PHIẾM BÀN VỀ BA CHỮ “N”

Thứ ba - 19/08/2014 23:22

(NCTG) “Một tỷ lệ không nhỏ đàn ông mang bản tính tự ti. Kể cả những người mang tiếng là có học, họ cũng thường rất ngại gắn kết với người phụ nữ quá thông minh. E sợ mình sẽ bị lép vế so với vợ, bạn gái, người tình”.


Phụ nữ miền Tây - Ảnh: Internet


Gần đây, cộng đồng mạng xôn xao, phẫn nộ, và cả phấn khích với bài viết “Gái miền Tây và 3 chữ “N” nổi danh thiên hạ” được đăng trên một tờ báo mạng, hiện đã tạm phải đình bản. Tôi không đọc bài viết đó dù nó xuất hiện khá nhiều trong news feed, cho đến khi người ta bắt đầu tranh cãi nhiều về những chuyện có liên quan.

Tranh luận trên các diễn đàn thì ôi thôi nhiều vô kể! Từ thái độ hân hoan hưởng ứng chỉ thị cấm, đến những phê bình chỉ trích việc chế tài của nhà nước là bất cập, phạt tòa báo và đình bản không thông qua quyết định của tòa án phải chăng là việc làm vô tổ chức của chính quyền.

Từ những thảo luận xem tác giả có quyền được phát ngôn đánh giá của mình ở đâu, phỉ báng người khác trên blog cá nhân có khác với phỉ báng trên báo, v.v... đến những câu hỏi rất mang tính “phản biện” kiểu tại sao yêu cầu tòa soạn phải có đạo đức khi đăng bài, mà người viết blog cá nhân lại được phép vô đạo đức và thô bỉ...

Các fan hâm mộ thủ tục hành chính thì yêu cầu phải có quy trình tố tụng đầy đủ mới được kết tội. Phe dân chủ thì chỉ trích hệ thống hành pháp của chế độ đương nhiệm là bất công. Phe bảo thủ dẫn chứng bất công ở đâu cũng có, kể cả các nước văn minh tiến bộ hơn Việt Nam về thể chế, cũng vẫn rất nhiều nhược điểm, không thể làm hài lòng mọi công dân.

Đặc biệt, rất nhiều ý kiến cương quyết, hô hào xử ngay để tránh không cho lan tràn những bài viết mang tính miệt thị được phổ biến.

Cá nhân tôi, một phụ nữ tạm coi mình là “công dân thế giới” muốn nói đến ba chữ “N” được đề cập đến trong bài viết nêu trên, những từ mà một số người có xu hướng dùng để đánh giá phụ nữ. Khái niệm này thực ra không hề mới. Cách đây độ chục năm, nhiều người hẳn biết châm ngôn chọn vợ: “Ngoan một tí, Ngon một tí, Ngu một tí”.

NGOAN. Khi nhắc đến bạn gái, vợ của một ai đó mà người ta nói: “Em đó ngoan” thì đa phần người nghe sẽ có cảm nhận là người nữ đó kém nhan sắc. Cho nên người ta chỉ có thể nhắc tới đức tính nổi bật của nàng là “ngoan”. Nếu đã “ngoan” rồi mà lại còn “ngon” nữa thì thật lý tưởng.

NGON. Có thể một nửa nữ giới sẽ có cảm giác bị xúc phạm khi nghe người ta dùng từ “ngon” để nhận xét một người phụ nữ. Nhưng hẳn một nửa còn lại sẽ luôn cảm thấy thích thú, thậm chí tự hào khi được nhận xét là “ngon”. “Ngon” không hẳn là xinh, nhưng chắc chắn là rất hấp dẫn, và phải đầy nữ tính. “Ngoan” và “ngon” rồi mà thông minh nữa thì hiếm lắm (nhưng không phải là không có, tất nhiên!).

NGU. Nghĩa chính của từ này thường được hiểu là “khó đào tạo”, khác với “ngốc” là chưa từng trải, ngây thơ, thường cả hàm nghĩa đáng yêu, và hoàn toàn có thể “đào tạo” được!

Tại sao một bộ phận đàn ông lại thích những tiêu chí NGOAN - NGON - NGU này? Có lẽ lý do là bởi một tỷ lệ không nhỏ đàn ông mang bản tính tự ti. Kể cả những người mang tiếng là có học, họ cũng thường rất ngại gắn kết với người phụ nữ quá thông minh. E sợ mình sẽ bị lép vế so với vợ, bạn gái, người tình.

Đồng thời tính gia trưởng khiến họ muốn người đàn bà của họ phải NGOAN để tuân phục họ.

Còn NGON thì ai cũng thích, chẳng anh nào từ chối.

Có câu “nồi nào úp vung nấy”. Nồi tròn úp vung tròn cùng cỡ thì mới vừa. Nồi méo thì vung méo không úp được, vung tròn càng không được.

Giá kể chữ “N” thứ ba kia là NGỐC, hoặc giả thử kể bài viết không nhắc đến cụ thể là gái vùng nào thì có lẽ cộng đồng mạng cũng không được dịp tranh luận kịch liệt đến thế. Để bài báo khuyết danh tác giả, hẳn biên tập viên cũng lường trước phản ứng của dư luận, hoặc cố tình để câu view một cách quá đà, nên mới xảy ra nông nỗi.

Hoặc giả đi xa hơn, tờ báo cố tình chê bai, miệt thị vùng miền vì mục đích riêng nào đó.

Riêng tôi, cho rằng diễn giải ba chữ “N” thật ra cũng có rất nhiều cách hiểu. Người thì thấy hay, người đánh giá là nó miệt thị phụ nữ, người cho là xúc phạm vùng miền... Các con chữ chỉ dùng để biểu đạt: có thể viết rất nhiều thứ hay ho, mà cũng có thể viết ra nhiều thứ nhạt nhẽo, hoặc rác rưởi với chúng.

Về ba chữ “N”, khi chọn bạn gái, người tình, kén vợ..., mỗi người đều tự có những tiêu chí phù hợp cho mình, mà người khác hoàn toàn có thể thấy là bất hợp lý. Và người ta - phái đẹp - vẫn có thể sống không hổ thẹn với đời, cho dù có hay không có đầy đủ ba chữ “N” kia.

Với cộng đồng dân tộc Việt vốn mang nhiều chia rẽ, nên chăng mỗi tác giả cho dù là với mục đích gì, cũng nên tránh miệt thị người của vùng miền, giới tính, dân tộc khác. Hãy xây đắp một cuộc sống tốt đẹp và một tương lai tươi sáng hơn cho mỗi bản thân chúng ta, trước khi có thể làm một việc gì đó cao xa hơn thế.

Còn nhận xét về phụ nữ, đôi khi có thể chỉ cần một chữ NGON là vừa đủ? (*)

(*) Những nhận xét trong bài chỉ là cảm nhận cá nhân.

Thu Nga, từ Warszawa (Ba Lan)


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn