“SILENT NIGHT”, KHÚC CA CỦA MỌI MÙA GIÁNG SINH

Thứ ba - 24/12/2013 16:19

(NCTG) “Ra đời sau một cuộc chiến đầu thế kỷ 19 với nội dung thổ lộ ước vọng được sống an lành trong ân điển của Đức Chúa Trời “bình an dưới thế cho người thiện tâm”, “Silent Night” đã trở thành khúc hát vượt không gian và thời gian, một giai điệu bất tử trong các mùa Giáng sinh...”.


Minh họa: Internet
 
Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng
Ðất với trời se chữ Ðồng
Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền.

Những giai điệu và ca từ quen thuộc nói trên là của một bài ca Giáng sinh với phần lời Việt của nhạc sĩ Hùng Lân, bài ca Giáng sinh nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại. Bản gốc của ca khúc, tựa đề Đức ngữ là “Stille Nacht”, tiếng Anh là “Silent Night”, đều có nghĩa là “Đêm yên lặng” (hay “Đêm thánh vô cùng”), đã được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại hồi tháng 3-2011.

Với giai điệu ngọt ngào và lời ca sùng kính, thanh thoát, “Silent Night” đã trở thành một trong những bài ca được hát nhiều và được yêu thích nhất của mọi thời đại, và theo thống kê, đã được dịch ra vài trăm thứ tiếng trên thế giới. Gần hai trăm năm kể từ khi ra đời, “Silent Night” đã gắn liền với những mùa Giáng sinh, trong ân điển của Đức Chúa Trời.

Bài ca huyền thoại này đã được ra đời như thế nào?

Trở về 195 năm trước, chuyện kể rằng, tại một làng nhỏ mang tên Obendorf gần TP Salzburg (Áo Quốc), có hai người bạn thân thiết, đều là những công dân Áo say mê âm nhạc: Joseph Mohr và Franz Xaver Gruber. Mohr là thầy Sáu tại nhà thờ Thánh Nicolas và từng là thành viên Ca đoàn, còn Gruber là một thầy giáo dạy nhạc, đồng thời chơi phong cầm tại nhà thờ.

Mùa Giáng sinh năm 1818, thầy Sáu Joseph Mohr đã có một bài thơ sáng tác trước đó 2 năm, và muốn biến thành một bài ca Noel. Mãi đến đêm trước của Lễ Giáng sinh năm đó, tức 24-12-1818, Joseph Mohr mới nhờ người bạn của mình, nghệ sĩ phong cầm Gruber, soạn phần nhạc điệu và phối âm cho đàn guitar vì lý do dường như đàn phong cầm của nhà thờ bị hỏng.

Tương truyền, thoạt tiên Gruber phản đối ý tưởng đó vì theo truyền thống, các bản Thánh ca trong nhà thờ đều phải được đệm bởi dương cầm và sẽ là một quan ngại nếu giáo dân phản đối sự hiện diện của cây guitar. Tuy nhiên, do không còn cách nào khác, người nhạc sĩ đành chiều theo ý bạn.

Mọi việc đã diễn ra nhanh chóng, chỉ nội trong vòng vài giờ, bởi lẽ trước đó, Gruber đã có sẵn một bài ca Giáng sinh với ca từ khác, vì được bạn hữu đề nghị. Phần nhạc điệu như thế là gần như được hoàn tất, và người nghệ sĩ chỉ cần chỉnh lại theo lời mới, là bài thơ của người bạn mình, thầy Sáu Joseph Mohr, cũng là một vĩ cầm thủ tại Đại học Thần học Thánh Phê-rô.

Rốt cục, “Silent Night” đã được vang lên trong Đêm Giáng sinh 1818 với hai giọng lĩnh xướng chính và phần đệm bằng guitar. Cho dù ban đầu cử tọa kinh ngạc với sự xuất hiện của cây guitar trong một bản Thánh ca tôn nghiêm như thế, nhưng chẳng mấy chốc, “Silent Night” đã vượt ra khỏi địa giới Salzburg, trở thành khúc nhạc Giáng sinh được ưa chuộng trên khắp Châu Âu và toàn cầu.

Gần một trăm năm sau, nhà thờ Thánh Nicolas không còn nữa: khu vực mà nó tọa lạc bị lũ lụt tàn phá, cư dân được di dời tới một nơi khác an toàn hơn và một thánh đường mới cũng được xây tại đấy. Tuy nhiên, ngay ở nơi nhà thờ cũ bị phá hủy, để ghi nhớ bản “Silent Night”, người ta đã dựng một nhà nguyện nhỏ mang tên “Nhà nguyện Tưởng nhớ Ca khúc Đêm Yên Lặng”.

Cùng nhà bảo tàng kế cận, ngôi nhà thờ nhỏ này là nơi thu hút du khách thập phương, đặc biệt trong các mùa Giáng sinh. Với sự lan truyền của bản Anh ngữ xuất hiện năm 1859, được coi là phiên bản thông dụng nhất hiện nay trên thế giới, âm hưởng của “Silent Night” ngày nay đã không thể thiếu được trong dịp Giáng sinh, dù ở bất cứ nơi đâu.

Tại Việt Nam, có một vài phiên bản với ca từ khác nhau của “Silent Night”, nhưng bản với lời Việt của nhạc sĩ Hùng Lân, một nhà sư phạm âm nhạc lớn - đồng thời cũng là cánh chim đầu đàn của thể loại “nhạc hùng” Việt Nam - luôn được coi là thành công nhất kể từ gần bảy thập niên nay.

Là một nhạc sĩ có căn bản học tập tại các chủng viện và đại chủng viện từ thời thơ ấu, rồi có thời gian chỉ huy Ca đoàn Lộ Đức (Cầu Mới, Tân Định) tại nhà thờ Pha-xi-cô Đa-Kao, Hùng Lân thấm nhuần sâu sắc giáo lý Kitô giáo – do vậy, tinh thần của bản gốc “Silent Night” đã được ông chuyển ngữ hết sức xác tín trong phiên bản “Đêm thánh vô cùng” của mình.
 
Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi...

Cũng nhờ những nét lãng mạn và trong trắng của phiên bản Việt ngữ, mà một vài ca khúc với chủ đề tình yêu tinh khôi dưới bóng giáo đường đã ra đời. Như bản “Bài thánh ca buồn” của nhạc sĩ Nguyên Vũ, xuất phát từ một cảm xúc thánh thiện thời trẻ của tác giả trong mùa Noel ở Nhà thờ Con Gà, Đà Lạt, khi ông còn là một thiếu niên 14 tuổi.

Ra đời sau một cuộc chiến đầu thế kỷ 19 với nội dung thổ lộ ước vọng được sống an lành trong ân điển của Đức Chúa Trời “bình an dưới thế cho người thiện tâm”, “Silent Night” đã trở thành khúc hát vượt không gian và thời gian. Sau gần hai trăm năm, vô số các danh ca đã thể hiện nó, một giai điệu bất tử trong các mùa Giáng sinh...

Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn