NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI LỚN

Thứ sáu - 06/12/2013 15:29

(NCTG) “Ngôn ngữ của người lớn, ôi… người lớn đúng là khó hiểu thật. Giống như bố nó vậy. Nó nhớ như in những gì ông nói với nó về tình yêu, những lời răn dậy...”.


Minh họa: Internet

Nó nhướng mắt nhìn mẹ dắt xe ra khỏi cửa. Trời lạnh, mẹ quàng cái khăn to sù sụ, thân hình mẹ hơi xiêu xiêu về bên trái, dáng đi có vẻ lầm lũi và đầy lo toan.

Mẹ không biết nó đã thức dậy. Không, đúng hơn là mẹ không biết nó đã gần như không ngủ, nó trùm kín chăn và hơi hé mắt sau một nếp gấp rất nhỏ vì vậy nó biết mẹ đã trằn trọc cả đêm. Nó biết mẹ lại có gì đó phải suy nghĩ lung lắm và tự hỏi sao một người đàn bà bé nhỏ và hay khóc như mẹ lại có thể làm được nhiều việc đến thế?

Nó dõi theo mẹ cho đến khi bóng mẹ đã khuất và chẳng còn nghe tiếng xe máy nữa mới ngồi dậy. Hôm nay là sinh nhật nó, sao mà nó ghét cái ngày này thế. Nó luôn cảm thấy ngày này chẳng có nghĩa gì, phức tạp và buồn chán, nhất là sau khi bố nó rời khỏi nhà. Từ lúc đó nó không muốn lớn nữa.

Ý nghĩ này xuất hiện bởi nó thấy người lớn thật khó hiểu và hành xử kỳ cục. Nó chưa bao giờ thấy bố mẹ cãi cọ, mẹ nó là người chỉn chu đến phát sợ. Còn bố, ông điềm đạm và an phận. Ở ông luôn toát ra sự đĩnh đạc đến lười nhác, có cảm giác ông luôn hài lòng với tất thảy những gì đang có, dĩ nhiên là cả sự chỉn chu của mẹ.

Ông cũng giống như nó, nhưng là một đứa trẻ to đầu, chẳng bao giờ đưa ra ý kiến gì và sung sướng hưởng thụ sự chăm sóc của mẹ. Cuộc sống cứ thế thì tốt biết bao, ít nhất là nó vẫn thấy hai người quanh nó, thi thoảng có những cử chỉ hoặc câu nói âu yếm. Thế mà bỗng dưng một buổi tối, mẹ nó ôm nó vào lòng thủ thỉ

- Cu ơi, nếu mai này bố mẹ không sống chung, Cu sống với mẹ hay bố?

- Con chẳng biết, nhưng sao lại không sống chung? Con thích cứ như vậy cơ…

- Cả bố và mẹ đều yêu Cu lắm, thật đấy. Nhưng lại chẳng thể sống cùng nhau được. Chuyện của người lớn, khi nào Cu nhớn, Cu sẽ hiểu. Mai hai mẹ con mình về bà ngoại ở nhé, Cu đồng ý không?

- Con chẳng biết.

Nói vậy chứ nó thầm nghĩ là chắc mẹ lại giận bố mấy ngày thôi, mà thâm tâm nó thì mẹ đi đâu nó cũng đi theo rồi. Song, mấy ngày đó thật dài, dài cho đến hôm mẹ chở nó đến gặp một người đàn bà có khuôn mặt lạnh và khô y như cô giáo hiệu trưởng của nó

- Cháu sẽ ở với ai khi bố mẹ chia tay?

Sao mà nó căm ghét người đàn bà này thế, bà ấy có quyền gì mà hỏi nó. Nó sống với ai mặc kệ nó chứ. Nghĩ vậy nhưng nó vẫn trả lời theo quán tính: Mẹ!

Nói rồi nó quay nhìn mẹ đang đứng phía ngoài cửa, mắt mẹ nó như chẳng nhìn vào đâu cả. Nhưng tối hôm đó khi ôm nó vào lòng, nó thấy mắt mẹ ướt và mẹ thì thầm: Cám ơn con!

*

- Cu ơi, ăn sáng rồi đi học đi con!

Giọng bà ngoại và tiếng dép lẹt xẹt của bà đi vào căn phòng của mẹ con nó.

- Con dậy rồi.

Vừa nói nó vừa mở cửa lao vào buồng tắm, nó sợ phải nghe thấy bà bảo chúc mừng sinh nhật. Hôm qua, mẹ nó và bà đã thì thào với nhau việc tổ chức sinh nhật cho nó. Bà ngoại thì nói sẽ làm nem, món ruột của nó. Còn mẹ lại bảo nó sẽ thích được mời mấy đưa bạn ra ngoài đánh chén chè ngô và kem xôi (sao mà mẹ chuyện gì cũng đoán ra thế nhỉ?).

Nó còn thấy mẹ nó nói với bà giọng lo ngại: con cảm thấy Cu nó làm sao ấy, nó không thích nói đến sinh nhật. Con sợ nó nhớ bố nó, thường là hai bố con nó hay đưa nhau đi mua đồ chơi ngày này. Mấy năm nay cứ sinh nhật là nó lảng lảng…

- Con đừng cả nghĩ quá, Cu nó còn bé mà , bà nó chẹp miệng, nghĩ cũng tội thằng bé, hơn mười tuổi đầu…

- Thôi mẹ, Cu nghe được bây giờ..

Rõ ràng là nó nghe được. Nhưng nó chẳng để bụng. Nó mặc quần áo thật nhanh, chào bà và dắt xe phóng ào vào phố. Loáng thoáng tiếng bà đằng sau: ơ cái thằng này, làm gì mà nhoắng lên…

Đường phố mùa đông, không gian như đông đặc lại, cái lạnh tê tê châm vào da cong cóng mà thật thích thú. Nó thích mùa đông. Nó thường đi học sớm để có thể thong dong ngắm nhìn con phố nhỏ dài hút với những cây bàng tán thấp lá đỏ, lá vàng. Hít mùi phở sốt vang quán nhà bà Bường tỏa ra thơm nức mũi. Nó thích ăn phở quán bà Bường lắm, nhưng ít được mẹ cho ăn, mẹ sợ bị hàn the, sợ phẩm đỏ, sợ mất vệ sinh…

Mẹ thường nấu cho nó ăn, đành rằng mẹ nấu thì ngon hơn thật, nhưng cảm giác ngồi ngoài đường xì xụp và hương vị phở tỏa ra từ cái nồi to đùng lan ra không gian lạnh đậm đặc vẫn thú hơn. Với cả nhìn mẹ kỳ cạch cả chiều hôm trước cho bát sốt vang mà nó ăn sáng hôm sau, nó thấy mẹ nó thật tốn công và bày đặt.

- Mày lại mơ được ăn phở hả - tiếng thằng Hưng reo réo ngay bên cạnh

Nó quay lại lườm cho thằng Hưng một cái cháy xém mặt, chuyện nó thích ăn phở bà Bường trong một lần bực bội nó đã trót nói cho thằng Hưng, thế mà giờ nó cứ bô bô cái mồm…

- Biết rồi, làm gì có ai ở đây ngoài tao với mày? Hôm nay sinh nhật mày đúng không, chúng mình sẽ làm gì nhỉ?

- Sinh nhật gì, vớ vẩn!

- Mày bị làm sao đấy? Hấp à?

- Tao chẳng làm sao, có mày hấp thì có…

Hai chúng nó cứ đối giả như thế suốt cả ngày được, thằng Hưng là bạn thân nhất của nó. Chẳng phải vì hai đứa ở gần nhà nhau, trông cũng sàn sàn mà là vì nó thấy thằng Hưng giống nó. Bố mẹ thằng Hưng cũng bỏ nhau, nhưng thằng Hưng sống với bố, với cả nó còn có đứa em gái sống với mẹ. Đôi lúc, khi nó nghĩ vẩn vơ, thằng Hưng thường mắng át giọng như ông già: Mày phức tạp, kệ xác chuyện của người lớn.

Thằng Hưng còn bảo, nó nghe mẹ nó nói người lớn có ngôn ngữ riêng, không cần nói ra. Nó xoe tròn mắt nhìn thằng Hưng: thế là thế nào?

- Là thế - thằng Hưng ngoắt tay kiểu cao bồi.

*

Ngôn ngữ của người lớn, ôi… Nó chẳng hiểu cái thuật ngữ mà thằng Hưng nói. Nó chỉ thấy người lớn đúng là khó hiểu thật. Giống như bố nó vậy. Nó nhớ như in những gì ông nói với nó về tình yêu, những lời răn dậy.

Hôm bố nó dọn vào Nam, bố còn hứa sẽ về thăm nó thật nhiều và nhất là ngày sinh nhật nào cũng gửi quà cho nó, bố bảo bố sẽ làm như thế cho đến tận khi bố chết. Thế mà sinh nhật năm ngoái nó đợi đợi mãi, nó cứ ngong ngóng từ sáng cho đến tận đêm. Mẹ nó phải bắt đi ngủ mãi nó mới chịu. Nó còn dặn mẹ là nhỡ bố điện thoại mẹ phải đánh thức nó.

Nhưng đêm hôm ấy nó biết bố nó không gọi điện, vì nó đã trằn trọc thấp thỏm cả đêm. Rồi nó đã hy vọng sẽ nhận được quà của bố vào hôm sau. Nhưng cũng không. Ngôn ngữ người lớn quả là không giống với ngôn ngữ của nó.

Rồi cái đận ông nội nó mất, hai mẹ con nó vội vàng bay vào Nam để chịu tang. Hôm ấy vừa vào đến nơi, nó thấy bố đang khóc, mẹ nó đẩy nó vào và khẽ nói: Con ra với bố đi.

Có một điều gì trỗi dậy trong lòng nó, nó thấy bố nó thật tội nghiệp và yếu đuối và muốn lao vào lòng bố, giang cái vòng tay nhỏ bé gầy guộc ôm lấy bố. Nhưng bố nó chỉ nắm lấy khuỷu tay nó, bóp khẽ một cái và thả ra… rồi tất tưởi đi theo người phụ nữ có hàm răng thỏ, mặt gầy choắt có chiếc mũi cao nhọn hoắt đến khó tin và hai cặp mắt mí to đùng bôi xanh xanh.

Sau này nó biết đấy là vợ mới của bố. Nó thấy bố nó cứ lật đật đi theo đằng sau bà ta, như cái đuôi vậy. Người đàn bà này cũng có vẻ tháo vát, có giọng nói rất lên trầm xuống bổng nghe cứ ngân nga, du dương như hát. Nghe nói bà ấy là một diễn viên cải lương đã giải nghệ chuyển sang buôn bán ở chợ An Đông.

- Cô đưa con vào tôi cám ơn. Nhưng mà ở đây chật chội quá mà mấy hôm nữa mới đưa ông, hay là cô cho nó đi đâu ở tạm cho nó đỡ mệt mà cũng đỡ vướng chân tay, nó cứ chạy uỳnh uỵch với mấy đứa trẻ thế kia…

- Được rồi, hai mẹ con tôi sẽ không làm vướng anh đâu

Mẹ nó nói giọng quả quyết. Nó thấy mặt mẹ đanh lại, cái hàm hơi bạch ra như những lúc mẹ phải quyết định một điều gì. Nó len đến bên mẹ, mẹ nó kéo tay nó vào gặp bà nội.

Bà nội đang ngồi giữa một đám đông chắc là bè bạn của bà, mặt bà lem nhem toàn nước. Thoạt nhìn thấy nó, bà nội nó khóc rưng rức, vừa khóc vừa kể. Nó thấy mẹ nó lau nước mắt. Mẹ chẳng bao giờ khóc to cả, chỉ cứ chảy nước mắt thôi. Mà nó sợ nhìn thấy nước mắt mẹ lắm, nó lẳng lặng đi ra ngoài.

Nó thấy mẹ nó và bà nội nói gì rất lâu, lát sau mẹ nó đứng lên đi ra cửa bảo: Con chào bà rồi mẹ con mình đi.

Đêm ấy, hai mẹ con nó ra khách sạn ở. Mẹ chẳng nói gì nhưng nó thấy mẹ nó len lén khóc vụng. Nó cũng khóc, nó trùm chăn kín và khóc nức lên. Nó thấy nhớ ông nội. Và nó thương mẹ.

Hôm đưa tang, người ta không cho mẹ nó đeo tang, người đàn bà mặt choắt mí mắt to bự tô xanh xanh đứng điều hành, sắp đặt và sai phái như một nữ tướng áo xô oai dũng. Bố nó cóm róm bên cạnh. Người ta khoác lên người nó mấy lượt quần áo, đội lên đầu nó một chiếc mũ kì dị và đưa cho nó cái gậy. Người đàn bà mặt choắt chỉ cho nó đứng vào vị trí của cháu đích tôn.

Nó ngơ ngác nhìn mẹ đang đứng khuất sau đám đông người đến viếng, khuôn mặt đầy oặc nước. Nó không hiểu tại sao mẹ nó không được đeo tang như là nó với bố nó mà nó lại phải đứng đây?

Nó lờ mờ thấy cái gì đó không ổn, nhưng mấy người đàn ông mặc áo vàng đang hua hương nhảy chồm chồm trước quan tài ông nó làm lễ gì đấy thu hút sự tò mò của nó hơn. Bỗng ông này trượt chân tí ngã khiến nó bật cười lên thành tiếng. Nó sợ hãi nhìn quanh, nó thấy bố và người đàn bà mặt choắt nhìn nó đầy tức giận.

Nó nhìn thấy người đàn bà mặt choắt nói gì đó với bố và bố gật lia lịa. Nó vội co người đứng thẳng, mùi hương bốc lên nghi ngút và hơi nóng ngột ngạt của nhà tang lên làm nó cảm thấy khó thở. Nó bỗng thấy tất cả quay cuồng và đôi chân xịu xuống. Trước khi ngã ngất đi, trong đầu nó còn vẩn vương ý nghĩ: nếu sau này bố nó mà chết, dù thế nào nó sẽ làm đám cho ông chứ không phải nhờ đến người khác…

Khuôn mặt đầu tiên nó nhìn thấy khi tỉnh dậy là mẹ. Mẹ nói giọng thảng thốt: Cu ơi, con làm mẹ hoảng quá. Mẹ ôm nó vào lòng thì thầm: cực thân con tôi quá, mọi sự xong rồi con ạ, mẹ con mình đi được rồi…

- Này, mày đang nghĩ gì thế, tao xin bố tao tiền mua cái này làm quà sinh nhật cho mày…

Thằng Hưng dúi vào tay nó một gói nhỏ, nó mở gói quà, một bộ lê-go nhỏ lắp ráp hình con dê – tuổi của nó. Nó nhìn thằng Hưng đang ngoác miệng cười và rên lên be… be... Nó chợt phì cười, cái thằng chỉ được cái lúc nào cũng loe toe. Nó choàng tay qua vai thằng Hưng bảo, tối rủ bọn thằng Thành, thằng Bình với thằng Tuấn, năm đứa đi ăn kem xôi cho “ấm” nhé.

- Ôi, thế là mơi mãi đã được mời ăn kem xôi rồi…

- Mày là đồ háu ăn láu cá, rồi mày sẽ béo ịch lên như con trâu lăn…

Nó nhớ đến mẹ, chắc mẹ đang loay hoay đi mua quà cho nó, thế nào rồi mẹ cũng sẽ mua một bộ truyện “để bồi bổ kiến thức” và kèm theo bộ Gao chúa mà nó từng ao ước. Bao giờ mẹ cũng tặng nó đúng thứ mà nó thích.

Nó ước nó sẽ mau lớn để giống như mẹ, đoán được những gì người khác muốn. Nó chợt quên mất rằng nó đang rất ghét sinh nhật, quên mất nó không có ý định trở thành người lớn…

Đoàn Ngọc Thu, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn