Truyện ngắn của Lê Quang: KIM CƯƠNG

Thứ bảy - 28/06/2014 16:38

(NCTG) “Họ qua đêm với nhau ở nhà Mây, và dù xúc động thì cô vẫn lạnh lùng bỏ ngoài tai mọi lời hứa hẹn thề thốt của Intan, thậm chí còn thản nhiên nhìn Intan quỳ dưới chân. Gọi là trả hận đời thì chẳng phải, Mây hoàn toàn dửng dưng với tương lai. Cái mà người ta dụ cô gọi là ngàn vàng cũng chẳng đáng tôn vinh thành ngàn vàng”.


Minh họa: Internet

Một lần đến Bali trước khi chết! Thật thế? Người ta có thể thay Bali thiên đàng bằng Pattaya đàng điếm, Verona bi tráng, Tonga hoang sơ hay Amazon huyền bí – Mây nghĩ vậy khi cắn môi giữ cho nước mắt không ầng ậng lăn xuống má. Những ước mơ lãng xẹt tương tự chỉ lãng xẹt vì ta ưa đánh cắp từ người khác và nhẹ dạ tin vào chúng. Như mọi thứ đồ must-have và biển núi must-see và địa đàng must-go và con người must-love trên đời này.

Khi nói với tôi kinh nghiệm cay đắng ấy, Mây đã biết cười. Gượng gạo.

Bali không có cát trắng, dọc biển chỉ nham nhở xỉ than đen kịt từ núi lửa tràn xuống thềm đại dương cả ngàn năm nay, ít nhất là ở những bãi tắm rẻ tiền đông dân du lịch ba lô. Dừa của Bali cũng không oằn mình thơ mộng ngả xuống sóng biếc, thứ sóng mà vào ngày nóng vụt nhẹ như thinh không. Và nắng gió, cái mà thiên nhiên ban phát thừa thãi cho Indonesia, thì lại thiếu hẳn, ít nhất vào mấy tuần tháng Giêng trong năm: lẽ ra cô không nên đến Bali vào mùa mưa thối đất thối cát, lại càng không nên đem theo cuốn sách duy nhất là kịch bản phim Bobby Deerfield, vì những kẻ đang yêu không nên phân tâm bởi Al Pacino...

Nhưng Mây không yêu.

Không yêu nữa.

Cô như con nai trúng tên, lặng lẽ lui vào một góc để liếm vết thương rỉ máu.

Thực ra Intan không phải mẫu đàn ông khiến Mây chú ý. Anh gầy gò, da cháy nắng từ những ngày làm phu đào đất kiếm tiền nuôi gia đình ở Martapura, nơi ngót nửa dân cư sống nhờ vào khai thác và gia công kim cương. Trong một hội thảo về điện ảnh, Mây đến muộn và thì thào xin phép ngồi cạnh anh là người ngồi tận góc dãy bàn cuối. Intan mờ nhạt đến nỗi, giờ giải lao khi anh bẽn lẽn hỏi cô dùng trà hay cà phê để anh đi lấy hộ, lúc đó Mây mới có dịp để ý đến người ngồi cạnh. Ba ngày tiếp theo, anh lạ Hà Nội và tiếng Anh cũng không thạo lắm nên vô tình bám cô như hình với bóng, còn Mây cũng lịch sự chỉ cho anh vài địa chỉ đáng tham quan. Hai người dĩ nhiên cũng trao đổi vài câu xã giao. Nếu gọi là có chút cảm tình thân thiện thì đó là lòng cảm phục của cô dành cho Intan từ một phu đào đất lam lũ mà kiếm đủ tiền qua Canada du học và quay về dựng lên một xưởng phim tư nhân có tên tuổi.

Sau lễ bế mạc, anh mời cô đến một quán nhỏ bán đồ chay gần khách sạn. Sinh ra trong một xã hội đạo Hồi nhưng Intan theo một giáo phái nào đó ở Vermont trên miền Bắc Canada và không biết uống gì ngoài nước trắng. Anh nhắc đến giáo chủ Maharaja 17 của mình với vẻ thành kính vô biên. Người theo Maharaja 17 khước từ mọi chất kích thích trên đời, kể cả thuốc lá hay trà. Mây nghe Intan kể về chế độ kiêng khem ngặt nghèo mà không giấu nổi chút thương hại. Có thể vì vậy mà đột nhiên Mây thấy tự tin trước chàng trai lạ, cô tự gọi bia uống mặc dù sức cô cũng chỉ chịu nổi phần tư lít. Rồi họ sa vào cuộc tâm sự khá kỳ dị, từ chính trị, phim ảnh, lan man qua đời tư. Mây thảng thốt nhìn vào mắt Intan, cặp mắt đen loang loáng như ướt nước, và quên cả giật mình khi một bàn tay ấm nóng đặt lên đùi mình dưới bàn. Đã làm quen với nhiều kiểu đàn ông trong công việc nhưng chưa bao giờ Mây cảm thấy xốn xang như lúc này, đơn giản vì từ khi chia tay mối tình đầu cách đây sáu năm, cô chỉ còn biết vùi đầu vào công việc phim ảnh với thứ ngôn ngữ cô đơn của nó. Mây biết mình không đẹp. Cô không có năng khiếu làm mình hấp dẫn lẫn khôn khéo trong giao tiếp. Tóm lại, cô sống đến phát quen với đường tình duyên thiếu xuôi chèo mát mái của mình. Mối tình đầu tan vỡ cũng chỉ vì cô không muốn sống thử trước hôn nhân, không hẳn chỉ vì chịu ảnh hưởng từ gia đình nệ cổ của mình, mà vì cô có một số nguyên tắc khá cứng nhắc. Rồi từ đó trở đi, chưa một lần biết sự quyến rũ của nhục cảm nên cô cũng chẳng thấy thiếu nó.

Không phải củi kiếm trăm năm, nên thản nhiên chụm một giờ.

Họ qua đêm với nhau ở nhà Mây, và dù xúc động thì cô vẫn lạnh lùng bỏ ngoài tai mọi lời hứa hẹn thề thốt của Intan, thậm chí còn thản nhiên nhìn Intan quỳ dưới chân. Gọi là trả hận đời thì chẳng phải, Mây hoàn toàn dửng dưng với tương lai. Cái mà người ta dụ cô gọi là ngàn vàng cũng chẳng đáng tôn vinh thành ngàn vàng.

Tình yêu trai gái bớt hẳn ánh hào quang khi người ta quá ngưỡng ba mươi.

Đợi bảy ngày sau không có tin từ Martapura, Mây thảng thốt ngộ ra, những rung động mà cô dành cho mối tình đầu ngày xưa chả thấm tháp gì so với cảm xúc khiến cô bị hút hồn bởi Intan. Cô nhớ anh cồn cào, nhiều khi bật dậy giữa đêm và thấy vắng anh đến cháy ruột gan. Dường như mọi thiếu thốn từ xưa đến nay đã tích tụ lại và chỉ đợi dịp này để bùng nổ. Mũi tên của thần ái tình bắn xuyên qua tim Mây đúng lúc cô ít ngờ nhất, không mong chờ và cũng phần nào chẳng thiết tha. Khi có email trả lời, cô in ra giấy, gập nhỏ đút vào ví, cứ nửa tiếng lại đem ra đọc mấy dòng khô khan vô hồn mà ngọt ngào như mật ong rót vào tai. Vẫn biết Intan kiệm lời, song mỗi chữ của anh được Mây nhân lên thành một trường thiên tiểu thuyết.

Mây bỏ thói quen suy tính lâu những bước đi trong đời, vì cho đến nay cô gặp nhiều may mắn trong công việc và tin rằng số hên ấy sẽ ở lại với mình. Song tình cảm vốn kiếm đường riêng của nó, và Mây linh cảm có những cơ hội không quay lại trong đời nếu ta không chủ động nắm lấy chúng. Vứt lại sau lưng mọi bàng quan dành cho cuộc sống riêng từ xưa nay, Mây mơ màng nghĩ đến mái tranh nho nhỏ, cô tự hứa sẽ chỉ sống bằng khí trời và tình yêu là đủ, rằng cô sẽ có một đàn con lít nhít chạy ra đón ông bố mệt mỏi từ chỗ làm về, rằng cô sẽ âu yếm lau mồ hôi trên trán chàng, rằng cô sẽ hôn chàng trước khi ra khỏi nhà... Những hình ảnh phi thực mà xối xả nhấn chìm trí lực Mây.

Mây không biết Intan trong tiếng Bahasa Indonesia nghĩa là kim cương. Nhưng linh tính xui cô nghĩ thế. Mà kim cương thì không đem sánh với gì khác, nhất là những giá trị đã xa vời dĩ vãng.

Cô xin giám đốc cho nghỉ ba tháng không lương để sang Bali học một khóa bồi dưỡng kỹ năng xử lý kịch bản phim. Mây gửi email hẹn Intan đón ở sân bay Denpasar rồi lên đường.

Giờ đây cô ngồi bên bãi tắm Seminyak Beach nhiều đá sỏi và túi nylon xơ xác, trừ vệt cát nâu đỏ chiếu thẳng từ khách sạn ra, phần còn lại khá nhiều rều rác và những con chó dường như vô chủ chạy lông nhông, bới tung mấy đống rác kiếm ăn. Trời lặng gió mà mắt Mây đỏ. Nước mắt chảy vào trong.

Intan không ra sân bay đón cô, và chẳng có lời giải thích.

Cả Martapura cũng không có xưởng phim nào.

Tín hữu của Maharaja 17, bên cạnh trăm ngàn ràng buộc khác,
phải chinh phục được mười bảy trinh nữ trong đời để sau mỗi lần được lên cảnh giới mới.
Mây của chúng ta - cho đến tận hôm nay, khi cô tâm sự với tôi - không biết điều đó.

Lê Quang, từ Hà Nội - Tháng 6-2014


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn