SỐ ĐỎ CHÓT

Thứ tư - 08/01/2014 10:07

(NCTG) “Lập tức Bằng được bạn bè đặt biệt hiệu là Bằng Bướm. Sống giữa ba chục con bướm xa chồng bỏ chồng chưa chồng góa chồng no cơm rực ruột, thằng Bằng Bướm vừa lùn vừa lé bỗng dưng sinh ra khảnh ăn”.


Minh họa: Internet

Những người sát ngưỡng thập tử nhất sinh, ví dụ như suýt chết đuối rồi được cứu hoặc chết lâm sàng mà quay về với dương thế v.v... thường kể là lúc cận kề cõi âm, cả cuộc đời diễu qua trước mắt như một cuốn phim tua nhanh trong nháy mắt. Nghe thì biết vậy.

Nhưng hôm nay thì tôi thấy có lý. Vì chỉ trong mấy phút, ăn xong đĩa bún đậu mắm tôm sát vỉa cống, tôi đã dỏng tai nghe được chuyện cả một đời người, chính xác hơn là chuyện đứa cháu của bà ngồi cạnh kể cho bà bạn đi bộ thể dục dưỡng sinh.

Vẫn biết cái tính hóng hớt là xấu, nhưng cái thằng tôi tính khí khá đàn bà, mà chuyện cũng hay quá, không lu loa kể lại cho nóng sốt thì không chịu được...

 
♣♣♣
            
Theo quy định thì cứ năm chục lao động xuất khẩu được cử một thông ngôn và một đội trưởng đi kèm, nhưng vì một lý do quái quỷ nào đó mà đội công nhân Việt Nam về nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu trên vùng sơn cước Nam Đức chỉ có ba chục cô gái, vậy nên Ban giám đốc tuyển thằng Bằng về đây phiên dịch.

Lập tức Bằng được bạn bè đặt biệt hiệu là Bằng Bướm. Sống giữa ba chục con bướm xa chồng bỏ chồng chưa chồng góa chồng no cơm rực ruột, thằng Bằng Bướm vừa lùn vừa lé bỗng dưng sinh ra khảnh ăn. Sau khi bỏ ra sáu tuần xét tuyển vòng đầu gồm một tá ứng viên dào dạt hứng tình, nó lựa ra một em bé Sài Gòn 19 tuổi nõn nường trinh nguyên, tên Son, thuộc lớp trẻ con hồi 30 tháng Tư 1975 còn chạy theo sau các anh bộ đội giải phóng từ trên rừng về xem có đuôi không.

Chị đội trưởng cứng tuổi, cũng thuộc nhóm bị gạt đơn, căm nó bầm gan tím ruột song vì tính chất công việc và cũng không biết ngoại ngữ nên vẫn phải ngọt nhạt cộng tác với Bằng Bướm. Bù lại thì Bằng Bướm cũng không hẳn để chị nguội lạnh; bữa nào vắng mặt Son là nó cũng hạ cố tắc lẻm một quả ngủ trưa thân mật. Là phiên dịch thì không phải làm nhiều, ban ngày nó la cà các thành phố lân cận, kiếm xe đạp Mi-pha và xe máy Mô-kích chuyển về nhà để bố mua đất mua nhà dành sẵn.

Bằng Bướm từng có vợ và con gái ở xứ Phú Thọ bát ngát rừng cọ đồi chè, nhưng không biết gì đến đồng xanh ngào ngạt vì nó theo bố lên Hà Nội từ nhỏ, từ ngày ông nhận chức vụ phó trên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và bù đầu công việc không thể ngó ngàng đến con. Bà mẹ cùng em gái nó ở lại quê vì vướng ông bà nội già yếu. Ngày ngày học xong, Bằng ra chợ Bắc Qua theo chân bọn du côn đá cá lăn dưa, chẳng mấy chốc được phong làm thủ lĩnh vì cứ đứa nào bị bắt vào đồn là Bằng lại cạy cục nhờ bố gọi điện xin ra.

Nó tự vỗ ngực là kẻ có chữ nhất trong đám lưu manh kiêm lưu manh nhất trong đám có chữ. Tốt nghiệp phổ thông, sáng dạ và với số điểm vừa đủ, Bằng may mắn được sang Đức học trung cấp đường sắt. Trong kỳ tập trung đi du học, Bằng về quê cưới con gái ông chủ tịch xã rất môn đăng hộ đối. Đứa con gái, kết quả cuộc hôn nhân chớp nhoáng, ra đời khi Bằng nhập học, và cho đến ngày ly dị từ xa nó chỉ biết mặt con qua ảnh vì không về phép lần nào.

Mới được hơn một năm thì hai nước Đức tái hợp, nhà máy buộc phải sa thải hết công nhân nước ngoài và bồi thường cho mỗi người ba ngàn Đê-Mác làm vốn hồi hương. Bằng Bướm xời lại ba ngàn Đê-Mác của Son để sang tên miễn phí cho gã bạn nhậu cùng phân xưởng kết hôn giả. Son khóc cạn nước mắt nhưng bù lại thì kiếm được cái giấy định cư, vì nó mồ côi không biết về nhà sẽ làm gì.

Với số vốn ấy và hai cái nhà to ở đường Tàu Bay đột nhiên có giá cho thuê ngất ngưởng, nó mở một hiệu cà phê đèn mờ kiêm tắm hơi mát xa và một xưởng làm nước đá bằng nước giếng khoan lọc sơ sơ qua bể cát, đúng lúc Hà Nội ào ạt mở nhà hàng. Bố nó đã về hưu nên Bằng phải tự lực chạy chọt. Khi đăng ký giấy tờ kinh doanh, nó nhân đó bén mùi với một cô bé tại chi cục thuế quận có bố làm ở Bộ Ngoại giao. Một năm sau thì đám cưới, Bằng Bướm bây giờ tên là Toni và đã xong khóa tiếng Anh bằng B, được ông nhạc thu xếp vào làm nhân viên đại sứ quán một nước Tây Âu ở Hà Nội, chuyên trả kết quả đơn xin thị thực.

Toni, nhân viên đại sứ quán kiêm chủ nhà chứa kiêm giám đốc xí nghiệp nước đá kiêm cổ đông Công viên nước Hồ Tây, làm được ba tháng thì nghĩ ra một mẹo. Số là các đơn xin qua Châu Âu thăm thân thường phải do Sở Ngoại vụ nơi người bảo lãnh kiểm tra. Mỗi lần giấy đồng ý từ nước ngoài chuyển về, nó ghìm lại, đợi người làm đơn - sát ngày ghi trong vé bay - sốt ruột gọi điện đến hỏi. Nó mò đến tận nhà riêng người ta và, với giọng trầm hùng nguy hiểm, cho biết là người bảo lãnh có vấn đề về diện tích nhà ở quá nhỏ hoặc nợ thuế kinh doanh gì đó, nên có lẽ đơn sẽ bị từ chối. Nếu muốn, nó sẽ lờ hộ chi tiết đó trong hồ sơ. Thế là mỗi khổ chủ ngoan ngoãn nộp cho nó tối thiểu mười triệu.

Hai năm sau, Toni đã có một dây chuyền sơn ô tô ngon lành nhất Hà thành, đúng lúc đó thì gặp nạn. Một bà sồn sồn bị trục trặc khi xin đi bế cháu ngoại đã nhờ người thân ở nước ngoài hỏi lại Sở Ngoại vụ và biết chắc mẹo của Toni. Bà đến đại sứ quán, dúi cho Toni một phong bao có năm tờ 100 USD, ra đến ngoài đường bà báo cho con gái bên tận trời Tây gọi điện về cho bộ phận lãnh sự tố cáo Toni. Do cô con gái đọc rành rành cả số xê-ri năm tờ bạc in hình vĩ nhân lập quốc Benjamin Franklin, trùng khít với tang vật mà người phụ trách an ninh sứ quán tìm được trong ví Toni, nên nó bị đá ra vỉa hè ngay trong ngày.

Toni mở một phòng bán vé máy bay kiêm tư vấn cách làm đơn xin thị thực vào Liên hiệp Châu Âu sao cho trót lọt. Hai năm sau, cỏ đã mọc kín nấm mồ bê bối ngày xưa, Toni trở lại biên chế Bộ Ngoại giao và nhậm chức Tham tán Văn hóa ở một quốc gia Bắc Âu. Xong nhiệm kỳ này mà không vớ ghế vụ trưởng vụ phó thì có mà trời sập.

Lê Quang (ghi), từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn