CAN ĐẢM SỬ DỤNG NGOẠI NGỮ

Thứ năm - 10/07/2014 22:06

(NCTG) “Nếu không phải là chuyên gia ngôn ngữ thì ngôn ngữ nào với bạn cũng chỉ là công cụ. Hãy mạnh dạn sử dụng nó, sai thì sửa, miễn là hiểu được và nội dung chuyên môn tốt là ổn rồi. Đừng để nhận xét của những kẻ tủn mủn làm cản đường bạn”.


Minh họa: Internet

Nhà tôi có truyền thống “sính ngoại ngữ” nên học lung tung cả. Ông ngoại tôi rất giỏi chữ Nho, từng là dịch giả trong cuốn “Tuyển tập Thơ Đường”. Sau đó, ông cũng phải “vứt bút lông đi, giắt bút chì” (*), chuyển sang học tiếng Pháp theo thời thế. Và ông cũng biết tiếng Pháp đủ để làm việc với người Pháp, thậm chí đọc sách, làm thơ bằng tiếng Pháp. Bố mẹ tôi học tiếng Pháp từ nhỏ, lớn lên lại phải học tiếng Nga, mẹ tôi sắp về hưu còn học tiếng Anh vì tiếng Nga hết thời. Tôi hồi nhỏ tất nhiên học tiếng Nga, có năm học tiếng Pháp, tiếng Anh (học phổ thông thì cũng chả ăn thua gì), rồi học tiếng Tiệp.

Cái vụ học tiếng Tiệp cho thấy cách dạy ngoại ngữ của Việt Nam vứt đi cả. Cả một năm trời chúng tôi cắm đầu học ngữ pháp, từ vựng, không biết nghe nói, tài liệu đọc nghèo nàn và buồn chán nên dù có học mười năm cũng không bằng một năm ở nước ngoài. Cùng lớp tôi có anh bạn rất chăm chỉ, mỗi ngày học thuộc lòng một trang từ điển, ai cũng khâm phục. Nhưng khi tiếp xúc mới thấy anh nhìn thấy Tây vẫn không mở mồm ra được, ngoài sách chuyên môn ra là không hiểu gì. Hóa ra quan trọng là phản xạ chứ không phải học thuộc lòng. Chính vì vậy từ nhỏ tôi đã cho con đi hoc ở Trung tâm ngoại ngữ của nước ngoài để con có phản xạ và dám nói.

Câu chuyện học tiếng Anh của tôi khá là không trôi chảy. Như hầu hết những người cùng thế hệ, tôi khởi sự bằng học tiếng Nga, nhất là vì mẹ tôi là giáo viên Tiếng Nga nên tôi rất dễ phải lòng ngôn ngữ của Turgenhiev, Pushkin. Lần đầu tôi học tiếng Anh là với bố trước khi ra nước ngoài để có đi qua các sân bay cũng không đến nỗi lạc đường nhưng tôi lại không có cảm tình với thứ ngôn ngữ “nói một đằng viết một nẻo” ấy. Vào đại học, tôi được học tiếng Anh là ngôn ngữ thứ ba, bên cạnh tiếng Nga và tiếng Tiệp. Tiếc là cách dậy kiểu XHCN với một giáo viên không yêu nghề làm ác cảm của tôi với tiếng Anh thêm sâu nặng.

Khi về Việt Nam, trường yêu cầu tôi bổ túc tiếng Nga (là tiếng bắt buộc thời ấy) nhưng tôi lại theo anh bạn trai đương nhiệm đi học tiếng Anh ở Trung tâm. May lần đầu tiên tiếp xúc với giáo trình kiểu Phương Tây, các bài khóa là truyện trinh thám hấp dẫn, và được giáo viên dạy hay nên trở nên yêu thích tiếng Anh hơn. Kết quả là hết khóa tôi đã có bằng C tiếng Anh với một vốn từ vựng và ngữ pháp kha khá nhưng lại chia tay bạn trai. Có điều, dù sao vẫn phải cám ơn chàng, nếu không thì không biết bao giờ tôi mới có cơ hội bổ túc tiếng Anh. Tình cảm qua đi nhưng kiến thức thì còn mãi!

Sau đó tôi còn theo học khóa luyện TOEFL đầu tiên của Hà Nội, để luyện kỹ năng nghe, học qua bài hát… nhưng do tôi đã quá gắn bó với ngôn ngữ Slavic nên đọc, viết tạm được nhưng hễ mở miệng là nói tiếng Tiệp! Thế là tôi đi tìm một giáo viên tình nguyện người Mỹ có vẻ cởi mở, nhờ ông ấy hàng tuần ngồi nói chuyện với tôi theo một chủ đề nào đó khoảng một tiếng.

May gặp được ông giáo rất cởi mở, thông cảm nên không lấy tiền (vì tôi lúc ấy nghèo kiết xác), cũng không bắt bẻ gì cả mà để tôi tự nói thoải mái, chỉ hỏi lại khi không hiểu. Thầy còn khuyến khích tôi giữ nguyên cách diễn đạt tự nhiên, chỉ sửa từ hay phát âm thôi. Nghĩ lại cũng thấy tôi can đảm, chồng đi học xa mà vợ ở nhà công nhiên ra quán café ngồi “buôn” với “Tây” suốt một học kỳ (vì không dám đưa ông ấy về nhà hay về phòng ông ấy), cho đến khi thầy về nước! Nhưng chính nhờ vậy tôi đã đủ khả năng đăng ký tham gia các khóa học ngắn hạn, các hội thảo bằng tiếng Anh để nâng cao chuyên môn.

Khóa học bài bản duy nhất của tôi là bốn tháng học tiếng Anh dự bị Master cho sinh viên nước ngoài ở Anh. Giáo viên dạy của tôi đã nhận xét là tôi nói lưu loát, tư duy bằng tiếng Anh chứ không vừa nói vừa dịch, từ vựng tốt nhưng ngữ pháp chưa tốt. Tôi bảo ngữ pháp tôi sẽ cố gắng, nhưng phát âm có cần sửa không? Bà ấy bảo, cô nói không sai, không hay nhưng dễ hiểu. Các cô cậu là dân châu Á, lại học tiếng Anh muộn như cô thì không cần để ý làm gì. Ngay dân Anh cũng mỗi vùng nói mỗi khác nên không cần quá lo, quan trọng là dám nói.

Chính nhờ những lời khích lệ ấy của bà giáo và của rất nhiều bạn bè nước ngoài khác, tôi là giáo viên 6x hiếm hoi có thể tạm sống bằng tiếng Anh. Công việc đưa tôi đi qua Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á và tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra châu lục coi trọng tiếng Anh nhất lại là… châu Á. Người châu Âu lục địa hay Canada nói nhiều thứ tiếng, không chỉ tiếng Anh, tỷ lệ dân nhập cư ở Mỹ rất cao nên họ chỉ dùng tiếng Anh khi đi học, đi làm chứ về nhà lại dùng tiếng mẹ đẻ. Và có đi ra nước ngoài mới thấy, tiếng Anh đã quốc tế hóa như thế nào. Tiếng Anh của người Pháp khác của người Ý, người Đức, Singlish khác Chinglish hay Japanese English…

Theo kinh nghiệm của tôi, phát âm tiếng Anh gồm hai phần: pronunciation (phát âm) và accent (giọng). Người học bắt buộc phải tra từ điển để có pronunciation tương đối đúng (vì trọng âm và âm gió thì rất khó hoàn toàn chính xác nhưng chữ cái thì phải đọc đúng) nhưng accent thì rất khó sửa, nhất là với những người học tiếng Anh khi đã lớn tuổi hoặc xuất thân từ hệ ngôn ngữ quá khác biệt như tiếng Nhât, Hàn hay Trung Quốc. Thành ra người Anh – Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn người nước ngoài khi dùng tiếng Anh vì không quen được với những biến thể ấy.

Thời gian sống ở Hàn Quốc cho tôi thấy việc can đảm nói quan trọng thế nào. Người Hàn làm việc với người Mỹ từ lâu nên bố mẹ đầu tư rất nhiều cho con đi học tiếng Anh. Người Hàn rất chăm chỉ nên thi IELTS hay TOEFL kết quả rất cao nhưng mỗi khi bị hỏi bằng tiếng Anh, trên mặt họ thể hiện rõ một sự căng thẳng và vì thế họ nói rất kém. Hóa ra họ sợ bị đánh giá là nói không hay nên không dám nói ra, kết quả là nói ngày càng tệ. Trong khi tại các Hội thảo Quốc tế, ta sẽ thấy nhiều chuyên gia nổi tiếng nói tiếng Anh rất thường, miễn là hiểu được và có nội dung tốt thì họ vẫn được hoan nghênh.

Sau khi đã thử học sáu thứ tiếng, dù không có kết quả gì “hoành tráng” lắm nhưng tôi đã hiểu ra, nếu không phải là chuyên gia ngôn ngữ thì ngôn ngữ nào với bạn cũng chỉ là công cụ. Hãy mạnh dạn sử dụng nó, sai thì sửa, miễn là hiểu được và nội dung chuyên môn tốt là ổn rồi. Đừng để nhận xét của những kẻ tủn mủn làm cản đường bạn. Nhưng tất nhiên, nếu bạn định dạy ngoại ngữ thì đây không phải lời khuyên dành cho bạn!

(*) Thơ của Tú Xương.

Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn