Tản văn của Nguyễn Thị Thanh Lưu: HÀ NỘI QUA CỬA KÍNH TAXI

Thứ hai - 28/10/2013 10:52

(NCTG) “Tôi đã gửi Hà Nội những năm tháng sôi nổi nhất của đời tôi, thế mà sao tôi không tài nào tìm lại được chút manh mối kỷ niệm nào khi ngồi trong taxi, lướt qua đám hỗn độn đang chuyển động quay cuồng ngoài cửa kính?”.


Minh họa: Internet

Mười năm sống ở Hà Nội, chưa bao giờ tôi cảm thấy thất vọng về Hà Nội như khi tôi nhìn Hà Nội qua cửa kính taxi – những cuốc taxi vội vã đi vòng quanh thành phố.

Tôi vốn không ưa đi taxi vì với tôi, di chuyển phải đồng nghĩa với tự do và khoáng đạt. Taxi tước đoạt hoàn toàn cả hai. Tôi không ưa chút nào cảm giác bị bó buộc trong cái không gian chật hẹp với một người xa lạ - anh lái xe -, bị cưỡng bức khứu giác bởi các thể loại nước hoa ô tô dễ gây váng đầu, bị tra tấn thính giác bằng những bản nhạc não tình ủ ê rất thường gặp hoặc tệ hơn là bị lôi kéo vào những cuộc trò chuyện khiên cưỡng với các anh tài xế nhiều lời. Đấy là chưa kể vừa ngồi vừa thót tim vì các cú lạng lách bất thình lình hoặc phóng như ma đuổi của các anh xế để còn bắt tiếp khách lượt sau.

Sau khi có con, tôi buộc phải chấp nhận thực tế là di chuyển không phải lúc nào cũng tự do và khoáng đạt như tôi muốn, vì tôi cứ phải dùng taxi luôn luôn. Thâm niên mấy năm chỉ rặt ngồi taxi khiến tôi chừng như cũng quen với sự mất tự do theo thời đoạn. Nhưng chưa kịp yên chí chấp nhận và vỗ yên cảm giác thì chuyến về Việt Nam vừa rồi, tôi lại thảng thốt nhận ra, việc ngồi taxi còn tước đi của tôi nhiều thứ khác. Đó cũng là lúc tôi nhìn thấy một Hà Nội khác – một Hà Nội tách hoàn toàn khỏi vùng trời ký ức, kỷ niệm và những cảm giác cụ tượng của riêng tôi. Một Hà Nội chỏng chơ bên ngoài mọi níu kéo và ràng buộc.

Không gian chật hẹp của chiếc taxi cùng với những tiện ích phục vụ ngoài mong muốn đi kèm đã cách li tôi hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Trí nhớ tôi dường như cũng bị bưng bít khi ngồi trong taxi, thế nên hầu như cứ vào xe là tôi quên tiệt hết các con đường (các anh xế thích chạy lòng vòng chắc lấy thế làm mừng lắm!). Tệ hơn, mọi cảm giác của tôi cũng bị bít kín. Khi tôi thậm chí còn không nhận ra những con phố quen thì làm sao tôi còn có thể tìm lại cảm giác về chúng. Tôi ngồi trong xe taxi với trí nhớ bưng bít và giác quan kín mít, nhìn phố xá chạy quanh bằng con mắt của một khách vãng lai. Khi đó, Hà Nội hiện lên trơ trọi như nó vốn thế, không được trau chuốt một chút mảy may nào bằng các thứ tình cảm lâm li. Và tôi chợt hiểu, vì sao khách du lịch đến Hà Nội cứ chỉ đến một lần cho biết rồi thôi, còn người đã ở Hà Nội lâu thì dù đi xa vẫn cứ mãi mơ mòng về chốn ấy.

Từ cửa kính taxi, Hà Nội xa lạ lướt qua tôi những mảng phố phường nhộn nhạo. Sống vài năm ở một xứ sở mà mọi thứ dường như đều được sắp đặt ngăn nắp gọn ghẽ, tôi đã nhớ quắt quay cái lộn xộn, ồn ào và màu mè của Hà Nội. Tôi nhớ vì tôi từng là một phần trong cái mớ hỗn độn chuyển động cuồng nhiệt từng giây ấy. Nhưng qua cửa kính taxi, bức tranh Hà Nội trống hoác phông xúc cảm, chỉ còn nhợt nhạt những bát nháo chợ đời. Hà Nội và tôi ráo hoảnh lướt qua nhau, không nhớ không thương, không bồi hồi, không xao động, qua những ô cửa kính taxi mờ mịt bụi.

Hỏi anh taxi bao lâu anh rửa xe một lần, anh xế bảo cứ đổi ca là rửa xe, thế mà sao ô cửa kính taxi nào tôi ngồi cũng bám mờ bụi. Mà có riêng gì taxi, cái gì ở Hà Nội mà chả được tặng miễn phí một cái mặt nạ bụi, kể cả cái mặt tôi (dù hàng ngày tôi rửa mặt nhiều hơn số lần anh taxi rửa xe là cái chắc). Ngày tôi về, từ trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy trời Hà Nội nhiều mây, lòng chắc mẩm được hôm mát giời đây. Có ngờ đâu, đấy là mây bụi. Một tuần ở Hà Nội là một tuần nhễ nhại mồ hôi, dù gặp bạn bè ai cũng bảo số tôi may vì về đúng đợt mát giời. Ừ, có lẽ giời mát thật, nhưng Hà Nội thì không, vì Hà Nội có nguyên một cái bong bóng bụi bao quanh thì tài nào mát được.

Chỉ có cách lên máy bay vọt ra ngoài đám bụi khổng lồ rồi thò đầu ra cửa hóng gió như đang ngồi xe khách liên tỉnh thì may ra mới hít được chút khí lành (cứ mạnh dạn giả dụ máy bay có cái cửa mở tông hổng được như xe khách liên tỉnh chuyên bắt khách dọc đường đến nỗi khỏi cần đóng cửa, nhỉ?). Dọc đường ngồi taxi từ sân bay về nhà, nhìn những cái cây cỗi cằn, bạc lá vì bụi mà thương. Cầu trời được cơn mưa thật lớn cho lá lại xanh, nhưng cầu thế người ở Hà Nội rủa chết, vì có phải ai cũng sẵn áo phao, thuyền thúng, thuyền buồm đâu.

Ngồi trong taxi, để chống lại các mũi tấn công từ nhiều phía (mùi nước hoa ô tô, tiếng nhạc não nùng và giọng anh tài thao thao bất tuyệt…), tôi đành phải tìm quên bằng cách nhìn ra ô cửa kính, ngắm thật kỹ những mặt người lướt qua tôi. Những mặt người đau đáu, những mặt người âu lo, những mặt người căng thẳng, những mặt người cau có… Đâu rồi những gương mặt tươi tắn hạnh phúc, đâu rồi những gương mặt phơi phới yêu đời? Hỏi làm gì, cứ lấy gương ra soi khi đang đi trên đường Hà Nội, bạn sẽ tự có câu trả lời thôi. Ì ạch trong đám tắc đường, trong khói bụi, những hạnh phúc tươi vui cũng tự khắc trốn biệt vào góc nào đó giữ mình, có lẽ.

Hà Nội đông đúc, Hà Nội lòe loẹt, Hà Nội ồn ào, Hà Nội bát nháo, Hà Nội bụi mù, Hà Nội cau có, Hà Nội nhễ nhại mà tôi nhìn thấy qua những ô cửa kính taxi ấy cũng là nơi giữ mười năm tuổi trẻ của tôi. Tôi đã từng nêm mình trong cái đông đúc ấy, đã từng là một sắc màu trong cái lòe loẹt ấy, đã từng gây những náo động nhỏ nhoi trong cái ồn ào ấy, đã từng lóp ngóp tìm đường đi trong cái bát nháo ấy, đã từng hít căng hai lá phổi bằng cái bụi bặm ấy, đã từng quạu cọ di chuyển trong đám đông bí rị ấy, đã từng mướt mồ hôi trong cái nhễ nhại ấy của Hà Nội. Tôi đã gửi Hà Nội những năm tháng sôi nổi nhất của đời tôi, thế mà sao tôi không tài nào tìm lại được chút manh mối kỷ niệm nào khi ngồi trong taxi, lướt qua đám hỗn độn đang chuyển động quay cuồng ngoài cửa kính?

Có lẽ, Hà Nội đòi tôi phải chạm mặt không cách ngăn, phải chậm rãi nhấm nháp từng khoảnh khắc trong mấy con ngõ nhỏ chứ không phải chỉ xẹt qua sấp ngửa ánh nhìn trong những chiếc taxi chỉ biết có mỗi chuyện vội vã mưu sinh, không đếm xỉa gì đến các thể loại tâm sự tâm tư tâm tình tâm tưởng dễ gây tốn xăng và tắc đường. Có lẽ, Hà Nội đòi tôi phải hít đẫy một lồng ngực bụi rồi mới ban phát cho tôi chút hương thơm ký ức. (Nếu mùi điều hoà mà gợi nhắc được ký ức thì có phải hai lá phổi của kẻ mơ màng hoài cổ như tôi đỡ tội không?). Có lẽ, Hà Nội đòi tôi phải túa mồ hôi hột chen lấn trong đám đông tắc nghẹt ở các ngã tư, phải khổ sở bì bõm trong những con phố mênh mang nước cống, phải đủ dũng cảm và mơ mộng dừng chân tư lự bên dòng kênh bốc mùi nào đó giữa lòng phố thị thì mới dè dặt chìa ra cho tôi xem dăm ba mảnh kỷ niệm đã ít nhiều hao mòn nhưng vẫn đẹp. Thế mới biết, tình yêu đích thực nào cũng cần thử thách. Kiêu sa như Hà Nội, thứ thách thế đã thấm vào đâu.

Tôi biết vậy nên tìm mọi cách chối từ taxi bất kì lúc nào có thể. Để được tự do hòa vào những nhọc nhằn của thành phố, để thấm thía nỗi đau khổ dịu dàng của những tán lá kém xanh trên những con đường ngút ngàn khí thải, để hạnh phúc chen chúc ăn kem Bờ Hồ hay tâm sự Hồ Tây. Ra khỏi taxi, bầu khí quyển tình yêu với cả trời nhớ thương, kỷ niệm ùa về cùng với các đặc sản bụi bặm, mồ hôi, mùi chợ búa, cống rãnh... Tôi của những tháng năm sống trong lòng Hà Nội được đánh thức với những mải mê ảo tưởng trong hương hoa sữa, trong màu trắng hoa sưa, trong bảng lảng sương mù những sớm mùa Thu hiu hắt gió, trong những hoàng hôn Tây Hồ miên man sóng vỗ… Tôi lại yêu Hà Nội như chưa từng đi đâu xa.

Chuyến về vội vã vừa rồi không cho phép tôi từ chối taxi, không cho phép tôi được tự đày ải mình trong những nhục nhằn phố thị để được hưởng chút phần thưởng ngọt ngào – những kỷ ức tuổi xanh mà Hà Nội giữ giùm tôi. Vì tôi tạt về quá vội, vì tôi cứ ngồi kín mít trong những chuyến taxi nên tình yêu trong đáy tim tôi dành cho Hà Nội vẫn cứ gật gà ngái ngủ không kịp thức. Thôi đành hẹn lần sau, tôi nguyện xả thân hành xác cho vừa lòng Hà Nội đỏng đảnh kiêu sa, để chút yêu đương còn lại không tắt lụi.

Muốn nhắn nhủ nhiều, nhưng sợ Hà Nội giờ yếu phổi yếu tim vì ô nhiễm nặng, sợ những hoa sữa hoa sưa sương khói Tây Hồ chẳng đợi được đến khi tôi thong thả xả thân để còn ban phát tình yêu. Mà thôi, chẳng nên lo quá thế, chỉ cần đừng đi taxi, đừng nhìn Hà Nội từ cửa kính taxi, thì rồi những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa trong ký ức và giấc mơ của tôi về Hà Nội.

Nguyễn Thị Thanh Lưu - Mùa hè 2013


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn