LÀM NGHỀ TỬ TẾ, HAY LÀ CÂU CHUYỆN ĐI ĐẾN CÙNG SỰ THẬT CỦA BÁO CHÍ

Chủ nhật - 23/11/2014 12:43

(NCTG) “Bài học cho CĐ24H và rộng ra là cho báo chí là khi anh đã dùng tiểu xảo, mánh khoé để phanh phui cái xấu thì anh cũng không tốt đẹp hơn. Kết quả, khi đó, không biện minh cho phương tiện/hành động và việc phản ứng của khán giả là điều hiển nhiên”.


Chương trình mới gây nhiều phản ứng trái chiều - Ảnh chụp màn hình


Ồn ào trong suốt tuần qua trên truyền thông Việt Nam không phải là việc ông bộ trưởng nọ bà bộ trưởng kia được nhiều phiếu “ít tín nhiệm” mà lại là câu chuyện ngôi sao bóng đá trẻ, thủ quân đội tuyển U19 Việt Nam - Công Phượng - bị nghi vấn có hai năm sinh khác nhau (1993, 1995). (Tiện thể “khá khen” cho ai nghĩ ra cách “chơi” với từ ngữ khi dùng cụm từ “ít tín nhiệm” thay vì chính ra phải gọi cho đúng là “không tín nhiệm). Quá nhiều báo viết bài, và với Chuyển Động 24H (CĐ24H) - một chương trình mới tinh của Kênh Tin tức VTV24 đang thèm khát lượng người xem (rating) thì đây là một “cơ hội vàng” khiến họ không bỏ qua. CĐ24H tiến hành điều tra.

Trước tiên, cần hiểu việc báo chí tiến hành điều tra khi phát hiện bất cứ vấn đề khuất tất nào là điều hiển nhiên vì vai trò của báo chí là đi tìm sự thật, soi rọi vào bất kỳ góc khuất góc tối nào để đưa ra ánh sáng, góp phần vào sự minh bạch trong xã hội. Trong điều tra, các phóng viên sẽ luôn muốn “phá bỏ”mọi biên giới ngăn cản hoặc các giới hạn khi họ tác nghiệp cũng như đăng phát bài vì họ thực hiện Tự do báo chí. Những ý kiến như báo chí “phải biết chọn lựa cái sự thật nào để đăng”, rằng “rất nhiều điều là “đúng”, nhưng lại hoàn toàn không “đáng” nói ra” sẽ khó thuyết phục vì nó liên quan đến câu chuyện tự kiểm duyệt (self-censorship). Làm như vậy, báo chí nói chung và báo chí điều tra nói riêng đã tự làm mất đi tự do báo chí. Trong lúc đòi hỏi tự do báo chí, bỏ mọi kiểm duyệt mà anh lại rơi vào bẫy “tự kiểm duyệt”.

Nhưng cái ồn ã ở đây không phải là từ “kết quả điều tra” của CĐ24H tìm ra (vì sau vài số phát sóng với kha khá thời lượng, người xem vẫn không có câu trả lời cầu thủ này sinh năm 95 như khai sinh hay 93 như cáo buộc?) mà là cái cách chương trình này cho phóng viên tiến hành phóng sự điều tra, cách Biên tập viên (BTV) dàn dựng kịch bản và mục đích đằng sau của việc “đi tìm sự thật”. Không thể không đặt ra câu hỏi “mục đích, kết quả có biện minh được cho hành vi/phương tiện” hay không.

Bài viết cố gắng phân tích các khía cạnh liên quan tới các bên, đặc biệt là tác nghiệp báo chí từ câu chuyện này.

“Người của công chúng” và Quyền riêng tư

Môt người được công chúng biết đến nhiều nhờ tài năng hoặc một nguyên do nào đó sẽ được nhiều thứ. Người đó có danh tiếng, được hâm mộ, có tiếng nói và ảnh hưởng hơn. Họ được ưu ái hơn trong khá nhiều trường hợp, kể cả tiếp cận truyền thong (media access) để quảng bá. Nhiều hợp đồng quảng cáo, tài trợ tìm tới họ vì muốn “mua” hình ảnh đại diện, sự nổi tiếng của họ để đến với khách hàng. Trên thực tế, có rất nhiều người “bán” cả sự riêng tư của mình hầu mong sự nổi tiếng/tai tiếng và từ đó kiếm sống trên những thứ đó. Có những trường hợp nổi tiếng thực sự bằng tài năng và năng lực (trường hợp cầu thủ Công Phượng) chưa kịp, CHƯA chứ không phải là SẼ KHÔNG, kiếm được lợi từ sự nổi tiếng của mình.

Người nổi tiếng cũng sẽ mất nhiều! Vì người hâm mộ và xã hội đã “cho” họ nhiều thứ nên đòi hỏi cũng cao. Đó là sự quân tâm - đôi khi thái quá của dư luận, của người hâm mộ, là kỳ vọng đặt lên họ cao hơn. Họ phải có ứng xử đẹp hơn, phải điều chỉnh hành vi và phát ngôn mực thước, và cẩn trọng hơn người bình thường, không có danh trong xã hội. Những cái “được” về Tài chính ở trên sẽ đi kèm khá nhiều rắc rối mà họ phải chịu cũng như mất đi nhiều thứ, đặc biệt là Quyền riêng tư được-bảo-vệ giảm. Công chúng càng thần tượng bao nhiêu thì kèm theo đó mỗi việc có liên quan đến họ bị “soi” trên mấy lớp kính bấy nhiêu. Đặc biệt nếu người đó có vấp phải lỗi lầm gì hoặc scandal nào, anh ta ngay lập tức trở thành miếng mồi béo bở của truyền thông. Đơn giản vì “có cầu ắt có cung!”.

Báo chí điều tra, tìm kiếm sự thật trong câu chuyện Công Phượng

Với trường hợp cầu thủ Công Phượng, việc CĐ24H ào vào cuộc kiếm tìm, điều tra thông tin với “sứ mạng đi tìm sự thật” để minh bạch và trả lại sự trong sạch cho thể thao có thể được biện minh (justified). “Thể thao là cao thượng, trung thực cái này là rõ ràng. Đi ngược là sai, là không đúng nên VTV phát hiện cái sai, cái ko trung thực thì không những có quyền mà có trách nhiệm phải lên tiếng dù đó là ai”. Lý luận của một khán giả xem CĐ24H này không sai là vì tuổi tác của cầu thủ có liên quan đến yếu tố thể chất, tâm lý và tinh thần thi đấu ở các giải theo lứa tuổi U và sự công bằng cho các cầu thủ khác trong lứa tuổi thi đấu. (Xin nhấn mạnh là thi đấu theo lứa tuổi thì phải tôn trọng luật chơi quy định liên quan đến lứa tuổi).

Giá như nếu cứ giữ thái độ thật điềm tĩnh và làm tới nơi thì CĐ24H đã ghi điểm. Người xem chẳng phản đối. Cái mà người ta đang phản đối là cái cách mà CĐ24H chọn khi đi tìm kiếm thông tin và cách công bố cái-gọi-là “sự thật”. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra là: nguồn tin trong điều tra, đối tượng phỏng vấn được trích trong phóng sự của CĐ24H đáng tin đến mức nào? Họ có đủ thông tin, thẩm quyền phát ngôn không? Việc ghi hình phỏng vấn diễn ra thì người đó có biết không và có biết là họ sẽ phải chịu trách nhiệm với lời mình nói không hay chỉ là một cuộc tán gẫu?

(Sẽ đáng tin hơn nếu trong phóng sự, phóng viên xin số điện thoại người bạn học của Công Phượng để gọi hỏi, chứ không thể chỉ hỏi người người làng chung chung sẽ tạo cảm giác bạn đang quá dễ dãi trong “điều tra”. Đó là chưa kể một câu nói lọt vào phóng sự thì người thanh niên trong phỏng vấn còn không rõ 93 hay 94. Và trong những “sự thật” CĐ24H tìm ra, họ có (vô tình hay cố ý) bỏ quên “thực tế” nào không?)

Giá CĐ24H bình tĩnh để đặt tìm hiểu vấn đề như gợi ý của một chuyên gia truyền thông: “Sai sót đó (1993, 1995) là vô tình hay cố ý? Nếu thời điểm sửa hồ sơ (nếu có) là lúc cậu ấy còn quá bé, thì không thể có bất cứ động cơ gian trá nào trong việc này, mà chỉ có thể quy cho sự thiếu chuyên nghiệp của cơ quan chức năng hoặc sự bất cẩn của người liên quan”.

Hơn hết, khi nhân danh “chúng tôi là nhà báo đi tìm sự thật”, CĐ24H không được quên điều căn bản của báo chí là phải tránh thiên kiến (unbiased) trong việc tìm kiếm và công bố thông tin. CĐ24H phải đưa đa nguồn và mỗi bên đều có tiếng nói. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để tìm ra thực hư năm sinh và tài liệu nào gốc (authentic) hơn cái nào.

Báo chí và đạo đức nghề nghiệp

Có một bạn nhà báo lên tiếng rằng trong câu chuyện ồn ào này chúng ta đừng nên trách VTV và đừng “nuông chiều” Công Phượng. Sau đó bạn có đăng kèm câu trích dẫn: “Big or small, lies are lies” để chỉ ra rằng Công Phượng có gian dối thì dù nhỏ dù to cũng là gian dối.

Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng chúng ta gồm cả xã hội, người hâm mộ lên tiếng bảo vệ, bỏ qua lỗi lầm của em (mà thực ra theo kết luận ban đầu của Cơ quan tư pháp em chưa làm sai) là nuông chiều Công Phượng. Với Công Phượng, nếu những thực tế khuất tất trong giấy tờ được minh bạch là có thì em sẽ chịu sự phán xét của dư luận, những án kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá hoặc của tổ chức nơi em đang lao động. Người hâm mộ em có quay lưng với em hay không thì cũng còn tùy vào cách em ứng xử sau đó.
 

Dù là người hùng trên sân cỏ, Công Phượng cũng có thể dễ dàng trở thành miếng mồi béo bổ của truyền thông

Còn với CĐ24H, xét về đạo đức nghề nghiệp trong loạt phóng sự này thì có quá nhiều sạn. Cũng với câu trích dẫn trên, hiểu nghĩa bóng thì có nghĩa là “khi bạn làm sai, đừng bắt chúng tôi nghĩ tốt về bạn”. Qua cách công bố sự thật, CĐ24H sa đà vào ăn thua, kẻ cả với một sự dàn dựng kịch bản nút thắt, nút mở đẩy kịch tính câu chuyện lên mức không cần thiết. Họ đã nhầm lẫn cơ bản bản chất các thể loại trong tác nghiệp báo chí.

Một người có nhiều năm kinh nghiệm làm báo và quan sát báo chí chia sẻ: “Báo chí Việt Nam nói chung, một số chương trình truyền hình nói riêng sẽ tránh được rắc rối nếu như họ phân biệt rõ ràng giữa đưa tin/tường thuật với bình luận”. Người này nói thêm rằng truyền hình có ưu thế hơn báo giấy ở yếu tố mặt hình ảnh, âm thanh nền và giọng đọc nên “khán giả dễ nhận biết và bị tác động về cảm xúc khi xem truyền hình”. Do vậy, truyền hình càng phải chú ý. “Nói tóm lại, đưa tin là đưa tin, bình luận là bình luận, không nên có sự chồng lấn giữa hai việc này. Nếu là đưa tin, nhà báo chỉ đưa ra thông tin và đứng trung lập”. CĐ24H không cho thấy họ hiểu rõ điều này, hoặc hiểu mà bất chấp, lạm dụng.

Trong chương trình về cầu thủ Công Phượng, khán giả nhận thấy BTV đã giữ thái độ hiếu thắng, thô bạo ngắt đứt tranh luận với người đối thoại khi bị chất vấn. Ở một chương trình truyền hình phỏng vấn trực tiếp diễn biến bất ngờ thì đạo diễn hình ảnh bên ngoài không thể có ngay hình để trám đúng như những gì đang nói trong trường quay. BTV không thể có ngay câu trả lời trên giấy để lúc bị cật vấn thì nhìn vào đó để đọc trả lời. Tất cả đã có kịch bản phục vụ cho một mục đích khác của họ. Họ “thả câu” cho bạn xem rồi xem bạn cắn câu, rồi lại thả câu. Và ở đây Công Phượng là “mồi câu” hoàn hảo.

CĐ24H vào cuộc với mong muốn tìm ra sự thật nhưng một thực tế khác cho thấy họ muốn đánh bóng gây tiếng cho chương trình mới. Công chúng cũng muốn biết sự thật, không ủng hộ việc gian dối nhưng chắc hẳn mong chờ một cách giải quyết thấu đáo hơn. Khán giả còn mong đợi chương trình phát triển chất liệu này và triển khai ở góc nhìn khác rộng hơn mang tầm quốc gia. Nhưng không! Nội dung câu chuyện không phát triển dù Đài Truyền hình Quốc gia có sẵn rất nhiều nhân lực, vật lực (resources) trong tay. CĐ24H lại tạo cho người xem cảm giác các bạn đang sa đà vào ăn thua “tôi đúng - bạn sai”, dễ dãi và thiên kiến.

Như đã nói ở trên, thực tế thì việc theo đuổi sự việc không khó, không bị ngăn trở điều tra xét về đối tượng mà các bạn điều tra. Cậu cầu thủ còn trẻ và non. Gia đình cậu ta là nông dân ở quê nghèo, vốn khó mà có vai vế chống đỡ. Tiếp nữa, nhà báo chuyên nghiệp sẽ tìm hiểu các góc khác của câu chuyện, phát triển cao hơn như: Tại sao người nào đó muốn làm lại giấy khai sinh. Người ký giấy khai sinh có phải chịu trách nhiệm như thế nào nếu ký gian? Làm thế nào mà tư pháp dễ dàng bị lọt, bị qua mắt như thế? Hay nguyên nhân và cơ chế nào tạo ra hiện tượng gian lận tuổi trong thể thao? v.v…

Nói thế để thấy, các góc nhìn các bạn ấy cần phát triển câu chuyện vẫn còn nhiều nếu là thực sự muốn đi tiếp tìm sự thật và phục vụ mục đích cao đẹp của báo chí.

Bài học cho CĐ24H và rộng ra là cho báo chí là khi anh đã dùng tiểu xảo, mánh khoé để phanh phui cái xấu thì anh cũng không tốt đẹp hơn. Kết quả, khi đó, không biện minh cho phương tiện/hành động và việc phản ứng của khán giả là điều hiển nhiên.

CĐ24H có một chương trình khá hay là “Việc tử tế”. Trước khi kêu gọi mọi người làm việc tử tế, chắc bản thân cũng nên xem lại mình đã Tử tế trong công việc hay chưa. Khi đó, chắc chắn khán giả sẽ không ai là không đứng về phía các bạn mà sẽ luôn đồng hành cùng các bạn trên mọi bước đường đi tìm sự thật.

Bây giờ, khép lại sau tất cả những ồn ào đó, Đúng - Sai không còn là sự quan tâm chính mà là hành động và thái độ ứng xử tiếp theo thế nào sau sự kiện CĐ24H v.s Công Phượng.

Minh Đỗ, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn