TÌNH KHÔNG BIÊN GIỚI

Thứ ba - 06/05/2014 14:39

(NCTG) “Nhưng với tôi, dù chưa gặp, tôi vẫn tin Rakesh là một người tử tế. Ít nhất anh ấy cũng đã làm cho bà Menaka tin vào một tình yêu vượt ra ngoài biên giới tuổi tác”.


Minh họa: Internet

Nhờ người quen giới thiệu, tôi thuê được chỗ ở với giá rất phải chăng ở ngay Tudor City. Cửa sổ phòng tôi mở ra phía bờ sông. Ngày quốc khánh Mỹ mùng 4-7, ngồi từ trong phòng ngó ra, tưởng chừng như có thể với được cả những vệt pháo hoa rực rỡ. Những kỳ họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, chỉ cần để ý một chút là thấy cả lực lượng an ninh cầm súng thấp thoáng trên nóc nhà UN. Trực thăng bay vè vè không dứt.

Chủ nhà của tôi là một công chức về hưu. Giống như hầu hết những bệnh nhân tiểu đường lâu năm, bà di chuyển khó khăn vì vòng ba quá cỡ đặt trên đôi chân điển hình châu Á mang giày cỡ 6,5. Có lẽ bà cần có người nói chuyện hơn là 500 USD một tháng cho căn phòng ngủ chưa đầy 15 mét vuông trong căn hộ hai phòng ngủ ở vị trí đắc địa này.

Điều kiện tôi cho là khó khăn nhất đối với khách thuê nhà do bà đặt ra là không được phép về nhà sau 11 giờ đêm, và không mời bạn bè đến chơi, bất kể thời gian nào. Tôi và bạn trai mới chia tay cách đây không lâu. Sở dĩ tôi tích cực săn lùng học bổng cũng chỉ để chạy trốn ra khỏi nơi đã có quá nhiều kỷ niệm của hai người. Tôi không tin là trong vòng sáu tháng, tôi có thể mở lòng ra với bất kỳ chàng trai nào nên chấp nhận điều kiện của bà một cách tự tin và vui vẻ.

Menaka – tên bà chủ nhà – là người sạch sẽ nhất trên đời mà tôi từng gặp. Đôi khi, chúng tôi ngồi ăn tối cùng nhau, nhưng không bao giờ bà có ý định cho tôi sử dụng chén, đĩa của bà. Tôi có một ngăn tủ riêng đựng đồ của mình. Ngay cả khi bà muốn mời tôi món tráng miệng do chính tay bà chế biến thì bà cũng múc vào chiếc bát tôi mua ở chợ Tầu – 0,75 xu một chiếc. Bà sợ tôi rửa chén không đúng ý khi mang trả.

Giữa hai chúng tôi có một thỏa thuận bất thành văn trong việc sử dụng phòng tắm và toilet. Buổi sáng, sau khi tôi làm xong phần vệ sinh cá nhân, Menaka sẽ sử dụng găng tay và bình xịt để kỳ cọ sạch sẽ chậu rửa, bồn cầu rồi mới bắt đầu đánh răng, rửa mặt. Buổi tối, tôi là người sử dụng sau cùng vì phải học khuya. Ban đầu, thấy bà kỳ cọ bồn cầu bằng chổi và dung dịch Mr. Clean trước mỗi lần sử dụng tôi cũng thấy chạnh lòng. Cứ nghĩ bà chê mình ăn ở mất vệ sinh. Dần dần tôi tập cho mình quen với ý nghĩ bớt được một việc trong ngày. Hôm nào bà không cọ, tôi còn chủ động nhắc.

Menaka treo ảnh của con cháu ở khắp nơi. Gia đình con trai bà ở tận Florida. Hai đứa cháu nội đã ra trường và có thu nhập khá. Bà thường chủ động gọi điện cho con trai vào khuya thứ sáu. Cô cháu ngoại đang làm tiến sĩ Tâm lý ở Boston thì thay bố mẹ, gọi điện “kiểm tra” bà vào cuối tuần. Một hôm, đúng dịp tôi nghỉ ôn thi ở nhà thì thấy bà to tiếng qua điện thoại. Sau đó bà đóng cửa buồng nằm qua trưa, không dậy nấu ăn. Biết bệnh của bà không được phép bỏ bữa, tôi nấu mỳ rồi đập cửa phòng mời bà ra ăn cùng. Nghe tôi khẩn khoản, bà đành nặng nhọc theo tôi ra bếp.

- Chị gái tôi vừa bị tai nạn giao thông. Hai đứa thương mẹ quay sang trách tôi “cướp chồng” của mẹ chúng - bà Menaka bắt đầu kể.

“Tôi là con út trong một gia đình có bốn anh chị em. Chị gái tôi xinh đẹp, học hành giỏi giang. Tốt nghiệp đại học, chị tìm được việc làm ở ngay thủ đô. Anh rể tôi lúc ấy đã là quản lý ở một ngân hàng lớn. Mười chín tuổi, tôi ngờ nghệch và xấu xí. Ngoài thời gian giúp đỡ cha mẹ trông nom trang trại của gia đình, tôi chỉ quanh quẩn chơi với mấy cô bạn gái trong làng. Lúc ấy, chị gái tôi vừa sinh thằng Arun. Anh chị nhờ tôi lên thành phố trông Arun và đưa đón Amy đi học.

Anh rể tôi là một người cục cằn. Bọn trẻ con sợ bố một phép. Trong bữa ăn, chúng không được phép trêu đùa, nói chuyện và phải ăn bằng hết thức ăn trong đĩa. Có lần thằng Arun mê món cừu nướng đã lấy một miếng rõ to. Cả đêm hôm ấy, thằng bé không được phép đi ngủ cho đến khi ăn hết miếng cuối cùng. Khi tôi đưa nó lên phòng ngủ, nó vội ôm bồn cầu và nôn thốc tháo như thể người ta dốc ngược một cái ruột tượng.

Nhiều lần, tôi chứng kiến anh rể hất đổ cả bàn ăn đứng dậy chỉ vì một câu nói bâng quơ làm anh phật lòng. Chị gái tôi đến chỗ làm với những vết bầm trên mặt kéo dài hàng tuần. Chị giải thích với đồng nghiệp rằng mình bị va vào cánh cửa tủ đựng bát đĩa hoặc vấp ngã trong lúc dọn dẹp ngoài vườn. Không ai tin vào những lý do chị đưa ra, nhưng có một người đàn ông trong sở cực kỳ xót xa mỗi khi thấy chị đeo kính đen to bản cùng với chiếc khẩu trang che kín khuôn mặt bầm dập của mình. Người ấy muốn bứt chị ra khỏi sự đọa đày đó.

Giọt nước tràn ly là khi con bé Amy chạy nhảy làm vỡ chiếc đĩa cổ – đồ gia bảo. Anh rể tôi túm chặt con bé giơ cao lên như có thể quật nát nó xuống sàn nhà. Mặt Amy tím ngắt không còn hạt máu. Chị tôi xông vào như con thú, giằng con bé ra khỏi tay bố rồi ôm con chịu những cú đòn khủng khiếp của chồng. Đêm ấy chị em tôi nói chuyện rất khuya. Tôi hứa sẽ ở lại, yêu thương chăm sóc hai đứa như con đẻ để chị yên tâm trốn đi với người đàn ông của mình.

Tôi trở thành mẹ kế của chúng và thay chị tôi chịu đựng những trận đòn vô lối của chồng. Nhiều người ở quê không hiểu đầu cua tai nheo cho rằng tôi đã tán tỉnh anh rể khiến chị gái phải bỏ nhà ra đi. Chung sống được thêm mười năm thì chính tôi là người mang theo hai đứa con bỏ ra khỏi nhà.

Chị gái tôi lúc đó đã cùng chồng định cư ở Mỹ. Chị làm thủ tục đón cả ba mẹ con chúng tôi sang. Nhưng Arun và Amy vẫn ở cùng tôi vì chúng đã có thêm 3 đứa em cùng mẹ khác cha. Tôi đưa hai con về New York, xin được một chân trong sở bưu điện của thành phố. Ngoài giờ làm việc, tôi tranh thủ nhận thêm việc dọn dẹp lau chùi nhà cửa cho các nhân viên ngoại giao và công chức Liên hiệp quốc ở xung quanh đây.

Căn hộ này tôi mua lại được của một quan chức LHQ. Sau khi nghỉ hưu, ông quyết định về nước và để lại cho tôi với giá phải chăng bởi tôi đã dọn dẹp, lau chùi cửa nhà cho gia đình ông trong suốt mười mấy năm.”

Kể cho tôi nghe xong câu chuyện của mình, bà Menaka có vẻ bình tĩnh hơn. Chúng tôi ăn mỳ rồi sau đó uống cà phê cùng nhau. Trước khi quay vào phòng nằm nghỉ, bà Menaka thở dài: “Lẽ ra chị gái tôi phải nói rõ để cho hai đứa hiểu tôi. Bây giờ thì muộn mất rồi. Bà ấy khó lòng qua khỏi”.

*

Sau khóa học sáu tháng, tôi xin được học bổng một năm học về truyền thông. Thấy tôi xin gia hạn hợp đồng thuê nhà thêm một năm, bà Menaka rất mừng. Quan hệ giữa chúng tôi đã cởi mở hơn kể từ sau khi chị gái bà qua đời. Có tôi, con cháu bà cũng yên tâm hơn. Dạo này bà bắt đầu đãng trí, lúc nhớ, lúc quên. Tôi kiêm thêm nhiệm vụ y tá, nhắc bà uống thuốc theo kê đơn của bác sĩ.

Tháng sáu, bà Menaka về nước thăm họ hàng. Bà dặn tôi trông nom cửa nhà và để lại tờ séc đã ký để tôi thanh toán tiền quản lý phí cho tòa nhà. Giữa tháng bảy, bà gọi điện cho tôi, thông báo đang đi du lịch ở Băng-cốc cùng “một chàng trai đáng yêu”. Bà dặn tôi thanh toán giúp bà tiền quản lý tháng bảy, khi trở lại, bà sẽ trừ vào tiền thuê nhà. Sang nửa đầu tháng tám, bà Menaka vẫn chưa về. Trong một lá thư điện tử, bà nói sẽ tiếp tục khám phá Ăng-co Vat và thăm “Cánh đồng chết” ở Căm-pu-chia. “Chúng tôi yêu nhau. Rakesh là một chàng trai tuyệt vời”.

Menaka trở về. Trông bà tràn đầy hạnh phúc, nhưng số dư tài khoản của bà gần như bằng không. Bà nói sẽ bán phần thừa kế của mình ở quê nhà để trang trải cho việc học hành của Rakesh. Bà nhờ tôi mở hộ facebook, cài đặt viber. Suốt ngày tôi thấy hai người trò chuyện. Họ gọi nhau là “honey”. Rakesh hứa sẽ thu xếp qua bên này du học để được ở gần bà.

Khi biết mình không có khả năng thanh toán các khoản nợ nần, bà Menaka đành phải cầu cứu các con. Con gái bà chuyển vào tài khoản của mẹ mười lăm ngàn đô-la với điều kiện tài khoản đó sẽ do cháu ngoại bà giám sát. Muốn rút tiền cần phải có chữ ký của cả hai người. Họ tìm được số điện thoại của Rakesh, nhờ họ hàng trong nước điều tra “tung tích” của kẻ “lừa gạt”. Bất chấp tất cả, Menaka và Rakesh vẫn liên lạc với nhau thường xuyên qua mạng. “Tôi đã có những tháng ngày tuyệt vời nhất”, bà Menaka khoe với tôi như vậy.

Tháng mười hai, bà Menaka quyết định rao bán nhà. “Xin lỗi cô, tôi đành phải chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn. Tôi sẽ quay về giúp Rakesh học hành thành tài. Người tốt như cậu ấy phải được hạnh phúc”.

Tôi chuyển nhà. Chúng tôi thỉnh thoảng liên lạc với nhau qua email. Bẵng đi một thời gian không nhận được tin tức của bà Menaka, tôi hỏi thăm qua cháu ngoại của bà thì được biết bà đang phải điều trị những biến chứng của bệnh tiểu đường. Trước khi bị mất trí nhớ hoàn toàn, bà đã viết di chúc để lại phần thừa kế của mình ở quê nhà cho Rakesh. Con cháu bà lên án chàng trai, gọi anh ta là “thợ đào mỏ”.

Nhưng với tôi, dù chưa gặp, tôi vẫn tin Rakesh là một người tử tế. Ít nhất anh ấy cũng đã làm cho bà Menaka tin vào một tình yêu vượt ra ngoài biên giới tuổi tác.

Thanh Chung, từ New York


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn