BÍ MẬT CỦA LÂU ĐÀI ÂM THANH

Thứ tư - 15/01/2014 21:24

(NCTG) Bạn có thể hình dung được cuộc sống không tiếng động như thế nào không? Đêm không có tiếng ri rỉ của dế, ngày không có tiếng véo von của chim, đến tiếng chó sủa, mèo kêu cũng chẳng nghe thấy nữa… Và nhất là nếu thiếu tiếng nhạc: đàn guitar thôi bập bùng, violon ngừng réo rắt và cả tiếng dồn dập của trống cũng không còn nữa?




Điều gì sẽ xảy ra với các ca sĩ khi họ bị mất đi giọng hát của mình? Cô bé Suzy thông minh và chú chó Albert tuy rất hiếu động nhưng tình cảm quyết tâm đi vào tòa lâu đài bí hiểm để giải thoát cho những âm thanh bị “bắt cóc” đó. Ai sẽ là bạn đồng hành, chỉ dẫn đường đi cho họ? Chính là hàng trăm khán giả bé nhỏ tuổi cỡ từ 6 đến 12 đang ngồi chật kín nhà hát Central Színház!

Phải thú thật rằng tôi rất it khi đi xem kịch. Đối với tôi, mọi thứ trên sân khấu quá ư là “giả”, là “đóng kịch” vì thiếu âm thanh, ánh sáng, phong cảnh, không gian… Nhất là đối với trẻ em, ngoài xem múa ba-lê từ các tác phẩm cổ điển như “Kẹp hạt dẻ”, “Hồ Thiên nga”, hay xem múa rối với sự tích các câu chuyện cổ tích thiếu nhi, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đưa chúng đi xem kịch vì nghĩ rằng chúng chưa đủ lớn, chưa đủ “trình độ” để ngồi xem, chắc sẽ chóng chán ngay.

Nhưng có lẽ tôi đã nhầm!

Vở kịch “Bí mật của Lâu đài âm thanh” (A Hang-villa titka) được chuyển thể sang tiếng Hung dựa trên kịch bản của Alan Ayckbourn - một tác giả biên kịch nổi tiếng người Anh, từng được nhận giải thưởng sáng giá nhất trong lĩnh vực sân khấu mang tên Tony. Chỉ với sáu diễn viên (trong đó một anh đóng vai chú chó), trang phục đơn giản, sân khấu sinh động, hợp lý, vở kịch đã lôi cuốn các khán giả trẻ và tất nhiên cả các bậc phụ huynh đi kèm từ đầu đến cuối.

Phần đầu mang nhiều tình cảm gia đình, mẹ con cô bé Suzy, tình bạn với chú chó Albert và ông hàng xóm, một cựu nghệ sĩ opera nay đã về hưu. Sự ngây thơ và ngộ ngĩnh của chú chó liên lục gây những tiếng cười không dứt. Mở đầu phần hai tuy hơi sợ hãi bởi sự xuất hiện đen ngòm của ông chủ tòa lâu đài tối tăm, nhưng lại huy động được sự tham gia của tất cả các khán giả có mặt. Khi Suzy và Albert đột nhập vào tòa lâu đài bí hiểm, cứ vài phút một, liên tục các diễn viên quần chúng phải giơ tay, hò hét cổ động chọn đường đi cho hai nhân vật chính.

Vừa buồn cười, vừa hồi hộp và vừa không có nhiều thời gian trống để “suy tư” cho đến tận phút cuối khi cả rạp phải hét toáng lên tưởng chừng như vỡ toang ra để “giải phóng cho âm thanh”. Kết cục có hậu, tất nhiên cũng mang tính “ cổ tích” một chút, nhưng cái chính là em nào cũng hỉ hả như thể nhờ có “công” của chính mình mà mọi thứ được thế.

Chính Simon Kornél, đạo diễn trẻ người Hung cũng không ngờ được một vở kịch tưởng chừng như “chỉ” dành cho trẻ em mà mang lại thành công vang dội như vậy. Từ lúc ra mắt cho tới nay, buổi diễn nào cũng kín rạp bởi các đoàn học sinh các trường đi cùng cô giáo và tất nhiên, vở kịch cũng là một dịp thư giãn bổ ích cho cả gia đình.

Đối với đạo diễn trẻ này, lời khen lớn nhất là từ một khán giả trẻ: “Đúng là nên sống ở Budapest để đi xem được những buổi biểu diễn có chất lượng thế này!”, còn điều khiến ông ngạc nhiên nhất là một anh bạn đã kể lại chính xác từng chi tiết trong vở kịch mặc dù anh chưa hề xem, mà mới nghe qua cô con gái kể lại!

Thế mới biết: giáo dục cho thế hệ trẻ là một mũi tên bắn tới nhiều đích!

BS. Đặng Phương Lan – Ngày 13-1-2014


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn