Kauzo Ishiguro: VĂN HỌC LÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN NGƯỜI ĐỌC (Phần 2)

Thứ ba - 10/10/2017 04:01

(NCTG) “Tôi nghĩ mình có những bổn phận nhất định. Tôi muốn tác động đến người đọc, với tôi đó là văn học” - chia sẻ của nhà văn Kauzo Ishiguro, Giải Nobel Văn chương 2017.

Kazuo Ishiguro (năm 2015) - Ảnh: Andrew Testa (“New York Times”)

Kazuo Ishiguro (năm 2015) - Ảnh: Andrew Testa (“New York Times”)

Xem Phần 1 của bài phỏng vấn.

- Tôi xin trở lại câu hỏi đầu tiên liên quan đến các chiến binh samurai, vì hình tượng viên quản gia - như một nghịch lý - gợi lên trong tôi những phẩm chất giống với những gì chúng ta có thể nghĩ về samurai. Đó là trung thành, gắn bó, có kỷ luật, kiên nhẫn, tin cậy cao độ ở bề trên, tin vào sứ mạng của mình. Ông muốn diễn đạt điều gì qua nhân vật này?


Đó là một nhân vật rất quan trọng, vì đã mang tới hai điều. Trước hết, qua đó tôi có thể nói: khi về mặt tình cảm người ta kìm nén, hạn chế bản thân mình thì sẽ như thế nào. Điều này gần như trong mỗi chúng ta đều có: nỗi sợ hãi vì ta sẽ liên lụy tới một việc gì đó; nỗi sợ tình thương yêu và sợ một người nào đó yêu thương ta. Mặt khác, là điều mà viên quản gia đại diện - có thể lúc này tôi nói hơi quá -, đó là cách chúng ta ứng xử với quyền lực chính trị. Quan hệ của đa số chúng ta với chính trị đúng như của viên quản gia. Chúng ta không ở trong bộ máy quyền lực, nhưng cũng như viên quản gia với chủ nhân của ông, chúng ta cũng ở rất gần, gần về mặt vật lý, những người đưa ra các quyết định. Chúng ta ở gần, nhưng không phải ở chỗ người ta thực thi quyền lực. Chúng ta có khuynh hướng cho rằng: tất nhiên những việc như thế phải để cho những người thực sự biết phải làm gì với quyền lực, với sự điều hành. Viên quản gia làm thế và chúng ta cũng làm điều đó. Chúng ta bảo: đã có những nhà chuyên môn, những người có trách nhiệm, cứ để họ quyết định những vấn đề lớn. Nhiệm vụ của ta là hoàn thành những việc nhỏ được giao. Thế là ta làm hết khả năng của mình, qua đó biểu hiện sự đồng thuận với ai đó trên kia, và ta hy vọng rồi họ sẽ xử lý đúng. Nhưng đó không phải là trách nhiệm của ta. Nghĩa vụ của ta là hoàn thành công việc của mình. Tôi nghĩ nhân vật quản gia đã cho tôi khả năng rất tốt để bàn về hai vấn đề này, những vấn đề mà trong các tác phẩm trước đó tôi cũng đã từng lưu tâm tới. 

- Theo những giác độ nhất định viên quản gia cũng giống nhân vật chính trong “Thời chúng tôi mồ côi” - thám tử tư Christopher Banks, người cũng gắn bó với sứ mạng, với nhiệm vụ của minh tới mê muội...

Trong trường hợp “Thời chúng tôi mồ côi”, thú thực, lúc đầu tôi nghĩ tới một bản khác khẳn. Lần đầu đúng hơn là tôi muốn nó trở thành một kiểu phỏng tác (pastiche) Agatha Christie. Khi tôi mới bắt tay vào viết, đối với tôi nó gần như là một việc bất khả thi. Rất khó kết hợp một tiểu thuyết hình sự với cái mà ta thường gọi là văn học. Tôi đã phải bỏ qua nhiều bản trước. Chỉ còn lại chủ yếu về mặt hình thức là một tiểu thuyết hình sự, một cái hộp rỗng cho câu chuyện, và đúng hơn là nó đã trở thành một tiểu thuyết văn học. Liên quan tới câu hỏi, tôi nhất trí với ông: những con người như viên quản gia hay thám tử, bao giờ họ cũng có nỗi đam mê nghề nghiệp nào đó. Đối với họ đó là duyên nghiệp, chứ không đơn thuần chỉ là công việc. Đó là một sứ mạng, đúng như thế. Từ đâu đó, có thể một cách vô thức, họ tin rằng rằng nếu họ hoàn thành tốt công việc, là họ đã giải tỏa được một điều gì đó đã đổ vỡ từ trong tâm khảm họ. Xét như thế thì đối với tôi, dù họ nhân vật là quản gia hay thám tử, điều quan trọng là anh ta say mê đến cuồng si công việc của mình, là anh ta cố gắng tận tâm giải quyết những vấn đề của mình.

- Đây đúng là điểm nhạy cảm nhất trong các tiểu thuyết của ông. Tôi nhận thấy không có sự thay đổi, phát triển tính cách ở các nhân vật này, cứ như họ không thể vượt ra khỏi cái vòng tròn mà họ bị bắt buộc vào trong đó.

Tôi thì muốn ở mức độ nào đó họ phá vỡ cái vòng tròn đó. Trong các tiểu thuyết của tôi thường thấy các nhân vật luôn luôn đấu tranh với nửa kia của mình, cái nửa thường xuyên nhắc nhở họ rằng họ khác biệt so với hình ảnh họ muốn thấy về bản thân họ. Chẳng hạn họ thường phải trực diện với một kỷ niệm rất đau đớn, kỷ niệm đó buộc họ phải thay đổi hình ảnh về bản thân mình. Họ không muốn chấp nhận điều này, họ nói tôi là người như thế này, nhưng nửa kia của họ thì cứ khăng khăng: không phải như vậy. Và đến cuối sách thì tính cách của họ có đôi chút thay đổi. Nhưng chỉ thay đổi rất nhỏ - vì tôi nhận thấy người ta thường không thay đổi về căn bản. Không phải như trong các phim Hollywood, cuộc sống của các nhân vật bỗng chốc thay đổi tận gốc rễ như một thần phép. 

- Thế nghĩa là ông không tin con người có thể thay đổi số phận của mình? Hay ít nhất ông cũng tỏ ra rất thận trọng trong vấn đề này.

Không, dẫu sao tôi cũng thấy một điều gì đó rất quả cảm trong việc người ta đối diện với những thất bại của mình trong qua khứ. Dù không thay đổi nhiều, nhưng ít nhất họ chấp nhận sự thật, bản thân việc đó cũng là một hành vi rất dũng cảm. Bởi vì đa số chúng ta muốn sống trong sự tự huyễn hoặc mình hơn. Chúng ta làm như cuộc sống của chúng ta danh giá hơn, hoàn hảo hơn, đạo đức hơn nhiều so với thực tế. Tôi không tin vào sự thay đổi hoàn toàn, nhưng việc chấp nhận sự thật cũng đã là sự hy sinh lớn lao và sâu sắc. Trong cuộc đời thực những thay đổi như thế cực kỳ gian nan. Đôi khi, người ta không thể làm gì khác hơn là chấp nhận thực tế vô cùng đau đớn đó hay chấp nhận sự thật và thử chung sống với nó. 

- Xin lỗi ông, nhưng ngay bây giời ông sẽ phải đối diện với một sự thật đau đớn. Cho phép tôi nhắc lại một ý nghĩ cách đây nhiều năm của ông, theo đó các nhà văn sau tuổi bốn mươi sẽ càng ngày càng viết ra những tiểu thuyết yếu kém hơn. Giờ đây, khi đã ngoài năm mươi, ông nhìn nhận về lời tuyên bố này thế nào?

Tôi đã qua tuổi năm mươi tư, nhưng tôi vẫn bảo lưu tuyệt đối ý kiến đó. Biết làm sao được, chính tôi cũng đã ở bên kia dốc cuộc đời. Khi phát biểu ý kiến đó trong một bài phỏng vấn, tôi mới ngoài ba mươi. Tôi cũng không rõ tại sao mình lại dứt khoát đến mức ây. Tôi đã phát biểu mạnh mẽ như thế vì ở Anh có một thói quen không thể hiểu nổi là một tác giả đã 35-36 tuổi, vẫn luôn được coi là trẻ. Không biết ở Hungary tình hình có vậy không...

- Bên chúng tôi có những nhà văn được coi là trẻ, nhưng đã ngoài năm mươi...

Ông thấy chưa, thật phi lý. Nếu xem xét một cách khách quan toàn bộ văn nghiệp của mỗi nhà văn, hay nhìn lướt qua một lexicon và lên một danh mục, ta sẽ thấy trong vòng hai trăm năm qua, đa phần những tác phẩm quan trọng nhất đều do những người rất trẻ tuổi viết ra. Và điều này không chỉ đúng đối với văn học Anh. Bao nhiêu nhà văn lớn đã chết trước tuổi bốn mươi: Kafka, Chehov, chị em Bronte, Jane Austen. Họ đều đã mất ở trạc tuổi bốn mươi hay trẻ hơn. Ông thử nghĩ xem, “Chiến tranh và Hòa bình” được viết ra bởi một người mới 37 tuổi. Đa số các nhà tiểu thuyết - đúng là không phải lúc hai lăm -, nhưng đã viết tác phẩm lớn của đời mình ở độ tuổi ngoài ba mươi. Ví dụ các tác giả Mỹ như Fitzgerald, Faulkner, Hemingway... Có thể quên những gì họ đã viết sau tuổi bốn mươi, có ai đọc nhưng cái đó. Tất nhiên khi phát biểu điều đó tôi còn là một nhà văn trẻ, nhưng giờ đây tôi vẫn khẳng định: nếu anh muốn viết tiểu thuyết, và anh đã bước vào tuổi ba mươi, thì đây là thời điểm đã đến lúc bắt đầu. Có thể tiếp cận vấn đề này như trường hợp các cầu thủ bóng đá vậy. Đỉnh cao của người viết tiểu thuyết lùi lại vài năm so với cầu thủ bóng đá. Đa số các nhà văn đã bỏ lại phía sau từ lâu tác phẩm xuất sắc nhất của mình khi ở vào tuổi như tôi. Nhưng điều này thì các khán giả của ông cũng có thể làm thử. Hãy liệt kê những tác phẩm họ coi là xuất sắc nhất, rồi tra trong lexicon xem tác giả đã viết ra chúng khi họ bao nhiêu tuổi.

- Ông nghĩ tại sao lại như thế? 

Tôi không biết, có thể nó liên quan tới thể loại tiểu thuyết. Phải tập trung vào bao nhiêu thứ cùng một lúc, và điều này cũng quan trọng: ta đã cách xa thời niên thiếu bao nhiêu lâu. Nhưng cũng có thể nó chỉ liên quan tới năng lượng, vì con người cần vô khôi năng lượng để viết ra một tiểu thuyết. 

- Dù là một tác giả còn trẻ hay đã đứng tuổi, nhưng tác phẩm của họ sẽ tạo ra những hồi âm không thể tránh khỏi từ phía bạn đọc, từ các nhà phê bình. Ông tiếp nhận phê bình như thế nào? Ông đọc chúng, rút ra những bài học, bị xúc phạm nặng nề, hay tốt hơn hết là không hề đọc những ý kiến phê bình ấy?

Phải thú thật là thực ra tôi thích tất cả quá trình phê bình này. Ông biết đấy, các nhà văn đều thích nói không quan tâm đến những bài phê bình cuốn sách của họ. Đó là điều tôi không tin. Theo tôi tất cả đều ngầm đọc những bài viết ấy. Tôi cũng đọc và nghĩ chúng rất hữu ích đối với tôi, tôi học được ỡ chúng rất nhiều điều. Ơn Chúa, từ nhiều năm nay tôi có cái may mắn là sau mỗi cuốn sách được ấn hành, người ta viết rất nhiều phê bình, nhiều nhà chuyên môn phát biểu ý kiến về nó. 

- Thế nghỉa là lời đồn đại về ông, xuất phát từ giới văn chương., theo đó ông đọc tất tật những bài phê bình tác phẩm của mình, là đúng sự thật?

Tôi cố gắng đọc tất cả các bài, tất nhiên chỉ nếu chúng không viết bằng ngoại ngữ. Tôi cố gắng hình thành một bức tranh tổng quát xem người ta đón nhận cuốn sách của tôi thế nào trong những nền văn hóa khác nhau. Chẳng hạn như chỉ có sau bài phản hồi, thì sẽ rất khó, vì không thể quyết định được nên xem xét một cách nghiêm túc những ý kiến này tới mức nào, chúng cho ta bức tranh tổng quan đến đâu, hay chúng chỉ phản ánh thói quen hứng cảm của mỗi một người, hay một nhóm người. Cũng có thể ý kiến chỉ được hình thành do “thời tiết” đặc biệt nào đó, hoặc nó phụ thuộc vào mốt phê bình đang thịnh hành. Dù sao bên cạnh vô số những nhược điểm, ưu điểm lớn của sân chơi văn học toàn cầu hóa, đối với một nhà văn như tôi, là có đầy đủ sự đón nhận (reception). Tôi có thể đọc xem ở Trung Quốc, ở Nhật Bản, ở Nam Mỹ hay ở Autralia và ở Pháp người ta đón nhận tác phẩm của tôi ra sao. Nếu bắt đầu hình thành một sự đồng thuận, thì từ đó tôi có thể có một bức tranh, tất nhiên có thể chỉ ứng với thời điểm lúc đó, về việc độc giả nghĩ gì về cuốn sách của tôi. Tôi không thể trốn tránh sự phản hồi. Nếu nhận được nhiều phê bình tiêu cực, thì tôi không thể nói đó chỉ là ý kiến của một nhóm nhỏ không ưa tôi. Điều này còn cốt yếu để tôi biết người ta nghĩ gì về những điều cuốn sách muốn nói. Đôi khi, mặc dù người ta viết những bài phê bình rất tốt về cuốn sách, nhưng thấy rõ họ đã đọc thấy những gì hoàn toàn khác những điều tôi muốn viết. Một bài học quan trọng cho tôi, là tôi muốn vẽ lên một bức tranh thế này, nhưng độc giả lại thấy một cái khác hẳn. Đó là cách thức duy nhất để tôi tìm biết bất cứ điều gì về mối quan hệ giữa độc giả và tôi. 

- Vậy thì chắc ông phải cảm thấy độc giả của ông đã sửng sốt như thế nào khi hành động của tiểu thuyết gần đây nhất của ông được đặt giữa những đạo cụ viễn tưởng(sci-fi).Từ đâu nảy sinh ra ý tưởng để ông sử dụng một lược đồ truyện như thế?

Tôi nghĩ rằng sự lựa chọn bối cảnh (contexte) với tôi chỉ là vấn đề kỹ thuật. Tôi không bắt đầu viết sách theo cách, ví dụ tôi nói, nó sẽ diễn ra ở Thượng Hải vào những năm hai mươi, hay ở Anh thời trước chiến tranh, vì tôi quan tâm tới giai đoạn đó. Tôi có một câu chuyện và một đề tài, một hệ thống các mô-tip, rồi tôi đi tìm những thứ khác, giống như các nhà làm phim đi tìm địa điểm. Tôi tìm xem có thể đặt câu chuyện vào đâu, thời điểm và vị trí nào để cốt truyện, nhóm đề tài có thể triển khai một cách hay nhất, phong phú nhất. Hôm qua tôi vưa làm việc đó. Tôi ngồi cả ngày bên bàn viết và thử tìm xem đâu là bối cảnh tốt nhất cho tiểu thuyết mới của tôi. Tôi hay rơi vào tình huống phải đi tìm hiện trường cho tiểu thuyết của mình. Xét về mặt này, tôi nghĩ mình khác xa những tác giả mà tôi quen biết. Tôi biết nhiều nhà văn nói, chẳng hạn cách mạng Pháp thật thú vị, hay Cuba trước thời Castro, tôi bắt tay vào, khảo cứu một chút và viết về nó một cuốn sách. Tôi không làm được như vậy. Đối với tôi bối cảnh là cái cuối cùng. Trước hết tôi tạo ra những mối quan hệ cấu trúc trung tâm, và những lược đồ cốt lõi, rồi sau đó mới tới phần hậu trường. 

- Tôi biết sự năng xuất không phải là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá một văn nghiệp, nhưng ở ông dễ nhận thấy rằng trong gần hai mươi nhăm năm cầm bút ông chỉ cho ra mắt tất cả có sáu tiểu thuyết. Ông viết chậm như thế hay chỉ do ông có những thời gian nghỉ viết kéo dài?

Mỗi cuốn sách đều có lai lịch... của nó. Tôi xin kể về trường hợp cuốn gần đây nhất - “Mãi đừng xa tôi” -, hy vọng nó sẽ đưa ra lời giải thích về tốc độ sáng tác của tôi. Từ năm 1990 tôi đã bắt đầu viết tác phẩm này, nhưng lúc đó trong cuốn sách chưa hề có nhân bản, cũng không có công nghệ sinh học. Trong đầu tôi chỉ có một nhóm người trẻ tuổi sông ở một vùng nông thôn nào đó của nước Anh. Ngay từ khi đó tôi đã gọi họ là học sinh, dù chưa hề nói tới trường đại học. Tôi chỉ biết rằng có một kết cục nào đó đang treo trên đầu họ, rằng cuộc sống của họ sẽ ngắn hơn so với những người khác, nhưng khi đó tôi muốn giải quyết bằng vũ khí hạt nhân. Tôi không rõ, có lẽ tôi có ý tưởng đó vì tôi cũng thuộc thế thế hệ mà vũ khí hạt nhân là mối đe dọa lớn. Thế là tôi trăn trở mãi với ý tưởng này, nhưng rồi tôi phải bỏ, đơn giản vì tôi không thể viết tiếp nổi.

- Thế vấn đề nhân bản đã được đưa vào như thế nào?

Chỉ mãi sau này, khoảng năm 2001, sáng kiến về nhân bản mới nảy sinh ra. Lúc đó ở Anh diễn ra cuộc tranh luận xã hội gay gắt về nhân bản, ông nhớ chứ, khi đó chú cừu Dolly ra đời. Một buổi sáng tôi đang ngồi trước radio, trên đó người ta đang tranh luận về nhân bản, tôi đột nhiên nảy ra ý nghĩ có thể thử viết câu chuyện này theo hướng bỏ chi tiết vũ khí hạt nhân, không phải vũ khí hạt nhân đã làm những thanh niên kia đoản mệnh, mà tôi sẽ thay đổi câu chuyện: họ là những người nhân bản. Và thế là câu chuyện bỗng bắt đầu khởi động. Đó là quân bài cuối cùng của trò chơi xếp hình, có thể nói như vậy. Nhưng để quay trở lại điều tôi đã nói, trong tác phẩm này tôi cũng đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi rất phổ quát, đó là nếu anh biết chắc chắn cuộc đời anh sẽ sớm kết thúc, và sự sống của anh trên trái đất này chỉ còn tính từng ngày, thì tình yêu, tình bạn, sự nghiệp, hay đạo đức đóng vai trò như thế nào trong cuộc đời anh. Trong khi đó, ngoài ý muốn, tôi đã tạo ra một tình huống mà trong đó mỗi người đều có thể tìm thấy lời giải đáp cho riêng mình qua cuốn sách. Tôi muốn, mặc dù cuốn sách nói về những nhân vật kỳ lạ và về một thế giới rất kỳ lạ, nhưng độc giả vẫn nhận ra bản thân mình, và phát hiện ra rằng cái thế giới ấy rất giống với thế giới của chúng ta.

- Nếu đã nói về những vấn đề phổ quát, tôi chợt nhớ tới một câu tôi đọc được trong một bài phỏng vấn ông. Ông nói: “Tôi muốn viết những tiểu thuyết mang tính quốc tế”. Ông có thể giải thích chính xác, điều này có nghĩa là gì? Nhà văn cần phải thích ứng với toàn cầu hóa như thế nào?

Chúng ta đang sống trong một thế giới quốc tế, một thế giới toàn cầu hóa, và dù ta làm việc ở bất kỳ lĩnh vực nào: điện ảnh, sản xuất ôtô hay chế tạo iPod thì cũng vậy, ta cũng đang làm cho khách hàng quốc tế. Nếu tôi là nhà báo và làm việc cho một tờ báo quốc tế, như “Times” hay “Newsweek”, thì tôi sẽ viết khác so với khi tôi là nhân viên của một tờ báo địa phương hay của một làng nào đó. Những giả định của tôi về người đọc sẽ khác nhau. Ngay cả bản thân đề tài dành cho độc giả quốc tế cũng khác, thậm chí ngôn ngữ mà tôi sử dụng cũng sẽ khác. Theo tôi, những điều đó cũng đúng khi một nhà văn viết tiểu thuyết, nế như anh ta biết rõ mình viết cho bạn đọc quốc tế.

- Nhưng đồng thời, tất cả những điều đó liệu có tạo ra sự hạn chế nào đó trong sáng tạo của nhà văn?

Hãy thận trọng với ngôn từ! Tôi không nghĩ đến những đề tài quốc tế, không nghĩ đến những câu chuyện mà trong đó các nhân vật bay nhảy lăng xăng trên thế giới. Không, tôi nghĩ rằng, bí quyết của những nhà văn quốc tế lớn nhất là họ viết một cách phổ quát về cả những đề tài sâu kín động chạm tới tất cả mọi người. Những nhà văn đào bới sâu để phát hiện ra những vấn đề chung của con người, và nói lên một điều gì đó về trạng thái phổ quát của con người, thì dễ hiểu là họ đang viết tiểu thuyết quốc tế. Tóm lại tôi có thể nói: có hai giới hạn mà tôi muốn vượt qua. Một là sự khác biệt về địa lý, văn hóa giữa những ngôn ngữ và quốc gia, hai là sự giới hạn trong thời gian, sao cho tôi có thể nói được với nhiều thế hệ khác nhau. 

- Nghĩa là ông có hình ảnh hoàn toàn xác định về người đọc mà ông hướng tới?

Ở đâu đó trong sâu thẳm của vô thức, trong mỗi khoảnh khắc người ta đều biết rõ thực chất mình muốn hướng tới ai. Tôi cho rằng dù có ý thức hay không, mỗi nhà văn đều suy nghĩ như thế, độc lập với việc họ có thích điều đó hay không. Ngày nay đa số các nhà văn đều làm theo cách như tôi. Chẳng hạn như hiện tại chúng ta trao đổi ở đây, nhưng bằng cách nào đó tôi đang thử nói với độc giả Hungary. Chúng tôi thường được yêu cầu đi tới nhiều nơi trên thế giới để giải thích về những cuốn sách cho những độc giả xa lạ. Sau những lần như thế thật khó trở về và quên đi tất cả những gì mình đã trải nghiệm ở các nước. Người đọc vô hình trong tưởng tượng của nhà văn là một con người rất có tính chất quốc tế. 

- Nhưng liệu việc đón đầu những nhu cầu của thời đại và của độc giả tới mức như thế có gây nên sự xuống cấp về mặt chất lượng hay không? Liệu có nên khắc phục điều này hay không?

Không, dù sao tôi cũng không nghĩ là có giải pháp khác. Nhà văn biết rõ lớp độc giả mà mình hướng tới. Về mặt nghệ thuật tôi cảm thấy chưa đủ nếu một người nào đó chỉ viết ra những điều trong thành phố của anh ta hiểu, hay chỉ trong một thời kỳ ấy hiểu. Đối với tôi, như thế nó hơi mang tính địa phương. Xin ông đừng hiểu lầm, tôi không đứng về phía nào trong cuộc tranh luận về toàn cầu hóa, tôi chỉ nói thế giới là như vậy, các nhà văn làm việc như thế. Nếu ta biết cử tọa là thế này, thì ta sẽ có cách nói với họ thích hợp. Nếu ông kể với tôi về cuộc sống ở Budapest, thì ông phải sử dụng một ngôn ngữ khác hẳn như ông nói điều đó khi nói với một người dân Budapest. Đó là phép lịch sự đơn thuần: Ông nói với tôi, và vì là người lịch thiệp, ông thử nói với tôi bằng ngôn ngữ của tôi, nếu như ông không muốn thuyết giảng về một sự tự mổ xẻ hướng nội nào đó, vì xét cho cùng ông mời tôi làm nhân chứng. Tôi đã lớn lên trong môi trường này, trong thế giới này. Từ khi viết văn, tôi đã đi rất nhiều nơi, đọc rất nhiều phê bình từ những miền xa lạ, giọng điệu tự nhiên của tôi đã hình thành như thế. Nói một cách rất đơn giản thì trong đó có điều hay là những nhà văn về đại thể tư duy với một nhãn quan rộng lớn hơn và sâu sắc hơn về tính phổ quát trong văn hóa. Tất nhiên tôi không phủ nhận điều này cũng có những hiểm họa nghiêm trọng của nó. Mặt xấu của nó là tất cả những gì xấu trong quá trình toàn cầu hóa. Những hương vị để phân biệt mỗi nền văn hóa sẽ biến mất. Nhà văn có thể thử cân bằng giữa hai thái cực, nhưng tôi thấy nếu chúng ta cứ làm như ta đang sống trong những năm 30, thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Giản đơn là vì tình hình không như thế. Chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, thế đấy, và nếu như văn học muốn trở thành một phần quan yếu của thế giới, thì phải thích nghi với điều đó. Chúng ta phải nói bằng giọng điệu mà với nó chúng ta có thể tiếp cận cộng đồng quốc tế. 

- Chúng ta đã trao đổi về việc đưa ra các đề tài có nội dung đạo đức sâu sắc và sự cần thiết đối diện với bản thân chúng ta. Theo ông nhà văn có bất kỳ nghĩa vụ hay món nợ nào về mặt đạo đức đối với độc giả hay không?

Tôi chỉ có thể nêu ý kiến của cá nhân tôi. Tôi sẽ không nói điều gì mà bất cứ nhà văn nào khác có thể nói. Đúng, tôi nghĩ mình có những bổn phận nhất định. Điều này không có nghĩa là tôi viết vì tôi phải thực hiện một sứ mạng nào đó, nhưng tôi biết mình có một trách nhiệm nào đó. Cũng như trách nhiệm khi lái xe, tôi không thể lao lên vỉa hè và đâm vào mọi người. Ông biết không, tôi rất may mắn vì có một môi trường nhất định, trong đó người ta lắng nghe tiếng nói của tôi. Số người đọc những gì tôi viết ra cũng không phải là nhỏ. Ít nhất, chắc chắn tôi có nhiều người đọc hơn vợ tôi, người không phải là nhà văn. Chính vì vậy tôi cần hành động một cách có trách nhiệm. Ví dụ như tôi có nghĩa vụ không được thay đổi bất cứ một chi tiết lịch sử nào chỉ vì như thế chúng hợp hơn với tiểu thuyết của tôi và những chủ đề tôi muốn đề cập tới sẽ được khai triển tốt hơn. Tôi không có quyền đưa ra bức tranh sai lệch về thế giới hay lịch sử, vì tôi biết rõ rằng dù người đọc biết không phải là như thế, nhưng họ vẫn thường coi hư cấu là thực tế, và coi những gì viết ra trong tiểu thuyết là sự thật. Có những qui tắc, giống như trong giao thông vậy. Thực chất tôi muốn chuyển tải tới bạn đọc những cảm xúc, đó là điều tôi muốn đạt tới khi viết. Như vậy đây không phải là một sứ mạng đạo đức, không. Đúng hơn là qua những tiểu thuyết của mình tôi muốn nói: “Bạn hãy coi, tôi cảm thấy thế này về cuộc sống. Nó có tìm thấy sự phản hồi ở bạn? Theo bạn sự việc không đúng như thế ư?”. Đó là tất cả những gì tôi muốn. Tôi muốn tác động đến người đọc, với tôi đó là văn học. Theo nghĩa đó tôi vẫn luôn luôn là một nhạc sĩ.

Giáp Văn Chung chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Hungary


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn