TRANH - ĐỜI, “XÁC” - “HỒN”, HAY CUỘC GẶP GỠ CỦA HỘI HỌA VÀ VĂN CHƯƠNG?
Thứ bảy - 05/08/2017 03:07
(NCTG) “Với Van Gogh, những đường nét trong tranh, dù “xác” gửi nơi đây, nhưng hóa ra “hồn” lại ở rất xa xôi, trong tiềm thức, trong tâm trí, trong tình cảm của ông”.
Hai ngôi mộ đơn sơ lọt thỏm góc rìa nghĩa trang, bao quanh là cánh đồng trải dài. Nhìn phần mộ, chắc không ai hình dung đây là nơi yên nghỉ của một trong những họa sĩ lừng danh nhất thế giới!
Nếu để bất cứ ai ít quan tâm đến hội họa nhất nhắc tên hai hoạ sĩ mà họ biết, ngoài thiên tài nhiều mặt như De Vinci, chắc đa số sẽ nêu tên Picasso và Van Gogh. Nhưng hai hoạ sĩ này khác nhau từ trường phái sáng tác, số phận cũng cách nhau một trời một vực, để mỗi khi đặt hai cái tên cạnh nhau, không khỏi chạnh lòng. Như bức tranh cuộc đời hiếm khi có sự công bằng. Hơn thua, được mất, của cải và danh vọng đạt được, đôi khi phụ thuộc những chuẩn mực, may mắn nhất thời.
Vì thế, mỗi khi nhắc đến cái tên Van Gogh, luôn dâng trong lòng cảm giác xót xa. Những câu chuyện về đời ông, chỉ dám đọc những đoạn trích chắp nối, không dám đọc quá nhiều, quá kỹ, như sợ càng chìm vào một cái hố buồn bất tận của một tiểu thuyết quá bi thương. Nhưng khi chiêm ngưỡng những bức tranh của ông, ta lại vực lại những niềm lạc quan nhảy nhót trong những phối màu táo bạo, lại tìm thấy sự mạnh mẽ, nhiệt thành và tươi mới hằn lên trên từng nhát cọ. Trong tranh nhìn thấy đủ sắc thái của nỗi đau khổ, tuyệt vọng nhiều khi vần vũ điên dại, đầy bão tố, nhưng cũng cảm nhận đồng thời nỗi khát khao sáng tạo, đột phá, giải toả, lấp lánh hi vọng hay êm dịu bình an.
Có lẽ nào ta đã quá gán ghép những tầng cảm xúc và cung bậc cuộc đời của người hoạ sĩ để “bi kịch hóa” tranh ông? Để mất đi cái nhìn trong trẻo và khách quan? Hay bởi vì mỗi bức tranh, không thể tách rời khỏi bối cảnh cảm xúc trong cuộc đời nhiều bi kịch của danh họa đa cảm và bạc phận này? Để mỗi lần ngắm nhìn, luôn tự hỏi, tác giả đã nghĩ gì, cảm xúc ra sao khi đặt nét bút này, chọn tông màu ấy? Đã thăng hoa thế nào khi đắm chìm trong sáng tác, để càng tuyệt vọng ra sao khi không được công nhận, không bán nổi một bức tranh trong hơn hai ngàn bức họa của mười năm sự nghiệp ngắn ngủi?
*
Sự ám ảnh về Van Gogh theo tôi đến ngôi làng Auvers sur Oise nơi ông sống 70 ngày cuối đời, để sáng tác 78 bức họa trong tuyệt vọng, và trở nên vô giá hôm nay. Nhưng “theo dấu chân” ông, một lần nữa, lại cốt là muốn tìm gặp một tâm hồn, để “chạm đến” gần hơn một số phận, thông qua những bức tranh và khung cảnh tạo cảm hứng ra chúng.
Phải nói rằng nước Pháp đã may mắn là lựa chọn dừng chân của những bậc thầy hội hoạ, như ba hoạ sĩ lừng danh kể tên trên, dù sinh ra ở những nước khác nhau, lại đều trải qua nhiều năm tháng cuối đời tại đất nước này. Và vì thế nhiều địa danh bình thường lại trở thành đặc biệt nhờ được ghi lại trong những bức danh họa bậc thầy.
Thật khó diễn tả cảm xúc khi đứng trước một khung cảnh thật đã đi vào những tác phẩm bất hủ. Nhiều khi chính vì đó không phải là một không gian hùng vĩ, một cảnh sắc thiên nhiên nổi bật, mà trong một khung cảnh gần gũi với tỉ lệ con người, ta lại dễ thấy đồng điệu hơn. Như chỉ là những bậc cầu thang nhỏ men theo một sườn dốc vô danh, một mái nhà bình dị của ngôi làng như bao ngôi làng khác, một lối mòn giữa cánh đồng lúa mỳ như vạn cánh đồng quê khác. Ấy vậy mà hơn một thế kỷ trôi qua, đứng nơi đây, rảo bước qua những lối đi này, lại như được bước vào trong tranh, như vào một địa danh duy nhất khác biệt với muôn ngàn nơi khác.
Nhưng chính khi ta trài nghiệm sự đồng điệu khi đứng trong chính khung cảnh ấy, cũng cùng không khí tiết trời ấy, như ta hôm nay đứng trước nhà thờ cũng đúng lúc 4h chiều một ngày hè tháng 7, với góc bóng đổ nhà thờ hệt như trên bức hoạ, hay trước cánh đồng lúa mỳ trải nắng vàng ruộm lộng gió, chẳng chút đổi thay qua hai thế kỷ, mới lại thấy sự khác biệt vô cùng rõ nét của cái nhìn, cảm xúc của người họa sĩ làm thay đổi thần thái bức tranh đến mức nào. Mới thấm hơn cái tên “trường phái ấn tượng” (impressionnisme).
Với Van Gogh, những đường nét trong tranh, dù “xác” gửi nơi đây, nhưng hóa ra “hồn” lại ở rất xa xôi, trong tiềm thức, trong tâm trí, trong tình cảm của ông. Như trong bức họa nhà thờ, đó là gia đình, là đất nước Hà Lan ông mong nhớ. Vẫn hình dáng nhà thờ ấy, nhưng cái màu xanh tím thẫm “vô lý” của một chiều hè lại là phủ bởi nỗi đau buồn khi nhớ về người cha đã mất. Người phụ nữ đi trên con đường mòn ngôi làng Pháp, lại chính là hình ảnh mẹ ông, trong trang phục bộ mũ, váy truyền thống của người Hà Lan! Và tất cả màu sắc của những mảng tranh kính, của những viên gạch trên lối đi, đều do chủ đích lựa chọn theo “ấn tượng” của ông, do ông muốn truyền đạt, như được giải thích khá cặn kẽ trong những bức thư gửi em gái.
Hay khi bước chân giữa cánh đồng nơi ông vẽ bức tranh “Cánh đồng lúa mỳ với đàn quạ”, bất chợt gặp một đàn chim trắng bay cuối trời, chấp chới đập cánh sát trên ruộng lúa. Bỗng rùng mình tự hỏi, liệu “đàn quạ” màu đen thẫm trong tranh, có phải cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng, để rồi chính tâm tư u ám của ông đã “nhuộm màu” cho những cánh chim trắng này không?
Cứ thế, trên con đường mòn đi giữa lòng đồng lúa mỳ, dẫn đến nghĩa trang nơi ông yên nghỉ, người bộ hành như đang lần theo những bước chân cuối cùng của cuộc đời ông, đi qua những ngóc ngách lắt léo gập ghềnh, rồi tìm đến cái chết trên chính cánh đồng bao la một ngày Chủ nhật như thế này, để nằm lại trong nấm mồ đơn sơ nơi nghĩa trang nhỏ bé của làng. Chỉ giản đơn vậy thôi một kiếp người, mà trong những bức tranh, trong từng nét vẽ, gam màu, lại là tầng tầng lớp lớp những rung cảm đầy mâu thuẫn: tuyệt vọng mà vẫn khát khao, đau khổ mà đầy thương yêu, bế tắc nhưng vẫn quyết liệt, táo bạo.
Bầu trời hôm nay nhiều gió, những tảng mây cứ cuốn từng cụm trắng tinh giăng kín trên nền trời xanh ngắt, kẻ một đường dứt khoát cuối chân trời tách biệt với thảm lúa mỳ vàng cháy tràn trề đến nhức nhối, điểm xuyết xa xa những dải xanh lá thẫm của những khóm rừng thưa, cùng con đường mòn sổ một vạch hút về phía xa. Tất cả rời rạc, khô khan, nhờ những cơn gió mạnh làm thay đổi màu sắc, lúc bừng sáng chói chang, lúc xám xịt bao trùm, và những tảng mây bị đẩy đưa nhanh, làm bầu trời biến hình nhanh vùn vụt, như người ta thay rèm sân khấu sau mỗi phân cảnh.
Tự hỏi với khung cảnh này, qua con mắt của ông, và với những cảm xúc pha trộn phức tạp, sẽ cho ra những bức tranh như thế nào? Thật khó đoán định. Mà có thể, khung cảnh có thay đổi thế nào, chẳng quá quan trọng với người hoạ sĩ như ông. Vì rồi, cái hồn trong tranh ông vẽ, cũng được đưa vào bởi những chất liệu khác, đó là cảm xúc và “ấn tượng” sáng tạo của riêng mình.
Hay cũng chính vì thế, mà dù nhiều bức tranh được chính ông miêu tả rất kỹ lưỡng trong thư từ gửi người thân, và rất nhiều khung cảnh được vẽ lại trên nhiều phiên bản, thì nó vẫn mang một sức hấp dẫn đặc biệt? Vì xem những bức tranh, là cơ hội người thưởng thức được tìm hiểu, chia sẻ cảm xúc và tâm trạng của một hoạ sĩ đã rất cô đơn này.
Vậy thì, cảm nhận vẻ đẹp và sư độc đáo trong thủ pháp vẽ tranh của ông, cũng chính là “đối thoại” với tâm hồn ông?
Có thể lắm chứ, tồn tại một điểm gặp gỡ của hội họa và văn chương? Ngắm nhìn một bức tranh, mà như đang dẫn vào một chương của một tác phẩm văn học về một cuộc đời?
*
Mạo muội cho trí tưởng tượng bay xa hơn nữa với “bệnh nghề nghiệp”, tranh không còn đóng khung trên toan vải, văn không còn trong giới hạn trang giấy, sự “gặp gỡ” ấy đã tràn ra khắp không gian.
Một chuyến đi như hôm nay, được ngắm và nghĩ về tranh, về một số phận, trong một không gian ba chiều biến đổi theo chiều thời gian? Có bao giờ, một bảo tàng của tương lai, sẽ chứa đựng được tất cả cuộc “gặp gỡ” ấy?
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...