“GIÁC NGỘ”, HAY CÂU CHUYỆN KHÔNG NHỎ VỀ MÂU THUẪN LỢI ÍCH

Thứ tư - 18/06/2014 00:01

(NCTG) “Không khó để chỉ ra người có chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức, v.v… đưa người thân vào các vị trí trong cơ quan, mở công ty riêng hoặc để người nhà mở công ty trong lĩnh vực mình quản lý. Người ta cũng chỉ bàn tán bên chén rượu công ty nọ là “sân sau” của cốp bự kia trong các lĩnh vực Giao thông, Xây dựng, Giáo dục, Y tế, Ngân hàng…”.


Nghệ sĩ Hoài Linh và con trai nuôi, thí sinh Hoài Lâm - Ảnh: Internet


Dr Luke, một nhà sản xuất và viết nhạc tên tuổi - được cho là sẽ trở thành giám khảo của cuộc thi Thần tượng Âm nhạc Mỹ American Idol 2014 - đã “dừng cuộc chơi” do xung đột lợi ích. Lý do được “The Hollywood Reporter” đưa tin là Dr.Luke đã ký hợp đồng sản xuất với hãng Sony Music mà giờ lại là giám khảo cho hãng Universal Music Group - đối thủ cạnh tranh của Sony, giữ bản quyền các bản thu âm từ American Idol.

Cô bạn của tôi có lẽ sẽ không “mắt tròn mắt dẹt” khi được biết là cán bộ khoa mình không được có vợ hoặc chồng làm việc cùng khoa, hoặc không nằm dưới sự quản lý trực tiếp của nhau. “Không ai được phép lợi dụng vị trí của mình để hưởng lợi cho cá nhân mình, cho người thân vợ chồng con cái...” - những điểm này nằm trong bộ quy định về “Mâu thuẫn lợi ích” - Conflict of Interest gọi tắt là COI được trao đổi cặn kẽ cho bất kỳ người mới vào khoa để phòng tránh.

Đó là ở phạm vi một cuộc thi, một trường học nơi COI được áp dụng và thực hiện triệt để. Rộng ra, cả xã hội tiến bộ đã và đang áp dụng để giúp cho mọi việc công bằng, minh bạch hơn. Vậy nhưng, ở Việt Nam, khi nêu vấn đề này ra thì bị ném đá không tiếc tay! (?)

Đừng “bới móc” (?)

Vừa rồi, trên TV có chương trình truyền hình thực tế “Gương mặt thân quen”. Cá nhân tôi xem từ đầu tới cuối chương trình thì thấy gương mặt đoạt giải cao nhất cũng xứng đáng. Chả có gì lăn tăn nếu không tôi không được nghe những thông tin bên lề từ một người bạn.

Mình đặt câu hỏi về việc bố Hoài Linh làm giám khảo, con Hoài Lâm làm thí sinh có xung đột lợi ích hay không trong Diễn đàn Nhà báo trẻ thì có đến 80% câu trả lời kiểu như: Hoài Lâm thắng xứng đáng, đừng có bới móc/quan tâm những chuyện không liên quan/không thực tế.

Chỉ có hai, ba người tập trung phân tích đúng trọng tâm câu hỏi, dù mình đã nhắc đi nhắc lại là mình không quan tâm ai thắng cuộc, chỉ quan tâm tới việc có xung đột lợi ích ở đây hay không thôi. Có bạn còn bảo mình là hãy đừng đặt vấn đề linh tinh, có giỏi thì hãy tìm ra giải pháp để đất nước giàu mạnh đi (…) Kinh nhất là mình đưa ra định nghĩa về xung đột lợi ích phổ biến trên thế giới thì các bạn ý bảo là chỉ lý thuyết, không có thực tế. Tranh luận mà không dựa trên định nghĩa thì không hiểu thế nào
”. (Trích từ FB của người bạn)

Vậy, mâu thuẫn lợi ích là gì? Định nghĩa và nhận diện

Thử gõ tìm cụm từ “xung đột lợi ích”, “xung đột quyền lợi”, chỉ trong nháy mắt, Google sẽ cho bạn hơn 19.000 kết quả. Nếu bạn gõ tiếng Anh “Conflict of Interest”, bạn có thêm nhiều ví dụ về COI.

Hiểu đơn giản, COI là một tình huống khi một cá nhân hoặc một tổ chức có liên quan đến một loạt các hoạt động lợi ích khác, và một lợi ích trong số đó có thể dẫn đến ảnh hưởng lợi ích kia. COI xảy ra khi một người tận dụng vị trí của mình để làm lợi cho mình, cho người thân vợ chồng con cái được lợi cá nhân về tài chính. (Bạn đọc nên tham khảo bài viết này).

Theo trang Partners.org, “xung đột lợi ích là một tập hợp các tình huống hình thành NGUY CƠ mà sự đánh giá hoặc hành động có tính chuyên nghiệp liên quan đến lợi ích sơ cấp/thứ nhất sẽ bị ảnh hưởng một cách không chính đáng bởi lợi ích thứ cấp/thứ hai”.

Ở Việt Nam, sự hiểu và nhận diện về xung đột, mâu thuẫn lợi ích hiện nay còn thấp hoặc người ta cố tình bỏ qua theo kiểu “không biết không có tội”. Không khó để chỉ ra người có chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức, v.v… đưa người thân vào các vị trí trong cơ quan (chủ nghĩa thân hữu/ nepotism), mở công ty riêng hoặc để người nhà mở công ty trong lĩnh vực mình quản lý. Người ta cũng chỉ bàn tán bên chén rượu công ty nọ là “sân sau” của cốp bự kia trong các lĩnh vực Giao thông, Xây dựng, Giáo dục, Y tế, Ngân hàng…

Nếu bạn để ý sẽ thấy những chương trình truyền hình ở Việt Nam có sự nhập nhằng và xung đột lợi ích rất nhiều. Tại một đài Truyền hình, ở tầm cao lãnh đạo mở công ty gia đình cung cấp dịch vụ sản xuất tin bài, chương trình truyền hình trên sóng, ký kết đối tác tư vấn truyền thông. “Bóng bảy” hơn, Đài nhận tài trợ sản xuất chương trình dưới những cái tên mỹ miều như “đối tác truyền thông” mà thực ra ai cũng hiểu đi kèm với nó là ngân sách quảng cáo khủng đổ vào. Những bài PR tốt về doanh nghiệp lên sóng và tin bài xấu về công ty sẽ không xuất hiện.

Ở tầm thấp hơn, một cô biên tập viên hoặc MC dẫn chương trình Tivi về sức khỏe có những phỏng vấn quảng cáo cho một hãng sữa tăng giảm cân. Có những sự việc chỉ rùm beng “lộ ra ánh sáng” khi một “phép toán chia” hay tranh chấp nào đó giữa các bên chưa ổn. Thông tin “gây sốc” về công ty truyền thông Sài Gòn Buổi Sáng là một ví dụ.

Bạn có ngạc nhiên khi biết các nhân viên đang làm ở Đại sứ quán Hoa Kỳ không được dự thi các chương trình học bổng mà Đại sứ quán đang quản lý? Điều này là để tránh “mâu thuẫn lợi ích”, nói đơn giản là “thiên vị”, “tay trong” khi anh làm ở một tổ chức, anh biết đường đi nước bước để xin/dành học bổng đó hoặc khi phỏng vấn anh đồng nghiệp có thể cảm tính ưu ái anh, từ đó can thiệp và kết quả lựa chọn.

Cần làm gì và như thế nào?

Tôi cứ day dứt về câu hỏi của bạn tôi khi thấy có quá nhiều xung đột lợi ích cá nhân và lợi ích tổ chức ở Việt Nam. “Tại sao ở Việt Nam điều này lại được chấp nhận? Có lẽ vì đa số người Việt Nam chưa nhận thức được đúng đắn thế nào là xung đột lợi ích và tại sao cần phải ngăn chặn nó”.

Cần làm rất nhiều. Đó có thể là quy định không thể để nhà tài trợ chính cuộc thi có người thân, người nhà tham gia. Hoặc một ông bố là thành viên BGK thì không thể cho người nhà, người thân tham gia là thí sinh.

Ở trường tôi từng học, một người đều được đọc và hiểu về “mâu thuẫn lợi ích”. Nếu còn “lăn tăn”, bạn hoàn toàn có thể hỏi để được tư vấn. Và khi thấy có vấn đề, bạn phải khai thông tin vào form. (Ví dụ một form ở đây) Nơi tôi công tác, các giáo viên được yêu cầu không được mở lớp tại nhà đối với học sinh cùng lứa tuổi. Không được dạy cho trung tâm đối thủ.

Rộng hơn, ngoài xã hội, nhiều công ty đã tiến hành đấu thầu công khai hoặc yêu cầu bộ phận liên quan gửi ba báo giá khi công ty khi phát sinh nhu cầu xây dựng, mua sắm. Cái người ta cần là sự giám sát loại bỏ công ty “sân sau”, báo giá từ công ty A, B mà thực chất là “quân xanh quân đỏ”.

Ngày nay, bạn có thể tìm thấy rất nhiều thông tin và ví dụ cụ thể về COI cũng như hướng dẫn xây dựng COI. Vấn đề là khi bạn đã có nhận thức, nhận biết về COI, bạn có hành động để loại trừ các trường hợp COI?

Việc cần thiết nhất bây giờ là người đứng đầu hiểu về mâu thuẫn lợi ích. Từ đó, các công ty phải xây dựng cho mình bộ quy định về tránh mâu thuẫn lợi ích giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Nếu bạn giữ một ví trí đó nào đó, bạn phải chịu trách nhiệm tuân theo, còn nếu không, mời bạn nghỉ.

Và để nhanh nhất, mỗi công ty tổ chức cần liên hệ luật sư tư vấn và đề ra cho mình một bộ quy định về COI để toàn thể nhân viên hiểu và làm đúng. COI có thể được đưa vào sách hướng dẫn Quy tắc Ứng xử hay Quy định công ty.

Không cần có chung một bộ Quy định cụ thể về COI. Mỗi công ty có cho mình một quy định cụ thể mâu thuẫn lợi ích, và cụ thể hóa theo từng trường hợp tổ chức, cơ quan công quyền, công ty, v.v… nhưng mẫu số chung và tinh thần COI thì nhất quán.

Và bạn, khi bạn nhận thức đúng đắn rồi hãy cùng bắt đầu từ việc nhỏ là loại bỏ xung đột, mâu thuẫn lợi ích. Dần dần bạn sẽ làm được việc lớn.

Khi ấy, tức là bạn đã giác ngộ.

Còn tôi, viết bài này cũng là để thêm một tiếng nói về vấn đề COI. Hơn hết, trong mọi trường hợp khi mình có chính kiến đúng, tôi mong cô bạn mình không nhụt chí.

Minh Đỗ, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn