JOSHUA WONG VÀ TUỔI TRẺ VIỆT NAM

Thứ tư - 01/10/2014 08:49

(NCTG) “Hình ảnh gầy gò của Joshua Wong, tay toé máu, bị cảnh sát lôi đi giữa đám đông sinh viên biểu tình trong ngày 26-9-2014, khi họ đang hát to và hô vang các khẩu hiệu về tự do dân chủ, chính là ý chí tuổi trẻ Trung Quốc tràn ngập Thiên An Môn năm 1989, cho dù bị đàn áp tắm trong bể máu, nhưng không hề bị bóp chết, mà ngược lại, đang hừng hực sống dậy”.


Joshua Wong, thủ lĩnh của giới trẻ yêu tự do, dân chủ Hồng Kông - Ảnh: Reuters


Cuối tuần vừa rồi tôi bật TV xem chương trình World News. Hình ảnh Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) tràn ngập các kênh TV. Lật các trang báo, đâu đâu cũng lại thấy Joshua Wong. Internet, các trang mạng xã hội như FB, Youtube, cũng không thiếu hình ảnh cậu bé tuổi teen gày gò đeo kính cận.

Joshua Wong là ai?

Năm 2011, Joshua Wong, khi ấy mới mười bốn tuổi, phản ứng với chương trình giáo dục nhồi sọ, tuyên truyền một chiều trong các trường công lập ở Hồng Kông, cùng với một nhóm bạn học, em bắt đầu thành lập nhóm phản kháng.

Tháng 9-2012, Joshua Wong được biết đến như thủ lĩnh của phong trào sinh viên mang tên Scholarism, khi em và các bạn tụ họp được 120.000 người biểu tình, chiếm trụ sở chính quyền Hồng Kông, buộc các nhà lãnh đạo phải rút lại chương trình giáo dục nhuốm màu tuyên truyền cho chính quyền Bắc Kinh.

Những giờ học đạo đức này chả có gì lạ tại học đường Trung Quốc đại lục, nhưng đối với giới học sinh ở Hồng Kông như Joshua Wong, vốn được hưởng những quyền tự do dân chủ như tư pháp độc lập, tự do báo chí, quyền biểu tình…, thì những giờ học nhồi sọ đó là không thể chấp nhận được.

Sau những thành công ban đầu trong giáo dục, Joshua Wong và Scholarism đã hiểu được sức mạnh của phong trào sinh viên học sinh và quyết định bước vào tranh đấu cho dân chủ.

Thông điệp của những cuộc biểu tình gần đây ở Hồng Kông, trong hai tháng 9 và 10-2014 này, là phản đối bầu cử dân chủ giả hiệu, phản đối luật bầu cử (trong đó những ứng viên cho các chức vụ cao cấp tại Hồng Kông được chọn lựa bởi Bắc Kinh để phục vụ cho lợi ích Đảng Cộng sản), đòi hỏi Hồng Kông có toàn quyền về bầu cử và quyền chọn lựa ứng viên độc lập với Bắc Kinh.

Các cuộc bãi khóa của sinh viên học sinh, đồng loạt xuống đường biểu tình được sự ủng hộ của Ban Giám hiệu các trường đại học. Giáo viên và công đoàn lớn nhất của Hồng Kông ra kiến nghị tuyên bố: “Không bỏ rơi các em học sinh sinh viên”.


“Đây là trách nhiệm của chính thế hệ chúng tôi” - Phong trào bất tuân dân sự của sinh viên, học sinh Hồng Kông

Những gì tôi thấy qua hình ảnh gầy gò của cậu học sinh mang tên Joshua Wong, tay toé máu, bị cảnh sát lôi đi giữa đám đông sinh viên biểu tình trong ngày 26-9-2014, khi họ đang hát to và hô vang các khẩu hiệu về tự do dân chủ, chính là ý chí tuổi trẻ Trung Quốc tràn ngập Thiên An Môn năm 1989, cho dù bị đàn áp tắm trong bể máu, nhưng không hề bị bóp chết, mà ngược lại, đang hừng hực sống dậy.

Và chắc hẳn Bắc Kinh đang vô cùng run sợ. Khát vọng Thiên An Môn về tự do dân chủ đang được nối dài bởi Joshua và Scholarism.

Bao giờ mới có Joshua Wong ở Việt Nam?

Rất nhiều bài bình luận trên mạng xã hội đặt câu hỏi liệu Việt Nam có Joshua Wong không và đến bao giờ học sinh sinh viên Việt Nam mới dám đồng loạt xuống đường tranh đấu cho dân chủ, công bằng và văn minh.

Theo tôi, có lẽ đấy là khi học sinh sinh viên biết phản ứng, không chấp nhận những bài dạy đạo đức tuyên truyền một chiều ở trường học, cùng thống nhất đấu tranh đòi cải cách giáo dục cho phù hợp với thời đại. Và khi, những sinh viên như Phương Uyên, Nguyên Kha xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm bờ biển Việt Nam, thì Ban Giám hiệu và tập thể giáo viên, học sinh sinh viên, không hèn nhát, mà cùng đồng lòng ủng hộ, không bỏ rơi họ.

Con đường đấu tranh cho dân chủ của tuổi trẻ Hồng Kông có thể là một tấm gương, là sự khích lệ cho tuổi trẻ đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. Nhưng cá nhân tôi lại hết lòng khâm phục, ngưỡng mộ các bạn trẻ dấn thân cho dân chủ ở Việt Nam và đặc biệt cảm thông với họ. Họ phải đấu tranh trong những điều kiện khó khăn gấp trăm nghìn lần so với Joshua Wong.

Họ phải đấu tranh gần như không có sự ủng hộ, hoặc rất ít sự ủng hộ của thế hệ bố mẹ, một thế hệ lớn hơn về tuổi tác, nhưng già cỗi hoặc chẳng còn minh mẫn về tinh thần sau những năm tháng dài sống mòn dưới chế độ XHCN. Những năm hòa bình dưới chế độ XHCN, những gì người ta được hưởng có lẽ không hơn ngoài sự đói kém dưới thời bao cấp.

Khi thời bao cấp cùng cực ấy qua đi, tưởng xã hội sẽ tốt đẹp lên, thì ngược lại, nhiều giá trị nhân văn của xã hội bị đáng đổi lấy một cuộc sống vật chất tuy có khá hơn, nhưng kèm theo là những bức xúc về tinh thần khi đồng tiền lên ngôi, và tham nhũng nghiễm nhiên được chấp nhận như một phần tất yếu.

Thế hệ già hơn ấy đánh mất niềm tin vào chế độ XHCN họ hằng mong đợi, số đông bức xúc chán ghét nhưng không dám đối chọi với nó, mà lờ vờ sống qua ngày. Thử hỏi họ có có kiến thức và khát khao gì về một nền dân chủ để truyền lại cho thế hệ sau?

Ngoài ra, đàn áp dã man bằng vũ lực rất khó có khả năng xảy ra ở Hồng Kông nhưng ở Việt Nam thì đàn áp, tra tấn về tinh thần và thể xác, tù giam từ vài tháng đến vài năm, thậm chí không có án, hay “án bỏ túi” là chuyện cơm bữa.

Hơn thế nữa, con đường đấu tranh dân chủ ở Việt Nam là hoàn toàn mới mẻ, không có hình mẫu. Khác hẳn với Hồng Kông, một chế độ dân chủ được thấm nhuần từ chín mươi chín năm dài là thuộc địa của Anh Quốc và biểu tình bất bạo động phản đối chính phủ được luật pháp cho phép,

Thế nên, Việt Nam còn phải tiến những bước dài thần kỳ thì may ra mới có thể đuổi kịp Hồng Kông của ngày hôm nay. Để rồi đến một lúc nào đó, tuổi trẻ Việt Nam có thể ngẩng cao đầu, dũng cảm tuyên bố: “Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho đời sau. Đây là trách nhiệm của chính thế hệ chúng tôi”.

Vì chỉ có tuổi trẻ mới đủ lãng mạn để mơ ước một ngày mai tươi sáng cho Việt Nam, đủ nhiệt huyết, nghĩa khí và sức mạnh để thách thức hiện trạng xã hội.

Vẫn mong ngày mai đó đến thật gần!

Phương Lan, từ Sydney (Úc)


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn