Tựu trung, đó là những triết lý nhiều mặt của cuộc sống được đúc kết từ các kinh nghiệm sống khác nhau nhưng đều có chung hàm ý: cuộc sống sẽ luôn tươi đẹp nếu chúng ta có được cách nhìn tích cực đối với nó. Và thật ý nghĩa, dịch giả của cuốn sách đã quyết định dành toàn bộ doanh thu từ cuốn sách cho các em học sinh khiếm thị Trường TPCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Cả đêm mưa tầm tã làm mình không thể ngủ nổi và mình biết rất nhiều hội viên Hội Hữu nghị Việt - Hung cũng không ngủ, lo lắng cho buổi gặp gỡ vào ngày mai: “
Mưa thế này làm sao đây?”. Vậy mà sáng ra nắng tưng bừng, nắng rực rỡ chào đón gần 700 các anh chị du học sinh từng học tập ở Hungary từ khắp mọi miền đất nước đổ về Công viên Thống Nhất.
Đúng là “Cuộc sống tươi đẹp” thật, mình chưa thấy ở đâu Ban tổ chức lại có thể ưu ái cho cuốn sách của
anh Nguyễn Ngô Việt và các em học sinh khiếm thị đến như thế, khi các anh cho mình chọn tùy thích một trong tổng số mười ba bàn thu hội phí. Và rốt cục, để cho tiện và khỏi vướng, bàn sách được xếp đầu tiên, rất dễ nhận ra, sau đó mới tới dãy bàn thu hội phí.
Bị liệt phải ngồi trên xe lăn, nên anh Nguyễn Ngô Việt có sự đồng cảm cảm sâu sắc và rất tâm huyết với các cháu học sinh khiếm thị. Năm 2012, khi mình bắt đầu có dự án tặng đài cho các cháu khiếm thị cấp hai, hai vợ chồng anh là những người tham gia đầu tiên - anh chị còn tích cực tổ chức một bữa ăn mời bạn bè rồi trong dịp đó, kêu gọi bạn bè tham gia cùng mình.
Cứ như vậy, suốt sáu năm qua, bất cứ hoạt động nào của mình ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội, từ Tủ sách chữ nổi "Nhịp cầu Thế giới" (NCTG), đến tặng đồng phục, tài trợ tiền ăn… cũng đều được anh chị đồng hành. Mới đây, khi báo NCTG tặng giấy viết chữ nổi (đắt hơn giấy viết bình thường rất nhiều), anh Việt cũng nung nấu ý tưởng tặng giấy viết.
Nhưng lần này, anh muốn nhiều người cùng chung tay tặng các con: “
Cứ gửi tiền vào tài khoản em thì dễ rồi, nhưng anh muốn khác mọi lần một chút”. Và thế là anh bỏ tiền túi in hai trăm cuốn sách do anh dịch, rồi đặt vấn đề để được đặt một bàn bày bán sách trong
ngày hội gặp mặt kỷ niệm Quốc khánh hai nước Việt Nam và Hungary vào hôm 10-9-2017 tại Công viên Thống nhất.
Mong muốn tất cả những người bạn của anh, từng đi du học tại đất nước Hungary xinh đẹp, sẽ cùng anh, chung tay với anh tặng những trang giấy viết chữ nổi cho các cháu khiếm thị, giờ đã thành hiện thực. Bước chân vào Công viên Thống nhất, khuôn viên buổi gặp gỡ của Hội Hữu nghị Việt - Hung, ai ai cũng dừng lại ở bàn bán sách và hỏi “
Sách anh Việt đây phải không?”.
“Sách anh Việt đâu rồi?”, những câu hỏi được đặt liên tục không ngớt, nhưng khi mình dợm bước chân ra định giới thiệu thì các anh chị đã bảo: “
Khỏi, chị đọc hết trên phây-búc rồi”. Và thế là anh chị nào cũng chọn cho mình một quyển sách. Có lúc đông quá, hai người bán tíu tít không ngừng tay, mình phải gọi thêm hai người ở nhà ra tiếp sức mới phục vụ được.
Vui nhất là chị Nguyễn Thị Lê Xoa, thành viên Hội Hữu nghị Việt - Hung. Mua sách xong còn chạy đi tìm các bạn rồi kéo đến quầy sách với câu tuyên bố xanh rờn: “
Ai là bạn Xoa cũng phải mua sách”. Rất nhiều bạn chị đã đến mua sách, hóa ra tất cả đều là cùng khóa chị, một hồi như vậy, rồi chị Xoa đứng thần ra: “
Không biết còn ai chưa mua nhỉ?”.
Có một số chị còn mua một lúc bốn quyển sách, mình hỏi “
sao chị mua nhiều thế?”, chị trả lời: “
Chị quý anh Việt!”, có vậy thôi. Mình tò mò hỏi thêm: “
Chị sẽ làm gì với bốn quyển sách này?”. “
Chị nhiều bạn lắm em ạ, tặng mỗi người một quyển là hết”.
Anh Phạm Trung Dũng, một cựu du học sinh Việt Nam tại Hungary từ hồi thập niên bảy mươi cũng lấy hai quyển và đưa mình năm trăm nghìn đồng. Khi mình thốt lên “
anh cho các cháu nhiều quá ạ”, thì anh bảo: “
Anh rất yêu quý, tôn trọng vợ chồng anh Việt và anh thương các cháu sinh ra phải chịu khuyết tật. Nỗi bất hạnh quá lớn”.
Có bác cao tuổi dừng lại đọc dòng chữ trên tấm pano, rồi hỏi người bán sách “
Anh Việt là ai vậy?”. Các bạn gọi mình, mình chạy lại vừa kịp nói “
anh Việt là một du học sinh bên Hung”, bác bảo “
vậy à?”, rồi móc ví ra, trong ví có một tờ năm mươi nghìn, hai tờ mười nghìn, bác phân bua với mình:
- Tôi không biết có vụ bán sách ủng hộ các cháu khiếm thị nên chỉ mang đủ tiền nộp hội phí, tiền xe buýt đi về và phòng thân sáu mươi nghìn thôi. Cô cho tôi mua một quyển sáu mươi nghìn nhé, còn mười nghìn này để tôi đi xe buýt về.
Cuộc sống đáng yêu biết nhường nào, mình lại là người mau nước mắt nên không chụp được ảnh của bác.
Và không riêng gì bác, có rất nhiều bác đứng tuổi, khi dừng lại mua sách, đều phân bua là vì không biết và vì không bao giờ cầm nhiều tiền trong người, chỉ cầm đủ tiền nộp hội phí thôi nên chỉ có thể mua sách đúng với giá là năm mươi nghìn trong khi lòng rất muốn mua hơn. Có bác biết anh Việt, có bác không nhưng ai cũng muốn đóng góp một chút giúp cho các cháu khiếm thị.
Khi dòng người đã vào bên trong gần hết thì các nhà ngoại giao mới bắt đầu đi vào. Bỗng một vị dừng lại, có vẻ như biết tiếng Việt, ông đứng đọc một lúc rồi tiến đến quầy sách rút ví mua một quyển. Đó là ông Bakos István, Tham tán Kinh tế và Thương mại Đại sứ quán Hungary tại Hà Nội. Mua xong ông rảo bước và một lúc sau quay lại cùng một cặp vợ chồng người Hung, hai người cũng mua sách.
Đó là ông Balázs Áron, Bí thư thứ nhất phụ trách văn hóa, giáo dục và báo chí của Đại sứ quán. Vậy là giờ đây, “Cuộc sống tươi đẹp” không còn là món quà của riêng anh Nguyễn Ngô Việt, mà đã là của rất nhiều thành viên Hội Hữu nghị Việt - Hung và phần nào, của cả Đại sứ quán Hungary tại Hà Nội nữa. Ước mơ của anh Việt đã thành hiện thực, và các em khiếm thị đã có một món quà của rất nhiều người.
Và giờ đây, khi ngồi ghi lại những dòng này, muốn biết suy nghĩ của người mua sách hôm đó, mình mới nhấc máy lên gọi vô tình cho một anh mình không quen biết trong Hội Hữu nghị Việt - Hung. Nói chuyện xong anh hỏi mình “
hôm vừa rồi có bán hết hai trăm cuốn không, còn lại bao nhiêu cuốn?”. Mình nói còn hơn bảy mươi cuốn. Anh nói: “
Anh sẽ lấy hết bảy mươi cuốn cho em”.
Mình ngạc nhiên lắm và hỏi: “
Tại sao vậy? Hôm trước anh cũng lấy hai cuốn rồi mà!”. “
Tại vì rất nhiều bạn bè anh là bạn anh Việt, và anh rất thương các cháu. Các cháu bị những khuyết tật cho dù mình có bù đắp như thế nào cũng không bao giờ giúp các cháu nhìn được cuộc sống tươi đẹp này, nên anh muốn các cháu có thêm được một chút cảm nhận...”.