NGƯỜI TRUNG QUỐC (?)

Thứ năm - 29/05/2014 00:16

(NCTG) “… bên cạnh dấu ấn văn hóa nói chung, xã hội nào cũng có vài phần trăm khốn nạn”.


Minh họa: Internet

Chen lấn, xô đẩy, trong thương mại luôn cướp phần lợi, v.v... Tại sao người Phương Tây thường cho rằng dân Trung Quốc thô bạo và bất lịch sự? Dịch nhanh bài viết sau đây để tham khảo chứ không có ý định nói xấu Trung Quốc (đang là mốt), và để xem có nên “trông người lại nghĩ đến ta?” (ND).

Tiến sĩ Hanne Seelmann, một Cultural Competence Trainer cự phách, có nhiều kinh nghiệm ở Châu Á, tâm sự: “Mới đây tôi ở Đài Loan. Trước nhà vệ sinh nữ là một hàng dài kiên nhẫn chờ. Đột nhiên một cô người Trung Quốc đại lục từ phía sau tiến lên, nhanh nhảu và quyết liệt vào thẳng một cabin vừa rảnh. Mọi người ngớ ra, bực mình và á khẩu. Không ai hiểu nổi”.

Lý lẽ trong tay kẻ mạnh

Hầu như tất cả những ai đến Trung Quốc đều kể về cách hành xử ích kỷ và khiếm nhã ở nơi công cộng. Một khách hàng phẫn nộ kể cho tôi nghe, người lái taxi chở ông còn cướp đường cả xe cứu thương. Trong giao thông đường phố có thể thấy rõ: lý lẽ trong tay kẻ mạnh. Khi có tai nạn, rất có thể chẳng ai giúp đỡ nạn nhân. Cái lý của người Trung Quốc trong trường hợp này: một mặt người ta bị nghi là gây ra tai nạn nên vì thế hối hận mà giúp đỡ, mặt khác, người giúp đỡ dễ bị bắt trả tiền nếu đưa người bị nạn vào bệnh viện.

... và đồng thời: hiếu khách, đồng cảm, ân cần

Người Phương Tây vô cùng bối rối, vì song song với những điều nêu trên thì họ lại có những trải nghiệm khác hẳn. Trong nội bộ nhóm công tác hay cùng đối tác kinh doanh, người Phương Tây được đối xử rất thân thiện và ân cần. Vừa hỏi ở đâu mua được dao làm bếp loại tốt thì hôm sau ba đồng nghiệp đem đến một con dao như thế và không chịu lấy tiền. Dĩ nhiên là họ đón bạn ở sân bay, chăm sóc bạn gần như 24/24, đi ăn thì giành phần trả tiền. Rồi ngay đó thôi, lại hiện nguyên hình tính thô bạo với người lạ ở nơi công cộng. Sao vậy?

Lời giải: Cơ cấu xã hội Khổng Giáo

Sinh hoạt cộng đồng mang cơ cấu được tạo thành từ rất nhiều đơn vị xã hội: đó là gia đình mình, cơ quan mình, nhà trường, câu lạc bộ chơi golf, thậm chí làng xã hay quê mình, tất cả đều là đơn vị (單位 hay dān wèi) xã hội. Ở đó, sinh hoạt cộng đồng mang dấu ấn của tinh thần tập thể, ý thức trách nhiệm, lịch sự, tương thân tương ái. Ra khỏi “dān wèi” hay nhóm xã hội ấy thì người Trung Quốc tuân thủ các quy ước khác hẳn, và người ta chỉ tìm cách kiếm lợi thế cho chính mình.

Cả ở Nhật hay Hàn Quốc là những nước chịu ảnh hưởng Khổng Giáo người ta cũng phân bạch rành mạch các nghĩa vụ nội bộ (uchi) và ngoại vi (soto). Chuyện thành viên các doanh nghiệp cùng lĩnh vực đánh nhau kịch liệt cũng là thường. Sáng nào các nhân viên Mitsubishi cũng tập trung và hét vang: “Chúng ta chiến đấu chống Honda!”.

Không có tình bằng hữu chung chung

Nhắc lại: Khổng Giáo không hề biết đến cái gọi là Tình bằng hữu theo nghĩa Thiên Chúa Giáo. Hệ thống giá trị Khổng Giáo tuy cũng nêu nguyên lý nhân tính (“ren”) trong sinh hoạt cộng đồng, song cộng đồng đó phải hiểu theo nghĩa đơn vị nhóm cụ thể.

Người Phương Tây nói chung không thể tự lý giải các kiểu hành xử khác nhau đó ở ngữ cảnh khác nhau. Thêm nữa: họ bị sốc và căm phẫn.

Các trải nghiệm khó lý giải

Bạn hãy hình dung ra sự việc sau đây: một khách hàng Đức của tôi gặp một đối tác thương mại lâu năm người Nhật ở sân bay, vui mừng chào hỏi, nhưng người kia không hề phản ứng mà cứ thế đi thẳng, khiến anh ta đần ra. Thì ra người Nhật kia đã đổi công ty, và do đó ông ta là thành viên một đơn vị xã hội khác và không “quen” anh bạn đối tác ngày xưa nữa.

Dù có những khác biệt về văn hóa nói chung, dĩ nhiên cũng có nguyên nhân nằm ở chính cá nhân cụ thể khi ta đánh giá cách hành xử của họ. Ngày trước tôi có một ông sếp, ông ấy có câu rất chí lý: “Chị nên biết là bên cạnh dấu ấn văn hóa nói chung, xã hội nào cũng có vài phần trăm khốn nạn”.

Lê Quang chuyển ngữ, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn