Truyện ngắn của Grace Paley: NGƯỜI MẸ

Thứ sáu - 16/08/2013 20:06

(NCTG) “Từ dạo ấy, tôi cũng mơ giá được thấy bà, chẳng những ở bục cửa mà còn ở nhiều nơi khác nữa, chẳng hạn cùng các dì tôi trong phòng ăn. Hay bên cửa sổ, nơi bà hay ngắm nhìn phố phường về cả hai hướng, hoặc trong vườn nơi thôn dã giữa những bụi hoa, rồi cùng cha tôi vào phòng khách”.



Lời giới thiệu: Nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động phản chiến và nữ quyền Grace Paley (1922-2007) chào đời tại New York trong một gia đình Do Thái di cư từ Ukraine sang Mỹ đầu thế kỷ 20. Trưởng thành trong môi trường đa ngôn ngữ (gia đình bà sử dụng tiếng Nga, Anh và Do Thái) và nhiều màu sắc của dân nhập cư, Paley bắt đầu viết từ năm 28 tuổi và thành công lớn trong thể loại truyện ngắn.

Grace Paley được đánh giá là một gương mặt lớn của nền văn xuôi Mỹ đương đại, đặc biệt, như một nhận định, "giống như Mailer và Vonnegut, đúng hơn là Philip Roth và John Updike, bà dựa trên các sự kiện mang tính tự truyện để tiếp cận với những gì xảy ra rồi thêm thắt và suy nghĩ về câu chuyện".

Xin giới thiệu đến quý độc giả truyện ngắn mang tính tự truyện sau đây (nguyên tác: “Mother”, rút từ tập “Enourmous Changes at The Last Minute”, Virago Limited, 1979) của Grace Paley. Chúng tôi dịch từ bản tiếng Hungary.


Minh họa:
“Người mẹ” (tranh sơn dầu của họa sĩ Hungary Fényes Adolf)
 
Một hôm, tôi nghe đài AM. Người ta hát bài “Trời ơi, giá mẹ về bên cửa!”. Lạy Chúa, tôi hiểu câu ca ấy lắm chứ! Đã bao lần tôi ước giá như mẹ tôi về bên cửa. Về chuyện này, phải nói rằng mẹ tôi thường về bên những cánh cửa khác nhau và nhìn tôi. Một bữa bà đứng ở cửa ra vào, sau lưng là căn phòng tối tăm. Hôm ấy là ngày đầu tiên của năm.
 
- Mới mười bảy tuổi đầu con đã đi đến 4 giờ sáng mới về thế này thì tới năm hai mươi, con còn lang thang đến lúc nào? - bà nói, giọng buồn bã. - Trong câu hỏi đó, không hề có chút nhạo báng hay ác ý. Vào hồi ấy, bà đã lo lắng chuẩn bị cho cái chết. Bà nghĩ rằng bà sẽ không còn nữa khi tôi hai mươi. Và bà ái ngại cho tôi.
 
Một lần khác, bà đứng ở cửa buồng tôi. Ngay sau khi tôi xuất ra một bản tuyên ngôn chính trị, trong đó tôi phê phán cái nhìn của gia đình tôi về Liên Xô.
 
- Ngủ đi con, giời ạ - mẹ tôi nói -, con ngu xuẩn lắm, cả những ý tưởng cộng sản của con nữa. Chúng ta đã thấy hết mọi sự rồi. Cả cha và mẹ, vào năm 1905. Cha mẹ biết nó sẽ ra sao.
 
Còn ở cửa buồng ăn, bà nói:
 
- Chẳng bao giờ con ăn xong bữa trưa. Con chỉ chạy nhảy như điên thôi. Sẽ ra sao đây con?
 
Rồi sau đó, bà mất.
 
Tất nhiên, từ dạo ấy, tôi cũng mơ giá được thấy bà, chẳng những ở bục cửa mà còn ở nhiều nơi khác nữa, chẳng hạn cùng các dì tôi trong phòng ăn. Hay bên cửa sổ, nơi bà hay ngắm nhìn phố phường về cả hai hướng, hoặc trong vườn nơi thôn dã giữa những bụi hoa, rồi cùng cha tôi vào phòng khách.
 
Cha mẹ tôi ngồi thoải mái trên chiếc ghế bành bọc da. Họ nghe nhạc Mozart. Họ nhìn nhau sững sờ. Dường như họ chỉ mới vượt biển qua mảnh đất này được ít ngày. Dường như đúng khi ấy họ vừa học xong những từ Anh ngữ đầu tiên. Dường như đúng lúc ấy, cha tôi tự hào trao bài viết hoàn chỉnh 100% cho ông giáo sư môn giải phẫu học người Mỹ. Dường như mẹ tôi vừa rời chiếc ba-toong để đi nấu nướng.
 
Giá như tôi được thấy lại mẹ tôi cạnh cửa ra vào phòng khách.
 
Bà đứng đó chừng một phút. Rồi bà ngồi xuống cạnh cha tôi. Họ có một chiếc máy quay đĩa đắt tiền. Họ nghe nhạc Bach.- Nói chuyện với tôi một chút đi ông - mẹ bảo cha. - Lâu nay mình chẳng chuyện trò gì.
 
- Tôi mệt lắm - cha đáp. - Bà không thấy à? Hôm nay có đến ba chục người đến chỗ tôi. Toàn là lũ bệnh hoạn cả, họ chỉ nói, nói lấy được. Cứ nghe nhạc đi bà! Tôi biết có thời bà sành nhạc lắm mà. Tôi mệt quá.
 
Và rồi mẹ qua đời.

Nguyễn Hoàng Linh dịch và giới thiệu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn