắn đề nghị sản xuất voi tại gia một cách kinh tế.
 
Bản thân tôi và toàn thể nhân viên của vườn thú - hắn viết - hiểu rằng một con voi sẽ là gánh nặng đè lên vai giới thợ mỏ và luyện kim Ba Lan. Để giảm mọi chi phí, tôi đề nghị thay con voi nêu trên bằng một con voi tự sản xuất. Chúng tôi có thể làm voi bằng cao su, với độ lớn phù hợp, bơm khí vào rồi đặt nó sau hàng rào. Sơn nó thật lành nghề, có thể khiến nó chẳng khác chi voi thật, cho dù có nhìn cận cảnh đi nữa. Ta đừng quên rằng voi là động vật nặng nề, không chạy nhảy, cũng không dầm mình. Trên hàng rào, ta sẽ treo một biển thông báo rằng đây là một loài voi cực nặng. Tiền tiết kiệm bằng cách ấy có thể dùng để chế tạo máy bay phản lực mới, hoặc trùng tu vài di tích, chùa chiền. Xin lưu ý các đồng chí rằng đề xuất này, cũng như việc soạn thảo dự án, đều là một đóng góp khiêm nhường của tôi vào công cuộc lao động và đấu tranh chung của chúng ta. Kính thư...” - và chữ ký.
 
Hẳn đề nghị này đã rơi vào tay một viên chức vô hồn, một kẻ thực hiện bổn phận của mình một cách quan liêu và không đi sâu vào thực chất của vấn đề, chỉ chú tâm đến đường lối giảm ngân sách - vì thế kế hoạch đã được chấp thuận. Vừa nhận được quyết định phê chuẩn, tay giám đốc đã cho làm một cái vỏ hình voi khổng lồ rồi cho bơm đầy không khí.
 
Hắn phân công hai nhân viên cấp thấp giữ và thổi cái vỏ voi từ hai đầu. Để giữ bí mật, công việc phải được hoàn thành trong một đêm; cư dân thành phố hay tin là một chú voi đích thực đã đến và họ muốn được chiêm ngưỡng nó. Và tay giám đốc còn hối thúc công việc vì hắn hi vọng sẽ được thưởng, nếu sáng kiến của hắn thành công.
 
Hai nhân viên đóng kín cửa gian xưởng và bắt đầu thổi. Sau hai giờ làm việc cật lực, họ nhận thấy rằng cái vỏ màu xám chỉ hơi nhổm dậy được một chút; cái khối lùng nhùng dèn dẹt chả giống voi một tí nào cả. Màn đêm buông xuống, tiếng người cũng im ắng hẳn, chỉ còn tiếng sói tru vọng lại từ phía vườn thú. Mệt nhoài, hai nhân viên dừng lại một chút, nhưng vẫn dè chừng để không khí không bị xì ra khỏi vỏ. Là những người đã luống tuổi, họ không quen với thứ công việc này.
 
- Cứ theo đà này thì khéo đến sáng mới xong mất - một người nói. - Biết ăn nói với vợ thế nào đây? Làm sao bà ấy tin được là tôi thổi voi cả đêm?
 
- Thế đấy - người kia đồng tình. - Mấy khi người ta thổi voi. Cũng chỉ vì tay giám đốc quá tả.
 
Nửa giờ nữa, hai người lại mệt lử. Mình voi đã phình lên, nhưng còn xa mới có được hình dáng của nó.
 
- Càng ngày càng ì ạch - người đầu nhận xét.
 
- Đúng vậy - người kia gật đầu. - Nặng nhọc quá. Ta nghỉ lát đã.
 
Trong khi nghỉ, một nhân viên phát hiện ra một vòi hơi trên tường. Ông ta chợt nghĩ: cũng có thể bơm ga vào voi, thay không khí! Và ông ta nêu sáng kiến đó với người kia.
 
Hai người quyết định làm thử. Họ kéo đuôi voi vào vòi ga mà vui mừng nhận thấy chỉ trong vài khoảng khắc, một con voi lừng lững chính hiệu đã đứng giữa nhà. Trông nó như thật: mình vạm vỡ, chân như cột nhà, tai to và cái vòi không thể thiếu được. Tay giám đốc, vì không phải quan tâm đến bất cứ chuyện gì và vốn cháy bỏng với tham vọng làm chủ một chú voi càng to càng tốt, đã cho làm một mô hình cực lớn.
 
- Tuyệt vời! - người phát minh ra giải pháp dùng vòi hơi tuyên bố. - Ta có thể về nhà rồi.
 
Sáng sớm hôm sau, người ta chở voi vào một khu đã được chuẩn bị sẵn ở ngay trung tâm của vườn, gần chuồng khỉ. Đứng trước một tảng đá tự nhiên, trông con voi thật dữ tợn. Trước nó, trên hàng rào, người ra treo một tấm biển: “Voi cực nặng - hoàn toàn không di chuyển”.
 
Trong ngày hôm đó, những vị khách đầu tiên là đoàn học sinh địa phương. Thầy giáo của họ muốn đưa học sinh đến vườn thú để giảng một tiết có minh họa về voi. Tốp học sinh dừng lại trước chuồng voi và ông giáo bắt đầu giảng:
 
- Voi là loài vật ăn thực vật. Chúng dùng vòi nhổ các cây non và gặm lá cây trên đó.
 
Bọn con trai đứng quanh voi và nhìn nó với vẻ thán phục. Chúng chờ voi nhổ một cây non, nhưng nó cứ đứng bất động sau hàng rào.
 
- ... Voi là hậu duệ trực tiếp của loài mamut, nay đã tuyệt chủng. Vì vậy không có gì lạ, nếu chúng là một trong những loài thú lớn nhất sống trên cạn.
 
Mấy cậu học trò chăm chỉ sốt sắng ghi chép.
 
- Chỉ có cá heo là nặng hơn voi, nhưng loài này sống dưới biển. Nên ta có thể mạnh dạn bảo rằng voi là chúa tể rừng già.
 
Một làn gió nhẹ thoảng qua vườn.
 
- ... Khối lượng một chú voi trưởng thành có thể từ bốn đến sáu tấn.
 
Đúng lúc đó, con voi rùng mình rồi bay bổng lên không trung. Nó còn rung rinh một chút ngay trên mặt đất, nhưng rồi chẳng mấy chốc gió đã đưa nó lên cao và phơi bày toàn bộ thân xác kềnh càng trên nền trời xanh thẳm. Một chút nữa, rồi nó lên cao mãi, chìa bốn bàn chân dạng háng, cái bụng tròn trĩnh và đầu nhọn của cái vòi xuống đám người đang ngơ ngẩn ở dưới. Rồi gió cuốn nó trôi ngang; nó ào qua hàng rào và biến mất sau những ngọn cây cao tít. Lũ khỉ sửng sốt nhìn theo voi.
 
Cuối cùng, người ta tìm thấy voi trong vườn thực vật gần đó; nó rơi xuống một bụi xương rồng và vỡ toang ra.
 
Còn đám học trò hôm đó đến tham quan vườn thú, chúng không bao giờ quan tâm đến chuyện học hành nữa; thây kệ khoa học, chúng trở thành những tên bụi đời. Hình như chúng còn nốc rượu mạnh và đập phá các cửa kính. Và chúng hoàn toàn không tin là có voi.
 
Ghi chú:
 
(*) 85 truyện ngắn của đã được dịch giả Lê Bá Thự dịch ra tiếng Việt và in trong tập  Con voi , Phương Nam Book & Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào quý 2 năm 2013.

(1) Quốc khánh Ba Lan.

Nguyễn Hoàng Linh dịch và giới thiệu


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn