HỘI LÀNG

Thứ tư - 05/03/2014 09:48

(NCTG) “Mình đi vào trong chùa, thắp nén nhang lên Phật nhưng không thể nào lễ được vì bên ngoài liên tục: - Chúng tôi xin ghi nhận công đức của…”.


Đông nghịt!

Tối qua mẹ gọi điện nói: “Mai hội làng đấy con, con về nhé, lâu lắm rồi con không về đi hội”. Ừ, cũng lâu thật mình đã không về quê đi hội, lòng lại chùng xuống, bâng khuâng…
 
Nhớ con đường gạch lát nghiêng mưa xuân lất phất mình lon ton chạy theo chân bà đi hội. Để được sà vào chỗ này, sà vào chỗ kia và một lúc sau cổ xúng xính mấy cái khánh đỏ. Và thích nhất vẫn là sau một vòng theo bà đi lễ từng ông phật một trước khi về bao giờ sư thầy cũng đưa cho mình mấy cái oản, quả chuối lộc nhà chùa. Ăn cho hay ăn chóng lớn, cho gặp nhiều may mắn.
 
Sáng nay dậy sớm hăm hở về quê, gớm người ở đâu ra mà đông thế, len lỏi mãi, đi mãi mà vẫn chưa đến được chùa làng, đôi chỗ lại phải rẽ vào những ngõ nhỏ để tìm đường khác đi cho khỏi tắc. Đến cổng chùa rồi mà cũng mãi mới len chân vào được trong sân.
 
Bước vào sân chùa người đông nghìn nghịt, đúng lúc loa rất to:
 
- Chúng tôi xin ghi nhận công đức của anh Hoàng Văn T., trú tại thôn 7 với số tiền một triệu đồng.
 
Mình bước tiếp vào bên trong chùa. Tiến dần đến ban thờ Phật chính, thì giật mình thấy bên trái ban thờ Phật chính có ba người phụ nữ đang ngồi ghi chép ở ba bàn, và rất nhiều người đứng đằng sau đưa tiền. Tại một bàn nữa hơi khuất cái cột thì có một người đàn ông cầm chiếc micro trên tay.
 
Mình quỳ xuống bậc thềm trải chiếu trước ban thờ chính, với tay lấy chiếc dùi gõ vào mõ như bà mình vẫn làm ngày xưa trước khi cúng.
 
- Coong…
 
Tiếng coong ngân vang lên kéo dài… mình chắp tay trước ngực và trong đầu bắt đầu lẩm nhẩm:
 
- Con nam mô a di đà phật….
 
- Chúng tôi xin ghi nhận công đức của chị Nguyễn Thị A., thôn 4 với số tiền là năm mươi nghìn đồng.
 
Tiếng loa phát ra từ chỗ người đàn ông cầm micro khuất sau cái cột. Mình lại lẩm nhầm trong đầu:
 
- Con lạy chín phương trời, mười phương phật…
 
- Chúng tôi xin ghi nhận công đức của cháu Nguyễn Thị H., học sinh lớp 7 với số tiền là năm mươi nghìn đồng.
 
Có vẻ không ổn! Mình ngoái hẳn ra nhìn thì thấy người phụ nữ bàn bên cạnh vẫn đang chuyển xấp giấy cho người đàn ông, và ông này vẫn đang chăm chú đọc từng tờ giấy nhận được.
 
Mình đành đứng lên vái dài lạy Phật một cái rồi đi tiếp đến các ban khác. Ban nào cũng thấy hai hòm công đức to uỳnh để bên cạnh, một hòm bằng gỗ đỏ một hòm bằng két sắt.
 
Chỉ còn một ban nữa là ra sân chùa sau thì mình lại nghe thấy, lần này là giọng nữ:
 
- Chúng tôi xin ghi nhận công đức của ông Trần Văn H., ở Phổ Yên, với số tiền là một trăm nghìn đồng.
 

Hát quan họ trên ao rối
 
Mình bước vào sân chùa sau, cũng thấy bên trái có ba bàn giống như ở ban chính thờ Phật lúc nãy với ba người phụ nữ, hai người ghi chép còn một người cầm micro đọc khi bên ghi chép đưa cho.
 
Còn bên phải cũng ba bàn, nhưng lại là các bà già, mặc áo nâu sòng, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Mình ngạc nhiên hỏi:
 
- Sao hai bên ghi công đức lại có vẻ khác nhau thế này?
 
Một bà đang ghi trả lời mình:
 
- Kia là công đức của xã mới có loa, còn đây là công đức của nhà chùa.
 
Mình đi vào trong chùa, thắp nén nhang lên Phật nhưng không thể nào lễ được vì bên ngoài liên tục:
 
- Chúng tôi xin ghi nhận công đức của…
 
Không thể tiếp tục lễ, mình bảo mẹ mình đi về thôi, có lễ được Phật đâu, chỗ nào cũng thấy công đức. Bước ra sân chính để về thấy người vẫn đông nghìn nghịt xúm vào các trò chơi dân gian như cờ người hay những chiếu chèo, chiếu quan họ, chiếu hát tuồng được rải ra khắp sân. Và trên loa vẫn liên tục:
 
- Chúng tôi xin ghi nhận công đức của…
 
Bước ra khỏi cổng chùa, trước mặt là ao rối, thấy người đứng vòng trong vòng ngoài, mấy bà già áo nâu sòng đi cạnh mình rủ nhau:
 
- Ra nghe quan họ cái rồi về đi bà.
 
Đúng lúc đó tiếng cô giới thiệu:
 
- Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài hát “Gõ cửa trái tim”.
 
Mấy bà già đang bước khựng lại hỏi mình:
 
- Họ vừa nói hát bài gì vậy chị?
 
Mình bảo:
 
- “Gõ cửa trái tim” bà ạ!
 
Mấy bà ngơ ngác:
 
- Thế bài đó có phải quan họ không?
 
Ôi hội chùa quê tôi…

Bài và ảnh: Bích Ngọc, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: không thể, liên tục
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn