Truyện ngắn của Lê Quang: KHÔNG MẤT NGỦ

Thứ năm - 16/01/2014 21:50

(NCTG) “Trước hết xin bà hãy tin là tôi đã bị xử oan, cho dù điều đó không có hệ quả gì với bà và cả với tôi, vì hôm nay, nếu có minh chứng được cái điều không thể minh chứng được ấy thì cũng chẳng ai trả lại cho tôi quãng đời bị mất. Chỉ hỏi riêng bà, nếu giờ này bà biết tôi bị oan, liệu sẽ có lúc nào bà mất ngủ không?”.



Christa Prangerl cố đưa mắt ra cửa sổ tàu InterCityExpress, tránh tia nhìn của người đàn ông ngồi đối diện. Linh cảm nữ tính mách cho cô biết mắt người đó dán chặt vào cổ sơ mi thả khuy khá sâu của mình, nhưng bây giờ mà đưa tay lên cài kín hoặc thậm chí đi sang khoang ghế bên cạnh thì cũng hơi khó coi. Cô cố làm vẻ ung dung và nhìn ra phong cảnh loang loáng ngoài cửa sổ tàu cao tốc, song chỉ tổ chóng mặt, mà trong tay cũng không có tờ báo hay quyển sách nào để cắm mắt vào đọc.

Mặt khác cũng không thể nói ánh mắt người đó mang ý sỗ sàng hay thậm chí dâm tục. Ông khách đồng hành ít cảm tình này thuộc loại khó đoán tuổi. Da trắng bủng, mặc dù dáng người săn chắc. Tóc rẽ ngôi chỉnh tề, mượt dày và khỏe mạnh, nhưng dưới mắt thâm quầng nhàu nhĩ. Cô đã chú ý từ lúc ông ta mới bước vào khoang ngồi, lịch sự hỏi ghế trước mặt cô còn trống không, trước khi gác cái túi du lịch mới tinh lên giá kim loại trên đầu.

Rồi ông lấy trong túi áo khoác ra một tràng hạt gỗ gụ bóng mờ. Cũng lạ, cái kiểu túi du lịch nhựa bóng được các hãng hàng không phát miễn phí khi ngồi hạng thương gia rất hợp với bộ quần áo lạc mốt đến nực cười. Chả ai thời này mặc quần loe kẻ ca rô chìm, sơ mi thêu hoa sặc sỡ có cổ bẻ to như tai voi, đã thế lại khoác ngoài một chiếc khoác na ná như đồng phục bảo hộ lao động. Trông ông như người lạc bước từ thế kỷ trước.

Nhân viên soát vé chào to một câu khi bước vào đầu toa. Hành khách lục tục moi vé ra để kiểm soát. Christa Prangerl vẫn lim dim nửa thức nửa ngủ, cô lên từ ga đầu và đã trình vé một lần. Cô chỉ hé mắt khi nghe giọng nhân viên soát vé hơi gay gắt:

- Theo quy định, giấy này phải dán ảnh và ghi tên ga cuối. Không phải lỗi của tôi.

- Thưa quý ông (cái giọng khê khê như lâu chưa được nói, cố ghìm mà âm lượng vẫn khỏe không ngờ, mà cũng chẳng ai xưng hô kiểu cách như vậy, nếu không để giễu cợt), ngót mười bốn năm nay tôi chưa chụp ảnh, và nếu bên quản lý bỏ sót thì cũng không phải lỗi tôi. Nếu ông sẵn bút thì ghi hộ tên điểm đến là Schwerin. Cảm ơn ông.

*

Giờ thì Christa Prangerl tỉnh hẳn. Sau chừng ấy năm lăn lộn trong nghề luật sư hình sự, cô không lạ gì tờ giấy màu xanh nhạt của trại giam phát cho tù nhân mãn hạn, cho phép sử dụng miễn phí mọi phương tiện giao thông công cộng đến một điểm bất kỳ trong toàn quốc. Nhưng lần này nó khiến cô nhớ nhiều hơn đến hồi chập chững đâm đơn xin tập sự tại văn phòng luật hình sự Dreibrot & Partner ở huyện thị Bad Homberg.

Cuộc phỏng vấn diễn ra chóng vánh, không chỉ vì điểm kỳ thi quốc gia của nữ sinh viên Christa Prangerl rất xuất sắc, mà có lẽ cũng vì cô chung sống với một kiến trúc sư người Việt và phòng luật sư Dreibrot & Partner lại có nhiều thân chủ là công nhân Việt Nam làm việc tại địa phương. Vừa ngồi chưa nóng chỗ, cô được giao nghiên cứu tập hồ sơ đầu tiên trong một vụ khá đơn giản.

Bà Dreibrot được nhờ hỗ trợ đồng nguyên đơn trong một vụ gây chết người vì vượt  quá phạm vi phòng vệ chính đáng, và có ý định đăng ký cho cô cùng tham gia tranh tụng, dĩ nhiên chủ yếu ở vị trí trợ lý dự thính. Bà Dreibrot chỉ nhận làm vì văn phòng đang rảnh, chứ xét về chuyên môn thì vụ việc không có gì đáng để tâm: hai công nhân cùng nhà máy, một người Việt và một người Đức, vì lý do nào đó sinh ra cãi vã rồi xô xát bằng dao, người này đâm trượt, người kia đâm lại và gây tử vong.

Đại diện sứ quán Việt Nam đề nghị truy tố thủ phạm người Đức tội cố sát chứ không công nhận biện pháp phòng vệ. Do không hề có nhân chứng nên mọi việc chỉ dựa trên kết quả thẩm vấn trong tù và trước tòa, mà theo lời khai rất thống nhất của bị cáo thì anh ta do bị tấn công trước nên hoảng hốt vớ bừa con dao trên bàn để tự vệ. Cả đại diện Viện Công tố lẫn Hội đồng Xét xử dường như đều nghiêng về hướng “án tại hồ sơ” để tha bổng nghi can.

Phần thẩm vấn tại tòa cũng diễn ra chóng vánh, người ít thờ ơ nhất, dĩ nhiên, là Christa Prangerl. Cô căng thẳng, cổ nổi mấy vết đỏ như mỗi lần xúc động mạnh. Xưa nay, trừ vài buổi đến xem xét xử phục vụ cho bài học, cuộc đời thật với vô vàn mặt trái của nó toàn hiện ra trước mắt cô ở dạng tài liệu giáo khoa hay phiên tòa giả định trên giảng đường. Có tội hay vô tội đều được kết luận qua cách vận dụng và diễn giải các điều khoản luật. Chỉ khi khoác cái áo choàng đen ngồi trên băng ghế đối mặt với đại diện Viện Công tố mới cảm nhận được ranh giới mong manh giữa mùi vị của không khí ngoài trời và sau song sắt.

Điều đó không qua mắt ông thẩm phán già đôi khi đến Đại học Luật thuyết trình và tình cờ biết mặt cô sinh viên loi choi hay giơ tay hỏi giữa chừng. Khi bà Dreibrot hỏi bị cáo xong, ông muốn biết cộng sự Prangerl có muốn hỏi gì thêm. Bà Dreibrot nhướng cặp mắt ngái ngủ sang cô luật sư tập sự, chả gì thì đây cũng là một dịp để làm quen không khí tranh tụng.

- Ông Kretschmar, ông có thể giải thích vì sao trong buổi thẩm vấn ngay sau khi bị tạm giam, theo biên bản tại trang XVII-16 đến XVII-24, ông nói là bị đâm sượt qua tai trái, còn trước tòa ông nói là sượt qua tai phải?

- Tôi không nghĩ là nên quan trọng hóa…

- Ông Ktretschmar, nhiệm vụ của ông là trả lời câu hỏi, chứ tôi không nhờ ông đánh giá quan điểm của luật sư!

Ông thẩm phán già không giấu nụ cười tủm tỉm khi liếc qua băng ghế luật sư. Bà Dreibrot ngồi dựng thẳng lưng.

- Xin nhắc lại, giữa phiên tòa hôm nay và lần thẩm vấn đầu tiên chỉ có ba tháng, không đủ lâu để ông nhầm lẫn một chi tiết tối quan trọng giúp các bên tiến gần sự thật.

- Tôi làm sao nhớ được mấy chuyện vặt vãnh như vậy.

- Ông cho đó là chuyện vặt?

- Ít nhất thì cũng không đủ quan trọng để nhớ.

- Vậy xin ông cứ phát biểu, theo trí nhớ ông hôm nay, ông bị đâm sượt tai phải hay trái?

- Phải. Cũng có thể trái.

- Cảm ơn ông, thưa quý tòa, tôi không còn câu hỏi nào nữa.

Bà Dreibrot nhổm lên như định nói gì, nhưng cô khẽ phẩy tay rồi quay lên Hội đồng Xét xử:

- Thưa quý tòa, cuộc sống hằng ngày ở đất nước này cho thấy 90% dân số trong đời mình chưa từng tận mắt nhìn thấy một vụ đánh lộn có vũ khí, nói gì đến giết người. Ơn Chúa, chúng ta sống sáu chục năm nay trong hòa bình, và tình hình trị an ở một thị tứ nhỏ bé như ở đây càng củng cố nhận định của tôi (cô hắng giọng và nghỉ một lát, hài lòng cảm nhận không khí phòng xử căng như dây đàn) rằng bị một con dao dài 32 cm đâm sượt qua tai không phải là một trải nghiệm thường tình.

Nghi can Kretschmar sau khi bị bắt, dù sao cũng đã được nghỉ một ngày và không trong tình trạng hoảng loạn, khai rằng ông ta bị dao đâm sượt tai trái. Thưa quý tòa, tôi dám chắc là một người như tất cả chúng ta, sau một sự cố như thế sẽ không hiếm lần choàng dậy giữa đêm vì ác mộng, sẽ rú lên kinh hoàng, sẽ túa mồ hôi đầm đìa vì sợ hãi. Nói cách khác, sự cố ấy sẽ luôn theo đuổi chúng ta đến cuối đời, mỗi tích tắc sẽ là một cảnh trong thước phim quay chậm, lóe sáng lên trước mắt từng chi tiết một.

Vậy mà nghi can Kretschmar cả quyết không nhớ rõ, thậm chí còn cho là không quan trọng để nhớ. Thưa quý tòa, bài toán tưởng chừng hóc búa này chỉ có một lời giải duy nhất: nghi can đã nói dối. Tôi mới bước một chân vào nghề luật sư nên góc nhìn của tôi gần vỉa hè hơn pháp đình. Tôi cho rằng nghi can đã đâm chết nạn nhân trong vụ xô xát rồi viện cớ phòng vệ để chạy tội.

Ở đây chưa đề cập đến việc thủ phạm có chủ ý hay không, và trong trường hợp này thậm chí còn không được áp dụng nguyên tắc phỏng đoán vô tội quá sớm, vì cơ quan điều tra dường như đã bỏ qua một chi tiết mà tôi đọc được tại biên bản khám nghiệm hiện trường, trang XI-13: nạn nhân nằm ngửa dưới sàn,  nắm trong tay phải con dao có lưỡi dài 32 cm. Đã có ai nghi vấn chi tiết này, khi biết nạn nhân là người thuận tay trái?

Và nếu giả thiết chứng cứ này do nghi can ngụy tạo - vì không có người thứ ba nào ở hiện trường cho đến khi cảnh sát tới - thì cần xét thêm tội giả tạo chứng cứ, ít nhất là chiểu theo điều 263 Bộ Luật Hình sự cho phép phạt bổ sung tối đa 5 năm tù giam. Xét quy mô các thiếu sót trong giai đoạn điều tra, tôi đề nghị quý tòa trả lại hồ sơ để hoàn chỉnh.

Cả phòng xử lặng ngắt, trước khi công tố viên lí nhí đề nghị rút cáo trạng để điều tra bổ sung. Cho đến hết kỳ thực tập, vụ tái thẩm chưa diễn ra nên Christa Prangerl không rõ kết cục. Hôm liên hoan chia tay, bà Dreibrot có nhắc lại chuyện này với hàm ý khen ngợi, tuy vẫn hơi trách cô vì sao không nói sớm cho bà biết chi tiết thuận tay trái mà cô mò ra được khi xuống hỏi thăm các đồng hương của nạn nhân ở cùng chung cư.

Christa Prangerl nhũn nhặn xin lỗi, nhưng trong lòng cô khấp khởi một niềm đắc thắng giấu kỹ: nếu xưa nay còn vương vất chút nghi ngại nào thì kỳ tập sự thành công đã củng cố niềm tin là cô chọn đúng nghề. Cuộc đời khắc nghiệt này chỉ có chỗ cho những kẻ sáng láng, nói một cách tàn nhẫn là khôn sống mống chết.

*

- Xin lỗi, tôi là Kretschmar, Jochen Kretschmar, bà là luật sư, đúng không ạ?

- … Vâng?

- Chắc bà không nhận ra tôi?

- Thực tình là lúc này tôi đã nhớ mang máng …

- Tôi có mười bốn năm suy nghĩ trong ấy, và tôi ước gì được tình cờ gặp mặt để đặt cho bà một câu hỏi rất riêng tư. Chỉ không ngờ lại gặp ngay hôm được ra tù.

- Vụ của ông là lần đầu tiên tôi được tham gia tranh tụng nên còn nhớ đôi chút. Nhưng, ông cứ hỏi đi.

- Tôi thua trong vụ tái thẩm, phải công nhận là cách lập luận của bà khó ai bắt bẻ được. Mười bốn năm qua tôi đủ thì giờ để bứt khỏi mọi gánh nặng từ sự oan trái mà số mệnh đặt lên vai mình. Tôi không oán trách cá nhân bà, vì tôi tin là bà chỉ là một đinh ốc nhỏ trong guồng máy tư pháp đã lấy đi của tôi mười bốn năm cuộc đời. Tôi chỉ muốn hỏi riêng bà…

- … Vâng?

- Trước hết xin bà hãy tin là tôi đã bị xử oan, cho dù điều đó không có hệ quả gì với bà và cả với tôi, vì hôm nay, nếu có minh chứng được cái điều không thể minh chứng được ấy thì cũng chẳng ai trả lại cho tôi quãng đời bị mất. Chỉ hỏi riêng bà, nếu giờ này bà biết tôi bị oan, liệu sẽ có lúc nào bà mất ngủ không?

- …

- Không sao. Câu hỏi ấy đặt ra để tôi biết là đã đặt ra, chứ tôi chẳng mong có câu trả lời, thưa bà. Tôi đọc rất nhiều về đạo Phật trong tù. Oan trái chỉ là thử thách lòng người. Tôi chấp nhận đích đến nằm ở chính đường đi nên đã tính sổ gọn ghẽ với cuộc đời. Phật còn dạy năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn, mỗi số phận có một ngã rẽ khác nhau, thế giới này cũng có bao giờ công bằng tuyệt đối đâu? Xin lỗi đã phiền bà.

Người đàn ông uể oải đứng dậy, đút tràng hạt vào túi áo, lấy cái túi du lịch trên giá xuống và đi sang toa khác.

Thực ra, chưa bao giờ cô Prangerl mất ngủ, vì lý do công việc lại càng không. Cuộc đời như một vở kịch lúc nào cũng rình hạ màn, ngắn lắm, quá ngắn để từ chối chiếm một vai chính trong ánh đèn pha rực rỡ, nhất là khi người ta có điều kiện và khả năng. Bậc thang lên sân khấu lèn chặt xác người, không xéo lên thì không trèo cao được. Quy luật khắc nghiệt ấy do cuộc chơi đề ra, ai không tuân thủ thì sẽ bị đào thải không thương tiếc. Vậy thì, tại sao từ hôm nay cô lại phải mất ngủ, kể cả khi một trong những xác chết ấy đội mồ đứng dậy bắt chuyện với cô?

Lê Quang, từ Hà Nội - Ngày 13-1-2014


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn